lãnh đạo hướng nội

Khám phá điểm mạnh của phong cách lãnh đạo hướng nội – cùng với cách những người có kiểu tính cách này có thể tận dụng những phẩm chất độc đáo của họ để đạt được thành công bền vững.

Văn hóa đại chúng thường đề cao những nhà lãnh đạo thể hiện phong cách táo bạo, quyết đoán và lôi cuốn. Ngược lại, những nhà lãnh đạo cầu toàn, thích suy ngẫm và điềm tĩnh thì sao? Những người như vậy liệu có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo chứ? Thực tế đã cho thấy, chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp sức mạnh của phong cách lãnh đạo hướng nội, đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy biến động hiện tại.

Tóm tắt nội dung chính

  • Lãnh đạo hướng nội là phong cách quản lý thiên về tự vấn, phân tích và lắng nghe để giải quyết vấn đề và truyền cảm hứng cho người khác. Những ai thuộc tuýp lãnh đạo này thường khá kỹ lưỡng trong giao tiếp, giỏi lập kế hoạch chiến lược, biết lắng nghe, đồng cảm và bao quát, v.v…
  • Giá trị của nhà lãnh đạo hướng nội đến từ khả năng tăng cường sự gắn kết, quản trị rủi ro, cân bằng giữa đổi mới và ổn định trong tổ chức. Tuy nhiên, đặc thù trầm tính khiến họ dễ bị hiểu lầm.
  • Bí quyết thành công dành cho nhà lãnh đạo hướng nội là phát huy điểm mạnh của mình, đầu tư vào giao tiếp, chấp nhận chính mình, thường xuyên nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng, biết phân chia công việc, chuẩn bị cho các cuộc họp, tìm  hiểu về các phong cách giao tiếp và nuôi dưỡng các mối quan hệ.

Nội dung

Lãnh đạo hướng nội là gì?

Khác với quan niệm truyền thống về lãnh đạo – đặc trưng ở các phẩm chất như năng động, mạnh mẽ và hay nói – nhà lãnh đạo hướng nội  có xu hướng tập trung vào nội tâm, suy nghĩ có chiều sâu, cũng như quý trọng các tương tác có ý nghĩa.

Tuy thường thích được một mình, những người này nhìn chung sẽ không “chùn bước” khi đối mặt với thử thách. Trái lại, sự cô lập giúp họ tiếp cận và giải quyết vấn đề cách chu đáo hơn. Ảnh hưởng của họ được thể hiện rõ nét ở các phương diện như lắng nghe, suy ngẫm và phân tích có chiều sâu.

lãnh đạo hướng nội

Đặc điểm chính của Lãnh đạo hướng nội

  • Cẩn trọng trong giao tiếp

Người hướng nội suy nghĩ trước khi nói. Tuy thường bị xem là chậm chạp, thực tế đó là một phần trong phong cách giao tiếp có chủ đích của họ – nhằm mục đích giảm bớt nguy cơ bị hiểu lầm khi chia sẻ ý tưởng của bản thân.

Nhìn chung, nhà lãnh đạo theo phong cách này có khả năng trình bày thông tin hiệu quả hơn thông qua văn bản (email, báo cáo, sách hướng dẫn, bài thuyết trình).

  • Lập kế hoạch chiến lược

Xuất phát từ thói quen suy nghĩ cẩn thận, người hướng nội thường đưa ra quyết định sáng suốt hơn khi cần phân tích chi tiết, nhận diện rủi ro tiềm ẩn, đưa ra kế hoạch để giảm thiểu nguy cơ thất bại và tối đa hóa cơ hội thành công.

  • Kỹ năng lắng nghe

Người hướng nội thường ít nói và thích nghe, để có thể tiếp thu và tổng hợp nhiều thông tin và quan điểm đa dạng. Khuynh hướng bẩm sinh này – kết hợp với xu hướng cân nhắc chi tiết – cho phép họ đưa ra quyết định sáng suốt, tính đến quan điểm và lợi ích của các bên liên quan.

Các nhà lãnh đạo hướng nội thường được đặc trưng ở năng lực đồng cảm – biết thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc của đối phương. Họ dành thời gian tương tác và kết nối với các thành viên trong nhóm – chính điều này giúp họ đáp ứng tốt hơn nhu cầu/mối quan tâm của mọi cá nhân, góp phần xây dựng một môi trường làm việc nơi mọi người cảm thấy được coi trọng và thấu hiểu.

Các nhà lãnh đạo hướng nội không tìm cách xem vào hay kiểm soát các cuộc trò chuyện. Xu hướng của họ là khuyến khích các thành viên ít nói trong nhóm đóng góp và tham gia thảo luận, để có thể đa dạng hóa ý tưởng chung.

  • Ủy thác

Một đặc điểm khác của nhà lãnh đạo hướng nội là khả năng ủy thác công việc, tạo điều kiện cho các thành viên trong nhóm phát huy năng lực. Qua đó, bản thân họ có cơ hội phát huy thế mạnh về tư duy chiến lược và sự tập trung – tránh bị burnout.

lãnh đạo hướng nội

So sánh phong cách lãnh đạo hướng nội & hướng ngoại

Nhà lãnh đạo hướng nội “tỏa sáng” ở phương diện tư duy chiến lược và khả năng tập trung, lập kế hoạch rõ ràng sau khi cân nhắc cẩn thận mọi quan điểm. Thiên hướng biết lắng nghe cho phép họ thấu hiểu sâu hơn về các vướng mắc của từng thành viên trong nhóm – để có thể hỗ trợ cách tốt nhất. Đổi lại, xu hướng dành nhiều thời gian suy ngẫm thường khiến quá trình ra quyết định bị chậm – đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp.

Ngược lại, nhà lãnh đạo hướng ngoại thường mạnh ở khoản tạo năng lượng và truyền cảm hứng cho đội nhóm. Khả năng giao tiếp, khuyến khích đối thoại cởi mở là nền tảng cho một đội nhóm gắn kết và cống hiến. Ngoài ra, tính cách hướng ngoại góp phần giúp họ vun đắp các mối quan hệ, phục vụ vì lợi ích chung. Thế nhưng, sự nhiệt tình của họ đôi khi có thể dẫn đến những quyết định hấp tấp; mặt khác, xu hướng trở thành trung tâm trong các cuộc thảo luận có thể vô tình làm lu mờ đóng góp của các thành viên ít nói hơn.

Đặc điểmNhà lãnh đạo hướng nội
Nhà lãnh đạo hướng ngoại
Điểm mạnh
  • Tư duy chiến lược & lập kế hoạch
  • Lắng nghe tích cực & quan tâm đến cá nhân
  • Tập trung & chú ý
  • Động lực & cảm hứng
  • Giao tiếp & cộng tác
  • Xây dựng các mối quan hệ và giao lưu
Điểm yếu
  • Tốc độ ra quyết định
  • Nói trước công chúng và khả năng hiện diện
  • Quyết định hấp tấp
  • Chi phối quá mức các cuộc thảo luận
Phong cách ra quyết địnhSuy ngẫm, xem xét mọi góc độ
Năng động, hướng đến hành động
Phong cách giao tiếpTập trung lắng nghe, phản hồi được cá nhân hóa
Minh bạch, nhiệt tình, khuyến khích đối thoại cởi mở
Quản lý nhómCung cấp hỗ trợ cá nhân
Xây dựng động lực nhóm
Giao lưuThường đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn
Phát triển mạnh mẽ trên cơ sở tương tác xã hội, xây dựng kết nối

Về bản chất, không có phong cách nào là tốt hơn. Bối cảnh môi trường làm việc đa dạng và nền kinh tế sôi động ngày nay đòi hỏi phải đa dạng hóa phương pháp tiếp cận. Ví dụ, người hướng nội có thể “tỏa sáng” trong một nhóm những cá nhân có tính tự chủ, coi trọng sự phát triển của từng cá nhân. Ngược lại, người hướng ngoại sẽ phù hợp với một môi trường thường xuyên tổ chức thảo luận cởi mở và các buổi brainstorm.

Đọc thêm: Tầm quan trọng của Diversity, Equity & Inclusion (DEI)

Tái định nghĩa Lãnh đạo hướng nội: Bài học từ những người nổi tiếng

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy người hướng nội hoàn toàn có khả năng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo. Những người này đang định nghĩa lại thành công của doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận trên toàn cầu. Tuy ít nổi bật hơn so với các đồng nghiệp hướng ngoại, song tác động mà họ tạo ra vẫn có thể cảm nhận được trong môi trường đội nhóm.

Một ví dụ là Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft. Tính cách hướng nội không ngăn cản ông thành công trong việc xây dựng một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô la – khởi đầu từ gara trong nhà ông. Gates được biết đến với khả năng tập trung sâu và xử lý thách thức.

Một nhân vật nổi bật khác là tỷ phú Warren Buffet. Chiến lược đầu tư của ông thường dành ra rất nhiều thời gian để đọc và phân tích – nhằm đưa ra quyết định sáng suốt, đảm bảo lợi nhuận cao.

Ưu điểm của Lãnh đạo hướng nội

Các nhà lãnh đạo hướng nội đóng góp giá trị đáng kể cho tổ chức và đội nhóm. Giá trị của họ bắt nguồn từ khả năng suy nghĩ sâu sắc, lập kế hoạch chiến lược và đồng cảm – những phẩm chất này cho phép họ truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp đạt được thành tích tốt hơn.

  • Sự gắn kết sâu sắc

Xu hướng tự nhiên của người hướng nội là nghe ít nói nhiều, phản hồi cách chu đáo – nhằm đảm bảo rằng mọi bên đều cảm thấy có phần trong quá trình ra quyết định. Khi mọi người tin rằng tiếng nói của họ được lắng nghe, lòng tin và lòng trung thành của họ đồng thời được củng cố.

Bản tính thích suy ngẫm của nhà lãnh đạo hướng nội khiến họ có thể chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc thảo luận xung quanh việc lập kế hoạch tình huống và chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai. Trên cơ sở dự đoán những sai sót có thể xảy ra, họ có thể đưa ra các kế hoạch dự phòng – góp phần đảm bảo tính ổn định và an toàn cho hoạt động kinh doanh.

  • Đổi mới thông qua sự cô độc

Những khoảng thời gian yên tĩnh không chỉ để nạp lại năng lượng; mà còn giúp nhà lãnh đạo hướng nội khơi dậy năng lực sáng tạo và khám phá ra những ý tưởng mới độc đáo.

  • Sự ổn định và độ tin cậy

Thái độ điềm tĩnh đặc trưng của họ mang lại sự an tâm, đặc biệt có giá trị trong thời điểm khủng hoảng hoặc bất ổn.

Thách thức của Lãnh đạo hướng nội

  • Bị đánh giá là thiếu hiện diện

Đây là một tác dụng phụ của xu hướng hay im lặng, dễ dàng làm “lu mờ” đóng góp của họ cho nhóm. Một cách khắc phục là tiến hành giao tiếp thường xuyên để chia sẻ suy nghĩ và kế hoạch của họ – có thể thông qua bản tin cập nhật, email hoặc các cuộc họp nhóm nhỏ.

  • Khó khăn khi cần kết nối

Những người hướng nội thường hay tránh xa các chỗ tụ họp đông người. Thay vì đến các sự kiện networking quy mô lớn truyền thống, họ thường chú trọng các tương tác một-một hoặc nhóm nhỏ, không khiến họ cảm thấy mệt mỏi.

  • Sự im lặng bị ngộ nhận

Những người xung quanh thường ngộ nhận rằng, sự im lặng là dấu hiệu của thái độ thiếu quan tâm với công việc chung. Để tránh những hiểu lầm không đáng, nhà lãnh đạo hướng nội nên cố gắng chia sẻ cách họ đi đến quyết định – hoặc bằng cách diễn đạt những ý tưởng chiến lược của mình trong các cuộc trò chuyện hoặc họp công ty.

Đọc thêm: Xây dựng uy tín của người lãnh đạo (Executive Presence)

lãnh đạo hướng nội

Bí quyết thành công cho lãnh đạo hướng nội

  • Phát huy điểm mạnh: Hãy tận dụng kỹ năng lắng nghe và quan sát để thấu hiểu sâu sắc về các thành viên trong nhóm và suy nghĩ của họ.
  • Chú trọng giao tiếp: Giao tiếp không chỉ đơn thuần là nói – mà còn có thể thực hiện thông qua văn bản, trò chuyện trực tiếp và lắng nghe tích cực.
  • Chấp nhận chính mình: Đừng cảm thấy áp lực phải là người có tiếng nói trong phòng. Sự lãnh đạo thực thụ đến từ sự tự tin và năng lực chuyên môn, những phẩm chất mà người hướng nội hoàn toàn có thể sở hữu.
  • Dành thời gian nạp năng lượng: Hãy thường xuyên dành thời gian tĩnh tâm để xử lý thông tin, tránh kiệt sức.
  • Giao việc: Bằng cách giao các công việc phù hợp với điểm mạnh của từng thành viên, bạn sẽ có cơ hội rảnh tay để tập trung vào các ưu tiên quan trọng hơn.
  • Chuẩn bị trước khi họp: Xác định trước các luận điểm cần trình bày có thể phần nào giúp đảm bảo tiếng nói của bạn được lắng nghe.
  • Tìm hiểu về các phong cách giao tiếp: Một số thành viên trong nhóm có thể thích các buổi brainstorm, trong khi những người khác lại phù hợp với họp trực tiếp. Hãy linh hoạt điều chỉnh phong cách giao tiếp của bạn cho phù hợp với hoàn cảnh và cá nhân.
  • Giao lưu theo cách của bạn: Các sự kiện giao lưu lớn thường khiến những người hướng nội mệt mỏi; do đó, bạn nên tìm đến các cuộc tụ họp nhỏ hơn hoặc tập trung vào kết nối một-một.

Như tôi nhận thấy, một trong những cách tốt nhất để khiến mọi người bớt khó chịu về hành vi của tôi – đó là hãy bày tỏ. Tôi nói với họ, ‘Nếu bạn thấy tôi có vẻ xa cách, hãy hiểu rằng tính tôi nhút nhát, và tôi cần bạn giúp tôi cởi mở hơn.’

Douglas Conant

Sách về Lãnh đạo hướng nội

Danh ngôn về lãnh đạo hướng nội

Không có mối tương quan nào giữa việc là người nói giỏi nhất và là người có những ý tưởng hay nhất.

Susan Cain

Sự im lặng là nguồn sức mạnh to lớn.

Lão Tử

Bí quyết của cuộc sống là đặt mình vào đúng nơi có ánh sáng. Đối với một số người, đó là ánh đèn sân khấu Broadway; đối với những người khác, đó là một chiếc bàn làm việc có gắn đèn.

Susan Cain

Hãy trân trọng sự cô độc. Điều đó cho bạn thời gian để suy ngẫm và tìm kiếm sự thật. Và hãy không ngừng khám phá, để làm cho cuộc sống của bạn thành đáng sống.

Albert Einstein

Người hướng nội là những người cẩn trọng trong ngôn từ – giữa một xã hội không ngừng nói.

Michaela Chung

lãnh đạo hướng nội

Lời kết

Lối suy nghĩ rằng vai trò lãnh đạo chỉ dành cho người hướng ngoại là một lầm tưởng cần phải xóa bỏ trong môi trường làm việc hiện đại. Các tổ chức mong muốn khai thác tiềm năng của tất cả mọi người cần hiểu rằng, mỗi cá nhân đều sở hữu thế mạnh riêng. Việc nuôi dưỡng một môi trường bổ trợ, chú trọng sự phát triển của từng thành viên là rất quan trọng để đảm bảo tính cân bằng và kết quả bền vững.

Tham khảo

Beyond the Stereotype: The Power of Introverted Leadership. https://itdworld.com/blog/leadership/can-introverts-be-effective-leaders/.

Có thể bạn quan tâm:

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác…

Đừng quên dành thời gian tìm hiểu các khóa đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!

Với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi hiểu rõ những nhu cầu và băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp – trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nhằm đáp ứng những trăn trở đó, ITD đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo quản lý mới – được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.