Các nguồn tuyển dụng

Tuyển dụng là quy trình diễn ra khi doanh nghiệp cần thay thế một nhân viên cũ đã nghỉ việc/ không thể tiếp tục công việc. Thông thường, khi được thông báo về vị trí cần tuyển, bộ phận Nhân sự sẽ sử dụng nhiều kênh khác nhau để thông tin và tiếp cận với ứng viên tiềm năng. Cùng với sự phát triển của xã hội và khoa học – công nghệ, các nguồn tuyển dụng cũng trở nên ngày một phong phú hơn – từ giới thiệu nội bộ, mạng xã hội cho đến biển quảng cáo ngoài đường.

Nội dung

Tổng quan các nguồn tuyển dụng hiện nay của doanh nghiệp

Quy trình các bước tuyển dụng nguồn nhân lực bắt đầu từ chuẩn bị, thông báo, thu nhận, lọc hồ sơ, sắp lịch phỏng vấn, sau đó là thử việc (thường từ 1-2 tháng) trước khi quyết định tuyển chính thức. Sau khi xây dựng xong bản mô tả công việc, bộ phận Nhân sự sẽ bắt đầu giai đoạn tìm kiếm ứng viên trên các phương tiện truyền thông.

Tuy có nhiều kênh khác nhau, các nguồn tuyển dụng nhân sự có thể được phân thành hai loại chính sau đây:

Nguồn tuyển dụng bên trong

Doanh nghiệp có thể tìm thấy những ứng viên tài năng nhất ngay từ trong nội bộ đội ngũ nhân viên hiện tại. Những nguồn tuyển dụng nhân sự trong doanh nghiệp phổ biến có thể kể đến như:

  • Chuyển giao: Trong trường hợp này, doanh nghiệp thuyên chuyển một nhân viên từ công việc hiện tại sang vị trí tương tự đang thiếu người.
  • Tiến cử: Doanh nghiệp có thể lựa chọn tiến cử một nhân viên giỏi lên vị trí cao hơn, trách nhiệm hơn với mức lương tốt hơn.
  • Giới thiệu: Thay vì mất thời gian tìm ứng viên, doanh nghiệp có thể nhờ nhân viên giới thiệu người quen/ bạn bè vào vị trí đang tuyển dụng. Dựa trên quan hệ cá nhân, nhân viên của bạn sẽ giới thiệu người quen có đủ năng lực phù hợp với công việc.
  • Nhân viên cũ: Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể cân nhắc liên hệ lại với nhân viên cũ từng đạt được thành tích tốt trong thời gian làm việc tại công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đề nghị nhân viên sắp nghỉ kéo dài thời gian phục vụ cho công ty hơn – cho đến khi tuyển được ứng viên phù hợp.

Tuyển dụng nội bộ

Nguồn tuyển dụng bên ngoài

Trong trường hợp không tìm được ứng viên nội bộ thích hợp, doanh nghiệp sẽ cần phải dựa vào các nguồn tuyển dụng bên ngoài – bao gồm:

  • Quảng cáo: Phương pháp tuyển dụng này thường được sử dụng cho các vị trí cấp cao. Doanh nghiệp có thể đặt quảng cáo trên báo, tạp chí chuyên môn hoặc mạng xã hội (Facebook, LinkedIn, v.v…). Thông thường, kênh quảng cáo sẽ mang về số lượng người nộp đơn lớn nhất.
  • Hội thảo ở trường đại học: Trong trường hợp này, doanh nghiệp trực tiếp cử người đến các cơ sở giáo dục để đăng thông tin, tổ chức hội thảo nghề nghiệp để trực tiếp trao đổi và phỏng vấn sinh viên trường.
  • Hiệp hội doanh nghiệp: Đây là một trong các nguồn tuyển dụng hiệu quả nhưng lại thường bị bỏ qua. Một số hiệp hội doanh nghiệp thường đăng thông tin việc làm lên trang web/ mạng xã hội/ diễn đàn của họ. Bạn có thể tận dụng kênh này để nhanh chóng tiếp cận với đối tượng ứng viên cùng làm trong ngành nghề mà không phải tốn quá nhiều chi phí.
  • Nghiên cứu các trang việc làm: Thông qua những kênh thông tin như LinkedIn hoặc trang việc làm như Vietnamworks, CareerBuilder, TopCV, v.v…, doanh nghiệp có thể dễ dàng xác định được danh sách ứng viên cùng ngành đang làm việc cho đối thủ và chủ động liên hệ với họ bằng điện thoại, email hoặc nhắn tin trực tiếp.
  • Thuê ngoài: Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động đã dẫn đến sự ra đời của các đơn vị chuyên “săn đầu người”. Doanh nghiệp có thể cân nhắc hợp tác với các đơn vị này để tận dụng mạng lưới quan hệ sẵn có, tiết kiệm thời gian và công sức cho bộ phận Nhân sự.

Tuyển dụng bên ngoài

Đánh giá các nguồn tuyển dụng

Mỗi phương thức tuyển dụng khác nhau sẽ mang lại hiệu quả trong một số trường hợp nhất định và ngược lại. Sau đây, ITD Vietnam xin đưa ra một phân tích sơ bộ về ưu nhược điểm của các nguồn tuyển dụng nói chung.

Ưu nhược điểm các nguồn tuyển dụng

Ưu – nhược điểm của tuyển dụng nội bộ

Ưu điểm

  • Thúc đẩy tinh thần nhân viên: Việc một nhân viên trong doanh nghiệp được thăng chức sẽ góp phần củng cố tinh thần của các nhân viên khác, thúc đẩy họ nỗ lực phát triển và cống hiến để vươn lên vị trí cao hơn.
  • Tiết kiệm chi phí đào tạo: Bạn sẽ không cần phải tốn thời gian và chi phí đào tạo lại khi chuyển nhân viên cũ qua vị trí mới.
  • Giảm bớt nguy cơ tuyển sai người: Vì nhân viên của bạn đã có một thời gian làm việc tại công ty, bạn sẽ dễ dàng đánh giá năng lực của họ cách chính xác và công tâm hơn. Ngoài ra, các nhân viên lâu năm thường sẽ hiểu văn hóa và chiến lược của công ty sâu sắc hơn. Do đó, khi tiến cử họ, quản lý doanh nghiệp có thể yên tâm sẽ không phải lo lắng về vấn đề xung đột văn hóa hay mâu thuẫn trong cách làm việc.
  • Nuôi dưỡng lòng trung thành: Tuyển dụng nội bộ là “chất xúc tác” tuyệt vời để tăng cường lòng trung thành và sự gắn kết nhân viên, khiến họ an tâm làm việc để có cơ hội thăng chức.

Nhược điểm

  • Thiếu linh hoạt: Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ không thể tìm được người có năng lực phù hợp với vị trí tuyển dụng trong nội bộ. Việc chỉ dựa vào các nguồn tuyển dụng bên trong sẽ khiến doanh nghiệp bỏ lỡ những ứng viên tiềm năng khác.
  • Thúc đẩy chủ nghĩa quan liêu và thiên vị: Khi quá coi trọng thâm niên làm việc, doanh nghiệp sẽ có thể đặt những nhân viên không đủ năng lực vào các vị trí quan trọng – gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và mối quan hệ đồng nghiệp.
  • Ngăn chặn tư duy đổi mới: Trong những thời điểm biến động – cần đến năng lực kiên tâm, sáng tạo và thay đổi chiến lược kinh doanh, phương thức tuyển dụng nội bộ sẽ khó phát huy hiệu quả. Đối với những ngành công nghệ số như thương mại điện tử – yêu cầu đội ngũ nhân viên trẻ, nhạy bén với công nghệ và thời cuộc – doanh nghiệp nhìn chung không nên ưu tiên phương thức tuyển dụng này.

Đọc thêm: 5 phương pháp quản lý nhân sự hậu Covid-19

Ưu – nhược điểm của tuyển dụng bên ngoài

Ưu điểm

  • Số lượng ứng viên lớn: Tuyển dụng bên ngoài cho phép doanh nghiệp tiếp cận nhiều ứng viên tiềm năng hơn – từ đó gia tăng khả năng tìm được ứng viên phù hợp.
  • Tạo điều kiện đổi mới: Khi một nhân viên mới gia nhập công ty, họ cũng đồng thời mang theo những kỹ năng và kinh nghiệm đã học hỏi được từ công ty cũ. Đây là cơ sở để doanh nghiệp phát triển những ý tưởng mới, duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Nhược điểm

  • Ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên: Khi một người mới từ bên ngoài gia nhập công ty, nhân viên hiện tại của bạn có thể cảm thấy mất tinh thần và cho rằng vị trí này đáng lẽ phải thuộc về họ. Điều này, nếu xảy ra, sẽ dẫn tới mâu thuẫn và xích mích nội bộ. Một số nhân viên thậm chí có thể rời bỏ doanh nghiệp để đi tìm cơ hội khác.
  • Suy giảm năng suất: Trong tình huống nêu trên, nhân viên cũ của bạn có thể quyết định không hợp tác với nhân viên mới. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi doanh nghiệp tuyển người bên ngoài để thay thế các vị trí cấp cao.
  • Tốn kém: Tuyển dụng bên ngoài yêu cầu doanh nghiệp phải bỏ chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, sắp xếp phỏng vấn và đánh giá năng lực. Nếu không thành công, doanh nghiệp sẽ phải lặp lại toàn bộ quá trình này từ đầu.
  • Rủi ro không phù hợp văn hóa: Trong một số trường hợp, nhân viên mới sẽ không thể thích ứng được với văn hóa hay phong cách làm việc của công ty – dẫn tới quyết định nghỉ việc.

Nguồn tuyển dụng nào hiệu quả nhất?

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, số lượng các nguồn thông tin tuyển dụng là không thể kể xiết. Việc xác định ứng viên biết được thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp từ kênh nào là điều không hề dễ dàng. Do đó, thật khó để quyết định nên dành nhiều thời gian và nguồn lực cho kênh nào hơn.

Nhìn chung, doanh nghiệp nên cố gắng đa dạng hóa nguồn tuyển dụng nhất có thể để khắc phục những khó khăn trong tuyển dụng – đồng thời duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Các nguồn tuyển dụng

Đọc thêm: Xây dựng thương hiệu tuyển dụng – Quy trình 8 bước chi tiết

Kết luận

Tuyển đúng người luôn là bài toán khó dành cho doanh nghiệp – ngay cả với cấp quản lý nhân sự lâu năm. Trong thời đại biến động hiện nay, việc hiểu rõ và tận dụng tốt các nguồn tuyển dụng là bước đầu tiên để tối ưu hóa chiến lược thu hút nhân tài – làm nền tảng tối ưu doanh thu, nâng cao kỹ năng cấp quản lý, cũng như nuôi dưỡng sự gắn kết nhân viên.

Tham khảo

Understanding Recruitment Sources. https://www.eskill.com/blog/understanding-recruitment-sources/. Truy cập ngày 18/11/2020.

Recruitment: Meaning and Sources of Recruitment. https://www.yourarticlelibrary.com/human-resources/recruitment-meaning-and-sources-of-recruitment-with-diagram/32353. Truy cập ngày 18/11/2020.

3 Common Recruiting Sources, Best Places to Recruit Employees and What to Know About Each. https://www.furstperson.com/blog/3-tiers-of-talent-acquisition-recruiting-sources. Truy cập ngày 18/11/2020.

Recruitment Process : HRM, External and Internal Sources. https://www.toppr.com/guides/business-management-and-entrpreneurship/human-resource-management/recruitment-process/. Truy cập ngày 18/11/2020.

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

[FREE EBOOK] Talent Management & Development

Trích từ bộ sách kỹ năng quản lý nhân sự chuyên nghiệp “The Encyclopedia of Human Resource Management” – đồng biên soạn bởi chuyên gia William J. Rothwell

[FREE EBOOK] Talent Management & Development

Trích từ bộ sách kỹ năng quản lý nhân sự chuyên nghiệp “The Encyclopedia of Human Resource Management” – đồng biên soạn bởi chuyên gia William J. Rothwell

Bài viết liên quan

Nâng tầm kỹ năng Quản trị & Nhân sự với các khóa đào tạo của ITD

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cùng các chương trình đào tạo và hội thảo lãnh đạo sắp tới.