Tính quyết đoán (assertiveness) là một phẩm chất lãnh đạo vô cùng giá trị. Không chỉ giúp định hình phương pháp làm việc chung và kết quả kinh doanh, phong cách lãnh đạo quyết đoán còn khiến cấp quản lý được đánh giá cao hơn về sự nhạy bén và tinh thần chính trực.
Nội dung
Phong cách lãnh đạo quyết đoán là gì?
Tính quyết đoán là minh chứng “hùng hồn” nhất cho sự tự tin vào chính mình. Một người quyết đoán không sợ nói ra những gì mình mong muốn hoặc tin tưởng. Họ sẵn sàng trình bày quan điểm của mình một cách rõ ràng, tích cực mà không gây khó chịu hoặc chấp nhận điều sai trái. Những nhà quản lý theo phong cách này được biết đến với khả năng chứng minh quan điểm cá nhân mà không làm mất lòng bản thân hoặc người khác.
Tầm quan trọng của lãnh đạo quyết đoán
Một nghiên cứu đăng trên Forbes đã cho thấy kết quả như sau:
- Những nhà lãnh đạo được đánh giá có khả năng phán đoán tốt (khoảng 75%) nhưng thiếu quyết đoán chỉ có 4,2% cơ hội được mọi người đánh giá cao về năng lực quản lý.
- Các cấp lãnh đạo quyết đoán nhưng kém hơn về khả năng phán đoán có 12,5% cơ hội được đánh giá cao.
- Cuối cùng, những nhà lãnh đạo được xếp hạng cao ở cả hai đặc điểm trên có 71% cơ hội thay đổi được đánh giá là nhà quản lý tài năng.
Từ kết quả trên, dễ dàng nhận thấy tính quyết đoán tự bản thân nó không mang lại thành công cho cấp lãnh đạo – tuy nhiên, đây vẫn là một phẩm chất vô cùng giá trị. Nghiên cứu cũng chỉ ra những nhà lãnh đạo quyết đoán cũng được đánh giá là trung thực, chính trực hơn so với những người thiếu quyết đoán.
8 lợi ích hàng đầu của lãnh đạo quyết đoán
Phẩm chất quyết đoán là thành tố quan trọng cấu thành sự tự tin. Một nhà lãnh đạo quyết đoán hiểu rõ cách thức để hoàn thành công việc, cũng như đảm bảo rằng có sự nhất quán trong chiến lược hành động giữa các cấp. Họ ý thức rõ mình là ai, cũng như giá trị họ mang lại cho đội nhóm.
Sau đây là 8 lợi ích nổi bật nhất của lãnh đạo quyết đoán trong công việc cũng như cuộc sống.
- Kết nối và giao tiếp với mọi người
- Phản hồi chân thực
- Hiểu rõ bản thân
- Phán đoán và ra quyết định tốt
- Làm chủ các cuộc đối thoại
- Duy trì mối quan hệ lành mạnh
- Đàm phán hiệu quả
- Ít lo lắng và căng thẳng
1. Kết nối và giao tiếp với mọi người
Các nhà lãnh đạo thành công và quyết đoán quan tâm đến việc kết nối với mọi người ở mọi cấp độ của doanh nghiệp. Họ luôn luôn sẵn sàng hiện diện khi những thành viên khác cần đến họ. Nhà lãnh đạo quyết đoán biết cách truyền đạt quan điểm của mình mà không “tấn công” bất kỳ ai. Họ hiểu rõ quan điểm, cảm xúc của chính mình cũng như của người khác – đồng thời biết cách truyền đạt suy nghĩ của họ một cách mạnh mẽ nhưng hiệu quả.
2. Phản hồi chân thực
Các nhà lãnh đạo quyết đoán biết cách đưa ra phản hồi sâu sắc, khuyến khích tinh thần phát triển và vươn lên của người khác. Những nhận xét họ đưa ra cho cấp dưới đều thể hiện sự chân thực. Khi cần thiết, họ không ngần ngại đưa ra những lời phê bình, và luôn tuân theo những giá trị chung của doanh nghiệp.
3. Hiểu rõ năng lực, quyền lợi và trách nhiệm của chính mình
Xuất phát điểm của tính quyết đoán là ý thức sâu sắc về bản thân. Những nhà lãnh đạo với phẩm chất này thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào giá trị vốn có của họ. Điều này giúp họ nhận ra rằng họ xứng đáng được đối xử một cách công bằng và tôn trọng – chính điều này mang lại cho họ sự tự tin để kiên vững với quan điểm cá nhân, bảo vệ những ý tưởng này, cũng như luôn sẵn sàng nói lên mong muốn và nhu cầu của mình.
4. Sử dụng khả năng phán đoán tốt để đưa ra quyết định
Những nhà lãnh đạo quyết đoán thường được biết đến với khả năng phán đoán nhạy bén – chính năng lực này là nền tảng mang lại cho họ nhiều cơ hội thành công hơn. Việc luôn cố gắng thu thập tất cả dữ liệu, phân tích cẩn thận, xem xét các xu hướng giúp họ nâng cao kỹ năng ra quyết định. Bên cạnh đó, họ cũng thể hiện tinh thần dân chủ – sẵn sàng tham vấn những thành viên khác trong quá trình này. Khi nhân viên của bạn có cơ hội tham gia vào việc chung và được khuyến khích nêu ý kiến, những ý tưởng mới sẽ có cơ hội “nảy nở” – và các quyết định đưa ra sẽ khách quan và chính xác hơn.
5. Làm chủ các cuộc đối thoại
Trong nhiều trường hợp, nhà lãnh đạo quyết đoán nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi hành vi của người khác – thế nhưng bản thân họ thì không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi đó. Những nhà quản lý hiệu quả nhất biết cách “sao chép” những thay đổi mà họ mong muốn nơi người khác. Họ tin tưởng mạnh mẽ vào quan điểm và khả năng của mình – cũng như thực hành những gì bản thân truyền giảng. Tất cả mọi người xung quanh đều có thể nhận thấy rõ và được truyền cảm hứng từ niềm tin của họ.
6. Duy trì các mối quan hệ lành mạnh
Nhà lãnh đạo quyết đoán nhận được sự ngưỡng mộ và tôn trọng của người khác – nhờ đó, họ có thể tác động đến các thành viên trong nhóm, khiến họ sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn. Mối quan hệ lành mạnh là chìa khóa rút ngắn khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới – giảm bớt tình trạng phản kháng và bất mãn của nhân viên trước những yêu cầu từ cấp quản lý.
Đọc thêm: 6 kỹ năng lãnh đạo cho quản lý cấp trung để thăng tiến trong sự nghiệp
7. Đàm phán hiệu quả
Các nhà lãnh đạo quyết đoán nhận thức rõ giá trị và tiềm năng của đối phương. Chính nhận thức này mang lại cho họ khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả. Họ ý thức tầm quan trọng của việc phải bất cứ điều gì cần thiết để tìm ra giải pháp tốt nhất cho những vấn đề hiện tại. Những nhà quản lý như trên là những chuyên gia về kỹ năng xã hội – họ có thể hiểu được cả quan điểm của chính mình và người khác, từ đó đưa ra hướng đi đảm bảo lợi ích của đôi bên.
8. Ít lo lắng và căng thẳng
Những nhà lãnh đạo quyết đoán luôn tự tin và không cảm thấy bị đe dọa khi mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch hoặc như mong đợi. Họ rất ít khi thỏa hiệp với nhu cầu và mong muốn của mình – cũng như không quá coi trọng bản thân mình. Khi đối mặt với những xung đột tình cảm hoặc tình huống căng thẳng, họ ít bị áp lực hơn, thích ứng nhanh hơn, cũng như có thể dễ dàng đưa ra quyết định nhanh chóng.
Ví dụ về tính quyết đoán của nhà lãnh đạo
Lấy ví dụ, bạn đang giữ vai trò quản lý ở công ty, và đã chọn một nhân viên dưới quyền để hoàn thành một số nhiệm vụ trước cuối tháng. Người nhân viên đó là lựa chọn phù hợp nhất cho công việc – nhưng anh ta lại thông báo rằng anh rất bận và không thể nhận nhiệm vụ này.
Bạn sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó? Liệu bạn sẽ áp đặt quy định công ty và quyền hạn quản lý để ép buộc anh ta hoàn thành công việc?
Nếu bạn là nhà lãnh đạo quyết đoán đích thực, phản ứng lý tưởng nhất sẽ như sau:
“Tôi hiểu rõ anh hiện đang phải giải quyết một khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên, tôi tin tưởng anh là người tốt nhất cho công việc này. Chúng ta hãy cùng gặp nhau để thảo luận thêm về việc này và liệu tôi có thể xem xét luân chuyển bớt những nhiệm vụ anh phải đảm đương hiện tại cho người khác không.”
Sự thật là:
- Bạn có nhu cầu được đáp ứng.
- Nhân viên của bạn cũng có những vấn đề cần được giải quyết.
- Bạn có quyền, và những người khác cũng vậy.
- Bạn có điều gì đó để đóng góp, và nhân viên của bạn cũng vậy.
Mục đích của lãnh đạo quyết đoán là nhằm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của các bên liên quan. Quyết đoán không phải là hành động như một nhà độc tài – nhưng hết lòng tư vấn và hỗ trợ. Mục tiêu chính không phải là giành chiến thắng – nhưng thể hiện tầm nhìn của mình và khai vấn cho nhân viên của bạn theo đuổi tầm nhìn đó.
Đọc thêm: 7 nguyên tắc coaching – Biến không thể thành có thể
Rèn luyện tính quyết đoán của người lãnh đạo
Nhiều nhà lãnh đạo thường lo ngại rằng quyết đoán có thể sẽ khiến họ tỏ ra quá “áp đặt” hoặc tự đề cao chính mình. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để trở nên quyết đoán mà không bị mọi người xa lánh?
Sau đây là những việc bạn có thể làm để rèn luyện tính quyết đoán trở thành một phẩm chất lãnh đạo tích cực.
- Kết nối với mọi người. Những nhà lãnh đạo quyết đoán thành công nhất luôn quan tâm đến việc kết nối với mọi người ở mọi cấp độ của tổ chức. Họ luôn thể hiện bản thân là người gần gũi, dễ dàng tiếp cận. Họ cũng chịu khó dành thời gian để trao đổi với nhân viên một cách thân tình và minh bạch về những gì cần phải thay đổi.
- Đưa ra phản hồi trung thực, mang tính xây dựng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng phản hồi (feedback) có sức ảnh hưởng rất lớn – cả tích cực lẫn tiêu cực. Phản hồi không đúng cách có thể khiến nhân viên nản lòng, mất động lực và tức giận. Trong khi đó, những nhận xét tinh tế sẽ khuyến khích ta sửa đổi bản thân và nỗ lực vươn đến thành công.
- Thực hành kỹ năng phán đoán và ra quyết định. Bạn có thể nâng cao năng lực phán đoán bằng cách thu thập tất cả các dữ kiện, phân tích cẩn thận và xem xét các xu hướng hiện tại. Ngoài ra, đừng quên hội ý với mọi người trong quá trình ra quyết định. Khi nhân viên của bạn cảm thấy ý kiến của họ được tôn trọng và khuyến khích, họ sẽ sẵn sàng cống hiến và hỗ trợ bạn hơn.
- Nêu gương sáng. Thay vì chỉ đơn thuần yêu cầu mọi người phải thay đổi, chính bản thân bạn hãy trở thành tấm gương cho sự thay đổi đó.
- Nuôi dưỡng mạng lưới quan hệ. Mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên sẽ giúp bạn giảm bớt sự phản kháng của nhân viên trước những yêu cầu khó khăn từ phía bạn.
- Tìm kiếm cơ hội hợp tác. Một số nhà lãnh đạo quyết đoán thường cho rằng họ có thể tự làm mọi việc mà không cần sự hợp tác và hỗ trợ của người khác – với mong muốn nhận được sự công nhận cá nhân. Đây là một sai lầm nghiêm trọng trong quản lý. Thay vào đó, bạn hãy dành thời gian trao đổi với các bên liên quan về những thay đổi cần thiết nhằm đảm bảo thành công của dự án.
Lời kết
Tính quyết đoán là phẩm chất tối quan trọng của nhà quản lý. Các nhà lãnh đạo quyết đoán được biết đến với khả năng hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả, tốn ít nguồn lực hơn. Bằng cách thực hành theo những nguyên tắc trên đây, bạn sẽ có thể biến mình trở thành một người quản lý tài năng hơn, nhận được sự tôn trọng từ nhân viên và các bên liên quan.
Tham khảo
The 6 Secrets Of Successfully Assertive Leaders. https://www.forbes.com/sites/joefolkman/2013/10/10/the-6-secrets-of-successfully-assertive-leaders/.
Top 8 Advantages of an Assertive Leader. https://strengthscape.com/top-8-advantages-of-an-assertive-leader/.
7 Powerful Habits That Make You More Assertive. https://www.lollydaskal.com/leadership/7-powerful-habits-that-make-you-more-assertive/.
The One Skill All Leaders Should Work On. https://hbr.org/2012/03/the-one-skill-all-leaders-shou.
ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.com/ itdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.
BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!
Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác…
Đừng quên dành thời gian tìm hiểu các khóa đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!
Với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi hiểu rõ những nhu cầu và băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp – trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nhằm đáp ứng những trăn trở đó, ITD đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo quản lý mới – được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.