Triết lý chợ cá

Trong những năm gần đây, Triết lý chợ cá đang dần trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm trong xây dựng văn hóa công ty. Trên thực tế, đây là công cụ “tuyệt hảo” để doanh nghiệp đạt tới thành công đột phá – giúp nâng cao tinh thần làm việc nhóm, nuôi dưỡng lòng trung thành nhân viên, cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như phát triển năng lực sáng tạo.

Nội dung

Triết lý chợ cá là gì?

Triết lý chợ cá hay Triết lý con cá (FISH! Philosophy) là một học thuyết trong kinh doanh về nguồn gốc niềm vui trong công việc. Lý thuyết này được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1997 bởi John Christensen – sau một lần ghé thăm Chợ cá Pike Place ở Seattle.

Khi ấy, John đang đi mua sắm thì tình cờ nghe thấy tiếng reo hò từ xa. Cảm thấy tò mò, ông liền tìm đến nguồn phát ra âm thanh đó – để rồi bắt gặp một đám đông vây quanh chợ cá Pike Place nổi tiếng thế giới.

Ngay lúc đó, một người thợ câu cá quăng một con cá hồi về phía đồng nghiệp – anh này liền bắt lấy chỉ với một tay. Khi đám đông còn đang vỗ tay tán thưởng, anh ta vui vẻ mời một người khách hàng cùng tham gia câu cá.

John Christensen đã vô cùng ngạc nhiên trước quang cảnh vui tươi bày ra trước mắt. Những người bán cá tỏ ra vô cùng hào hứng khi làm việc. Họ cười đùa, hò hét và chào đón khách hàng như những người bạn cũ. Bất chấp khung cảnh ồn ào xung quanh, khi một người bán cá tập trung phục vụ một khách hàng, dường như chỉ có họ là hai người duy nhất tồn tại trên thế giới này. Ai nấy đều mỉm cười – và cá bán được rất nhiều.

Chợ cá Pike Place - Seattle

Nhìn bên ngoài, công việc bán cá có vẻ rất cực nhọc, mệt mỏi và vô vị. Thế nhưng, những người bán hàng tại đây lại đón nhận nó với lòng nhiệt tình và hăng hái. Họ đã tìm thấy niềm vui thực sự trong công việc hằng ngày.

Ông liền tự hỏi: “Làm sao họ làm được như vậy?”

“Tôi muốn được như những người này.”

John đưa một nhóm quay phim trở lại chợ và dành vài ngày với những người bán cá. Khi nhóm của ông phân tích lại cảnh quay, họ nhanh chóng nhận ra 4 phương thức thực hành đơn giản mà những người thợ câu cá đã áp dụng để đạt được thành công trong công việc.

Tầm quan trọng của Triết lý chợ cá trong cuộc sống

Áp lực công việc và cuộc sống khiến chúng ta dễ nảy sinh thái độ “nghiêm túc” quá mức. Tuy nhiên, chính điều đó vô hình chung lại ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công việc và các mối quan hệ hằng ngày.

Đã bao giờ bạn bước vô một cửa hàng tạp hóa – để rồi nhìn thấy hai người thu ngân với hai phong cách làm việc hoàn toàn trái ngược nhau?

Một nhân viên tỏ thái độ vô cùng nghiêm túc. Cô rất lịch sự, nhưng không hề mỉm cười – và tự nhiên bạn có ấn tượng rằng cô ấy trông như thể không muốn ngồi ở đây.

Nhân viên thứ hai thì cư xử hoàn toàn khác. Cô luôn mỉm cười, sẵn sàng trao đổi và trò chuyện thân mật với khách hàng.

Hai nhân viên – hai thái độ khác nhau. Và nếu là bạn, bạn sẽ muốn được phục vụ bởi ai hơn? Ai sẽ mang lại cho bạn nguồn động viên tinh thần và năng lượng tích cực sau khi rời cửa hàng?

Lựa chọn thái độ trong công việc

Lợi ích của đào tạo Triết lý chợ cá đối với doanh nghiệp

Giống như một ngôi nhà cần làm móng vững chắc, mọi doanh nghiệp thành công đều cần đến một nền văn hóa lành mạnh – được xây dựng dựa trên nền tảng sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau. Triết lý chợ cá chính là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu đó.

Nếu mỗi ngày, nhân viên của bạn đến công ty trong trạng thái tinh thần vui vẻ, luồng năng lượng và nhiệt huyết đó sẽ nhanh chóng lan tỏa sang mọi người xung quanh. Chỉ bằng những cử chỉ – lời nói thật giản đơn, bạn sẽ làm cho đồng nghiệp cảm thấy “ấm lòng” và được trân trọng. Đây chính là nền tảng nuôi dưỡng sự tin tưởng, tinh thần đồng đội, cùng hướng đến mục tiêu chung.

Cải thiện tỷ lệ giữ chân nhân viên

Một môi trường làm việc tích cực, vui vẻ là “chất xúc tác” không thể tốt hơn đối với việc giữ chân nhân viên và thu hút ứng viên tài năng.

Người lao động – đặc biệt là thế hệ Millennials – luôn có nhu cầu rất cao về phương diện tình cảm. Ai trong chúng ta cũng mong muốn có được mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp, được thường xuyên công nhận và lắng nghe.

Triết lý chợ cá chính là công cụ giúp xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp đáp ứng toàn diện những nhu cầu kể trên – thúc đẩy người lao động nỗ lực đóng góp toàn bộ năng lực của mình.

“Mỗi khi tôi đưa khách hàng đến thăm bệnh viện của chúng tôi, họ đều nhận xét: ‘Nhân viên ở đây lúc nào cũng mỉm cười.’ Thực hành Triết lý chợ cá quả thực đã mang lại tác động rất lớn đến tỷ lệ giữ chân nhân viên (97%) và nâng cao hiệu quả quá trình tuyển dụng.”

Lauri Tanner, Giám đốc điều hành, Bệnh viện Ranken Jordan

Niềm vui tại nơi làm việc

Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng

Khách hàng luôn yêu thích được phục vụ bởi những nhân viên yêu thích công việc mình làm. Thông qua thực hành Triết lý chợ cá, doanh nghiệp sẽ có cơ hội để lại ấn tượng khác biệt trong mắt người tiêu dùng.

Trước đây, khi khách hàng có trải nghiệm dịch vụ tiêu cực, họ sẽ chỉ đơn thuần nói lại với gia đình và bạn bè. Thế nhưng ngày nay, họ sẽ có thể chia sẻ ra rộng rãi thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Và tổn thất mà doanh nghiệp phải chịu sau đó là không thể kể xiết.

Dịch vụ khách hàng không chỉ là câu chuyện học lý thuyết – mà phải xuất phát từ chính tấm lòng mỗi người. Bằng việc học cách tư duy theo Triết lý chợ cá, bạn sẽ nhìn thấy cơ hội giúp đỡ khách hàng của mình. Và khách hàng luôn thích được phục vụ bởi những người quan tâm “thực sự” đến họ.

Các doanh nghiệp với đội ngũ nhân viên tận tâm sẽ làm khách hàng hài lòng hơn gấp 89% so với các doanh nghiệp khác.

Theo Harvard Business Review

Khi khách hàng yêu thích sản phẩm – dịch vụ của bạn hơn các đối thủ khác, doanh thu và lợi nhuận cũng sẽ từ đó được cải thiện.

Dịch vụ khách hàng thân thiện

Động viên tinh thần và gắn kết nhân viên

Nghiên cứu của Gallup cho thấy khoảng 70% người lao động không cảm thấy “nhiệt tâm” và nỗ lực hết mình với công việc. Hậu quả là năng suất làm việc bị “kìm hãm”, ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí và doanh thu của doanh nghiệp. May mắn thay, việc tìm hiểu và thực hành Triết lý chợ cá sẽ trở thành nguồn cảm hứng và sức mạnh để mỗi người cống hiến tất cả năng lực của bản thân.

Nếu nhân viên của bạn cảm thấy không được coi trọng, họ sẽ ngừng tin vào khả năng tạo ra sự khác biệt tích cực của bản thân. Triết lý chợ cá sẽ là công cụ giúp mọi người gắn kết lại với nhau – khiến họ cảm thấy được đánh giá cao, sẵn sàng giúp đỡ và chú tâm đến những gì họ có thể “cho đi” hơn là những gì có thể “nhận lại”.

gắn kết nhân viên

Nuôi dưỡng sự tin tưởng và tinh thần làm việc nhóm

Niềm tin là mấu chốt quan trọng trong làm việc nhóm. Bằng không, chúng ta sẽ chỉ làm những gì mình được yêu cầu thực hiện. Mỗi người tự rút lui vào “vùng an nhàn” cá nhân. Khi có khó khăn xảy ra, ai nấy sẽ tìm cách lảng tránh giải quyết vấn đề.

Để nuôi dưỡng niềm tin nội bộ, các thành viên trong nhóm cần khuyến khích và “truyền lửa” cho nhau. Thông qua Triết lý chợ cá, mọi người sẽ học được cách lắng nghe để hiểu – thay vì để trả lời. Quá trình giao tiếp sẽ diễn ra trên nền tảng trung thực và tôn trọng lẫn nhau. Những ý tưởng mới được hoan nghênh. Mọi người cảm thấy an toàn và được hỗ trợ, sẵn sàng đóng góp tất cả tài năng và sức lực của mình.

4 nguyên tắc trong Triết lý chợ cá

Triết lý chợ cá xoay quanh 4 nguyên tắc cơ bản nhưng vô cùng hiệu quả.

4 nguyên tắc trong triết lý chợ cá

1. Tìm niềm vui trong công việc (Play)

Chỉ cần tìm thấy niềm vui trong công việc, bạn sẽ có thêm nhiệt huyết, năng lượng và quyết tâm làm hết sức mình.

Một số công việc như y tế có tính chất nghiêm túc cao, khiến việc thực hành nguyên tắc này trở nên khó khăn hơn nhiều. Nhưng chính vì vậy mà nguyên tắc này càng trở nên quan trọng hơn hẳn.

Tuy không dễ dàng, óc hài hước có thể thay đổi hoàn toàn bầu không khí khi xảy ra xung đột hay căng thẳng do áp lực công việc. Tiếng cười và thái độ vui vẻ có sức “lan tỏa” vô cùng mạnh mẽ – chỉ cần một cá nhân thể hiện niềm vui với công việc cũng đủ để tạo động lực cho mọi người xung quanh.

Dù công việc khó khăn như thế nào, hãy luôn học cách tỏ ra nhiệt tình và vui vẻ trong mọi việc bạn làm – như thể bạn đang ở trong một trò chơi thú vị.

2. Mang niềm vui đến cho người khác (Make their day)

Nếu bạn làm điều gì đặc biệt cho khách hàng hoặc đồng nghiệp của mình, bạn có thể chắc chắn rằng lần sau – họ cũng sẽ làm như vậy với bạn. Nguyên tắc thứ hai của Triết lý chợ cá không chỉ đơn thuần mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng – mà còn nhằm mục đích biến công sở trở thành một nơi tốt hơn.

Hãy cố gắng làm điều tốt nhất cho những người bạn đang làm việc cùng. Nếu bạn đang giao dịch trực tiếp với khách hàng, hãy tương tác, mỉm cười với họ, quan tâm thực sự đến khách hàng và tìm cách gia tăng thêm tinh thần và giá trị tích cực cho họ. Chỉ những hành động nhỏ nhặt thể hiện lòng tốt hoặc sự quan tâm dành cho khách hàng, bạn đã để lại ấn tượng khác biệt so với tất cả đối thủ cạnh tranh.

3. Tập trung vào hiện tại (Be there)

Cốt lõi của nguyên lý thứ ba trong Triết lý chợ cá là thực hành chánh niệm (mindfulness). Nói cách khác, bạn tập trung vào công việc với toàn bộ các giác quan và tâm trí – không để cho bản thân bị phân tâm bởi những yếu tố khác.

Luôn chú ý đến những gì bạn làm hàng ngày cho đồng nghiệp, khách hàng và doanh nghiệp. Thể hiện tình cảm của bạn đối với mọi người. Cử chỉ đơn giản này sẽ truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng – giúp cải thiện hiệu quả giao tiếp và củng cố các mối quan hệ.

4. Lựa chọn thái độ (Choose your attitude)

Nguyên tắc cuối cùng trong Triết lý chợ cá là nhận thức được thái độ của bạn trong công việc.

Khi thức dậy mỗi buổi sáng, bạn có quyền tự chọn cho bản thân một tâm trạng tốt hay xấu – đây cũng chính là nguồn năng lượng bạn mang đến nơi làm việc. Bạn có toàn quyền lựa chọn thay đổi trạng thái cảm xúc – và quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi người xung quanh.

Không ai có thể kiểm soát toàn bộ các nhân tố bên ngoài. Thế nhưng, bạn hoàn toàn có thể làm chủ hạnh phúc của bản thân. Thay vì tỏ ra không hài lòng với công việc, hãy cố gắng học cách tư duy tích cực và tìm thấy niềm vui trong công việc hằng ngày.

Mỗi chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về cách bản thân phản ứng với những gì xảy ra trong cuộc sống. Và sự lựa chọn của bạn luôn ảnh hưởng sâu sắc đến những người xung quanh.

Hãy tự hỏi bản thân: “Thái độ của tôi có giúp ích cho đội nhóm hay khách hàng không? Nó có giúp tôi trở thành người mà tôi muốn trở thành không?”

Đọc thêm: Luật hấp dẫn – Bí quyết sống thành công và hạnh phúc lâu dài

Lời kết

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ giúp bạn đọc nắm bắt tầm quan trọng của Triết lý chợ cá cho cuộc sống và phương pháp áp dụng vào thực tế. Nếu bạn đọc quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về các chương trình đào tạo lãnh đạo và nhân sự của chúng tôi, vui lòng liên hệ với ITD Vietnam qua số điện thoại 028 3825 8487/ email itdvietnam@vncmd.com để được hỗ trợ tư vấn chi tiết.

Có thể bạn quan tâm:

Tham khảo

The FISH! Philosophy Story. https://www.fishphilosophy.com/fish-philosophy-story/. Truy cập ngày 29/08/2021.

The Fish Philosophy For Making Work Fun. https://trackvia.com/blog/excelling-at-work/you-dont-need-to-be-miserable-the-fish-philosophy-for-making-work-fun/. Truy cập ngày 29/08/2021.

What is Fish! Philosophy and How It Can Change the Way You See Your Job. https://www.livechat.com/success/fish-philosophy/. Truy cập ngày 29/08/2021.

Choose Your Attitude. It starts with intention and awareness. https://www.fishphilosophy.com/choose-your-attitude/. Truy cập ngày 29/08/2021.

Four ways to apply mindfulness with The FISH! Philosophy. https://www.fishphilosophy.com/four-ways-apply-mindfulness-fish-philosophy/. Truy cập ngày 29/08/2021.

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.