Trang chủ » Chuyên đề » Coaching & Mentoring » Khai phá tiềm năng lãnh đạo: Tiếng gọi của nghề coach
Tin tưởng vào tiềm năng của con người là bước đầu tiên trong quá trình thực hành các nguyên tắc coaching. Tuy nhiên, chỉ tin thôi thì chưa đủ – ở cương vị coach, vai trò của bạn là tìm cách khai phá tiềm năng lãnh đạo vô hạn trong mỗi người, biến họ trở thành người thực sự làm chủ cuộc đời của chính mình.
Khai phá tiềm năng lãnh đạo và làm chủ bản thân
“Sâu thẳm trong tâm khảm chúng ta luôn có câu trả lời cho mọi vấn đề của cuộc sống; ta biết rõ mình là ai, mong muốn điều gì, và cần phải làm gì.”
Lão Tử
Để phát huy hết khả năng của mỗi người, trước tiên chúng ta phải xác tín rằng – còn rất nhiều năng lực “vĩ đại” ẩn giấu bên trong con người; nói cách khác, mỗi chúng ta đều có thể trở nên tốt và tài giỏi hơn nhiều so với hiện tại.
Niềm tin là yếu tố tiên quyết giúp coach đánh thức những khả năng tiềm tàng này nơi người khác. Thông qua các kỹ thuật như lắng nghe tích cực và đặt câu hỏi, chuyên gia coach hỗ trợ coachee tìm ra giải pháp cho các vấn đề của công việc và cuộc sống, phát huy năng lực tự chủ và đưa ra quyết định cho chính mình – thay vì phải dựa vào lời khuyên hoặc chỉ dẫn của người khác.
Không ai có thể lãnh đạo đội nhóm hiệu quả – nếu không có khả năng quản trị chính bản thân mình (leading self). Vì lý do này, một món quà “vô giá” mà coach có thể trao tặng cho coachee, chính là năng lực làm chủ chính mình (self leadership). Như Lão Tử, triết gia nổi tiếng của Trung Quốc từng nói:
Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bậc thì dân yêu quý và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn. Vua không đủ thành tín thì dân không tin. Nhàn nhã, ung dung [vì vô vi] mà quý lời nói. Vua công thành, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo: “Tự nhiên mình được vậy”.
Khi bạn ngừng muốn kiểm soát mọi người, đó là khi bạn bắt đầu trao quyền cho người khác chịu trách nhiệm với những lựa chọn họ đưa ra – cũng như những hành động họ thực hiện.
Trao quyền – Cách khai phá tiềm năng con người hữu hiệu nhất
Ken Blanchard, tác giả của cuốn Leading at a Higher Level (tạm dịch: Lãnh đạo ở cấp độ cao hơn) nhận xét:
Trao quyền (empowerment) là quá trình giải phóng sức mạnh bên trong, kiến thức, kinh nghiệm và động lực của con người, và “chuyển hóa” sức mạnh đó thành những kết quả tích cực.
Trao quyền có nghĩa là mọi người có quyền tự do quyết định và hành động theo ý mình. Nói cách khác, họ phải chịu trách nhiệm về hệ quả những gì mình làm. Thông qua đó, mỗi người được tạo cơ hội phát huy năng lực bản thân, kỹ năng và mong muốn lãnh đạo, tiên phong và chủ động – nói ngắn gọn, chính là sức mạnh giúp bạn biến mọi thứ thành hiện thực.
Một trong những nguyên nhân chính của việc thiếu trao quyền là mong muốn kiểm soát quá mức của coach. Phần lớn cảm thấy bản thân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả của quá trình coaching – hệ quả là họ miễn cưỡng từ bỏ quyền kiểm soát cuộc đối thoại.
Và điều gì sẽ xảy ra sau đó?
Coachee sẽ cảm thấy “bất lực”, thiếu tự chủ và bị phụ thuộc hoàn toàn vào vai trò của coach. Dần dà, họ sẽ mất đi ý thức về quyền làm chủ của bản thân, cũng như tinh thần chủ động và sáng tạo.
Chẳng bao lâu, coachee sẽ bắt đầu mất niềm tin vào chính mình và khả năng lãnh đạo bản thân. Nếu vấn đề này cứ lặp lại mà không có hướng giải quyết triệt để, quá trình phát triển cá nhân của coachee sẽ bị cản trở – khiến họ bị “tước” mất cơ hội khai phá tiềm năng bản thân và trở thành phiên bản tốt nhất của họ.
Càng cố ép buộc người khác làm điều họ không muốn, bạn sẽ càng phải đối mặt với thái độ “phản kháng” nhiều hơn. Để hạn chế thái độ chống đối sự thay đổi và truyền cảm hứng hành động, coach phải tạo mọi điều kiện trao quyền cho coachee.
Với tư cách chuyên gia coach, bạn phải đảm bảo rằng coachee luôn chịu trách nhiệm về kết quả những gì họ làm. Nếu bản thân đưa ra những quyết định không phù hợp, coachee – và chỉ riêng họ thôi – phải chịu trách nhiệm về những quyết định đó, thay vì đổ lỗi cho huấn luyện viên của mình.
Ngược lại, nếu coachee làm tốt điều gì đó, coach có thể chia sẻ niềm vui đó với họ, đồng thời công nhận và “trao thưởng” cho họ.
Cần lưu ý, một số người có thể không quen với việc được trao quyền. Đôi khi, coach sẽ gặp những cá nhân quen làm việc dưới quyền của những quản lý có xu hướng kiểm soát cao – do đó, họ đã hình thành thói quen chờ đợi được chỉ dẫn việc phải làm.
Nhiều người trong chúng ta đã quen với việc bị sếp giám sát; qua thời gian, ta dần đánh mất ý niệm về làm chủ bản thân, về việc bản thân phải chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của chính mình.
Trong trường hợp này, hãy cho coachee thời gian để thay đổi thói quen. Ở cương vị chuyên gia coach, bạn phải nhấn mạnh những lợi ích của việc trao quyền, kiên trì khuyến khích và tạo điều kiện cho coachee tự lãnh đạo bản thân.
Trên hết, bạn không bao giờ được áp dụng cách tiếp cận chỉ ra lệnh và kiểm soát – đây không phải là cách coaching hiệu quả.
Khai phá tiềm năng vô hạn & đánh thức năng lực tiềm ẩn của con người
So sánh giữa phương pháp Chỉ đạo và Không chỉ đạo
Dưới đây là ba tình huống khác nhau về việc một buổi coaching sẽ diễn ra như thế nào, nếu với tư cách là huấn luyện viên, bạn sử dụng phương pháp tiếp cận Không chỉ đạo (Non directive) và cho phép đối phương tự chủ, thay vì nắm quyền kiểm soát và Chỉ đạo (Directive) họ:
Tình huống 1: Xóa bỏ rào cản
Coachee của bạn đang có mâu thuẫn lớn với một khách hàng quan trọng. Nếu áp dụng phương pháp Chỉ đạo, bạn sẽ nói, “Khách hàng luôn đúng; anh/chị nên xin lỗi và hòa giải với khách hàng.”
Ngược lại, bạn có thể hỏi: “Anh/chị có thể làm gì để mọi thứ tốt hơn cho chính mình và khách hàng không?”
Tình huống 2: Thiết lập nội dung chương trình
Coachee không chắc chắn về hướng đi cho buổi coaching. Nếu bạn muốn kiểm soát, bạn sẽ nói, “Tôi đã suy nghĩ về những gì chúng ta nên tập trung vào ngày hôm nay, và tôi tin rằng chúng ta nên tập trung giải quyết mục tiêu tài chính của anh/chị trước.”
Nhưng nếu muốn khai phá tiềm năng của coachee, bạn có thể hỏi, “Anh/chị muốn hướng nội dung cuộc trò chuyện hôm nay vào vấn đề gì có thể giúp anh.chị tiến gần hơn đến mục tiêu hiện tại?”
Tình huống 3: Lập kế hoạch hành động
Coachee đang cân nhắc nên chuyển sang một bộ phận khác hay không. Nếu tiếp cận theo hướng Chỉ đạo, bạn sẽ nói những câu đại loại như, “Anh/chị phải nói chuyện với sếp của mình trước khi đưa ra bất kỳ quyết định hấp tấp nào.”
Ngược lại, phản ứng của bạn sẽ là, “Anh/chị nghĩ mình nên làm gì khi cảm thấy cần phải thảo luận về ý định của mình với người khác?”.
Hãy ngừng kiểm soát nếu bạn muốn khai phá tiềm năng lãnh đạo của con người
Những chuyên gia coaching thành công nhất luôn có xu hướng chọn sử dụng phương pháp tiếp cận Không chỉ đạo (Non directive) để huấn luyện và trao quyền cho coachee trên hành trình tìm kiếm thành công. Họ có niềm tin “son sắt” rằng, mỗi cá nhân luôn mang trong mình khả năng tự phát triển và tìm ra giải pháp cho những vấn đề bản thân đang gặp phải.
Trong mối quan hệ huấn luyện, người có hiểu biết, trách nhiệm và mong muốn đầu tư vào tương lai của mình không phải coach, mà chính là coachee. Coachee ý thức rõ nhất về bản thân, quá khứ, hiện tại, tương lai, môi trường và hoàn cảnh cuộc sống của họ. Vì vậy, tốt hơn hết là nên để coachee định hướng và tự đưa ra quyết định.
Về phần bạn là chuyên gia coach, hãy cố gắng hết sức và mong đợi điều tốt nhất từ coachee. Đừng quên rằng, cùng đích của coaching là giúp mọi người nhận ra tiềm năng bản thân, giải phóng tài năng và sức mạnh tiềm ẩn bên trong họ. Một coach tuyệt vời là người giúp coachee khám phá ra sự thông thái và khả năng dẫn lối từ bên trong chính mình.
Cựu chủ tịch IBM, Thomas J. Watson từng nói:
Không gì có thể chứng minh một cách thuyết phục hơn về khả năng lãnh đạo của một người, cho bằng những gì anh ta làm hàng ngày để quản trị chính mình.
Khi coachee hình thành khả năng lãnh đạo bản thân tốt, họ sẽ có thể đạt được những thành công lớn hơn, sẵn sàng gánh lấy vai trò lãnh đạo người khác. Với tư cách là huấn luyện viên, thành công thực sự là khi bạn cho phép coachee tìm ra giải pháp của riêng mình, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về những gì mình làm.
“Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường.”
Lão Tử
Sau đây là bộ câu hỏi coaching mà bạn có thể tự đặt ra cho chính mình:
- Bạn có thể làm gì để xây dựng năng lực tự lãnh đạo bản thân?
- Cần phải làm gì để góp phần hình thành khả năng lãnh đạo bản thân ở những người khác?
- Làm thế nào để mọi người có tinh thần chủ động và chịu trách nhiệm về kết quả của những gì họ làm?
- Bạn cần phải làm gì để tập luyện thói quen trao quyền cho người khác?
- Hãy thử hồi tưởng về những buổi đối thoại coaching trước đây. Bạn có thể nói gì để trao quyền hơn cho mọi người?
Lời kết
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn đọc ý thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc tìm cách khai phá tiềm năng lãnh đạo của con người – trong coaching nói riêng và quản trị nói chung. Trong trường hợp bạn đọc quan tâm và muốn nghiên cứu sâu hơn về bộ kỹ năng cần thiết để trở thành coach chuyên nghiệp, vui lòng tham khảo ngay các khóa học coaching chuẩn ICF của ITD World – thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của chúng tôi.
Biên soạn dựa trên ấn phẩm “Coaching for Breakthrough Success” của TS. Peter Chee & TS. Jack Canfield.
Có thể bạn quan tâm:
- 60 câu nói hay về coaching: Cảm hứng mỗi ngày
- Mô hình coaching GROW: Khai phá tiềm năng nhân viên
- Sức mạnh tiềm thức: Giải mã năng lực tiềm ẩn trong bạn
- 12 cách phát triển trực giác – Kết nối với sức mạnh tiềm thức
Tham khảo
Bring Out The Best In People And Let Them Lead. https://itdworld.com/bring-out-the-best-in-people-and-let-them-lead/. Truy cập ngày 24/10/2022.
ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.com/ itdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.
BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!
[FREE EBOOK] 7 nguyên tắc vàng trong coaching
[FREE EBOOK] 7 nguyên tắc vàng trong coaching
Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác…
Đừng quên dành thời gian tìm hiểu các khóa đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!
Với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi hiểu rõ những nhu cầu và băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp – trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nhằm đáp ứng những trăn trở đó, ITD đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo quản lý mới – được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.