Cách tránh kiệt sức

Doanh nghiệp có thể làm gì để hỗ trợ nhân viên biết cách tránh kiệt sức, giảm bớt tỷ lệ nghỉ việc? Nhìn chung, nhà lãnh đạo cấp cao cần có sự chuẩn bị và quan tâm chu đáo – nhằm tạo điều kiện cho mọi người phát huy hết khả năng của mình và thúc đẩy một môi trường làm việc hỗ trợ nhân viên.

Nội dung

Đối với lĩnh vực phi lợi nhuận nói riêng, các tổ chức và quỹ từ thiện có thể đóng một số vai trò thiết yếu. Trước tiên, các nhà tài trợ, giám đốc điều hành và lãnh đạo cấp cao nên cân nhắc về các hành vi của chính họ ở cấp độ cá nhân và nghề nghiệp cũng như ảnh hưởng của những hành vi lên cách họ tương tác với các cử tri của mình. Thứ hai, họ nên ngừng làm bất cứ điều gì cản trở sự phát triển thuận lợi các điều kiện của các nhóm và tổ chức phi lợi nhuận.

Dù bạn đang làm việc trong ngành nghề nào, nếu bạn là một nhà lãnh đạo, bạn có thể nâng cao sự kiên cường của chính mình bằng những điều dưới đây để giúp tạo điều kiện cho đồng nghiệp vượt qua tình trạng kiệt sức (burnout).

1. Ngừng lặp lại những điều tương tự. Bắt đầu thử một cái gì đó mới

Thử nghiệm điều gì mới

Những hệ quả từ đại dịch có khiến bạn cảm thấy như mình đang sống đi sống lại cùng một ngày không? Ngoài việc thúc đẩy sự nhàm chán, các thói quen thiếu tính khám phá cũng có thể làm giảm năng lượng và sự tập trung. Bạn có thể cần xem xét lại các thói quen này và những việc có thể làm gì khác đi để thúc đẩy sự thay đổi.

Bộ não dần phát triển để chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi có những trải nghiệm mới lạ. Nghiên cứu về não bộ đã phát hiện ra rằng một lượng lớn dopamine được tiết ra khi chúng ta có bất kỳ trải nghiệm mới nào. Và không nhất thiết phải lớn mới có hiệu quả – ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể giúp tạo ra sự thay đổi ngay lập tức về năng lượng và sự tập trung.

Hãy cam kết thử những điều mới như một cách tránh kiệt sức. Nó có thể đơn giản như thử một lộ trình mới khi đi dạo buổi sáng. Làm thế nào bạn có thể khuyến khích người khác thử một cái gì đó mới lạ? Có thể chia sẻ những điều mới đã thử vào cuộc họp nhóm sắp tới và bắt đầu tạo không gian cho các đồng nghiệp đang đối mặt với tình trạng kiệt sức chia sẻ những ý tưởng với nhau.

2. Ngừng thở nông. Bắt đầu một bài tập thở có chủ ý

Tập thở

Bạn có thể không nhận thấy rằng đôi lúc mình nín thở hoặc thở rất nông, đặc biệt khi đang cảm thấy áp lực. Mỗi khi lo lắng hoặc căng thẳng, hãy dành thời gian ngắn thực hành thở đúng cách. Một bài tập hít thở ngắn có chủ ý trong khoảng một phút cũng có thể mang lại sự khác biệt lớn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng: khi ta thở nông và nhanh, hệ thần kinh cũng đồng thời hoạt động mạnh hơn – điều đó làm chúng ta căng thẳng và lo lắng hơn. Nhưng nếu ta chậm rãi hít một hơi thật sâu và tập trung vào việc thở ra, nó sẽ kích hoạt phản ứng chống căng thẳng của cơ thể.

Thở là một phương cách thuận tiện, tự do và cách nhanh chóng để đưa bạn vào trạng thái bình tĩnh.

Một cách tránh kiệt sức đơn giản là gắn việc hít thở sâu có chủ ý vào việc bạn làm hàng ngày – có thể ngay trước khi tham gia một cuộc họp trực tuyến khác, hoặc khi bạn chuyển từ công việc ở cơ quan sang việc ở nhà. Bạn có thể thử nghiệm mở rộng phương pháp này bằng cách mời những người tham gia cuộc họp cùng làm với bạn. Chỉ cần mời các thành viên trong nhóm hít thở sâu trong một phút khi bắt đầu – hoặc tạm dừng để thở ở những khoảng nghỉ giữa giờ.

3. Ngừng gửi những tin nhắn cảm ơn chung chung. Bắt đầu cá nhân hóa lòng biết ơn

Bạn đã bao giờ nhận được một lời cảm ơn chung chung, một tin nhắn “trả lời tất cả” làm bạn cảm thấy hơi thất vọng chưa? Mặc dù mục đích là tích cực, nhưng hành động này nhìn chung thiếu sự chân thành và làm giảm tác động tổng thể. Nghiên cứu cho thấy việc cảm ơn thực sự sẽ giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn – và các ghi chú chi tiết về giá trị đóng góp của một cá nhân sẽ hiệu quả hơn nhiều so với truyền thông với toàn thể. Chỉ 5-12 cử chỉ biết ơn chân thành, trang trọng, cá nhân hóa mỗi năm có thể giảm đáng kể xu hướng nghỉ việc của nhân viên, góp phần khắc phục tình trạng kiệt sức.

Hãy dành vài phút viết một ghi chú ngắn gọn (chỉ cần từ 2-3 câu) cho một người mà bạn muốn cảm ơn tại nơi làm việc. Bằng cách làm như vậy, bạn sẽ không chỉ chia sẻ lòng biết ơn với người mà bạn đang gửi ghi chú tới, mà bạn còn sẽ làm gương cho hành vi này đối với các nhà lãnh đạo khác trong doanh nghiệp.

nói lời cảm ơn

Cách tránh kiệt sức

Hãy biến hành động này thành thông lệ, gửi cho từng thành viên trong đội nhóm một lời cảm ơn ngắn gọn nhưng được cá nhân hóa một cách nhất quán.

Đọc thêm: Không biết nói lời cảm ơn – Thói quen xấu cần loại bỏ

4. Ngừng tổ chức các cuộc họp theo mặc định. Bắt đầu xây dựng văn hóa hội họp có chủ đích

Văn hóa hội họp

Các cuộc họp luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta và với sự gia tăng của lực lượng lao động từ xa và kết hợp, chúng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, họp hành quá nhiều có thể khiến bạn kiệt sức, cảm thấy lãng phí thời gian và đôi khi buộc bạn phải làm việc sau giờ làm. Nhân viên thậm chí có thể cảm thấy bị cô lập khi không có cơ hội kết nối. Các cuộc họp quan trọng nhằm giúp chúng ta hoàn thành công việc, vì vậy hãy dành chút thời gian để đối chiếu và cập nhật văn hóa họp của tổ chức bạn.

Lần tới khi chuẩn bị lên lịch một cuộc họp, hãy tự hỏi bản thân câu hỏi: Cuộc họp này có thực sự cần thiết – hay chúng ta chỉ tổ chức một cuộc họp theo thói quen, vì đó là việc mà chúng ta luôn buộc phải làm? Cân nhắc xem bạn có thể xử lý chương trình nghị sự qua email, hoặc ứng dụng nhắn tin hay cân nhắc rút ngắn thời gian của buổi họp. Điều này cho phép mọi người tránh tham dự các cuộc họp liên tục trong một ngày.

Giảm nhẹ “sự mệt mỏi với Zoom” bằng cách đặt một số cuộc họp ảo chỉ cần âm thanh và không cần thiết phải sử dụng webcam. Hoặc, nếu có thể, hãy đề nghị các thành viên trong nhóm nhận cuộc gọi trong khi đi dạo ngoài trời để kết hợp vận động và hít thở không khí trong lành. Điểm thưởng dành cho nhân viên nào kết hợp một cuộc họp và đi bộ cùng nhau. Các cuộc họp là cơ hội chính để kết nối, vì vậy hãy suy nghĩ theo hướng đó để cải thiện các phương pháp giao tiếp và hội nghị trực tuyến trong tổ chức của bạn.

5. Ngừng duy trì một tuần làm việc 24/7. Bắt đầu khuyến khích thiết lập ranh giới

cách tránh kiệt sức

Ranh giới xung quanh công việc và gia đình của bạn thay đổi như thế nào trong quá trình diễn ra đại dịch? Đối với nhiều người trong chúng ta đang làm việc trong môi trường làm việc hỗn hợp, chúng ta không còn “làm việc ở nhà” nhiều như khi “sống ở nơi làm việc”. Một trải nghiệm không giới hạn như thế này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta và góp phần gây ra tình trạng kiệt sức. Do sự thay đổi này, bạn có thể cân nhắc xem mình có vô tình tạo ra kỳ vọng làm việc nhiều giờ hơn như thế nào, bao gồm cả buổi tối và đêm muộn, khi nhân viên thường không bị ràng buộc với công việc.

Nếu bạn hoặc đồng nghiệp đang tìm cách tránh kiệt sức, hãy chú ý đến các kiểu giao tiếp đã xuất hiện cho chính bạn và nhóm của bạn gần đây. Nếu nhận thấy bản thân thường xuyên kiểm tra email sau giờ làm việc hoặc vào cuối tuần, hãy suy ngẫm về thói quen này. Làm thế nào bạn có thể tạo ra hoặc tác động đến những kỳ vọng mới giúp tái tạo năng lượng và ngắt kết nối với công việc? Làm thế nào bạn có thể tích cực hỗ trợ cả đạo đức làm việc và “đạo đức nghỉ ngơi”? Và những tín hiệu nào bạn có thể dùng để cảnh báo cho bản thân rằng bạn đang “hết giờ”?

Cân nhắc đóng máy tính xách tay và để nó ở một không gian làm việc được chỉ định, thu thập tài liệu và cất chúng đi hoặc gửi cho nhóm của bạn một email thân thiện “Tôi ra ngoài và bạn cũng nên như vậy” vào cuối ngày hoặc cuối tuần, hoặc khi rời đi vào kỳ nghỉ. Điều này sẽ giúp nhân viên quản lý cân bằng công việc và cuộc sống – đồng thời tăng khả năng ngừng làm việc khi một ngày kết thúc, hoặc khi họ đang dành thời gian để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng.

6. Ngừng việc lướt điện thoại và uống cà phê vào sáng sớm. Bắt đầu buổi sáng của bạn với chuyển động có chủ ý, chánh niệm

chánh niệm nơi công sở

Bạn có kiểm tra điện thoại trước khi chân chạm sàn vào buổi sáng không? Pha cà phê hoặc trà là bước tiếp theo của bạn? Những hành vi này, mặc dù rất phổ biến, nhưng có thể làm hao mòn năng lượng của bạn trước khi ngày mới bắt đầu. Kiểm tra email, mạng xã hội và tin nhắn ngay khi bạn thức dậy sẽ nhanh chóng rút cạn sự chú ý và cảm xúc, thường gây ra lo lắng trước khi bạn rời khỏi giường. Có thể bạn đã nghe lời khuyên không nên để điện thoại thông minh trong phòng ngủ – nhưng tắt thông báo, hạn chế sử dụng mạng xã hội và xóa càng nhiều ứng dụng khỏi điện thoại càng tốt cũng rất hữu ích.

Đối với thói quen sử dụng caffeine không kiểm soát, chỉ cần trì hoãn nó một chút. Khi bạn thức dậy, hormone cortisol tràn đầy năng lượng đang ở mức cao nhất – thêm caffeine vào cùng lúc đó giống như ném một que diêm vào ngọn lửa đang cháy tí tách. Bạn sẽ trải nghiệm lượng caffeine tăng lên nhiều hơn bằng cách đợi một hoặc hai giờ nếu có thể.

Thay thế thời gian lướt điện thoại ngay khi vừa thức dậy và sử dụng caffeine bằng một chút vận động – đi bộ nhanh, tập yoga hoặc thậm chí chỉ duỗi cơ – và làm một việc gì đó có ý thức như viết nhật ký, đọc sách hoặc nghe nhạc trong vài phút. Sau đó, hãy uống nước trước khi bạn dùng cafe. Hãy thử trong vài ngày và xem liệu năng lượng của bạn có được cải thiện hay không và liệu những cách này có giúp khắc phục tình trạng kiệt sức hay không.

Khi đánh giá các thói quen và các thông lệ mặc định trong tổ chức có xu hướng làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng và kiệt sức, bạn có thể cân nhắc bắt đầu xây dựng một nền văn hóa coi trọng việc nghỉ ngơi và cho phép nhân viên có thời gian để chăm sóc bản thân. Hãy chú ý đến việc nạp lại năng lượng và làm gương cho những hành vi đó cho đội nhóm – là cách tránh kiệt sức bền vững nhất.

Tham khảo

It’s Time to Break Up with Burnout. https://www.ccl.org/articles/leading-effectively-articles/its-time-to-break-up-with-burnout-heres-how/.

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.