Top 10 thách thức trong tuyển dụng

Thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhân sự. Vì lý do này, tuyển dụng là khâu cần đặc biệt được quan tâm đầu tư. Cùng với sự phát triển của xã hội, doanh nghiệp cũng ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn để có thể tuyển đúng người đúng việc. Dưới đây là danh sách 10 thách thức trong tuyển dụng hàng đầu mà các chuyên gia nhân sự sẽ phải đối mặt trong năm nay – cùng giải pháp để khắc phục những khó khăn đó.

Nội dung

Thách thức trong tuyển dụng: Nguyên nhân từ đâu?

Những thách thức và khó khăn trong tuyển dụng nhân lực trong thực tế xuất phát từ tình trạng gia tăng nhu cầu tìm người lao động – nhưng lại khan hiếm người có kỹ năng tuyển dụng tốt. Điều này đặt ra những vấn đề lớn cho doanh nghiệp khi cần xác định ứng viên phù hợp cho những vị trí trong công ty.

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, doanh nghiệp cũng cần thay đổi phương pháp tuyển dụng theo hướng sáng tạo hơn. Nghiên cứu cho thấy các nhà tuyển dụng tài năng nhất là những người thành công trong việc xây dựng tuyên bố giá trị của doanh nghiệp – cũng như quảng bá tuyên bố ấy một cách thống nhất trên mọi kênh tuyển dụng (quảng cáo, trang thông tin việc làm, email gửi ứng viên…). Bên cạnh đó, họ cũng biết cách điều chỉnh nội dung tuyên bố đó nhằm đánh vào mong muốn lớn nhất của ứng viên (lợi ích, sứ mệnh công ty, quyền lợi khi lựa chọn công ty, v.v…).

Thách thức trong tuyển dụng

Khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển dụng là gì?

Theo Nicholas Meyler, Chủ tịch của Wingate Dunross, khó khăn hàng đầu trong tuyển dụng nhân sự là khi doanh nghiệp không nhận thức rõ tầm quan trọng của chia sẻ thông tin nội bộ. Đặc biệt trong các lĩnh vực có tính kỹ thuật cao, nhiều cấp quản lý thường cho rằng không cần thiết phải chia sẻ thông tin hoặc phản hồi với bộ phận tuyển dụng – với lý do họ sẽ không hiểu gì cả. Đây là một vấn đề lớn, bởi vì nếu không có phản hồi đó, kết quả thu về thường sẽ chỉ là con số không.

Top 10 thách thức trong tuyển dụng & Giải pháp

1. Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

Nghiên cứu của LinkedIn cho thấy 75% người lao động xem xét yếu tố thương hiệu của nhà tuyển dụng trước khi nộp đơn xin việc. Và nếu không thích thương hiệu đó, họ sẽ không nộp đơn hay chấp nhận lời mời làm việc của bạn. Ngay cả khi thất nghiệp, khả năng lớn là người lao động vẫn sẽ không chấp nhận làm việc cho một công ty với danh tiếng xấu.

Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng

Giải pháp:

Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng đòi hỏi một chiến lược chi tiết từ phía doanh nghiệp. Nội dung giới thiệu về công ty trên các kênh phải được kể thành một câu chuyện hấp dẫn, đủ để ứng viên cảm thấy hào hứng khi tìm hiểu về bạn.

Để làm được việc này, bạn nên xây dựng một trang web tìm việc chuyên nghiệp để giới thiệu thương hiệu nhà tuyển dụng, cho ứng viên thấy lý do tại sao họ nên làm việc tại công ty bạn. Hãy lồng ghép hình ảnh thực tế của phòng làm việc, chia sẻ lời chứng thực của nhân viên, viết về các dự án thú vị và công nghệ mới của công ty.

2. Tìm kiếm ứng viên

Thiếu hụt nhân tài là thách thức trong tuyển dụng hàng đầu hiện nay. Bạn sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia vào “cuộc chiến” giành nhân tài và cạnh tranh với các công ty khác để tìm kiếm ứng viên đủ tiêu chuẩn.

Thống kê cho thấy 92% người lao động sẽ cân nhắc thay đổi công việc nếu được đề nghị làm việc với một công ty có thương hiệu tốt. Vấn đề là, đối thủ của bạn cũng sẽ “săn lùng” những ứng viên đó và quảng bá về thương hiệu của họ.

Thách thức trong tuyển dụng

Giải pháp:

Lời chứng thực của nhân viên cũ sẽ là chìa khóa giúp bạn vươn lên trong cuộc cạnh tranh này. Nếu được bạn bè từng làm ở công ty giới thiệu, ứng viên tiềm năng sẽ tin tưởng vào doanh nghiệp của bạn hơn.

Bên cạnh đó, một chiến lược tuyển dụng đa kênh sẽ giúp bạn chinh phục thách thức trong tuyển dụng. Hãy đảm bảo rằng quảng cáo tìm việc của bạn được tìm thấy trên mọi kênh: biển quảng cáo ngoài đường, mạng xã hội, người quen giới thiệu, trang website, sự kiện nghề nghiệp, bản tin, diễn đàn, v.v…

3. Thu hút đúng ứng viên

Theo báo cáo của Glassdoor, 76% nhà quản lý tuyển dụng thừa nhận rằng việc thu hút đúng đối tượng ứng viên là thách thức trong tuyển dụng lớn nhất của họ. Việc phải xem qua hàng núi đơn xin việc từ các ứng viên không phù hợp khiến họ lãng phí rất nhiều thời gian quý báu.

Thách thức trong tuyển dụng

Giải pháp:

Doanh nghiệp cần phải “tinh chỉnh” quy trình tuyển dụng để tiếp cận đúng đối tượng ứng viên. Hãy bắt đầu bằng cách trình bày rõ ràng và chính xác các yêu cầu của vị trí cần tuyển trong mô tả công việc. Nếu có thể, hãy thêm vào các câu hỏi loại trừ vào đơn đăng ký xin việc. Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả để loại bỏ những ứng viên không phù hợp từ giai đoạn đầu.

Ngoài ra, bạn có thể viết bài về văn hóa công ty và cuộc sống hàng ngày tại văn phòng trên website. Bằng cách đó, ứng viên sẽ có thể tự xác định họ có phù hợp với doanh nghiệp hay không.

4. Xây dựng danh sách ứng viên tiềm năng

Danh sách ứng viên tiềm năng (talent pool) là một cơ sở dữ liệu về các ứng viên quan tâm đến công ty của bạn. Lợi điểm của danh sách này là vừa tăng cường chất lượng tuyển dụng, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Giải pháp:

Doanh nghiệp có thể xây dựng danh sách ứng viên tiềm năng bằng cách tạo mẫu đơn đăng ký trên website, bài viết trên mạng xã hội, v.v… Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả để tiếp cận ứng viên tiềm năng và mở rộng mạng lưới quan hệ của bộ phận tuyển dụng.

5. Cải thiện trải nghiệm ứng viên

Nghiên cứu của CareerArc tiết lộ rằng gần 60% người lao động đã có những trải nghiệm không tốt trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng. Kết quả là:

  • 63% từ chối lời mời làm việc.
  • 72% lan truyền thông tin về những trải nghiệm không tốt này (thông qua truyền miệng hoặc đăng trên mạng xã hội).
  • 64% ngừng mua hàng hóa và dịch vụ từ nhà tuyển dụng đó.

Trải nghiệm ứng viên kém là nguyên nhân khiến doanh nghiệp mất đi không chỉ những ứng viên hàng đầu mà còn cả danh tiếng, khách hàng và doanh thu tương lai.

Giải pháp:

Khảo sát của CareerBuilder cho thấy 81% ứng viên mong muốn nhà tuyển dụng liên tục thông báo về tiến trình phỏng vấn tuyển dụng. Việc sử dụng các công nghệ số như Hệ thống Quản lý quan hệ khách hàng (CRM) sẽ giảm bớt gánh nặng cho bộ phận Nhân sự – Tuyển dụng của doanh nghiệp.

Đọc thêm: 5 phương pháp quản lý nhân sự hậu Covid-19

6. Định kiến khi lựa chọn ứng viên

Quy trình tuyển dụng chịu ảnh hưởng rất nhiều của ý kiến chủ quan từ phía cấp quản lý và chuyên viên tuyển dụng. Để đảm bảo tìm đúng ứng viên, doanh nghiệp cần đảm bảo quy trình tuyển dụng hoàn toàn khách quan, không bị tác động bởi ý kiến cá nhân.

Thách thức trong tuyển dụng

Giải pháp:

Chuẩn hóa quy trình phỏng vấn tuyển dụng là chìa khóa giải quyết vấn đề. Hãy đảm bảo rằng bạn luôn đặt ra cho mọi ứng viên những câu hỏi giống như nhau. Bằng cách đó, bạn có thể so sánh các ứng viên với nhau dựa trên cùng một tiêu chí – từ đó chọn những ứng viên tài năng nhất thay vì người bạn “thích” nhất.

Doanh nghiệp cũng nên tổ chức các khóa đào tạo về sự đa dạng để giúp bộ phận Tuyển dụng và Quản lý nhân sự học cách tránh thiên vị trong tuyển dụng.

Cuối cùng, việc bao hàm nhiều người từ các bộ phận khác nhau vào quy trình phỏng vấn tuyển dụng sẽ giúp doanh nghiệp nhận ra những thành kiến vô thức và đảm bảo sự công bằng trong hoạt động tìm kiếm tài năng.

Đọc thêm: 10 phẩm chất quan trọng nhất của nhà lãnh đạo

7. Tuyển đúng người

Theo thống kê của Career Builder, 74% nhà tuyển dụng thừa nhận họ đã từng thuê sai người ít nhất một lần. Kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên – nghiên cứu của Criteria Pre-Employment Testing cho thấy có tới 78% sơ yếu lý lịch chứa thông tin sai lạc và 46% nói sai sự thực.

Tuyển dụng sai người gây tổn thất vô cùng to lớn đến doanh thu, suy giảm năng suất, cũng như tác động xấu đến tinh thần nhân viên và quan hệ với khách hàng.

Giải pháp:

Việc kết hợp các bài kiểm tra đánh giá kỹ năng khác nhau, thẻ điểm và đánh giá sẽ giúp bộ phận tuyển dụng đánh giá ứng viên một cách hiệu quả hơn – từ đó dễ dàng lựa chọn ứng viên phù hợp nhất với công việc và văn hóa công ty.

8. Rút ngắn thời gian tuyển dụng

Nghiên cứu của RobertHalf cho thấy 57% người lao động sẽ suy giảm hứng thú với công việc nếu quá trình tuyển dụng kéo dài quá lâu. Là người phụ trách tuyển dụng, bạn cần phải rút ngắn quy trình của công ty để tránh tình trạng ứng viên tìm đến với một nhà tuyển dụng khác.

Giải pháp:

Đừng lãng phí thời gian vào những công việc hành chính và thủ công không cần thiết. Các nhiệm vụ như tìm ứng viên, xem xét hồ sơ, lên lịch phỏng vấn và giao tiếp với ứng viên cần được tự động hóa, giảm bớt yêu cầu làm việc thủ công.

9. Tập trung vào dữ liệu

Phân tích dữ liệu tuyển dụng là yếu tốt cốt lõi để giúp công ty đạt được kết quả kinh doanh. Theo một nghiên cứu của Deloitte về Xu hướng sử dụng nguồn nhân lực toàn cầu , 71% công ty xem hoạt động đánh giá nhân viên là ưu tiên hàng đầu của họ. Nếu bộ phận nhân sự không dựa trên dữ liệu và thành thạo trong việc phân tích tuyển dụng, bạn đang bỏ lỡ cơ hội quý giá giúp công ty đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Thách thức trong tuyển dụng

Giải pháp:

Hãy bắt đầu bằng cách xác định các chỉ số tuyển dụng chính và theo dõi thường xuyên các chỉ số này. Bằng cách đánh giá từng bước trong quy trình tuyển dụng, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định chiến lược dựa trên dữ liệu thực tế – đồng thời ngừng lãng phí nguồn lực cho những phương pháp không hiệu quả.

10. Ứng dụng công nghệ mới

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay, phương pháp tuyển dụng sử dụng file excel và email đã hoàn toàn lỗi thời. Quy trình tuyển dụng hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải ứng dụng triệt để công nghệ hiện đại để theo dõi tiến trình và tương tác với ứng viên hiệu quả hơn.

Ứng dụng công nghệ số trong tuyển dụng

Giải pháp:

Các phần mềm như Applicant Tracking System (ATS) đang trở thành xu hướng mới của doanh nghiệp. Ngoài ra, những ứng dụng công nghệ số như TalentLyft cũng sẽ góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả tìm kiếm ứng viên.

Kết luận

Dù bạn là người mới vào nghề hay đã là Quản lý – Nhân sự lâu năm, những thách thức trong tuyển dụng là không hề dễ để vượt qua. Tuy nhiên, bằng cách thực hành những giải pháp trên đây, doanh nghiệp của bạn sẽ phần nào khắc phục được vấn đề – từ đó tăng khả năng tìm đúng người đúng việc, tiết kiệm chi phí và nâng cao hình ảnh công ty.

Tham khảo

Top 20 Recruitment Challenges to Tackle in 2020 – TalentLyft. https://www.talentlyft.com/en/blog/article/331/top-20-recruitment-challenges-to-tackle-in-2020. Truy cập ngày 16/11/2020.

The most common recruiting challenges and how to overcome them. https://resources.workable.com/stories-and-insights/common-recruiting-challenges. Truy cập ngày 16/11/2020.

What is ATS? And How It Put your Recruitment Flow to The Next Level. https://thetimes.com.au/sme-business-news/21542-what-is-ats-and-how-it-put-your-recruitment-flow-to-the-next-level.

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

[FREE EBOOK] Talent Management & Development

Trích từ bộ sách kỹ năng quản lý nhân sự chuyên nghiệp “The Encyclopedia of Human Resource Management” – đồng biên soạn bởi chuyên gia William J. Rothwell

[FREE EBOOK] Talent Management & Development

Trích từ bộ sách kỹ năng quản lý nhân sự chuyên nghiệp “The Encyclopedia of Human Resource Management” – đồng biên soạn bởi chuyên gia William J. Rothwell

Bài viết liên quan

Nâng tầm kỹ năng Quản trị & Nhân sự với các khóa đào tạo của ITD

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cùng các chương trình đào tạo và hội thảo lãnh đạo sắp tới.