Instructional Design - Thiết kế giảng dạy

Thời đại công nghệ thông tin ngày nay đã và đang đặt ra hàng loạt những yêu cầu đổi mới với doanh nghiệp. Một trong số đó là yêu cầu áp dụng công nghệ vào công tác đào tạo (training) – nhằm đáp ứng xu hướng đào tạo trực tuyến (elearning) đang dần trở nên ngày một phổ biến hơn. Để có thể xây dựng một kế hoạch đào tạo vừa phù hợp với quy mô và chất lượng nhân sự, vừa tiết kiệm chi phí và thời gian – đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm đến các chuyên gia trong lĩnh vực Thiết kế Giảng dạy (Instructional Design).

Nội dung

Tổng quan về Instructional Design (ID)

Instructional Design (ID) ra đời từ nhu cầu đào tạo của quân đội Hoa Kỳ thời kỳ hậu Thế chiến thứ 2. Trong quá trình này, các công việc được chia nhỏ theo từng lĩnh vực cụ thể – giúp các binh sĩ có thể nhìn nhận và xử lý nhiệm vụ một cách toàn diện hơn.

Thiết kế Giảng dạy, còn được gọi là thiết kế hệ thống giảng dạy (Instructional System Design), là một lĩnh vực nghiên cứu kết hợp giữa giáo dục, tâm lý học hành vi và truyền thông – nhằm mục đích xây dựng quy trình đào tạo hiệu quả nhất cho từng nhóm đối tượng cụ thể, giúp họ hiểu rõ hơn về các chủ đề và khái niệm đang được giảng dạy.

Mục đích của quá trình này là tối ưu trải nghiệm học tập, tài liệu hướng dẫn, nghiên cứu hành vi học viên, đánh giá những tài liệu và phương pháp phù hợp với nhu cầu tiếp thu và khả năng áp dụng của họ, giúp họ đạt được mục tiêu học tập một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, Thiết kế chương trình giảng dạy còn tập trung nghiên cứu phương pháp xây dựng các công cụ đào tạo và truyền tải nội dung phù hợp cho từng nhóm đối tượng học viên – từ học sinh đến người trưởng thành thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.

Mục đích của thiết kế giảng dạy là xác định phương pháp phù hợp và dễ tiếp thu nhất để truyền tải nội dung đào tạo. Đó là một môn khoa học hướng đến việc tối ưu trải nghiệm học tập – dựa trên cơ sở nghiên cứu cách thức học tập của con người.

Tầm quan trọng của Instructional Design trong đào tạo doanh nghiệp

Thiết kế chương trình giảng dạy (Instructional Design) là một công tác tối quan trọng cần được doanh nghiệp – cách riêng phòng Nhân sự và L&D – quan tâm đầu tư, nhờ vào những lợi ích sau.

1. Nâng cao hiểu biết của các bên liên quan về hoạt động kinh doanh của tổ chức

Để triển khai một dự án đào tạo, chuyên gia Instructional Design sẽ cần cộng tác với các Chuyên gia về vấn đề chủ đề (SME) và phân tích tài liệu. Điều này không chỉ giúp phổ biến thông tin về doanh nghiệp cho học viên và trainer, mà còn mang lại cho SME một góc nhìn khách quan từ bên ngoài – hỗ trợ họ phân tích, tổng hợp và tinh chỉnh quy trình kinh doanh hiện tại.

2. Tăng cường hiệu quả công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Một chuyên gia Instructional Design kinh nghiệm sẽ nắm bí quyết và kỹ năng để tổ chức các hoạt động phù hợp, tạo sự hấp dẫn và tương tác cho khóa học. Khi học viên tin tưởng và thích thú với trải nghiệm học tập, họ sẽ tham gia nhiều hơn và tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Mối quan hệ giữa Instructional Design và Tâm lý học hành vi

Thiết kế giảng dạy (Instructional Design) có mối tương quan rất gần gũi với Tâm lý hành vi học tập (Psychology of Learning Behavior). Cụ thể, ID cung cấp các nền tảng khái niệm để xác định nội dung và phương pháp đào tạo cho một đối tượng học viên cụ thể.

Con người là một sinh vật phức tạp và đa dạng. Vì vậy, khi nói đến việc học, không có hướng tiếp cận nào là đúng trong mọi trường hợp. Điều này đặt ra một thách thức đầy hấp dẫn cho công tác thiết kế giảng dạy.

Làm thế nào để có thể xây dựng một khóa học, giáo trình đào tạo hiệu quả, thích hợp với các phong cách học tập khác nhau trong một nhóm đối tượng học viên cụ thể?

Để làm được điều này, chuyên gia Instructional Design cần nghiên cứu khoa học tâm lý – đằng sau cách con người lưu giữ và tiếp thu thông tin. Một trainer kinh nghiệm là người biết xác định những kiến thức và kỹ năng mà học viên cần, những kiến thức và kỹ năng mà họ hiện có – từ đó tìm ra phương pháp tốt nhất để thu hẹp “khoảng cách” kiến thức này.

Trên thực tế, chuyên gia thiết kế giảng dạy sẽ thường xuyên phải tìm lời giải cho các câu hỏi như:

  • Nội dung này liệu có được truyền tải tốt hơn dưới dạng đồ họa tương tác hay không?
  • Học viên của tôi có khả năng tham gia khóa học này qua thiết bị di động không?
  • Làm cách nào để chia nội dung khóa học thành các mô-đun microlearning – giúp học viên dễ đón nhận và tiếp thu hơn?
  • v.v…

Các thành tố cơ bản trong Instructional Design

Dù có khá nhiều mô hình và quy trình Thiết kế Giảng dạy, nhưng về cơ bản, tất cả đều lấy nền tảng từ mô hình ADDIE. ADDIE là từ viết tắt của Analyze (Phân tích), Design (Thiết kế), Develop (Phát triển), Implement (Thực hiện), và Evaluate (Đánh giá).

  • Analyze (Phân tích): Bao gồm các hoạt động tìm hiểu nhu cầu, xác định mục tiêu đào tạo và cách thức truyền giảng.
  • Design (Thiết kế): Thiết kế bộ tài liệu hướng dẫn và phương pháp đào tạo sẽ sử dụng – từ đó vạch ra các mục tiêu training cụ thể, xây dựng chương trình và giáo án chi tiết.
  • Develop (Phát triển): Biên soạn nội dung, đồ họa, video và đánh giá chương trình học.
  • Implement (Thực hiện): Triển khai nội dung khóa học và hệ thống quản lý học tập (LMS).
  • Evaluate (Đánh giá): Đánh giá lại xem các mục tiêu đào tạo đã được đáp ứng hay chưa – cần cải thiện ở những điểm nào.

Tuy có nhiều tranh luận về tính hiệu quả và phù hợp của nó trong việc đáp ứng nhu cầu hiện tại của người học, ADDIE đến nay vẫn được đại đa số chuyên gia thiết kế giảng dạy tin dùng để xây dựng quy trình và nội dung cho các khóa học eLearning.

ADDIE chưa bao giờ trở nên lỗi thời – và chúng tôi sẽ không từ bỏ việc sử dụng mô hình này.

Jared Garret, chuyên gia Instructional Design tại Amazon

Mô hình ADDIE - Nền tảng Instructional Design

Giới thiệu các mô hình Thiết kế giảng dạy phổ biến

Cũng như tâm lý học, quá trình phát triển của lý thuyết Instructional Design đã dẫn tới sự ra đời của rất nhiều mô hình khác nhau – được sử dụng làm nền tảng xác định các hoạt động chính cần thực hiện trong các dự án eLearning.

Ngoài công thức ADDIE đã đề cập phía trên, các mô hình Instructional Design phổ biến khác có thể kể đến như:

  • Mô hình SAM (Successive Approximation Model) của Michael Allen.
  • Thang đo Bloom (Bloom’s Taxonomy).
  • Lý thuyết đào tạo cho người trưởng thành (Adult Learning Theory).
  • Mô hình 9 bước hướng dẫn (9 Events of Instruction) của Robert Gagne.
  • Mô hình đánh giá Kirkpatrick (Kirkpatrick’s Evaluation).
  • Sơ đồ chiến lược (Action Mapping) của Cathy Moore.
  • Nguyên tắc Mayer (Mayer’s Principles).
  • v.v…

Mỗi mô hình đều có ưu – nhược điểm riêng. Ở phương diện trainer, bạn sẽ cần đánh giá phương pháp tiếp cận nào phù hợp nhất với bản thân, tổ chức và đối tượng học viên.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số mô hình Instructional Design phổ biến.

1. Nguyên tắc đào tạo của Merrill (Merrill’s Principles of Instruction – MPI)

MPI được ghi nhận là một trong những nguyên tắc giảng dạy đầu tiên – lấy trọng tâm là đào sâu kiến thức tối đa từ mỗi khóa học. Được đề xuất bởi David Merril vào năm 2002, phương pháp này tích hợp 5 nguyên tắc học tập, bao gồm:

  • Lấy bài tập thực hành làm trọng tâm (Task-centered).
  • Kích hoạt (Activation).
  • Thể hiện (Demonstration).
  • Ứng dụng (Application).
  • Tích hợp (Integration).

2. Mô hình 9 bước hướng dẫn của Gagne

Mô hình Instructional Design của Robert Gagne này tuân theo một quy trình thiết kế giảng dạy có hệ thống – đồng thời vẫn đảm bảo tính linh hoạt, cho phép điều chỉnh tùy theo các tình huống cụ thể trong đào tạo.

Trên thực tế, đây là một trong những mô hình thiết kế giảng dạy được sử dụng nhiều nhất – nhờ sự phù hợp của nó đối với đào tạo trực tuyến.

Phương pháp hướng dẫn của Gagne có 9 bước chính như sau:

  • Thu hút sự chú ý của học viên – thông qua những ý tưởng mới lạ hoặc câu hỏi kích thích tư duy.
  • Thiết lập mục tiêu và tiêu chí đo lường hiệu quả học tập.
  • Ôn lại kiến thức hiện có trước khi giới thiệu kiến thức mới.
  • Trình bày nội dung theo từng phần dễ hiểu.
  • Hướng dẫn học viên qua các ví dụ, nghiên cứu điển hình (case study) và các hỗ trợ khác.
  • Thu hút học viên tham gia các hoạt động nhằm ôn lại, vận dụng và đánh giá kiến thức đã học.
  • Củng cố kiến thức thông qua phản hồi.
  • Kiểm tra kiến thức của học viên dựa trên bộ tiêu chí đã thiết lập.
  • Ứng dụng các chiến lược duy trì nội dung (bản đồ khái niệm, diễn đạt lại, tóm tắt, hỗ trợ công việc, v.v…)

3. Thang đo Bloom

Năm 1956, Benjamin Bloom đã đề ra một hệ thống mô tả và phân loại 6 cấp độ học tập – nhận thức khác nhau. Thang đo của Bloom bắt đầu từ các bước học tập thấp hơn (Knowledge -Kiến thức và Remembering – Ghi nhớ) trước khi đi lên các cấp độ hiểu biết sâu hơn (Understanding), phản ánh (Reflection) và ứng dụng (Application) kiến thức để phát triển năng lực giải quyết vấn đề của cá nhân người học.

Dựa trên mô hình này, chuyên gia Instructional Design có thể thiết lập các mục tiêu học tập nhằm thu hút học viên đào sâu kiến thức và khái niệm mới.

4. Lý thuyết học tập dành cho người trưởng thành

Lý thuyết học tập cho người trưởng thành (Adult Learning Theory) đề xuất rằng các đặc điểm cá nhân, bối cảnh và ứng dụng thực tế là những nhân tố chính cấu thành năng lực học tập ở người trưởng thành. Khác với học viên nhỏ tuổi, người học trưởng thành không chỉ có bề dày kinh nghiệm, mà khả năng tư duy của họ cũng lớn hơn. Đổi lại, năng lực vận động-cảm giác của họ lại giảm dần theo tuổi tác.

Lý thuyết Instructional Design này xem xét tất cả các yếu tố kể trên – với trọng tâm là tận dụng kinh nghiệm trong quá khứ của người học để xây dựng cảm giác kiểm soát cá nhân và khả năng áp dụng vào thực tế.

Một số lưu ý đối với công tác Thiết kế giảng dạy

Để trở thành chuyên gia Instructional Design thực thụ, các trainer và chuyên viên phụ trách L&D cần lưu ý một số điểm sau:

1. Quan tâm đến tương tác học viên

Hãy thử hình dung – nếu bạn đưa một nhóm người hâm mộ nhạc jazz đến dự một buổi hòa nhạc của Justin Bieber, liệu họ sẽ vỗ tay tán thưởng hay không?

Tương tự như vậy, một nhà thiết kế giảng dạy giỏi sẽ luôn chịu khó dành thời gian để tìm hiểu đối tượng học viên của họ – để có thể truyền tải các nội dung và hoạt động hấp dẫn nhất.

Ngoài ra, họ cũng cần phải hiểu rõ cách thức hoạt động của bộ nhớ, cách não bộ xử lý thông tin – để từ đó xây dựng chương trình học cho phù hợp. Bằng không, một khóa đào tạo không được thiết kế theo nguyên tắc kể trên sẽ gây không ít khó chịu cho học viên.

2. Chú ý lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên

Chỉ tổ chức nội dung buổi học thôi là chưa đủ. Trong thế giới hiện đại, chúng ta luôn ở trong trạng thái “quá tải” bởi thông tin – email, tin nhắn văn bản, họp hành, mạng Internet, v.v…

Ở cương vị trainer, nếu bạn cố gắng ép buộc học viên làm quá nhiều – mà không xác định được điều gì quan trọng và phù hợp với họ, bạn sẽ làm gia tăng cảm giác áp lục và suy giảm hiệu quả làm việc của họ.

Để làm tốt công tác thiết kế giảng dạy (Instructional Design), bạn sẽ cần phân đích rõ nội dung cần thiết (rất quan trọng để đạt được kết quả học tập), nên biết (thông tin cơ bản quan trọng mà bạn có thể cung cấp dưới dạng tài liệu phát tay) và có thể biết (thông tin tốt mà bạn có thể bỏ qua). Từ đó, bạn sẽ biết trình bày thông tin phù hợp, vào đúng thời điểm và cho đúng đối tượng người học – cũng như “trao quyền” cho học viên quyết định họ muốn học gì và ở đâu.

3. Đào tạo là một môn khoa học, không phải một môn nghệ thuật

Các dự án eLearning luôn phải đảm bảo yếu tố khoa học và bài bản. Chuyên gia thiết kế giảng dạy không chỉ đóng vai trò phổ cập kỹ năng thực tế – mà còn cần cập nhật các nền tảng lý thuyết và mô hình mới nhất, để có thể điều chỉnh nội dung và tối ưu phương pháp truyền tải.

4. Luôn luôn đo lường tiến độ học tập

Một mục tiêu học tập tốt phải đảm bảo yếu tố đo lường được (measurable) và gắn liền với việc cải thiện hiệu suất. Ở cương vị chuyên gia Instructional Design, bạn sẽ cần vận dụng đa dạng phương pháp tiếp cận – để phân tích chính xác những gì người học đã thu nhận được từ chương trình đào tạo của mình.

Nếu không có đề cương, hướng dẫn và đo lường mục tiêu cụ thể, bạn sẽ không thể biết liệu dự án đào tạo của bạn có thành công hay không. Đó là lý do tại sao Thiết kế giảng dạy lại rất quan trọng đối với công tác phát triển nguồn nhân lực – đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế tri thức hiện nay.

Triển vọng của Instructional Design trong tương lai

Trong bối cảnh thế giới kinh doanh liên tục thay đổi như ngày nay, doanh nghiệp – cách riêng bộ phận training – cũng cần phải chuyển đổi không ngừng để thích ứng với môi trường mới; trong đó, tính linh hoạt, sáng tạo và đổi mới ngày càng được coi trọng hơn. Cùng với thời gian, ngày càng nhiều mô hình đào tạo mới ra đời – được xây dựng dựa trên nền tảng thiết kế trải nghiệm người học (User Experience Design – UX) và tư duy thiết kế (Design Thinking).

Theo một báo cáo của Đại học Chicago, dự kiến từ năm 2016-2026, nhu cầu thị trường đối với vị trí Thiết kế Giảng dạy (Learning Design) sẽ tăng thêm khoảng 11%. Với việc đào tạo trực tuyến đang trở thành xu hướng mới, các chuyên gia công tác trong ngành đào tạo càng có nhiều lý do để tìm hiểu và nâng cao kỹ năng chuyên sâu trong mảng này – qua đó, họ sẽ có cơ hội tối ưu quy trình đào tạo, trải nghiệm học tập và truyền tải những nội dung hấp dẫn nhất.

Lời kết

Tuy đã có lịch sử lâu đời, đào tạo (training) luôn là một lĩnh vực mới mẻ và cần được phát triển liên tục. Trong bối cảnh thế giới biến động liên tục như ngày nay, việc tìm hiểu về Instructional Design sẽ giúp các chuyên gia đào tạo trang bị các kiến thức, kỹ năng và phương pháp tân tiến nhất – để có thể hoàn thành tốt vai trò của mình.

Tham khảo ngay các khóa học kỹ năng training của ITD World – thiết kế bởi chuyên gia Train the Trainer với hàng chục năm kinh nghiệm đào tạo trên trường quốc tế.

Có thể bạn quan tâm:

Tham khảo

A Quick Guide to Four Instructional Design Models. https://www.shiftelearning.com/blog/top-instructional-design-models-explained. Truy cập ngày 08/07/2022.

Instructional Design: The Art of eLearning Architecture. https://www.ispringsolutions.com/blog/instructional-design. Truy cập ngày 08/07/2022.

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác…

Đừng quên dành thời gian tìm hiểu các khóa đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!

Với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi hiểu rõ những nhu cầu và băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp – trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nhằm đáp ứng những trăn trở đó, ITD đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo quản lý mới – được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.