Networking không chỉ giúp trao đổi thông tin – mà còn là phương thức hữu hiệu để xây dựng các mối quan hệ lâu dài, đôi bên cùng có lợi. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tầm quan trọng chiến lược của kỹ năng networking đối với hành trình phát triển sự nghiệp.
Nội dung
Networking là gì?
Networking là quá trình trao đổi thông tin và ý tưởng giữa những cá nhân cùng lĩnh vực hoặc chia sẻ mối quan tâm về một vấn đề cụ thể – thường xảy ra trong hoàn cảnh giao tiếp xã hội thân mật.
Ý tưởng về networking bắt nguồn từ thuật ngữ “mạng máy tính” (computer networking) – đề cập đến việc liên kết nhiều thiết bị để làm cơ sở dễ dàng chia sẻ thông tin và tài nguyên phần mềm.
Thông thường, các cá nhân tham gia vào những mạng lưới networking trên cở sở cùng chia sẻ sở thích hoặc đam mê về một chủ đề nhất định nào đó.
Điều này có thể thấy rõ ở những tổ chức kết nối chuyên nghiệp như môi giới chứng khoán, các nhóm cựu sinh viên đại học, cộng đồng xã hội hay một private club.
Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, các cuộc triển lãm thương mại, hội thảo và hội nghị là cơ hội networking không thể lý tưởng hơn – nơi bạn có thể dễ dàng tìm thấy và kết nối với một số lượng lớn người cùng chí hướng.
Networking giúp chúng ta cập nhật thông tin về các sự kiện đang diễn ra trong lĩnh vực của mình, cũng như phát triển các mối quan hệ hữu ích cho công việc kinh doanh trong tương lai. Đó là chưa kể đến cơ hội tìm kiếm việc làm, kết nối và thu thập tin tức thời sự.
Các doanh nghiệp nhỏ tham gia những sự kiện networking nhằm kết nối với những cá nhân – tổ chức có tiềm năng trở thành đối tác trong tương lai. Đây là cơ sở giúp họ thiết lập mối quan hệ và sự tin tưởng với những thành viên khác trong cộng đồng.
Để networking thành công, yêu cầu quan trọng là phải giữ liên lạc và duy trì mối quan hệ – nhằm trao đổi những thông tin giá trị mà người ngoài có thể không biết được.
Các cấp lãnh đạo doanh nghiệp và doanh nhân thường tham gia các hiệp hội thương mại tại địa phương – nhằm mục đích phục vụ lợi ích kinh doanh, cũng như giúp những thành viên khác trong cộng đồng.
Ngoài ra, một số lý do khác có thể kể đến như: tìm kiếm cơ hội giao dịch mua bán, nhận ưu đãi chiết khấu, đưa thương hiệu doanh nghiệp vào danh sách của hiệp hội, tác động đến các chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh và kinh tế của khu vực, v.v…
Kỹ năng networking là gì?
Networking là kỹ năng tối quan trọng trong bán hàng, phát triển kinh doanh và rất nhiều ngành nghề khác. Để xây dựng quan hệ với các đối tác mới và mang lại giá trị cho họ, mỗi chúng ta cần phải học cách duy trì các mối liên hệ trong công việc và xã hội.
Sau đây là tổng hợp những năng lực cần thiết để phát triển và hoàn thiện kỹ năng networking:
1. Giao tiếp
Giao tiếp là hành động trao đổi thông tin từ người này sang người khác. Quá trình này đòi hỏi khả năng trò chuyện và đồng cảm với người khác – để có thể tiếp nhận thông điệp một cách khách quan và đưa ra phản hồi phù hợp.
Trong kỹ năng networking, giao tiếp đóng vai trò tối quan trọng đối với việc phát triển và duy trì mối quan hệ với mọi người.
Đọc thêm: Nghệ thuật giao tiếp của nhà lãnh đạo – Một số lưu ý cần nhớ
2. Lắng nghe tích cực
Lắng nghe tích cực là một kỹ năng xây dựng mối quan hệ không kém phần cần thiết. Để người nghe tỏ ra hứng thú với công việc của bạn và những gì đang chia sẻ, bạn cần phải biết lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của họ.
Lắng nghe tích cực đòi hỏi bạn phải duy trì giao tiếp bằng mắt (eye contact), thể hiện rõ rằng bạn hiểu những gì đối phương đang nói và đưa ra phản hồi thích hợp.
Bằng việc thực hành lắng nghe tích cực, bạn cũng đồng thời sẽ học được kỹ năng đặt câu hỏi để duy trì hiệu quả của cuộc đối thoại.
3. Nói trước đám đông
Kỹ năng nói trước đám đông là nền tảng giúp bạn thoải mái hơn khi trao đổi với những nhóm người xa lạ, đặc biệt tại các sự kiện networking.
Ngay cả khi chỉ nói chuyện với một cá nhân duy nhất, việc thực hành kỹ năng này cũng góp phần cải thiện cách phát âm,; nhờ đó, người đối diện có thể hiểu được nội dung bạn muốn truyền tải đầy đủ hơn.
4. Giao tiếp phi ngôn từ
Giao tiếp phi ngôn từ có ý nghĩa rất lớn đối với kỹ năng networking. Bạn cần phải luôn nhận thức rõ ngôn ngữ cơ thể của bản thân, cũng như thông điệp bạn gửi tới người nghe qua những cử chỉ và điệu bộ đó.
Để làm chủ được khía cạnh này, bạn cũng cần phải hiểu được ngôn ngữ cơ thể của đối phương. Đây là cơ sở quan trọng cho bạn biết khi nào cần thay đổi cách thể hiện hay truyền tải thông điệp của chính mình.
5. Đồng cảm
Đồng cảm hay thấu cảm (empathy) là khả năng cảm nhận được những điều người khác đang trải qua – bao gồm những cảm xúc đang diễn ra bên trong họ.
Kỹ năng đồng cảm đóng vai trò rất quan trọng trong networking – qua đó, đối phương nhận thức rằng bạn thấu hiểu những cảm xúc và trải nghiệm của họ. Từ đó, họ sẽ sẵn sàng mở lòng và tin tưởng trao đổi với bạn nhiều hơn.
6. Tư duy tích cực
Con người chúng ta luôn dễ bị thu hút bởi những người có thái độ thân thiện, tích cực hơn những ai luôn tỏ ra bi quan, tiêu cực. Chính vì lý do này, tư duy tích cực trở thành một yêu cầu không kém phần cần thiết trong networking.
Thái độ tích cực là nền tảng giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt với người khác một cách nhanh chóng, tạo thiện cảm và khiến người khác nhớ đến bạn ngay lập tức.
7. Khiếu hài hước
Óc hài hước là “sợi dây kỳ diệu” giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn. Khi sử dụng đúng lúc, sự hài hước sẽ góp phần giảm bớt sự căng thẳng, thu hút mọi người đến với bạn.
8. Tập trung
Tập trung vào đối phương là nền tảng để bạn trở thành một người biết lắng nghe tích cực, hình thành các mối quan hệ chân thật và lâu dài.
Networking – Kỹ năng mềm quan trọng nhất
“Tôi ghét phải networking.”
Đây là điều chúng tôi nghe được khi tiếp xúc với không ít các giám đốc điều hành, chuyên gia và sinh viên MBA. Đối với nhiều người trong chúng ta, ý tưởng về networking khiến ta cảm thấy khó chịu – xem như một cái gì đó vô cùng “tầm thường”.
Với một số người – đặc biệt là tuýp người hướng ngoại (extrovert) – networking thuộc bản chất và đam mê tự nhiên của họ. Ngược lại, nhiều người khác lại cho rằng networking là công việc lãng phí thời gian, chỉ mang lại những mối quan hệ hình thức không lâu bền.
Nhưng thực tế, trong thế giới ngày nay, networking đã trở thành một yêu cầu sống còn đối với sự phát triển.
Hàng trăm nghiên cứu đã cho thấy những cộng đồng networking chuyên nghiệp giúp mang lại nhiều cơ hội việc làm và kinh doanh hơn, các thành viên có cơ hội chia sẻ kiến thức sâu rộng hơn, cải thiện năng lực đổi mới, thăng tiến, địa vị và quyền hạn nhiều hơn.
Việc xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ cũng được chứng minh góp phần cải thiện chất lượng và sự hài lòng trong công việc.
Trong một nghiên cứu của Harvard Business Review trên 165 luật sư tại một công ty luật lớn ở Bắc Mỹ, họ nhận thấy thành công của những luật sư này phụ thuộc nhiều vào khả năng networking hiệu quả cả trong nội bộ (để được giao cho những khách hàng chất lượng) và bên ngoài (để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty). Những người không thích networking có xu hướng nhận được ít khách hàng và lương bổng cũng thấp hơn.
Sau đây là 10 lợi ích của việc mở rộng mối quan hệ thông qua networking.
1. Cơ hội trao đổi ý tưởng
Bạn không bao giờ có thể mở rộng hiểu biết của bản thân – nếu như không lắng nghe ý kiến của người khác.
Thực tế cho thấy thành công trong sự nghiệp phụ thuộc phần lớn vào những nguồn thông tin và ý tưởng thu thập được trong quá khứ.
Một mạng lưới networking chuyên nghiệp là cơ sở trao đổi ý tưởng, duy trì mối quan hệ lâu dài và tin tưởng lẫn nhau.
Ngoài lợi ích về phát triển sự nghiệp, việc tiếp thu ý kiến của người khác còn hỗ trợ không nhỏ cho công việc và cuộc sống hằng ngày.
Đọc thêm: 12 bí quyết thành công giúp bạn thay đổi cuộc đời ngay hôm nay
2. Khiến bản thân nổi bật hơn
Đối với những cá nhân muốn nâng cao danh tiếng trong kinh doanh, chính trị hay đơn giản là để nổi tiếng hơn, các sự kiện networking là cơ hội không thể tốt hơn.
Thông thường, xu hướng của chúng ta là dễ chú ý đến những cá nhân xuất sắc, có tiềm năng đáp ứng được nhu cầu của mình.
Nếu kiến thức chuyên môn tốt và sản phẩm – dịch vụ nổi bật, bạn sẽ có cơ hội hình thành các mối quan hệ hợp tác tốt hơn – nhờ đó thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp.
Nắm rõ kỹ năng networking là “chìa khóa” mang lại các mối quan hệ làm ăn trên con đường nghề nghiệp của bạn.
3. Tiếp cận các cơ hội mới
Khi mọi người bắt đầu chú ý đến bạn, cơ hội mới cũng sẽ từ đó “gõ cửa” cuộc sống của bạn.
Những người có đầu óc kinh doanh luôn nỗ lực mở rộng mạng lưới các mối quan hệ – vì họ hiểu đây là cơ sở tiếp cận nhiều cơ hội mới cho sự nghiệp cá nhân.
Gặp gỡ những khách hàng tiềm năng, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực có thể trở thành “bước đệm” thay đổi cuộc sống của chính bạn.
4. Đánh giá lại hiểu biết bản thân
Networking là một chuyện, tối ưu hóa hiệu quả của networking lại là chuyện khác.
Bạn có thể tự tin về hiểu biết của mình trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Nhưng đã bao giờ bạn thử phân tích từng khía cạnh trong sự nghiệp của mình, cũng như cách thức những người khác đã làm để đạt được cấp bậc hiện tại của họ chưa?
Hãy thành thật với chính mình: bằng cấp chứng nhận những gì bạn đạt được, nhưng chúng không thể đánh giá toàn bộ khả năng của bạn. Để thực sự vươn tới đỉnh cao sự nghiệp, bạn cần đến một mạng lưới những mối quan hệ vững chắc và chất lượng.
5. Nâng cao năng lực sáng tạo
Khát vọng và đổi mới là tác nhân chính khiến mỗi chúng ta tìm thấy con người của chính mình.
Trí tuệ ta có được ngày hôm nay là nhờ vào những mối quan hệ đã được xây dựng theo thời gian, thông qua những cuộc trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trước đây.
Ngay cả tương tác đơn giản nhất cũng có thể mang lại bước đột phá cho một công trình nghiên cứu đã kéo dài nhiều năm.
Khi những con người cùng chí hướng kết hợp lại với nhau, trí tuệ sẽ được đưa lên một tầm cao mới, tạo tiền đề phát triển sự nghiệp và giải phóng năng lực sáng tạo bên trong.
6. Tiếp cận nguồn thông tin bổ sung
Một số trang web (ví dụ: Quora, Reddit, v.v…) được xây dựng nhằm mục đích trả lời các câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Những website này có thể được sử dụng làm nguồn thông tin bổ sung cho sự phát triển của chính bạn.
Networking cũng mang lại tác dụng tương tự như vậy. Một nền tảng kết nối phù hợp sẽ giúp bạn có thêm một nguồn “tài nguyên”, cung cấp những thông tin, xu hướng mới… phục vụ cho công việc.
Hơn hết, với networking, bạn còn có thể truy cập và sử dụng nguồn “tài nguyên” này bất cứ khi nào có nhu cầu.
7. Nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia
Mỗi người đều có những phương thức khác nhau để vượt qua trở ngại trong quá trình phát triển sự nghiệp – tùy vào điều kiện sẵn có.
Tuy nhiên, thông qua mối quan hệ tốt với những người nổi tiếng trong ngành, sự hỗ trợ bạn nhận được sẽ lớn hơn hẳn. Những người này sẽ giúp bạn quản lý những rủi ro, khó khăn một cách hiệu quả hơn – bằng cách đưa ra lời khuyên/ hỗ trợ về mặt tài chính.
8. Tăng cường vị thế cá nhân
Phát triển sự nghiệp là một quá trình lâu dài, phụ thuộc vào việc bạn tập trung phát triển các mối quan hệ như thế nào.
Những người nổi tiếng có được sự nghiệp như hôm nay là do kết quả của quá trình phát triển vị thế cá nhân thông qua networking với người khác.
Mạng lưới quan hệ có mối tương quan rất mật thiết với sự phát triển của bạn, ảnh hưởng đến địa vị và mở đường cho cơ hội tốt hơn trong tương lai.
9. Nuôi dưỡng sự tự tin
Các hoạt động đào tạo và chứng chỉ có được từ networking là nền tảng giúp bạn trở nên tự tin hơn. Theo thời gian, bạn sẽ sẵn sàng tương tác với những người cùng chí hướng khi biết vị trí của mình ở đâu.
Ngoài ra, điều này cũng góp phần hình thành phản xạ tốt hơn trong các buổi phỏng vấn tìm cơ hội việc làm.
Càng networking hiệu quả, bạn sẽ càng thêm tự tin vào chính mình.
10. Phát triển các mối quan hệ lâu dài
Việc lựa chọn kênh networking có ý nghĩa rất quan trọng với sự nghiệp của bạn.
Networking có thể không phải là cách dễ dàng và nhanh chóng để xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Tuy nhiên, việc biến networking thành một quá trình tương tác hai chiều – cho và nhận – sẽ mở ra cơ hội cho một mối quan hệ bền chặt hơn với đồng nghiệp, khách hàng và đối tác.
Đặt networking thành ưu tiên hàng đầu – và hành trình sự nghiệp của bạn sẽ diễn ra theo đúng những mục tiêu đã được đề ra.
Thực hành networking cho người mới bắt đầu
Kể cả nếu bạn là người không có thiện cảm với networking, nghiên cứu cho thấy bạn hoàn toàn có thể khắc phục được vấn đề này.
Dưới đây là 4 phương pháp giúp bạn dần thay đổi suy nghĩ về networking.
1. Tập trung vào việc học hỏi
Hầu hết chúng ta đều tập trung vào một động cơ chủ đạo – các nhà tâm lý gọi đó là tư duy “thăng tiến” (promotion) hoặc “phòng thủ” (prevention).
Trước đây, mối quan tâm chủ yếu của chúng ta là sự phát triển, thăng tiến và thành tựu mà các mối quan hệ mang lại. Về sau, networking trở thành một yêu cầu bắt buộc vì lý do công việc.
- Những người với tư duy “thăng tiến” tham gia networking vì niềm đam mê – họ hào hứng, tò mò và luôn cởi mở với tất cả cơ hội có thể đến.
- Những người có tư duy “phòng thủ” xem networking là việc vô bổ và chỉ mang lại những mối quan hệ không chân thật. Vì vậy, họ ít kết nối với mọi người hơn, hệ quả là hiệu suất công việc cũng không được như ý.
May mắn thay, ta có thể thay đổi tư duy từ “phòng thủ” sang “thăng tiến”, coi việc kết nối với người khác là cơ hội để khám phá và học hỏi – thay vì lãng phí thời gian của mình.
Bạn có thể xem đây là một nghĩa vụ bắt buộc đối với xã hội và nói với bản thân rằng: “Tôi ghét những sự kiện thế này. Tôi phải tham gia và giả vờ hào hứng.”
Hoặc bạn cũng có thể tự nhủ: “Ai mà biết được, biết đâu đây sẽ là một sự kiện thú vị. Đôi khi điều chúng ta ít mong đợi nhất lại mang đến những trải nghiệm và cơ hội không ngờ tới.”
Tất nhiên, nếu bạn thuộc tuýp người người hướng nội, việc ép bản thân trở thành người hướng ngoại là không thể. Dẫu vậy, bạn có thể lựa chọn tâm thế cho chính mình khi tham gia vào mạng lưới networking.
Hãy tập trung vào những khía cạnh tích cực, nghĩ về cách mà networking có thể hỗ trợ bạn nâng cao kiến thức và phát triển kỹ năng. Khi đó, bạn sẽ thấy mọi thứ trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều.
2. Xác định các mối quan tâm chung
Bước tiếp theo để biến networking trở nên thú vị hơn là nghĩ về việc gặp gỡ những người có cùng sở thích và mục tiêu chung với bạn – cũng như cách networking giúp bạn tạo dựng các mối quan hệ có ý nghĩa.
Brian Uzzi của Đại học Northwestern gọi đây là nguyên tắc hoạt động chia sẻ (shared activities principle). Ông giải thích:
Những mối quan hệ tiềm năng không được tạo ra thông qua các tương tác thông thường – nhưng qua các tương tác có tính rủi ro cao, giúp bạn kết nối với đa dạng người hơn
Nghiên cứu đã cho thấy những mối quan hệ hợp tác lâu dài nhất được hình thành khi người ta làm việc cùng nhau trong các nhiệm vụ đòi hỏi sự đóng góp từ các bên liên quan.
Thật vậy, “sự phụ thuộc lẫn nhau trong công việc” có thể là một trong những nguồn năng lượng tích cực lớn nhất cho các mối quan hệ nghề nghiệp.
Sau đây là cách mà Claude Grunitzky, một doanh nhân trong lĩnh vực truyền thông, tiếp cận Jefferson Hack – người sáng lập tạp chí âm nhạc và phong cách Dazed & Confused.
Theo nghiên cứu của Julie Battilana, Lakshmi Ramarajan và James Weber tại Trường Kinh doanh Harvard, Grunitzky – khi đó mới 22 tuổi và đang chuẩn bị thành lập doanh nghiệp đầu tiên của mình, một tạp chí về hip-hop thành thị ở London – đã nghiên cứu tất cả mọi thứ có thể về Hack.
Grunitzky nhớ lại: “Tôi đã đọc tất cả các tạp chí của ông, tìm hiểu xem ông viết những gì và nhận xét về những loại ban nhạc nào. Tôi đọc nhiều đến nỗi tôi cảm thấy mình gần như có thể hiểu được tính cách của ông trước khi chúng tôi gặp nhau.”
Sau khi đã trang bị đầy đủ kiến thức và tin tưởng rằng giữa mình và Hack có nhiều điểm chung về thế giói quan, Grunitzky đã cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi tiếp cận với bậc “tiền bối” trong ngành.
Khi mối quan hệ của bạn được thúc đẩy bởi những mối quan tâm và sở thích chung – thể hiện qua sự đầu tư nghiêm túc, bạn sẽ cảm thấy mối quan hệ đó trở nên chân thật và ý nghĩa hơn.
3. Cởi mở về những gì bạn có thể cho đi
Ngay cả khi không có chung sở thích với ai đó, bạn vẫn có thể tìm thấy những giá trị khác để chia sẻ với họ.
Tất nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Nhiều người cảm thấy mình “bé nhỏ” – có thể vì ví trị của họ trong tổ chức không cao, hoặc họ thuộc nhóm có quan điểm khác với số đông – thường cho rằng mình có quá ít thứ để cho đi. Chính tâm lý này khiến họ ngần ngại kết nối, xây dựng mối quan hệ – dù họ sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất từ các mối quan hệ đó.
Trên thực tế, những người ở vị trí cấp cao thường thoải mái hơn khi kết nối với những người cấp dưới, xuất phát từ quyền lực của họ trong tổ chức.
Khi người ta có nhiều thứ để cho đi như lời khuyên, khả năng cố vấn, tiếp cận và các nguồn lực, việc xây dựng các mối quan hệ sẽ trở nên dễ dàng và bớt vụ lợi hơn.
Những người với cảm giác quyền lực thường cảm thấy thoải mái với networking và sẵn lòng kết nối hơn những ai có hoàn cảnh bị ép buộc phải làm việc này.
Tuy nhiên, ngay cả khi ở cấp bậc thấp và ít quyền lực, bạn vẫn có nhiều thứ để cho đi hơn bạn nghĩ.
Trong tác phẩm Ảnh hưởng không dùng quyền lực (Influence without Authority), Allan Cohen và David Bradford đã lưu ý rằng: hầu hết chúng ta có xu hướng đánh giá thấp những gì mình có – trong khi đó có thể là điều người khác cảm thấy có giá trị. Ta tập trung vào những thứ hữu hình, liên quan đến công việc như tiền bạc, kết nối xã hội, hỗ trợ kỹ thuật và thông tin – mà bỏ qua những tài sản khó nhìn thấy hơn như lòng biết ơn, sự công nhận và nâng cao danh tiếng.
Ví dụ, mặc dù giúp đỡ người khác là công việc của người làm cố vấn (mentor), họ vẫn thích được cảm ơn về những điều mình đã làm.
Ta thể hiện lòng biết ơn càng chân thành, giá trị của thái độ đó đối với người nhận sẽ càng lớn.
Một nữ chuyên gia trẻ đã chia sẻ với chúng tôi rằng: khi bước sang tuổi 30, cô đã viết thư cho 30 người mà cô cảm thấy đã đóng góp nhiều nhất cho hành trình phát triển sự nghiệp của mình, cảm ơn họ và mô tả cụ thể cách họ giúp cô như thế nào. Người nhận chắc hẳn đã đánh giá cao những gì cô đạt được.
Lòng biết ơn được bày tỏ công khai cũng có thể nâng cao danh tiếng của người cố vấn tại nơi làm việc.
Hãy thử nghĩ đến việc bạn khen ngợi sếp trước những đồng nghiệp và cấp trên, chia sẻ tất cả những gì mà sếp đã hỗ trợ và hướng dẫn để giúp bạn đạt được sự tiến bộ như hiện tại. Tác động mà bạn tạo ra sẽ vô cùng đáng kể.
Khi được thúc đẩy bởi những mối quan tâm chung, mối quan hệ sẽ trở nên chân thực hơn.
Ngoài ra, chúng ta cũng có xu hướng đánh giá cao những ai hiểu giá trị và bản sắc của mình, khiến ta cảm thấy được hòa nhập với mọi người.
Juan, giám đốc điều hành một công ty quản lý bất động sản Canada, chia sẻ với HBR về Hendrik – một nhân viên cấp dưới người Đức – đã tập hợp nhân viên trong công ty tham gia những trận bóng do anh ấy tự tổ chức.
Đồng nghiệp của anh – rất nhiều người, đến từ nhiều quốc gia – đã có những khoảng thời gian vui vẻ với nhau. Danh tiếng của Hendrik trở nên vang dội, và vị thế của anh từ đó cũng được tăng lên.
Bất chấp vị trí của mình, Hendrik đã mang lại một điều mới mẻ cho công ty.
Có thể bạn cũng đang sở hữu những thông tin hoặc kiến thức độc đáo, hữu ích cho những người mà bạn đang kết nối.
Ví dụ, những nhân viên cấp dưới thường được chia sẻ nhiều hơn những người ở vị trí cấp cao về các xu hướng đang diễn ra trên thị trường – cũng như những công nghệ mới nhất.
Grunitzky là một ví dụ điển hình. “Tôi biết mình có thể mang lại điều gì đó cho [Jefferson Hack], đó là chuyên môn về hip-hop”, anh nói. Mối quan hệ là một quá trình tương tác hai chiều.
Khi bạn tập trung nghĩ về những gì mình có thể cho đi, hơn là những gì bạn nhận được từ người khác, các mối quan hệ sẽ trở nên chân thật và rộng lượng – xứng đáng với thời gian cần bỏ ra hơn.
4. Tìm một mục đích cao cả hơn
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả của networking chính là mục đích khi thiết lập mối quan hệ.
Theo nghiên cứu của HBR tại tại một công ty luật, những luật sư tập trung vào lợi ích tập thể (“hỗ trợ công ty” và “giúp đỡ khách hàng”) hơn là lợi ích cá nhân (“hỗ trợ cho sự nghiệp của tôi” ) cảm thấy chân thực và ít vụ lợi hơn khi tham gia networking, có khả năng kết nối và tìm được nhiều khách hàng hơn.
Kết nối ba chiều là một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển lãnh đạo mới.
Bất kỳ hoạt động nào cũng sẽ trở nên hấp dẫn khi ta đặt nó ở một mục tiêu cao cả hơn. Vì vậy, hãy định hình các mối quan hệ của bạn theo những mục đích tích cực hơn.
Chúng tôi nhận thấy phương pháp này cũng góp phần giúp các nữ lãnh đạo vượt qua sự khó chịu trong mối quan hệ với các nhà báo và những nhân vật công chúng.
Khi được nhắc nhở rằng tiếng nói của phụ nữ ít được thể hiện trong giới kinh doanh, rằng quan hệ với giới truyền thông sẽ giúp chống lại tư suy sai lệch về giới tính, họ đã trở nên bớt miễn cưỡng khi tiếp xúc với báo chí.
Andrea Stairs, giám đốc điều hành của eBay Canada, là một ví dụ. Bà chia sẻ:
Tôi phải vượt qua cảm giác cho mình là trung tâm và không chịu ra mặt trước truyền thông. Tôi nhận ra rằng sự xuất hiện của mình mang lại ảnh hưởng tốt cho công ty nói riêng và hình ảnh những người phụ nữ trong giới kinh doanh nói chung. Hình ảnh của tôi trên các phương tiện thông tin truyền thông như một lời cổ vũ cho những đồng nghiệp và phụ nữ khác – điều này thúc đẩy tôi hành động và đón nhận các mối quan hệ mà trước đây tôi không dành thời gian vun đắp.
Cách cải thiện kỹ năng networking
Dưới đây là một số bước bạn có thể thực hiện để cải thiện kỹ năng xây dựng mối quan hệ của mình:
1. Thực hành thói quen giao tiếp
Bạn có thể cải thiện kỹ năng networking bằng cách rèn luyện các thói quen giao tiếp tốt. Chú ý giao tiếp bằng ánh mắt khi nói chuyện và gật đầu khi muốn tỏ ý hiểu hoặc đồng ý.
Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến của mình.
Quan sát ngôn ngữ cơ thể của đối phương để đảm bảo họ hiểu và xác nhận xem họ có đồng ý với bạn hay không.
2. Tìm kiếm phản hồi mang tính xây dựng
Bạn có thể cân nhắc việc tham khảo ý kiến bạn bè của mình về cách bạn trao đổi trong các cuộc trò chuyện. Biết mình cần cải thiện ở đâu sẽ giúp bạn sửa đổi phong cách giao tiếp – nhờ đó, hiệu quả của networking sẽ được cải thiện rõ rệt.
3. Tham dự các sự kiện networking
Thực hành thường xuyên là cách xây dựng mối quan hệ tốt nhất. Hãy tham gia vào các sự kiện networking, tập trung xây dựng mối quan hệ chân chính với những người bạn gặp.
Bạn hãy luyện tập đặt câu hỏi thể hiện mong muốn kết nối với người đối diện, lắng nghe câu trả lời của họ, duy trì giao tiếp bằng mắt, sau đó đưa ra phản hồi thích hợp – để họ thấy bạn luôn lắng nghe và thấu hiểu họ.
Tập trung vào chất lượng của các mối quan hệ hơn là số lượng.
Online Networking – Xu hướng mới của thời đại
Ngày nay, công nghệ số hóa đã dẫn đến sự ra đời của các diễn đàn trực tuyến – nơi những người có chuyên môn chia sẻ kiến thức của mình và kết nối với những người cùng chí hướng.
Những nền tảng chuyên nghiệp như LinkedIn là cơ hội tuyệt vời để các chuyên gia, đội nhóm đăng bài viết và chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, các nền tảng này cũng là nơi để người tham gia đăng tải hồ sơ hay CV, từ đó giúp các nhà tuyển dụng tiềm năng tìm kiếm ứng viên dễ dàng hơn.
Ngày nay, hệ thống khách hàng từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) có thể được phát triển gần như hoàn toàn thông qua việc sử dụng mạng xã hội như LinkedIn.
Tổng kết
- Networking được sử dụng để mở rộng kết nối đến những người xung quanh, tìm kiếm các cơ hội việc làm và nâng cao nhận thức về những vấn đề hay xu hướng đang diễn ra trong lĩnh vực.
- Chủ doanh nghiệp tham gia networking để xây dựng mối quan hệ trong kinh doanh với đối tác và khách hàng tiềm năng.
- Những nền tảng chuyên nghiệp cho phép mọi người tương tác với các cá nhân, đội nhóm khác thông qua đăng tải và chia sẻ thông tin.
Có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh networking – tuy mang lại nhiều lợi ích, ý tưởng này cũng gây không ít phiền toái và khó chịu cho nhiều người.
Bằng cách thay đổi tư duy, xác định những mối quan tâm chung, suy nghĩ cởi mở hơn về những gì bản thân có thể cho đi và theo đuổi mục đích cao cả hơn, bạn sẽ cảm thấy hào hứng và hiệu quả hơn khi xây dựng các mối quan hệ.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ giúp bạn đọc nắm rõ hơn về tầm quan trọng và phương pháp thực hành kỹ năng networking – chìa khóa thành công trong thế kỷ mới. Nếu bạn đọc mong muốn có cơ hội mở rộng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp, tham gia các khóa học kỹ năng của ITD là một lựa chọn thực sự đáng cân nhắc.
Bạn sẽ được gì khi tham dự các khóa đào tạo của ITD?
- Kết nối và mở mang kiến thức từ các chuyên gia đào tạo kỹ năng và phát triển lãnh đạo đầu ngành.
- Gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm cùng các cấp lãnh đạo – quản lý cùng chí hướng khác.
- Chứng nhận năng lực quản lý và điều hành, làm nền tảng thăng tiến vững chắc cho sự nghiệp.
Tham khảo
Learn to Love Networking – Harvard Business Review. https://hbr.org/2016/05/learn-to-love-networking. Truy cập ngày 08/07/2021.
Networking Definition. https://www.investopedia.com/terms/n/networking.asp. Truy cập ngày 08/07/2021.
10 Reasons Why Networking Is Essential For Your Career. https://www.forbes.com/sites/biancamillercole/2019/03/20/why-networking-should-be-at-the-core-of-your-career/. Truy cập ngày 08/07/2021.
Top Networking Skills You Should Have (And How To Improve Them). https://www.indeed.com/career-advice/resumes-cover-letters/networking-skills-on-resume. Truy cập ngày 08/07/2021.
ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.com/ itdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.
BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!