Lãnh đạo thích ứng (Adaptive Leadership)

Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến cho lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với vô số khó khăn. Với tình hình khủng hoảng và bất ổn xã hội như hiện nay, hơn bao giờ hết – những người nắm vai trò quản lý được kỳ vọng phải luôn sẵn sàng phản ứng nhanh để có thể đóng vai trò “đầu tàu” cho sự tồn tại và phát triển của tổ chức. Trong bối cảnh này, cấp lãnh đạo thích ứng tốt sẽ trở thành tài sản vô giá của doanh nghiệp.

Nội dung

Lãnh đạo thích ứng là gì?

Mô hình lãnh đạo thích ứng (adaptive leadership) được đề xuất lần đầu bởi Ronald Heifetz và Marty Linsky. Cụ thể, phong cách lãnh đạo này được đặc trưng ở việc huy động đội nhóm để đối mặt với thử thách khó khăn và đạt tới thành công.

Theo một nghiên cứu đăng trên website của ĐH Villanova University, trọng tâm của lãnh đạo thích ứng là sự linh hoạt (flexible). Những người quản lý thực hành phong cách này ý thức rằng mọi sự luôn vận động và phát triển – do đó, họ phải linh hoạt và đổi mới liên tục để bắt kịp thời đại.

Lãnh đạo thích ứng

Tầm quan trọng của lãnh đạo thích ứng

Ngày nay, nhận thức về năng lực lãnh đạo quản lý đã thay đổi rất nhiều. Nếu trước đây, lãnh đạo được kỳ vọng là những cá nhân xuất sắc, đủ khả năng tự mình “lèo lái” tổ chức bằng ý chí cá nhân – thì nay, yêu cầu tiên quyết của lãnh đạo là khả năng phối hợp với nhân viên dưới quyền để hoàn thành mục tiêu và thực hiện quá trình chuyển dổi doanh nghiệp.

Trong bối cảnh biến động ngày nay, các giám đốc điều hành khi cố gắng theo kịp nhịp độ thay đổi thường gặp rất nhiều khó khăn. Để tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh hiện đại, chúng ta cần không ngừng tìm ra các chiến lược và phương pháp làm việc mới với hiệu suất cao hơn. Đây chính là lúc năng lực lãnh đạo thích ứng phát huy tác dụng.

Theo Inc.com, phong cách lãnh đạo thích ứng tạo điều kiện xây dựng một đội nhóm năng động, vững vàng, luôn sẵn sàng chấp nhận thay đổi. Đây là yêu cầu tiên quyết để có thể đạt được thành công lớn hơn – trong bối cảnh môi trường làm việc thường xuyên biến đổi như hiện nay. Sự thay đổi liên tục của tính chất công việc, đội ngũ nhân viên, khách hàng và nguồn lực đặt ra yêu cầu về kỹ năng thích ứng của nhà lãnh đạo để phù hợp với hoàn cảnh.

Lãnh đạo thích ứng

Đặc điểm của phong cách lãnh đạo thích ứng

Các nhà lãnh đạo thích ứng được đặc trưng bởi một số đặc điểm sau:

  • Họ có khả năng kết nối sự thay đổi của doanh nghiệp với các giá trị, năng lực và nguyện vọng cơ bản của các bên hữu quan.
  • Họ biết cách xây dựng một môi trường khuyến khích sự đa dạng về quan điểm sống, cũng như tận dụng sự đa dạng đó để mang lại lợi ích chung.
  • Họ hiểu rằng thay đổi là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự bền bỉ và sẵn sàng chịu áp lực.
  • Họ chủ động tìm kiếm cơ hội và đầu tư nguồn lực cần thiết để theo kịp thời đại.
  • Họ sẵn sàng nhận sai lầm và thay đổi, hoặc từ bỏ các chiến lược không hiệu quả.
  • Họ có tư duy cầu tiến, sẵn sàng thử nghiệm và chấp nhận rủi ro.
  • Họ yêu thích và khuyến khích nhân viên luôn nỗ lực đổi mới chính mình.

Một ví dụ về nhà lãnh đạo thích ứng có thể được tìm thấy trong một bài báo trên New York Times với tựa đề ““Những người phụ nữ kỳ diệu của Botswana Safari” (The Wonder Women of Botswana Safari). Trong bài viết này, tác giả mô tả hành trình ra đời của nhóm hướng dẫn viên đi săn toàn phụ nữ đầu tiên ở Botswana – nghề trước đây vốn chỉ dành riêng cho nam giới – và vai trò của phong cách lãnh đạo thích ứng trong quá trình đó.

Lãnh đạo thích ứng

Đọc thêm: 8 phong cách lãnh đạo phổ biến nhất hiện nay – Bạn thuộc tuýp lãnh đạo nào?

Phân biệt các vấn đề kỹ thuật và vấn đề thích ứng

Nhà lãnh đạo thích ứng ý thức rằng có hai loại vấn đề: kỹ thuật (technical) và thích ứng (adaptive). Với các sự cố kỹ thuật, đã có sẵn phương pháp xử lý từ trước – chỉ cần một vài nhân viên tài năng sẽ tìm ra hướng giải quyết.

Ngược lại, các vấn đề thích ứng thường phức tạp hơn nhiều và không có nguyên tắc xử lý cụ thể nào. Trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề khá mơ hồ – chính khi đó, năng lực chuyên môn của nhà lãnh đạo trở nên hữu ích hơn bao giờ hết. Không chỉ xác định vấn đề cốt lõi, cấp lãnh đạo – quản lý thích ứng tốt sẽ biết cách huy động đồng nghiệp và nhân viên để tìm ra hướng giải quyết khả thi.

4 nguyên tắc lãnh đạo thích ứng cho thời đại hiện nay

1. Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence)

Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EQ) là khả năng nhận biết cảm xúc của chính mình cũng như người khác. Dựa trên nhận thức này, nhà lãnh đạo thích ứng có thể nuôi dưỡng lòng tin với các bên liên quan, từ đó xây dựng các mối quan hệ chất lượng.

2. Công bằng tổ chức (Organizational Justice)

Một nguyên tắc cơ bản khác của lãnh đạo thích ứng là nuôi dưỡng văn hóa trung thực. Các cấp quản lý theo phong cách này luôn hết lòng xây dựng hệ thống chính sách hướng tới lợi ích chung. Họ cũng biết cách để giúp đỡ mọi người sẵn sàng chấp nhận thay đổi. Vì luôn sẵn sàng lắng nghe và đáp ứng quan điểm của người khác, họ nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao từ nhân viên cũng như đồng nghiệp cùng cấp.

3. Học tập và phát triển (Development)

Lãnh đạo đòi hỏi bạn phải luôn nỗ lực học tập kiến thức mới. Nếu một phương pháp làm việc không mang lại kết quả mong muốn, nhà lãnh đạo thích ứng sẽ cố gắng tìm ra những chiến lược mới hiệu quả hơn – nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp và phát triển nhân viên.

4. Nhân cách chính trực (Character)

Lãnh đạo thích ứng là người có ý thức sâu sắc về nhân cách, sự minh bạch và sáng tạo. Tuy không tránh khỏi những lúc phạm sai lầm, họ luôn nhận được sự tôn trọng từ người khác. Những đề xuất của họ được mọi người đón nhận và thực thi.

4 nguyên tắc lãnh đạo thích ứng

Đọc thêm: 12 nguyên tắc lãnh đạo vàng cho cấp quản lý thời nay

Những thách thức khi áp dụng phong cách lãnh đạo thích ứng

1. Chấp nhận thay đổi

Mô hình lãnh đạo thích ứng (adaptive leadership) yêu cầu cấp quản lý phải sẵn sàng thử nghiệm, khám phá kiến thức mới và thực hiện nhiều điều chỉnh trong toàn bộ doanh nghiệp. Chỉ khi chấp nhận thay đổi thái độ và điều chỉnh chính sách, bạn mới đủ khả năng theo kịp với thay đổi và phát triển công ty.

Tuy nhiên, việc thay đổi giá trị, niềm tin và nhận thức của các cá nhân là không hề dễ dàng. Quá trình này đòi hỏi bạn phải “quay lưng” với quá khứ của mình. Ví dụ, nếu muốn áp dụng một chiến lược tiếp thị (marketing) mới, trước tiên bạn phải ý thức rằng các kỹ thuật tiếp thị hiện tại đang không mang lại hiệu quả. Hầu hết giám đốc điều hành cấp cao đều miễn cưỡng từ bỏ các chính sách lâu dài của công ty. Thế nhưng, việc “ngoan cố” bám lấy các phương pháp cũ sẽ ngăn bạn hưởng lợi từ những hướng đi mới.

2. Bất hợp tác nội bộ

Một thách thức khác của lãnh đạo thích ứng là tạo tiền đề cho các hình thức “phản kháng” trong công ty – có thể từ nhân viên, các bên liên quan (stakeholder) hoặc khách hàng. Những người khác có thể chống lại sự thay đổi bằng cách không hợp tác, nghỉ việc hoặc “tấn công” ngược lại bạn.

3. Đòi hỏi tinh thần làm việc nhóm

Thách thức lớn nhất của lãnh đạo thích ứng đến từ việc nhiều cấp quản lý có xu hướng không muốn lắng nghe ý kiến của người khác. Như đã đề cập phía trên, trọng tâm của lãnh đạo không phải quyền lực cá nhân – mà là tận dụng sức mạnh của đội nhóm. Là cấp quản lý, điều quan trọng là bạn phải luôn sẵn sàng ghi nhận và điều chỉnh theo phản hồi của đồng nghiệp, nhân viên và khách hàng.

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ một số nhà lãnh đạo sẵn sàng đón nhận những quan điểm trái chiều. Bạn hãy nhớ: lắng nghe không đồng nghĩa với việc từ bỏ ý chí cá nhân. Thay vào đó, việc tiếp thu ý kiến giúp bạn hiểu rõ hơn nhu cầu của nhân viên – từ đó có chính sách quản lý nhân lực hiệu quả hơn.

Đọc thêm: 5 phương pháp quản lý nhân sự hậu Covid-19

Kết luận

Trọng tâm của lãnh đạo thích ứng là trao quyền tự chủ cho nhân viên – với ý thức rằng mỗi cá nhân đều sở hữu những năng lực quý báu đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Thay vì chỉ dựa vào sức mình và các cấp quản lý khác, cấp quản lý cần biết cách vận dụng tài năng của mọi thành viên, xác định hệ thống mục tiêu – quy tắc chung, cũng như nuôi dưỡng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa các bên liên quan.

Việc áp dụng và thực hành phong cách quản lý trên đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, lợi ích thu về được quả thực rất xứng đáng. Trong bối cảnh xã hội biến động hiện nay, những doanh nghiệp thích ứng tốt sẽ có cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh và vượt qua khủng hoảng cao hơn hẳn.

Chúng tôi hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ trở thành nguồn cảm hứng để cấp quản lý trở thành người lãnh đạo thích ứng, sẵn sàng thay đổi phù hợp với hoàn cảnh khó khăn hiện tại của môi trường kinh doanh. Nếu quý bạn đọc quan tâm và muốn học hỏi thêm về kỹ năng lãnh đạo, vui lòng tham khảo các khóa đào tạo quản lý của ITD, hoặc liên hệ tư vấn qua hotline/email của chúng tôi.

Tham khảo

Adaptive Leadership – Corporate Finance Institute. https://corporatefinanceinstitute.com/resources/careers/soft-skills/adaptive-leadership/. Truy cập ngày 06/01/2021.

5 Principles to Guide Adaptive Leadership. https://hbr.org/2020/09/5-principles-to-guide-adaptive-leadership. Truy cập ngày 06/01/2021.

Adaptive Leadership – Cambridge Leadership Associates. https://cambridge-leadership.com/adaptive-leadership/. Truy cập ngày 06/01/2021.

What is Adaptive Leadership? https://www.toolshero.com/leadership/adaptive-leadership/. Truy cập ngày 06/01/2021.

The Practice of Adaptive Leadership: Tools and Tactics for Changing Your Organization and the World. https://www.hks.harvard.edu/publications/practice-adaptive-leadership-tools-and-tactics-changing-your-organization-and-world. Truy cập ngày 06/01/2021.

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.