e-learning đào tạo trực tuyến

Từ khi hình thành đến nay, mô hình đào tạo trực tuyến (e-Learning) đã trải qua một chặng đường phát triển dài – trước khi trở thành xu hướng ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Theo thống kê từ Ambient Insight, thị trường e-Learning toàn cầu được dự đoán tiếp tục tăng trưởng 5% mỗi năm – và sẽ dần thay thế các giải pháp đào tạo trực tiếp (offline).

Nội dung

E-Learning là gì?

E-Learning là viết tắt của từ “electronic learning” – chỉ các hoạt động đào tạo trên nền tảng kỹ thuật số. Đặc điểm của e-learning là ứng dụng các công nghệ như công nghệ mạng, đồ họa, mô phỏng, multimedia, v.v… nhằm tạo điều kiện cho học viên thực hiện quá trình học tập một cách hiệu quả và tiện lợi hơn.

Trên thực tế, mỗi người chúng ta đều đang tham gia vào các hoạt động giáo dục trực tuyến hàng ngày – khi ta tiếp thu kiến thức mới qua việc đọc báo online, xem video YouTube, chơi game trên điện thoại, v.v… Trong môi trường doanh nghiệp, hình thức học tập online được áp dụng để tăng cường hiệu quả công tác đào tạo nhân viên, cũng như hỗ trợ xử lý các quy trình nội bộ.

Nguồn gốc của e-Learning

Khái niệm e-Learning lần đầu được đề xuất bởi chuyên gia đào tạo Elliott Masie, khi ông phát biểu tại Hội nghị TechLearn. Theo đó, “e-Learning là việc sử dụng công nghệ mạng để thiết kế, cung cấp, lựa chọn, quản lý và mở rộng phương pháp học tập.”

Đến năm 2000, đào tạo trực tuyến đã trải qua một cuộc “cách mạng” – với sự ra đời của OLAT (Online Learning And Training), Hệ thống quản lý học tập mã nguồn mở đầu tiên. Cùng năm đó, thế giới cũng chứng kiến việc phát hành phiên bản đầu tiên của SCORM (Sharable Content Object Reference Model) – một tập hợp các tiêu chuẩn và mô tả cho chương trình học tập trên nền tảng web, cho phép người dùng tích hợp nội dung và phân phối nội dung đó trong một LMS (Learning Management System).

Những năm đầu thế kỷ 21 là thời điểm thiết bị di động trở nên ngày càng thịnh hành – với đỉnh điểm là sự ra đời của điện thoại thông minh và máy tính bảng. Điện thoại không chỉ được dùng để gọi điện – mà còn phục vụ các mục đích như xem video, đọc sách và chơi trò chơi. Chính điều này đã thúc đẩy các “ông lớn” trong ngành tăng cường cải thiện kết nối di động – một cuộc chạy đua công nghệ vẫn tiếp tục chưa có điểm dừng.

e-learning đào tạo trực tuyến

Ưu nhược điểm của e-Learning

Ưu điểm:

  • Tăng khả năng tiếp cận: Với giáo dục trực tuyến, việc học tập có thể diễn ra ở bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào – miễn là học viên có điều kiện kết nối với Internet.
  • Tăng tính linh hoạt: Các khóa học E-learning có thể được truy cập bất cứ lúc nào, nhờ đó đảm bảo tính linh hoạt cao hơn đối với những học viên có lịch trình bận rộn.
  • Tiết kiệm chi phí: Nhờ việc không tốn chi phí địa điểm và hậu cần, hình thức đào tạo trực tuyến thường có mức chi phí hợp lý hơn so với phương pháp truyền thống.

Nhược điểm:

  • Thiếu tương tác cá nhân: Một trong những hạn chế chính của e-learning là thiếu sự tương tác cá nhân giữa học viên và giảng viên – cũng như giữa những người tham gia đào tạo với nhau. Điều này đòi hỏi trainer phải có những hoạt động/ phương pháp truyền tải đặc thù để duy trì sự tập trung và kết nối với học viên.
  • Hạn chế về khả năng đặt câu hỏi: Trên nền tảng online, việc đặt câu hỏi trong lúc thực hiện bài giảng e-learning nhìn chung phức tạp hơn rất nhiều so với mô hình lớp học truyền thống. Nếu học viên gặp khó khăn đối với một nội dung nào đó, họ có thể phải đợi đến sau buổi học để hỏi người hướng dẫn giải thích rõ ràng.
  • Thiếu cơ hội thực hành: Các hoạt động thực hành khi đưa lên nền tảng trực tuyến sẽ cần phải tinh chỉnh lại. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía giảng viên, nội dung học tập thường sẽ rất “khô khan” và khó tạo điều kiện cho học viên ứng dụng ngay trong/sau bài học.

Lợi ích của e-Learning đối với doanh nghiệp

Ngày nay, từ các doanh nghiệp lớn đến các công ty startup nhỏ, e-Learning là giải pháp được áp dụng phổ biến trong quản lý quy trình đào tạo nhân viên. Từ khi xuất hiện lần đầu, hình thức học tập này đã được triển khai thành công trong đa dạng các lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh – bán lẻ, dược phẩm, viễn thông, dịch vụ tài chính, v.v…

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mô hình đào tạo trực tuyến đã được áp dụng phổ biến hơn hẳn. Những ưu điểm nổi bật nhất của việc tổ chức học tập qua nền tảng online có thể kể đến như:

Giảm chi phí đào tạo

Với đào tạo online, doanh nghiệp không phải tốn chi phí tổ chức các cuộc hội thảo, thuê phòng khách sạn và trang trải chi phí đi lại. Thay vào đó, bộ phận L&D/ tương tự sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung xây dựng nội dung chương trình.

Bên cạnh đó, thông qua các nền tảng LMS và hệ thống thư viện lữu trữ tài liệu, nhân viên sẽ có điều kiện học tập liên tục, mọi lúc mọi nơi – một ưu điểm mà phương pháp truyền thống không mang lại được.

Phạm vi bao phủ rộng hơn

Trong bối cảnh người lao động ngày càng yêu thích những lợi ích của hình thức làm việc từ xa, việc áp dụng e-Learning càng trở nên quan trọng hơn – nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận và linh hoạt cho doanh nghiệp.

Khi áp dụng đào tạo trực tuyến, doanh nghiệp có thể training cho hàng trăm nhân viên tại hàng chục văn phòng trên toàn thế giới – theo cách thức và nội dung hoàn toàn đồng nhất với nhau. Nhân viên không cần phải mất thời gian di chuyển để tham gia các lớp học trực tiếp. Thay vào đó, tất cả những gì họ cần chỉ là một thiết bị kỹ thuật số (máy tính, điện thoại…) và kết nối mạng Internet.

Phát triển nhân viên nhanh hơn

Các mô hình đào tạo truyền thống có nhược điểm là phụ thuộc khá nhiều vào thời gian biểu của trainer/coach/mentor phụ trách. Việc xây dựng hệ thống LMS sẽ tao điều kiện cho nhân viên của bạn có thể học tập bất cứ khi nào phù hợp: khi đi làm, trong giờ nghỉ trưa hoặc ở nhà.

Theo eLearning Industry, 89% người lao động được khảo sát cho biết họ mong muốn có thể học tập ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào – trong khi 85% muốn thời gian training phù hợp với lịch trình của họ. Ngoài ra, 80% tin rằng cơ hội học hỏi thường xuyên quan trọng hơn so với đào tạo chính quy trực tiếp.

Giữ chân nhân viên mới

Quá trình giới thiệu về công ty cho nhân viên mới có thể khá phức tạp, đặc biệt với các công ty lớn. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn thông qua các chương trình onboarding online. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng góp phần “giải phóng” thêm thời gian cho đội ngũ nhân sự/ L&D.

L’Oreal từng phát triển ứng dụng Fit Culture, một ứng dụng trò chơi hóa để giới thiệu nhân viên mới cho tất cả chi nhánh trên toàn cầu. Thông qua app Fit Culture, nhân viên mới sẽ có điều kiện nhanh chóng tìm hiểu về văn hóa công ty thông qua video, câu đố, trò chơi và các hoạt động thực tế.

Dễ dàng theo dõi tiến độ

Với e-learning, đội ngũ trainer không cần phải tổ chức đào tạo tại lớp và xem qua từng bài làm trực tiếp. Hầu hết các hệ thống LMS đều có tính năng phân tích, giám sát và báo cáo tiến độ của mỗi học viên – thông qua các biểu đồ trực quan.

Việc phân tích các dữ liệu này sẽ giúp trainer lên kế hoạch tối ưu hóa trải nghiệm học tập, đánh giá hiệu quả nội dung/phương pháp truyền tải và cải thiện năng lực học tập của học viên.

Khả năng thích ứng kinh doanh

Yêu cầu của bộ phận L&D trong thời đạn ngày nay là phải nhanh nhẹn (agile) để đáp ứng tốt với môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng. E-learning tạo điều kiện cho hoạt động xây dựng và phân phối nội dung training trở nên dễ dàng hơn hẳn. Trên hết, nội dung có thể được sửa đổi dễ dàng và nhanh chóng để liên tục thích ứng với những thay đổi và / hoặc quy định mới của thị trường.

Các hình thức e-Learning phổ biến hiện nay

Sau đây là tổng hợp danh sách một số hình thức đào tạo trực tuyến được áp dụng phổ biến hiện nay.

  • Khóa học online.
  • Giải đố (quiz).
  • Hội thảo (webinar).
  • Học qua video.
  • Screencasts (Chia sẻ màn hình).
  • Sách/ báo điện tử.
  • Mô phỏng hội thoại thực tế (Conversation Simulation).
  • Thực tế ảo (Virtual Reality – VR).
  • Gửi email.
  • Podcast.
  • v.v…

Hệ thống e-Learning bao gồm những gì?

Một hệ thống e-Learning được cấu thành từ nhiều thành tố khác nhau. Trong đó, 3 thành phần chính cấu thành “bộ khung” bao gồm:

  • Hệ thống quản lý học tập (Learning Managemen System – LMS) nhằm cung cấp và theo dõi tiến độ các khóa học online.
  • Hệ thống quản lý nội dung (CMS) phục vụ hoạt động xây dựng và quản lý khóa học trực tuyến.
  • Nền tảng học tập xã hội (social learning platform), tạo điều kiện kết nối giữa học viên và người hướng dẫn.

Một hệ thống đào tạo trực tuyến tốt đòi hỏi phải đảm bảo yêu cầu về độ thân thiện và dễ sử dụng – cho phép người dùng tương tác và chia sẻ ý tưởng với nhau mà không gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các đặc điểm quan trọng khác bao gồm tính dễ điều hướng, nội dung đa phương tiện thu hút người học, hỗ trợ công cụ đánh giá để theo dõi sự tiến bộ của học viên.

hệ thống e-learning

Quy trình 9 bước triển khai e-Learning hiệu quả

Việc triển khai e-Learning trong doanh nghiệp sẽ yêu cầu một khoản đầu tư lớn về tài chính, thiết kế chương trình và tổ chức hoạt động theo nhóm. Sau đây là tổng quan 9 bước triển khai một chương trình đào tạo trực tuyến đạt kết quả tốt nhất.

1. Đặt mục tiêu

Bước đầu tiên cần làm là xác định rõ lý do thực hiện – cụ thể, dự án đào tạo này sẽ giúp công ty đạt được những gì. Mục tiêu càng lớn thì chiến lược thực hiện càng phức tạp. Ví dụ: nếu muốn đào tạo một nhóm bán hàng mới, nội dung chính sẽ chỉ gói gọn trong một vài khóa đào tạo về sản phẩm và kỹ năng mềm. Tuy nhiên, nếu muốn nâng cao trình độ chuyên môn chung trong toàn bộ công ty, doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị lộ trình học tập cá nhân chi tiết cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

2. Lựa chọn công cụ e-Learning

Đối với các dự án ngắn hạn và đơn giản, yêu cầu về công cụ hỗ trợ thường không quá phức tạp. Tuy nhiên, nếu muốn xây dựng một môi trường thực sự khuyến khích học tập phát triển, doanh nghiệp cần ứng dụng những công cụ toàn diện hơn như: phần mềm e-Learning, hệ thống quản lý học tập (LMS) và thiết kế giảng dạy.

3. Lên kế hoạch

Vạch ra kế hoạch theo từng giai đoạn cụ thể, từ đó phân bổ ngân sách cho từng giai đoạn: chọn hệ thống LMS, phân công một nhóm chuyên trách quản lý hệ thống (quản trị viên, trainer), cũng như quyết định xem sẽ chi trả cho nội dung đào tạo hay tự phát triển nội dung đó.

4. Xây dựng bài giảng

Sau các bước kể trên, doanh nghiệp cần bắt tay vào phát triển tài liệu training cho nhân viên. Giáo án e-learning cần phân chia kiến thức thành nhiều mô-đun, kéo dài trung bình khoảng 10-15 phút/ học phần. Ngoài ra, đừng quên sử dụng các yếu tố đa phương tiện như hình ảnh, video clip, tệp âm thanh, v.v… để hỗ trợ minh họa nội dung bài giảng và thu hút người học.

5. Chuẩn bị hệ thống quản lý học tập

Khi nội dung đào tạo đã chuẩn bị sẵn sàng, bước tiếp theo cần làm là tải và sắp xếp nội dung đó trên LMS: thêm thư mục, kết hợp các khóa học vào lộ trình học tập, v.v… Mục đích là nhằm đảm bảo tất cả các khóa học diễn ra theo kế hoạch, báo cáo tiến độ được chính xác và trực quan nhất.

6. Tiến hành chạy thử

Khi hệ thống đã sẵn sàng, doanh nghiệp cần mời một vài nhân viên tham gia thử nghiệm trước. Dựa trên phản hồi của họ, bộ phận chuyên trách có thể tinh chỉnh lại chương trình đào tạo trước khi ra mắt.

7. Quảng cáo & truyền thông

Nhân viên của bạn cần được biết khi một chương trình training mới ra mắt.

8. Triển khai đào tạo

Mời nhân viên tham gia LMS và chỉ định các khóa học. Đây là bước khởi đầu của quá trình đào tạo. Sau khi nhân viên đăng nhập, họ sẽ thấy các khóa học được chỉ định và tự trải nghiệm.

9. Đánh giá hiệu quả

Để đánh giá mức độ thành công, hãy sử dụng số liệu thống kê được tích hợp sẵn trong hệ thống – kết hớp với thu thập ý kiến phản hồi từ nhân viên.

Thách thức khi triển khai e-Learning trong doanh nghiệp

  • Thiếu quy trình thiết kế chuẩn: Một trong những thách thức chính khi triển khai eLearning trong doanh nghiệp là không có mẫu thiết kế chuẩn. Điều này có nghĩa là mỗi khóa học cần được thiết kế từ bước ban đầu, đòi hỏi công ty phải đầu tư đáng kể về thời gian và chi phí.
  • Thiếu sự đồng tình của nhân viên: Nhân viên của bạn có thể do dự khi sử dụng các công nghệ mới – hoặc bị đòi hỏi phải thay đổi cách thức học tập và làm việc. Đó là chưa kể đến khó khăn khi phải quản lý từ xa, để đảm bảo mọi người có sự tập trung và nghiêm túc với việc học. Doanh nghiệp nhìn chung sẽ cần khá nhiều thời gian và nỗ lực để thuyết phục nhân viên về những lợi ích của e-Learning, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi làm quen với hình thức đào tạo mới này.
  • Hạn chế về nguồn lực: Lựa chọn lý tưởng nhất cho doanh nghiệp khi triển khai e-Learning là tìm đến sự hỗ trợ của một chuyên gia trong ngành (Subject-Matter Expert hay SME). Tuy nhiên, thực tế rất ít công ty có đủ nguồn lực để đầu tư như vậy. Trong phần lớn trường hợp, bộ phận Nhân sự/ L&D sẽ phải đóng vai trò phụ trách công tác này – song song với những chức năng hiện tại của họ.
  • Thiết kế đào tạo cho nhiều nhóm đối tượng: Số lượng học viên càng lớn, trainer sẽ càng gặp khó khăn trong việc điều chỉnh phương pháp/ nội dung cho phù hợp với từng đối tượng. Phân tích nhu cầu đào tạo là bước cần thực hiện để đảm bảo doanh nghiệp có thể phân chia học viên thành các nhóm tương đồng về nhu cầu phát triển và phương pháp tiếp cận.
  • Bắt kịp với xu hướng hiện đại: Sự phát triển liên tục của công nghệ đòi hỏi phải liên tục đầu tư xây dựng nội dung bài giảng trực tuyến phù hợp với các cập nhật và xu hướng mới. Vì lý do này, doanh nghiệp cần có kế hoạch sắp xếp cho bộ phận chuyên trách tham gia các diễn đàn và cộng đồng e-Learning – để có cơ hội giao lưu và nghe chia sẻ từ các chuyên gia trong ngành.

Lời kết

Theo thời gian, e-learning đã và đang dần trở thành tiêu chuẩn mới trong đào tạo doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh cho thấy hiệu quả vượt trội của phương pháp trực tuyến so với hình thức training truyền thống – đặc biệt trong bối cảnh số hóa, xu hướng làm việc từ xa đang dần chiếm ưu thế như hiện nay. Chúng tôi hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các cấp lãnh đạo, quản trị nhân sự và L&D có cái nhìn tổng quan về học tập trực tuyến – để từ đó áp dụng vào môi trường doanh nghiệp.

Tham khảo ngay các khóa học kỹ năng training chuẩn quốc tế của ITD World – thiết kế bởi chuyên gia Train the Trainer giàu kinh nghiệm của chúng tôi:

Có thể bạn quan tâm:

Tham khảo

What is E-Learning and How Companies Are Benefiting From It? https://www.shiftelearning.com/blog/elearning-benefits-companies. Truy cập ngày 21.07.2022.

8 Tips for Getting Started with E-Learning Course Design. https://www.shiftelearning.com/blog/tips-every-elearning-beginner-should-know. Truy cập ngày 21.07.2022.

8 eLearning Challenges: Surmounting the Obstacles. https://www.ispringsolutions.com/blog/elearning-challenges. Truy cập ngày 21.07.2022.

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác…

Đừng quên dành thời gian tìm hiểu các khóa đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!

Với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi hiểu rõ những nhu cầu và băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp – trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nhằm đáp ứng những trăn trở đó, ITD đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo quản lý mới – được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.