Nghiên cứu cách ứng dụng binh pháp Tôn Tử (Sun Tzu) trong nghệ thuật quản lý, xây dựng chiến lược doanh nghiệp và thay đổi cuộc sống cá nhân.
Nội dung
Tôn Tử là ai?
Tôn Tử (Sun Tzu) là nhà chiến lược quân sự huyền thoại ở Trung Quốc cổ đại, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Nghệ thuật chiến tranh” (The Art of War). Ông là bậc thầy về “quyền lực mềm” và là cha đẻ của phương pháp “chiến tranh thần tốc”. Bất cứ khi nào có thể, ông sẽ cố gắng giành chiến thắng mà không cần phải chiến đấu – hoặc đơn giản là chiến thắng những trận đánh dễ dàng nhất.
Ông viết, “Trong chiến tranh, chiến lược gia thành công chỉ ra trận khi nắm chắc phần thắng”. Ông cũng khuyên quân đội của mình “hãy chiến thắng bằng những con đường bất ngờ nhất, tấn công những điểm địch không chuẩn bị phòng vệ.” Và ông nói thêm, “Binh pháp tựa như nước, nước sẽ chảy từ nơi cao xuống chỗ trũng. Trong chiến tranh cũng vậy, muốn thắng lợi, tốt nhất nên tránh điểm mạnh và tấn công điểm yếu của quân thù”.
Những lời dạy của Tôn Tử không chỉ phù hợp cho lĩnh vực quân sự – các quan điểm của ông tập trung vào việc tìm ra cách dễ nhất để đạt được mục tiêu. Phương pháp tiếp cận của ông có thể được áp dụng cho mọi lĩnh vực, từ tăng trưởng kinh doanh và thiết lập mục tiêu, cho đến tập luyện và thay đổi thói quen hằng ngày.
Binh pháp Tôn Tử và 36 mưu kế
Binh pháp Tôn Tử là gì?
Nguồn gốc binh pháp Tôn Tử bắt đầu từ 2 yếu tố chính:
- Zheng: Cố định kẻ thù tại chỗ
- Qi: Bao vây xung quanh kẻ thù – về thể lý cũng như tâm lý.
Sử dụng cùng lúc cả hai yếu tố trên đây, nhà quân sự sẽ đảm bảo đánh những đòn quyết định vào nơi kẻ thù không thể lường trước và ít có sự chuẩn bị nhất.
(Nguồn: How Wars Are Won)
Một khi đã có chiến lược, quân đội sẽ chuyển qua trạng thái với tên gọi là “shih”. Quân đội Tôn Tử không có chương trình hay kế hoạch gì cụ thể, nhưng họ hiểu rõ bối cảnh trận chiến, lợi thế của họ và những lựa chọn khả thi. Khi trận chiến bắt đầu, các tướng lĩnh từ trên xuống đều biết phải làm gì khi tình huống bất ngờ xảy ra.
Nói một cách đơn giản, chiến lược nghệ thuật và khoa học xử lý các lựa chọn. Mấu chốt là hiểu được những giải pháp ở thời điểm hiện tại, tạo ra cơ hội mới, cũng như quyết định chọn lựa giải pháp phù hợp.
Quá trình ra quyết định chiến lược yêu cầu lãnh đạo phải đánh giá lợi thế cũng như khó khăn về lâu dài. Chiến lược đưa ra định hướng cho kế hoạch hành động. Ngược lại, kế hoạch tác chiến và ra quyết định góp phần hỗ trợ đưa ra những quyết định chiến thuật phù hợp khi giao chiến.
Tóm tắt binh pháp Tôn Tử
Về tác phẩm “Binh pháp Tôn Tử”
Sách Binh pháp Tôn Tử (The Art of War) bao gồm 13 chương – đề cập đến định nghĩa chung chiến lược là gì, cũng như ứng dụng chiến thuật cụ thể. Được tham khảo bởi các tướng lĩnh, doanh nhân, huấn luyện viên thể thao và chiến lược gia, tác phẩm có ảnh hưởng rộng rãi đến rất nhiều tầng lớp – đặc biệt là các chương đầu tiên.
Tuy nội dung chính là về chiến tranh, thông điệp trong sách lại vượt ra khỏi giới hạn đó. Với những ai đang nghiên cứu tìm hiểu về chiến lược, “The Art of War” thực sự là một lựa chọn đáng giá.
5 yếu tố phân tích chiến lược trong binh pháp Tôn Tử
Trong binh pháp Tôn Tử, có 5 yếu tố được ứng dụng nhằm phác thảo bức tranh toàn cảnh vấn đề. Dựa trên 5 yếu tố này, cấp lãnh đạo có thể từ đó xây dựng Khung phân tích kinh doanh (Business Analysis Framework) toàn diện:
- Đạo (道): Thuật ngữ “đạo” thường được hiểu với ý nghĩa “đạo đức”. Tôn Tử giải thích như sau: “Đạo là cơ sở để dân chúng hòa hợp với người cai trị – họ sẽ phục tùng bất kể nguy hiểm hay phải hy sinh tính mạng” . Trong bối cảnh doanh nghiệp, “đạo” có thể hiểu nôm na là “mục đích” chung.
- Thiên (天): Thuật ngữ “thiên” nghĩa đen chỉ thời tiết và các yếu tố tác động từ môi trường. Hiểu theo nghĩa rộng, “thiên” chỉ tất cả các yếu tố bên ngoài mà chúng ta không thể kiểm soát.
- Địa (地): “Địa” nghĩa đen là vị trí, khoảng cách và địa hình. Trong kinh doanh, chúng ta có thể coi đó là môi trường mà doanh nghiệp đang hoạt động.
- Tướng (将): “Tướng” đề cập đến đội ngũ quản lý và lãnh đạo của tổ chức.
- Pháp (法): Chỉ luật lệ và kỷ luật trong Binh pháp Tôn Tử. Trong bối cảnh doanh nghiệp, khái niệm bao hàm trong đó bản thân tổ chức, các hoạt động, văn hóa và phương pháp quản trị.
5 yếu tố căn bản trên đây có thể được sắp xếp thành mô hình dưới đây. Không có yếu tố nào là nổi trội hơn – tất cả đều ảnh hưởng lẫn nhau.
5 yếu tố phân tích chiến lược trong binh pháp Tôn Tử
Binh pháp Tôn Tử trong quản lý
Khác với lối tư duy tuyến tính (linear thinking) phổ biến ở Tây phương, xây dựng chiến lược theo binh pháp Tôn Tử dựa trên tư duy bao quát theo vòng tròn đặc trưng của văn hóa phương Đông và Đạo giáo. Trong mô hình trên đây, phân tích chiến lược được thực hiện dựa trên hiểu biết sâu sắc về môi trường, các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài, đối thủ cạnh tranh – và đặc biệt là tình hình nội bộ tổ chức. Việc không hiểu rõ bản thân là vấn đề “nổi cộm” nhất tác động đến hiệu quả chiến lược.
Phân tích chiến lược giúp đánh giá và học hỏi từ những gì đã xảy ra. Để xây dựng hệ thống vững mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp phải thực hiện phân tích chiến lược liên tục – đặc biệt lưu tâm đến các dấu hiệu chi tiết để dự đoán trước thay đổi trong tương lai, làm tiền đề thích ứng và quản lý sự thay đổi tốt hơn.
Đọc thêm: Tư duy phản biện (Critical Thinking) – 5 kỹ năng cần thiết & Bí quyết cải thiện
Ứng dụng binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh
Kế sách Tôn Tử đòi hỏi phải cân nhắc đến 7 câu hỏi sau:
- Vua bên nào được lòng dân hơn?
- Tướng bên nào năng lực nhỉnh hơn?
- Thiên thời đang nghiêng về bên nào?
- Bên nào thi hành kỷ luật (pháp lệnh) nghiêm ngặt hơn?
- Quân đội bên nào có thực lực tốt hơn?
- Sĩ quan và binh lính bên nào được đào tạo chuyên sâu hơn?
- Bên nào có chính sách thưởng phạt nghiêm minh hơn?
Tương tự, trong môi trường kinh doanh, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi sau:
- Đối thủ nào trên thị trường có mục đích mạnh mẽ và thống nhất nội bộ hơn?
- Năng lực lãnh đạo bên nào tốt hơn?
- Ai có khả năng khai thác các tiềm lực tốt hơn trong môi trường/ hoàn cảnh hiện tại?
- Mô hình hoạt động của bên nào hoàn thiện hơn?
- Sức mạnh tài chính của bên nào cao hơn?
- Kỹ năng quan trọng nhất hiện có (và cần thiết trong tương lai) của doanh nghiệp là gì? Mô hình đào tạo ra làm sao?
- Chính sách khen thưởng và khuyến khích của bên nào công minh hơn?
Thông thường, chúng ta có xu hướng tập trung xem xét quá nhiều về tài chính, để rồi bỏ qua khía cạnh năng lực của tổ chức. Đây là lúc binh pháp Tôn Tử phát huy tác dụng – cụ thể, doanh nghiệp cần tập trung vào kỹ năng của các thành viên liên quan.
Đọc thêm: Chiến lược lãnh đạo – 5 yếu tố quan trọng doanh nghiệp cần lưu ý
9 câu danh ngôn bất hủ của Tôn Tử
Xuất hiện lần đầu vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, những nội dung của binh pháp Tôn Tử cho đến nay vẫn được áp dụng rộng rãi ở cả phương Đông và phương Tây – không chỉ trong quân sự, mà còn cả lĩnh vực kinh doanh, chính trị, luật pháp, thể thao và thậm chí đời sống thường nhật. Giống như Plato nhận định, cuộc sống là một “cuộc chiến vĩ đại… lớn hơn mọi cuộc xung đột nào khác trên trần gian”.
Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn 9 câu nói nổi tiếng nhất của Tôn Tử:
- “Đánh nhau phải lừa nhau. Đánh được phải giả vờ không đánh nổi, hành quân phải giả vờ như bất động, gần phải giả vờ xa, xa phải giả vờ gần.”
- “Chiến tranh cần phải giải quyết thật nhanh chóng, sớm ngày nào hay ngày ấy. Kéo dài ra chỉ làm hao binh, tổn tướng, mất nhuệ khí chiến đấu, làm tài nguyên quốc gia kiệt quệ, nhân dân điêu đứng.”
- “Phép dụng binh, gấp mười lần địch thì bao vây, gấp năm lần địch thì tấn công, gấp đôi chì chia ra mà đánh, bằng địch thì phải đánh khéo, kém địch thì rút lui, tránh giao tranh với địch.”
- “Đội quân chiến thắng bao giờ cũng tạo điều kiện để thắng, sau mới giao tranh. Đội quân chiến bại thường giao tranh trước, sau mới tìm chiến thắng bằng cầu may.”
- “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Biết ta mà không biết địch, trận thắng trận bại. Không biết địch không biết ta, trận nào cũng bại.”
- “Dụng binh bao giờ cũng đánh chỗ yếu mà tránh chỗ mạnh của quân địch.”
- “Các bậc vua sáng tướng tài, sở dĩ dấy binh thắng địch, thành công hơn người, đó là nhờ biết trước vậy.”
- “Địch rút về nước thì không nên chặn đường, bao vây quân địch nên chừa một lối thoát cho chúng, địch cùng khốn thì không nên quá bức bách chúng.”
- “Đối xử với sĩ tốt như con em, họ sẽ cùng ta xông pha vào những nơi hung hiểm. Coi sĩ tốt như con yêu quý, họ sẽ cùng sống chết bên ta.”
Binh pháp Tôn Tử – Ứng dụng trong cuộc sống
Trong cuộc sống, chúng ta thường cố gắng luyện tập những thói quen mới, phấn đấu đạt tới thành công bằng thuần túy sức mạnh ý chí. Sai lầm ở đây là ta trực tiếp “đánh trận” và tấn công “kẻ thù” – ở đây là những thói quen xấu – vào ngay thời điểm kẻ địch mạnh nhất. Lấy ví dụ:
- Ta cố gắng tuân theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt khi cùng đi ăn tối với bạn bè.
- Ta cố gắng viết sách khi môi trường xung quanh quá ồn ào.
- Ta cố gắng ăn uống lành mạnh – khi mà trong tủ lạnh lại chứa toàn đồ ngọt và các loại thức ăn không tốt khác.
- Ta cố gắng làm bài tập về nhà trong khi tivi vẫn đang mở.
- Ta cố gắng tập trung làm việc, đồng thời vẫn sử dụng một chiếc điện thoại với đầy các ứng dụng mạng xã hội, trò chơi điện tử và những thứ gây xao nhãng khác.
Kết quả là khi không đạt mục tiêu đề ra, chúng ta sẽ tự trách mình đã “không thực sự khao khát thành công”. Thực tế, trong nhiều trường hợp, thất bại không phải do thiếu sức mạnh ý chí – nhưng là do sai lầm trong chiến lược.
Các nhà lãnh đạo quân sự tài năng luôn bắt đầu bằng việc giành chiến thắng trong các trận đánh dễ dàng trước. Họ đợi cho đến khi phe đối lập suy yếu và tinh thần xuống thấp trước khi trực tiếp đối đầu với kẻ thù. Tại sao phải bắt đầu cuộc chiến bằng cách giao tranh ở những khu vực địch phòng thủ tốt? Tại sao phải bắt đầu những thói quen mới trong một môi trường quá khó khăn/ không thuận lợi?
Tôn Tử sẽ không bao giờ dẫn quân của mình vào một trận chiến mà địa hình không có lợi cho mình. Ông sẽ không bắt đầu bằng cách tấn công vào điểm mà kẻ thù mạnh nhất. Tương tự như vậy, trước tiên, chúng ta nên cải thiện những thói quen dễ dàng thay đổi, tập luyện thành thói quen trước khi “tấn công” vào những điểm khó thay đổi nhất.
Tôn Tử – bậc thầy làm chủ chính mình
Chúng ta cùng thử áp dụng những lời dạy trong binh pháp Tôn Tử vào thói quen hằng ngày nhé.
Ví dụ 1:
- Tôn Tử: “Bạn có thể chắc chắn thành công trong chiến trận, nếu bạn chỉ tấn công vào những nơi không bị cản trở.”
- Ứng dụng: “Bạn có thể chắc chắn thành công trong việc thay đổi thói quen, nếu bạn chỉ tập trung vào các thói quen đơn giản nhất.”
Ví dụ 2:
- Tôn Tử: “Ta sẽ chiến thắng nếu biết khi nào nên đánh và khi nào không nên đánh.”
- Ứng dụng: “Ta sẽ thay đổi được thói quen khi biết nên bắt đầu với thói quen nào trước và thói quen nào sau.”
Ví dụ 3:
- Tôn Tử: “Tướng giỏi biết tránh khi nhuệ khí địch đang cao, tấn công khi nhuệ khí địch giảm và muốn rút lui.”
- Ứng dụng: “Người thông minh không tìm cách từ bỏ các thói quen xấu khó thay đổi, nhưng bắt đầu với những thói quen nhỏ và dễ thay đổi nhất.”
Đọc thêm: 12 bí quyết thành công – Thay đổi cuộc đời ngay hôm nay
Chỉ chiến đấu khi biết phần thắng sẽ thuộc về mình
Phát triển bản thân không chỉ đơn thuần là vấn đề về ý chí hay kỷ luật công việc – nhưng đòi hỏi phải có chiến lược cụ thể. Chúng ta thường cho rằng thất bại là do thiếu ý chí hoặc không sẵn sàng thay đổi. Thực tế, nguyên nhân sâu xa thường là do ta cố gắng thay đổi mà không tính đến yếu tố môi trường không thuận lợi.
- Nếu bạn đang cố gắng đọc nhiều sách hơn, đừng làm điều đó trong một căn phòng đầy trò chơi điện tử, Netflix và tivi. Hãy chuyển đến một môi trường ít gây phân tâm hơn.
- Nếu bạn bị thừa cân, đừng cố gắng theo đuổi một chương trình tập luyện dành cho vận động viên chuyên nghiệp. Đó là “đích đến” cuối cùng, nhưng không phải là điều bạn nên quan tâm ngay bây giờ. Hãy bắt đầu bằng cách thay đổi những thói quen trong tầm tay hiện tại.
- Nếu xung quanh bạn là những người ngăn cản bạn đạt tới mục tiêu, hãy chuyển sang làm việc ở một nơi khác, chung với những người đồng chí hướng.
- Nếu bạn đang cố gắng duy trì thói quen viết lách – trong khi con bạn đang ở nhà và gây ồn ào, hãy lựa một thời điểm khác, ít ồn ào và phiền nhiễu hơn, để thực hành việc viết lách này.
Hãy bắt đầu với những thói quen đơn giản và dễ thực hành nhất. Trong mọi tình huống, hãy đánh giá điều kiện hiện có và đảm bảo rằng tỷ lệ thành công sẽ luôn cao hơn thất bại.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng bạn có để ý thấy bản thân thường xuyên “vật lộn” với những “trận chiến” khó, trong khi lại bỏ qua những “trận đánh” dễ hơn? Chúng ta còn rất nhiều thời gian để đối mặt với những vấn đề khó khăn. Thay vào đó, hãy cố gắng giành phần thắng trong các trận chiến dễ dàng trước.
Người khôn ngoan sẽ tìm cách chinh phục con đường ít chông gai nhất. Hãy ưu tiên giải quyết các “trận chiến” mà bạn có cơ hội giành phần thắng cao nhất.
Lời kết
Tuy đã có chiều dài lịch sử hơn 2000 năm, binh pháp Tôn Tử vẫn được đánh giá là “kim chỉ nam” quan trọng, đem lại lợi ích thiết thực trong cuộc sống hiện đại. Những lời dạy của Tôn Tử chứa đựng trong đó vô số bài học quý giá mà bất kỳ chiến lược gia hiện đại nào cũng cần nắm rõ – đặc biệt trong bối cảnh thế giới VUCA hiện nay – để có thể giúp doanh nghiệp giành được lợi thế chiến lược và thích ứng với tình hình biến động.
Tham khảo
Sun Tzu: How to Use Military Strategy to Build Better Habits. https://jamesclear.com/sun-tzu-habits. Truy cập ngày 31/03/2021.
19 Timeless Strategies from Sun-tzu’s ‘Art of War’. https://www.intellectualtakeout.org/blog/9-timeless-strategies-sun-tzus-art-war/. Truy cập ngày 31/03/2021.
Sun Tzu’s Five Factors as a Strategy Analysis Framework. https://sergiocaredda.eu/organisation/sun-tzus-five-factors-as-a-strategy-analysis-framework/. Truy cập ngày 31/03/2021.
Sun Tzu’s Fighting Words – The Strategy Bridge. https://thestrategybridge.org/the-bridge/2020/6/15/sun-tzus-fighting-words. Truy cập ngày 31/03/2021.
8 Important Tips from Sun Tzu’s Art of War. https://empirics.asia/tips-lessons-from-sun-tzus-art-of-war-entrepreneurship/. Truy cập ngày 31/03/2021.
ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.com/ itdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.
BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!
Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác…
Đừng quên dành thời gian tìm hiểu các khóa đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!
Với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi hiểu rõ những nhu cầu và băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp – trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nhằm đáp ứng những trăn trở đó, ITD đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo quản lý mới – được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.