12 nguyên tắc lãnh đạo vàng cho cấp quản lý thời nay

Một quan niệm sai lầm phổ biến là “Năng lực lãnh đạo do bẩm sinh mà có” (Leaders are born). Thực tế đã chứng minh đây là một kỹ năng có thể học hỏi và tôi luyện thông qua thực hành và thói quen. Đối với những ai đang mong muốn theo đuổi các vị trí quản lý, 12 nguyên tắc lãnh đạo dưới đây sẽ là “hành trang” quý giá cho bạn trên hành trình của mình.

Nội dung

Thế nào là kỹ năng lãnh đạo?

Theo John C. Maxwell, cốt lõi của năng lực lãnh đạo là khả năng tạo ảnh hưởng (influence) – không hơn không kém. Nhà lãnh đạo xuất chúng biết cách tác động đến người khác – khiến họ mong muốn hợp tác và cống hiện một cách tự nguyện, không phải vì ép buộc.

Năng lực ảnh hưởng là yêu cầu tiên quyết để mang lại thành công cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Khi tương tác với người khác, bạn sẽ nhận thấy bản thân cần phải tác động và thuyết phục họ “mua” ý tưởng, sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Trong các tổ chức hiện đại – nơi cấu trúc ngày càng ít phân cấp hơn, quá trình làm việc với đồng nghiệp và cấp trên hướng tới mục tiêu chung sẽ đòi hỏi bạn phải có kỹ năng thuyết phục và truyền cảm hứng để tất cả cùng cam kết thực hiện những mục tiêu kể trên.

Khả năng gây ảnh hưởng tích cực là phẩm chất cần thiết của những cá nhân thành công. Các nhà lãnh đạo và quản lý biết cách tạo ảnh hưởng sẽ góp phần đáng kể trong việc cải thiện mối quan hệ nơi làm việc – từ đó nâng cao năng suất chung.

nguyên tắc lãnh đạo

Đọc thêm: 10 phẩm chất quan trọng nhất của nhà lãnh đạo

Tổng hợp 12 nguyên tắc lãnh đạo xuất chúng

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phẩm chất của người lãnh đạo bao gồm 12 nguyên tắc sau:

  1. Có tinh thần hợp tác (Collaboration).
  2. Hiểu rõ về bản thân (Clarity).
  3. Tự kiểm soát (Self-Control).
  4. Phẩm chất đạo đức (Character).
  5. Không ngừng học hỏi (Competence).
  6. Tinh thần cạnh tranh (Competitiveness).
  7. Sáng tạo (Creativity).
  8. Dám nghĩ dám làm (Courage).
  9. Quan tâm đến mọi người (Caring about people).
  10. Khả năng quản trị thay đổi (Change management).
  11. Kỷ luật tập trung (Concentration).
  12. Sự tận tụy (Commitment).

1. Có tinh thần hợp tác (Collaboration)

Một nhà lãnh đạo xuất chúng luôn nỗ lực gắn kết mọi cá nhân trong nhóm cùng hợp tác và thống nhất về tầm nhìn, giá trị và mục tiêu chung. Họ là người góp phần xây dựng một nền văn hóa hợp tác tích cực và thân thiện. Cùng với việc tuyển dụng và giữ chân những nhân viên tài năng nhất, họ đồng thời cũng chịu trách nhiệm nuôi dưỡng tinh thần lãnh đạo hợp tác (participative leadership), gắn kết nhân viên (employee engagement) và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược.

2. Hiểu rõ về bản thân (Clarity)

Thiếu hiểu biết về bản thân đồng nghĩa với việc bạn sẽ dễ dàng sống theo những mong muốn và kỳ vọng của người khác. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới thất bại trong công việc cũng như cuộc sống. Những nhà lãnh đạo xuất chúng luôn dành thời gian để xác định rõ hệ thống giá trị, tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích, chiến lược, ưu tiên, thế mạnh và niềm đam mê của họ trong mọi lĩnh vực. Trong giao tiếp, họ biết cách thể hiện bản thân một cách rõ ràng và hiệu quả với tất cả mọi đối tượng.

3. Tự kiểm soát (Self-Control)

Là cấp lãnh đạo, bạn cần luôn hết mình rèn luyện và thực hành khả năng tự làm chủ cao trong hành động và tương tác với mọi người. Dù điều gì xảy ra, người lãnh đạo cần giữ vững tinh thần tư duy tích cực, sẵn sàng chịu trách nhiệm và hy sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung.

Nguyên tắc lãnh đạo là bạn phải luôn tự nguyện trong mọi hành vi, tư tưởng và lời nói của mình. Mỗi khi đưa ra quyết định quan trọng nào, bạn phải hoàn toàn tin tưởng vào sự lựa chọn đó – không phải vì bị ai đó ép buộc hay gây áp lực.

Đọc thêm: 7 bí quyết quản lý áp lực khi làm lãnh đạo

Nguyên tắc lãnh đạo xuất chúng

4. Phẩm chất đạo đức (Character)

Nguyên tắc lãnh đạo là bạn phải luôn thể hiện tính trung thực và liêm chính trong mọi việc mình làm. Khi cần đưa ra lời hứa, hãy suy nghĩ một cách cẩn thận – và khi đã hứa, điều quan trọng là bạn phải làm mọi cách có thể để giữ cam kết đó. Những người quản lý chân chính luôn say mê với việc tạo dựng niềm tin nơi người khác – với ý thức cao về tầm quan trọng của phẩm chất đạo đức và lòng khiêm tốn.

5. Không ngừng học hỏi (Competence)

Các nhà lãnh đạo xuất chúng không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng cá nhân thông qua việc liên tục đọc, nghe, tìm hiểu và học hỏi khi có thể. Họ làm việc chăm chỉ để trở nên thực sự “lão luyện” trong những việc họ làm – cũng như sẵn sàng tìm kiểm cơ hội để cải tiến phương pháp làm việc. Tinh thần học hỏi và phát triển không ngừng đó được họ chia sẻ và lan tỏa đến cả những nhân viên cấp dưới của họ.

6. Tinh thần cạnh tranh (Competitiveness)

Khác với người bình thường, lãnh đạo là những người có tính cạnh tranh cao và luôn quyết tâm đạt đến thành công cao nhất. Họ hiện thực hóa mục tiêu này thông qua nỗ lực tiếp thị và bán những sản phẩm – dịch vụ tốt hơn trên tất cả mọi kênh của thị trường. Họ luôn tâm niệm lấy khách hàng làm trung tâm và lên chiến lược nhạy bén trong việc xây dựng và duy trì lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.

Nguyên tắc lãnh đạo xuất chúng

7. Sáng tạo (Creativity)

Các nhà lãnh đạo xuất chúng dành phần lớn thời gian để tìm giải pháp mới cho các vấn đề hiện tại. Hơn bất cứ điều gì khác, năng lực đối phó với khó khăn thử thách sẽ đóng vai trò quyết định con đường sự nghiệp của bạn. Những người có năng lực sáng tạo kém sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vươn lên vị trí quản lý – so với những ai sở hữu kỹ năng tư duy sáng tạo mạnh mẽ.

8. Dám nghĩ dám làm (Courage)

Trong số hàng trăm phẩm chất lãnh đạo được thống kê, tầm nhìn xa (vision) và quả cảm (courage) là hai trong số những phẩm chất thường thấy nhất. Các nhà lãnh đạo thể hiện lòng dũng cảm bằng tinh thần quyết đoán, chấp nhận nghịch cảnh, sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn. Khi cần thiết, họ sẽ không ngần ngại đưa ra ra quyết định khó khăn và chấp nhận rủi ro thất bại.

nguyên tắc lãnh đạo

Đọc thêm: Tư duy cầu tiến – Khởi đầu của thành công

9. Quan tâm đến mọi người (Caring about people)

Nguyên tắc lãnh đạo là luôn ý thức rằng con người chính là tài sản quý giá nhất của tổ chức – do đó, thái độ tử tế, lịch sự và quan tâm tới mọi người là cần thiết để phát huy những điều tốt nhất nơi đội ngũ nhân viên dưới quyền. Họ là những nhà lãnh đạo đầy tớ – với khả năng chạm đến trái tim thông qua sự quan tâm, chân thành và hết lòng hướng dẫn nhằm gia tăng giá trị của người khác.

10. Khả năng quản trị thay đổi (Change management)

Cấp lãnh đạo quản lý luôn được kỳ vọng sẽ xử lý những thách thức của sự thay đổi một cách khéo léo hơn so với những người khác. Trong thế giới VUCA hiện tại, thay đổi là điều tất yếu và thường không thể dự đoán trước được. Bạn càng mạnh mẽ và đối phó tốt với những thay đổi trong công việc kinh doanh và cuộc sống cá nhân bao nhiêu, năng lực đóng góp – cũng như giá trị của bạn đối với doanh nghiệp sẽ càng lớn bấy nhiêu.

Nguyên tắc lãnh đạo xuất chúng

11. Kỷ luật tập trung (Concentration)

Một nguyên tắc lãnh đạo không kém phần quan trọng là biết cách quản lý tốt thời gian. Những nhà lãnh đạo xuất chúng biết đặt ra các ưu tiên rõ ràng trong việc sử dụng thời gian và nguồn lực, cũng như tập trung toàn tâm vào một công việc tại một thời điểm duy nhất. Họ sử dụng sức mạnh của sự tập trung để làm đúng việc vào đúng thời điểm – đồng thời tận dụng thế mạnh cá nhân để đạt được thành công bền vững.

12. Sự tận tụy (Commitment)

Là cấp lãnh đạo, bạn cần thể hiện tinh thần cam kết đạt được các mục tiêu, thắng lợi và thành công của doanh nghiệp hoặc bộ phận thuộc quyền quản lý của mình. Tinh thần trách nhiệm cao và quyết tâm đạt được kết quả là một trong những nguyên tắc lãnh đạo quan trọng để thực sự phát huy toàn vện năng lực cá nhân và đội nhóm.

12 nguyên tắc lãnh đạo xuất chúng

12 nguyên tắc lãnh đạo vàng cho cấp quản lý thời nay

Đọc thêm: 8 phong cách lãnh đạo phổ biến nhất hiện nay: Bạn thuộc tuýp lãnh đạo nào?

Kết luận

Đối với các cấp quản lý doanh nghiệp, việc thực hành 12 nguyên tắc lãnh đạo kể trên đây sẽ giúp họ thay đổi hành vi, thói quen và tư duy – từ đó nâng cao hiệu quả quản lý con người và tổ chức hơn. Một lời khuyên dành cho bạn là không nên cố gắng thay đổi ngay lập tức. Thay vào đó, hãy tập luyện thực hành từng nguyên tắc một cho đến khi thành một thói quen trước khi chuyển sang các mục tiếp theo. Tuy sẽ tốn khá nhiều thời gian, chắc chắn bạn sẽ thấy “bất ngờ” trước những cải thiện đáng kể trong công việc và quan hệ cuộc sống của bạn.

Biên soạn từ ấn phẩm “12 Disciplines of Leadership Excellence” của TS. Peter Chee & Brian Tracy

Tham khảo

12 disciplines of Leadership Excellence. https://www.linkedin.com/pulse/12-disciplines-leadership-excellence-itd-world-vietnam/. Truy cập ngày 29/12/2020.

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác …

Đừng quên dành thời gian xem qua chương trình đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!

Tại ITD World, chúng tôi tin rằng lãnh đạo là một năng lực có thể học hỏi và tôi luyện. Chúng tôi cũng tin rằng cốt lõi của lãnh đạo là khả năng tạo ảnh hưởng – thông qua các hành vi và thói quen được phát triển trong các chương trình đào tạo của chúng tôi, bạn sẽ có thể gia tăng đáng kể tác động và hiệu quả lãnh đạo của bản thân.

Bạn đã sẵn sàng cho bước tiếp theo?

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.