sự đa dạng tại nơi làm việc

Ngày nay, xây dựng sự đa dạng tại nơi làm việc (diversity) đã trở thành một yêu cầu không thể thiếu trong mọi chiến lược quản lý nhân tài – có ý nghĩa “sống còn” đối với hoạt động giữ chân nhân viên và thành công bền vững của doanh nghiệp. Trên thực tế, 76% người lao động cho rằng – đa dạng là yếu tố họ đặc biệt cân nhắc khi cân nhắc giữa các cơ hội việc làm.

Nội dung

Định nghĩa sự đa dạng tại nơi làm việc

Khái niệm đa dạng tại nơi làm việc (diversity in the workplace) đề cập đến sự hiện diện của các cá nhân từ nhiều nền tảng, văn hóa, độ tuổi, giới tính, khả năng, tôn giáo và các đặc điểm khác trong cùng một môi trường làm việc năng động và toàn diện.

Khi thúc đẩy và khuyến khích sự đa dạng, doanh nghiệp cũng đồng thời xây dựng một không gian – nơi mọi người cảm thấy bản thân có giá trị, được tôn trọng và có thể đóng góp vào thành công của tổ chức.

Tầm quan trọng của sự đa dạng tại nơi làm việc

Khi thế giới trở thành một tổng thể kết nối với nhau, con người cũng hình thành nhiều kỳ vọng và mong muốn hơn đối với sự đa dạng tại nơi làm việc. Người lao động, chính phủ và hầu hết các bên liên quan nhìn chung đều muốn làm việc với các tổ chức tôn trọng sự khác biệt.

Dưới đây là tổng hợp một số lợi ích nổi bật của đa dạng văn hóa nơi công sở.

1. Tăng cường năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề

Nghiên cứu của Boston Consulting Group cho thấy các tổ chức khuyến khích sự đa dạng trên mức trung bình ghi nhận mức doanh thu cao hơn khoảng 19%. Khi tập hợp những cá nhân có hoàn cảnh khác biệt lại với nhau, doanh nghiệp sẽ có trong tay một “kho” ý tưởng và năng lực sáng tạo để tận dụng từ đó.

Ngoài ra, sự đa dạng còn đóng vai trò rất đặc biệt với việc phát triển tư duy nhóm. Một tình huống rất thường hay xảy ra trong một đội nhóm không đa dạng (đồng chất) – đó là các thành viên thường gặp khó khăn khi giải quyết vấn đề mới, vì họ thiếu khả năng đưa ra những ý tưởng độc đáo và quan điểm mới lạ.

Bằng việc khuyến khích sự đa dạng, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ nhiều ý tưởng sáng tạo hơn – qua đó cải thiện công tác phát triển sản phẩm mới và chiếm lĩnh thị trường.

2. Cải thiện lợi nhuận

Trong một nghiên cứu của McKinsey, các công ty đa dạng về sắc tộc và chủng tộc ghi nhận mức lợi nhuận tài chính trên mức trung bình của ngành cao hơn đến 35%.

Sự khác biệt về quan điểm, văn hóa và nền tảng góp phần tạo nên một nguồn ý tưởng, cải tiến và sáng tạo gần như vô hạn. Đổi lại, doanh nghiệp có thể tạo ra những sản phẩm tuyệt vời và tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Tất cả những điều trên dẫn đến kết quả là năng suất cao hơn, góp phần tăng trưởng doanh thu.

3. Nuôi dưỡng sự gắn kết của nhân viên

Sự đa dạng tại nơi làm việc đã được chứng minh là nhân tố khuyến khích sự gắn kết và lòng trung thành của nhân viên nhiều hơn. Nghiên cứu cho thấy các nhóm đa dạng nhìn chung đưa ra quyết định tốt hơn 87% thời gian so với các đội nhóm đồng chất.

Ngoài ra, 83% Millennials (gen Y) được ghi nhận sẵn sàng nỗ lực trong công việc hơn – khi công ty đầu tư xây dựng một môi trường đa dạng và hòa nhập (Diversity & Inclusion – D&I).

4. Giảm tỉ lệ nghỉ việc

Khi nhân viên cảm thấy gắn kết với nhau và với tổ chức, tỉ lệ nghỉ việc cũng sẽ theo đó mà giảm đi. Ngược lại, tình trạng thiếu đa dạng và hòa nhập là nguyên nhân khiến nhiều người lao động tìm kiếm những cơ hội mới với điều kiện tốt hơn. Trong một khảo sát của Deloitte, 80% nhân viên cho rằng sự hòa nhập và đa dạng là yếu tố quan trọng khi họ lựa chọn nơi làm việc.

5. Gia tăng uy tín doanh nghiệp

Chúng ta đang ở trong thời đại mà người lao động không còn ngần ngại chia sẻ trải nghiệm khi làm việc ở công ty trên mạng Internet – cũng như với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình.

Việc thúc đẩy văn hóa đa dạng và hòa nhập sẽ trở thành “điểm cộng” giúp nâng cao độ uy tín của doanh nghiệp và hỗ trợ xây dựng thương hiệu tuyển dụng. Bằng không, ứng viên tiềm năng sẽ có lý do để do dự khi chấp nhận lời mời làm việc từ công ty của bạn.

6. Tiếp cận nguồn nhân lực rộng lớn hơn

Nỗ lực khuyến khích sự đa dạng tại nơi làm việc sẽ mang lại cho doanh nghiệp một nguồn ứng viên lớn hơn. Đối với hầu hết các ứng viên, sự đa dạng là điều cần thiết để xác định xem họ có chấp nhận lời đề nghị của công ty hay không. Theo McKinsey, 39% sẽ từ chối lời mời làm việc vì doanh nghiệp không đầu tư vào sự đa dạng và hòa nhập.

Sự đa dạng trong tổ chức

Các loại đa dạng tại nơi làm việc

Trước khi bắt tay vào xây dựng một môi trường đa văn hóa, điều đầu tiên là chúng ta phải hiểu rõ tất cả các khía cạnh của sự đa dạng tại nơi làm việc. Vì thực tế, có rất nhiều loại hình đa dạng – và rất khó để có thể kết hợp tất cả cùng một lúc.

1. Đa dạng văn hóa

Văn hóa đề cập đến các chuẩn mực và cách sống của con người. Áp dụng đa dạng văn hóa trong môi trường làm việc mang lại cơ hội cho mọi người từ các tầng lớp xã hội, chuẩn mực và giá trị đến gần với nhau.

Sự đa dạng văn hóa giúp nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo và đổi mới nhờ khác biệt về hệ giá trị và chuẩn mực của nhân viên.

  • Thách thức

Quan điểm sống riêng biệt của từng cá nhân có thể gây ra tình trạng ngờ vực và xung đột trong tổ chức.

  • Lời khuyên cho chuyên gia nhân sự

Tránh xung đột văn hóa bằng cách tổ chức các chương trình đào tạo về đa dạng – đồng thời thường xuyên tiếp xúc và đối thoại với nhân viên.

Đọc thêm: Văn hóa doanh nghiệp – 6 yếu tố cấu thành & Cách xây dựng

2. Đa dạng về ngôn ngữ

Sự đa dạng về ngôn ngữ là yếu tố tạo nên màu sắc và nét độc đáo cho tổ chức – cũng như mang đến cho doanh nghiệp cơ hội phục vụ khách hàng cách cá nhân hóa hơn.

Lấy ví dụ, tuy tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng, nhưng khách hàng có thể cảm thấy thoải mái nhất khi giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Nói cách khác, trải nghiệm của khách hàng sẽ tối ưu hơn – khi doanh nghiệp có nhân viên giao tiếp được bằng ngôn ngữ của khách hàng/ đối tác.

  • Thách thức

Thách thức đối với sự đa dạng ngôn ngữ là rào cản giao tiếp và ngôn ngữ trong nhóm. Những rào cản này có thể tác động đến năng suất và khiến nhân viên gặp khó khăn trong quá trình làm việc chung.

3. Đa dạng kinh tế xã hội

Đa dạng về kinh tế xã hội thể hiện qua sự khác biệt trong quan điểm về tiền bạc, giáo dục và địa vị xã hội – xuất phát từ ảnh hưởng của môi trường sinh sống, giáo dục, thu nhập và nghề nghiệp.

  • Thách thức

Sự khác biệt về địa vị kinh tế và xã hội có thể dẫn tới định kiến và tình trạng ngược đãi tại nơi làm việc.

  • Lời khuyên cho chuyên gia nhân sự

Xây dựng ‘chính sách đối xử công bằng’ nghiêm ngặt trong cơ cấu tổ chức – đảm bảo mọi nhân viên đều được đối xử công bằng.

4. Đa dạng chủng tộc

Đa dạng chủng tộc thể hiện qua một môi trường làm việc bao gồm người lao động từ các chủng tộc và nguồn gốc khác nhau. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu này, song bình đẳng vẫn chưa thực sự trở thành tiêu chuẩn chung.

Ví dụ:

  • Phụ nữ vẫn là nhóm thiểu số trong lực lượng lao động và gặp nhiều khó khăn khi muốn vươn lên vị trí lãnh đạo.
  • Chỉ 0,4 phần trăm các công ty trong danh sách Fortune 500 minh bạch về các nỗ lực đa dạng hóa sắc tộc.
  • Chỉ 6 công ty trong danh sách Fortune 500 có CEO là người gốc Phi.

Sự đa dạng về chủng tộc mang lại cho doanh nghiệp một đội ngũ nhân tài lành nghề đa dạng. Nó cũng góp phần thúc đẩy sự gắn kết xã hội, cho phép tiếp cận các thị trường mới.

  • Lời khuyên cho chuyên gia nhân sự

Để chống lại thành kiến về chủng tộc, doanh nghiệp nên xem xét áp dụng hình thức blind hiring (tạm dịch: tuyển dụng mù). Đồng thời, nên khuyến khích tập trung vào bộ kỹ năng của người lao động – thay vì gốc gác hay lý lịch của họ.

5. Đa dạng giới tính

Bình đẳng giới yêu cầu doanh nghiệp phải dành sự đầu tư nhiều hơn cho nhóm nhân viên nữ – đảm bảo công bằng về lương thưởng, cơ hội thăng tiến và học tập – phát triển cho họ.

Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các nhóm lao động thiểu số khác – ví dụ: người chuyển giới, phi nhị nguyên giới… nhằm đảm bảo họ không bị phân biệt đối xử.

6. Đa dạng xu hướng tính dục

Khi thảo luận về sự đa dạng trong khuynh hướng tính dục, chúng ta đang đề cập đến một lực lượng lao động bao gồm những cá nhân có khuynh hướng tính dục khác nhau (ví dụ: dị tính, vô tính, toàn tính, song tính, đồng tính nam và đồng tính nữ…).

Xu hướng tính dục là một vấn đề mang tính cá nhân. Tuy nhiên, bằng việc thúc đẩy sự đa dạng về khuynh hướng tính dục, người lao động sẽ cảm thấy được coi trọng, gắn kết và làm việc hiệu quả hơn.

7. Đa dạng về địa lý

Đa dạng về địa lý đề cập đến việc thuê nhân viên từ các địa điểm khác nhau – nhờ đó, doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn nhân lực rộng lớn hơn, cũng như tạo điều kiện cho người lao động chia sẻ các quan điểm khác nhau và cải thiện năng lực giải quyết vấn đề.

  • Thách thức

Một trong những thách thức lớn nhất với đa dạng về địa lý là vấn đề hậu cần. Ví dụ: Nếu thuê một nhân viên ở một khu vực/ quốc gia khác, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về thị thực và công tác hậu cần – đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm chi phí vận hành.

8. Đa dạng về khuyết tật

Đa dạng về khuyết tật (disability diversity) là khi doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng những người lao động có kỹ năng – kể cả khi họ mắc khuyết tật về thể chất/ tinh thần – miễn là họ có thể làm việc hiệu quả, đóng góp ý tưởng đổi mới cho tổ chức.

  • Thách thức

Nhiều nhà tuyển dụng nhìn chung không ưu tiên lựa chọn ứng viên khuyết tật. 90% các công ty nói rằng sự đa dạng tại nơi làm việc là ưu tiên hàng đầu, nhưng chỉ có 4% cảm thấy rằng việc tuyển dụng người khuyết tật là một phần quan trọng trong đó.

  • Lời khuyên cho chuyên gia nhân sự

Khuyến khích các ứng viên khuyết tật nộp đơn, cũng như tổ chức các chương trình cần thiết để hỗ trợ họ.

9. Đa dạng tín ngưỡng tôn giáo, tâm linh

Đa dạng về tôn giáo là khi doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động từ các niềm tin khác nhau được cộng tác và làm việc chung.

Việc chấp nhận sự khác biệt về tín ngưỡng có ý nghĩa rất quan trọng để nuôi dưỡng tinh thần đồng cảm nơi công sở – qua đó, nhân viên của bạn sẽ cảm thấy thân thuộc và gắn bó, tăng cường sức mạnh và tinh thần tập thể.

  • Thách thức

Khác biệt về niềm tin tâm linh khác nhau thường hay dẫn tới thái độ ngờ vực – thậm chí thù ghét. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể ngăn ngừa điều này bằng cách nâng cao nhận thức về lòng khoan dung và tôn trọng lẫn nhau.

10. Đa dạng về tuổi tác và thế hệ

Đa dạng thế hệ có ý nghĩa rất quan trọng với quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ví dụ, Gen Z có lợi thế rất lớn trong việc cho những người thuộc thế hệ trước về các xu hướng công nghệ mới. Ngược lại, nhóm người lao động lớn tuổi đóng vai trò truyền đạt kiến thức ngành được tích lũy trong thời gian dài cho thế hệ trẻ.

  • Thách thức

Các thế hệ khác nhau có nghĩa xung đột về cách suy nghĩ, phong cách giao tiếp và phương thức làm việc. Nếu những khác biệt này không được giải quyết, nó có thể dẫn đến bất đồng và các khó khăn khác trong quá trình làm việc chung.

Thách thức của sự đa dạng trong tổ chức

Bí quyết xây dựng sự đa dạng tại nơi làm việc

Theo một nghiên cứu của Beamery, 75% các công ty xếp hạng DEI (Diversity, Equity, Inclusion) là ưu tiên hàng đầu trong chính sách tổ chức.

Dưới đây là sáu lời khuyên cho các chuyên gia nhân sự nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và cải thiện DEI trong doanh nghiệp.

  1. Đánh giá dựa trên thành tích. Tập trung vào các kỹ năng của ứng viên trong quá trình tuyển dụng, tránh để bị hạn chế bởi những thành kiến và khuôn mẫu.
  2. Nuôi dưỡng một nền văn hóa hòa nhập. Ví dụ: nếu thuê nhiều nhân viên nữ hơn, hãy đảm bảo rằng họ cũng có cơ hội học tập, lương thưởng hoặc thăng tiến như nam giới.
  3. Tổ chức đa dạng chương trình đào tạo. Doanh nghiệp có thể tổ chức các chương trình training nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên về tầm quan trọng của khoan dung và chấp nhận sự khác biệt nơi mọi người.
  4. Xây dựng các kênh phản hồi. Tạo điệu kiện để người lao động và cấp quản lý có thể đưa ra góp ý cho các hoạt động trong công ty.
  5. Áp dụng kỷ luật. Mọi nhân viên – bất kể giới tính, chủng tộc, tôn giáo, tuổi tác, địa vị xã hội hay văn hóa – đều xứng đáng được tôn trọng và đối xử công bằng như nhau. Trong trường hợp một cá nhân bị quấy rối hoặc phân biệt đối xử, doanh nghiệp nên sẵn sàng áp dụng chế tài cần thiết cho những cá nhân liên quan.

Lãnh đạo trong môi trường đa văn hóa

Tham khảo

The 10 Types of Diversity in the Workplace – AIHR. https://www.aihr.com/blog/types-of-diversity/.

Có thể bạn quan tâm:

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.