lãnh đạo truyền cảm hứng

Phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng là chìa khóa khơi dậy đam mê và nuôi dưỡng động lực nhóm cho sự phát triển & thành công lâu dài.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay, vai trò của nhà lãnh đạo không chỉ dừng lại ở áp đặt quyền lực và ra quyết định – nhưng quan trọng nhất là đóng vai trò “chất xúc tác” cho đội nhóm phát huy trọn vẹn tiềm năng của mình. Lãnh đạo truyền cảm hứng là một bước chuyển sâu sắc so với các mô thức quản lý truyền thống. Khi nhân viên cảm nhận được ý nghĩa trong công việc và tin tưởng vào người lãnh đạo, công việc kinh doanh của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bước sang trang mới.

Tóm tắt nội dung chính

  • Lãnh đạo truyền cảm hứng nhấn mạnh việc nuôi dưỡng tầm nhìn chung, xây dựng lòng tin, chú trọng con người, ưu tiên phát triển bản thân, kiến tạo một môi trường đóng góp cho lợi ích cá nhân và tập thể. Những nhà quản lý thực hành phong cách này hướng tới việc trao quyền tự chủ cho nhân viên trên cơ sở tầm nhìn, giá trị và sức hút – thay vì áp đặt thẩm quyền hay thưởng phạt; qua đó góp phần cải thiện năng suất, sự gắn kết, lòng trung thành, năng lực đổi mới, cũng như giảm bớt tỷ lệ nghỉ việc.
  • Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng thường thể hiện những phẩm chất như tầm nhìn, kỹ năng giao tiếp, đam mê, trí tuệ cảm xúc, sáng tạo, tính chính trực, kỹ năng giao việc, sự khiêm tốn, khả năng phục hồi, lạc quan và tư duy phục vụ.
  • Người lãnh đạo truyền cảm hứng cần luôn thể hiện sự chân thực, tò mò, đồng cảm, tôn trọng và lòng biết ơn, chú trọng giao tiếp và – trên hết – có thái độ cởi mở và sẵn sàng lắng nghe góp ý từ người khác (coachable).

Nội dung

Lãnh đạo truyền cảm hứng là gì?

Lãnh đạo truyền cảm hứng (inspirational leadership) là một triết lý quản lý linh hoạt, thích ứng với nhu cầu và nguyện vọng riêng biệt của từng cá nhân và đội nhóm. Mục đích là biến đổi tổ chức thành một “hệ sinh thái” phát triển mạnh mẽ – nơi thành công của cả cá nhân và tập thể đều trở thành hiện thực có thể đạt được.

Về bản chất, phong cách này không tập trung thể hiện quyền lực – mà đi sâu vào khám phá động lực, khuyến khích và trao quyền tự chủ. Song song với mục tiêu chung của tập thể, sự phát triển cá nhân của từng thành viên cũng được đầu tư không kém.

Đặc điểm chính:

  • Tạo ra tầm nhìn chung: Trọng tâm là khả năng xây dựng và diễn đạt một tầm nhìn hấp dẫn – trở thành “kim chỉ nam” cho các thành viên ý thức về mục đích và lý do cần đầu tư thời gian và công sức cách toàn tâm toàn ý.
  • Nuôi dưỡng niềm tin: Lòng tin là nền tảng hình thành nên các đội nhóm hiệu suất cao.
  • Tôn trọng cá nhân: Mỗi thành viên không chỉ là một mắt xích trong cỗ máy tổ chức; họ là những con người mang đến những giá trị riêng biệt. Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng đảm bảo rằng mọi tiếng nói đều được lắng nghe, và mọi người đều cảm thấy được quý trọng.
  • Ưu tiên phát triển cá nhân: Cam kết đối với sự phát triển của đội nhóm là cơ sở để họ sẵn sàng trao quyền cho các cộng sự tự chủ trong công việc và phát huy hết tiềm năng của mình.
  • Xây dựng môi trường hỗ trợ: Vai trò của họ là “kiến trúc sư” kiến thiết một môi trường làm việc tích cực – nơi nhân viên được tạo mọi cơ hội cống hiến hết mình, với ý thức rằng mọi đóng góp của họ đều được công nhận và đánh giá cao.
  • Đầu tư vào các cơ hội phát triển: Một đặc điểm nổi bật của phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng là chú trọng đầu tư vào đội nhóm thông qua các chương trình training, mentoring, cũng như lộ trình phát triển kỹ năng, đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội trở thành phiên bản tốt nhất của mình.

phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng

Lãnh đạo là người truyền cảm hứng

Điểm khác biệt của phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng

Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng là những người luôn đi tiên phong về tầm nhìn, giá trị và sức hút. Những phẩm chất này giúp họ nuôi dưỡng mối liên hệ sâu sắc với các cộng sự, cùng nhận thức về mục đích chung giúp gắn kết đội nhóm với nhau. Mô thức quản lý của họ không hướng tới quyền lực hay lời hứa về phần thưởng vật chất; thay vào đó, nó xuất phát từ mong muốn nội tại là phát triển và trao quyền cho người khác thông qua các hoạt động như:

  • Khuyến khích tư duy phản biện và tinh thần tự khám phá.
  • Thúc đẩy sự hợp tác, tin tưởng, tôn trọng và giao tiếp cởi mở, cùng góp sức vào mục tiêu chung.
  • Chất xúc tác cho quá trình thay đổi tích cực, thắp sáng nhiệt huyết, động lực, góp phần vào lợi ích cá nhân, tập thể và toàn xã hội.

Cần lưu ý, tạo động lực cho nhân viên là điều mà tất cả nhà lãnh đạo đều làm. Tuy nhiên, những người thông thường chủ yếu chỉ tập trung áp đặt thẩm quyền, thưởng phạt để định hình và kiểm soát hành vi của người khác. So với phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng – vốn mang tính triệt để hơn hẳn, cách làm của họ nhìn chung khá khác biệt về bản chất cũng như hiệu quả lâu dài.

  • Hướng dẫn và đặt kỳ vọng rõ ràng: Xác định mục tiêu, giám sát và đánh giá hiệu suất chặt chẽ, nhằm đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực đã đề ra. Mục đích của phương pháp tiếp cận theo cấu trúc này là thúc đẩy kết quả ngay lập tức và đáp ứng các mục tiêu của tổ chức.
  • Văn hóa cạnh tranh: Tiền thưởng, thăng chức hoặc khen ngợi trở thành động lực cho nhân viên phấn đấu; ngược lại, hiệu suất kém đồng nghĩa với quyết định kỷ luật hoặc thậm chí là sa thải.
  • Hiệu quả ngắn hạn: Cơ chế thưởng-phạt như trên có thể khiến mọi người hành động và tuân thủ nhanh chóng, song không có gì đảm bảo sẽ bền vững trong dài hạn. Nguyên nhân là vì nó khiến nhân viên trở nên phụ thuộc vào các động lực bên ngoài, dẫn tới suy giảm sức mạnh và ý chí nội tại.
Khía cạnhLãnh đạo truyền cảm hứngTạo động lực thông thường
Nền tảngTầm nhìn, giá trị và sức lôi cuốnQuyền lực, phần thưởng và hình phạt
Kết nốiNuôi dưỡng những mối quan hệ sâu sắcMang tính giao dịch, ít tính cá nhân
Cách tiếp cậnKích thích tư duy phản biệnXác định mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng
Văn hóaNuôi dưỡng một nền văn hóa hợp tácKhuyến khích văn hóa cạnh tranh
Tác động lâu dàiKết quả đột phá về lâu dàiHiệu quả ngắn hạn
Động cơ Động lực nội tạiPhần thưởng và tác nhân từ bên ngoài

Lợi ích khi lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhân viên

  • Gia tăng năng suất

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các đội nhóm dưới quyền của các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng nhìn chung có nhiều cơ hội đạt được thành tích vượt trội hơn so với kỳ vọng đề ra. Bằng cách liên kết công việc của từng cá nhân với các giá trị của đội nhóm – đồng thời khuyến khích đặt ra các mục tiêu tham vọng nhưng vẫn thực tế, nhà lãnh đạo truyền đi “ngọn lửa” cần thiết để mỗi thành viên liên tục phấn đấu và hoàn thành mục tiêu, đưa năng suất đội nhóm lên tầm cao mới.

  • Tăng cường sự gắn kết

Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng là những chuyên gia kiến tạo mục đích. Vai trò của họ là nuôi dưỡng ý thức sâu sắc về ý nghĩa và đam mê, khơi dậy động lực nội tại thúc đẩy mỗi cá nhân hoàn thành công việc với lòng nhiệt thành mạnh mẽ nhất. Thái độ nhiệt tình của họ là minh chứng cho mối quan tâm chân thành đến sự tiến bộ và phúc lợi chung – nhờ đó, mọi người cảm nhận được giá trị và mục đích sâu sắc trong mỗi việc mình làm và trở nên gắn kết với tập thể hơn.

  • Nhân viên tận tụy

Việc chứng kiến cấp quản lý thể hiện sự tân tâm và đạo đức làm việc đã được chứng minh có mối liên hệ với sự gia tăng trong tinh thần tận tụy của nhân viên.

  • Chất xúc tác cho sự thay đổi

Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng góp phần kiến tạo một môi trường khuyến khích tư duy sáng tạo, chấp nhận rủi ro và thử nghiệm. Tinh thần gan dạ, không sợ hãi khi giải quyết vấn đề là nên tảng để cho ra đời các giải pháp mới lạ và mang tính đột phá – thúc đẩy quá trình chuyển đổi trong tổ chức.

  • Nâng cao hiệu quả học tập và hiệu suất

Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng là những người ủng hộ không ngừng nghỉ cho sự phát triển cá nhân và sự nghiệp của nhân viên. Thói quen của họ là thách thức các cộng sự phản biện và khám phá tiềm năng lãnh đạo bên trong chính mình. Khi sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kỹ năng, góp ý xây dựng và ghi nhận thành tích cá nhân, họ góp phần xây dựng một nền văn hóa học tập liên tục và hiệu suất cao.

  • Văn hóa tích cực và hợp tác

Nhờ vào việc luôn khuyến khích tin tưởng, tôn trọng và giao tiếp cởi mở, họ biến công sở trở thành nơi nâng cao tinh thần, sự gắn kết và trung tín giữa các thành viên trong nhóm. Hệ quả lâu dài là sự hình thành của một nền văn hóa đổi mới và thay đổi, nơi mọi ý tưởng và giải pháp mới luôn được khuyến khích và tôn vinh.

  • Giảm tỷ lệ nghỉ việc

Khi ý thức bản thân được tôn trọng và đánh giá cao, nhân viên nhìn chung sẽ có xu hướng gắn bó với công ty hơn. Song song với cắt giảm chi phí tuyển dụng, việc giảm tỷ lệ luân chuyển nhân sự cũng góp phần bảo tồn tài sản tri thức của doanh nghiệp, xây dựng lực lượng lao động ổn định và gắn kết hơn.

phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng

Vì sao người lãnh đạo phải biết truyền cảm hứng cho nhân viên của mình

Đọc thêm: Lãnh đạo chuyển đổi – Phong cách quản lý của thời đại

Ví dụ về những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng

  • Mahatma Gandhi

Là nhà lãnh đạo của phong trào giành độc lập của Ấn Độ, Gandhi được biết đến qua việc ủng hộ việc áp dụng chủ nghĩa bất bạo động và bất tuân dân sự để đạt được tự do và phẩm giá. Cam kết kiên quyết của ông đối với hòa bình đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người ở Ấn Độ và trên toàn cầu chống lại sự áp bức và bất công. Khả năng truyền tải tầm nhìn rõ ràng về một Ấn Độ tự do và công bằng của Gandhi, cùng với niềm đam mê không lay chuyển đối với sự nghiệp của mình, đã khiến ông để lại dấu ấn đặc biệt trên thế giới.

  • Martin Luther King Jr.

Trong hành trình vận động cho quyền công dân và công bằng xã hội, Luther King đã không ngần ngại đấu tranh cho bình đẳng chủng tộc và quyền con người thông qua các cuộc biểu tình hòa bình và các bài phát biểu hùng hồn. Khả năng diễn đạt tầm nhìn về một thế giới không có sự phân biệt đối xử và áp bức của ông đã thúc đẩy một phong trào dân sự mạnh mẽ, dẫn đến những thay đổi to lớn về mặt lập pháp.

  • Oprah Winfrey

Xuất thân từ hoàn cảnh nghèo đói, bị ngược đãi và phân biệt đối xử, Oprah ngày nay đã trở thành một “bà trùm” truyền thông, nhà từ thiện và biểu tượng văn hóa. Thông qua các chương trình trò chuyện, câu lạc bộ sách, mạng lưới truyền thông và quỹ từ thiện của mình, bà đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi cuộc sống tốt đẹp hơn.

  • Steve Jobs

Nhà đồng sáng lập quá cố của Apple là hình mẫu của phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới. Tinh thần sáng tạo và niềm đam mê của ông đã “cách mạng hóa” các sản phẩm máy tính cá nhân, âm nhạc, hoạt hình và thiết bị di động. Việc theo đuổi sự hoàn hảo không ngừng của Jobs, cùng với khả năng diễn giải tầm nhìn về một tương lai mà cuộc sống của con người được nâng cao nhờ công nghệ, không chỉ truyền cảm hứng cho đội nhóm của ông – mà còn cho toàn bộ ngành công nghệ và người tiêu dùng trên toàn thế giới.

  • Nelson Mandela

Mandela là người đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi Nam Phi từ chế độ phân biệt chủng tộc sang nền dân chủ đại diện. Năng lực lãnh đạo tầm nhìn xa của ông đã trở thành biểu tượng của hy vọng và nguồn cảm hứng cho những ai “khắc khoải” với mục tiêu đấu tranh cho bình đẳng trên toàn cầu.

Phẩm chất của nhà lãnh đạo truyền cảm hứng

  1. Tầm nhìn

Người lãnh đạo truyền cảm hứng luôn có tầm nhìn rõ ràng và thuyết phục về tương lai – cũng như sẵn sàng chia sẻ nó với các cộng sự nhằm thống nhất hành động của mọi thành viên phù hợp với các giá trị và mục đích đội nhóm. Tầm nhìn này trở thành “kim chỉ nam” truyền “lửa” cho mọi người theo đuổi sứ mệnh chung, mang lại ý nghĩa cho những nỗ lực hằng ngày của họ.

  1. Giao tiếp

Giao tiếp hiệu quả thể hiện qua khả năng truyền đạt tầm nhìn cá nhân một cách chi tiết và thuyết phục, cả về phương diện lời nói, hành động và cảm xúc. Ngoài ra, họ cũng là những người lắng nghe tích cực, chú ý tương tác, góp ý và công nhận thành tích của người khác – qua đó nuôi dưỡng một môi trường đối thoại cởi mở và trung thực.

  1. Đam mê

Dù làm điều gì, họ đều tỏa ra tự tin và lạc quan, nguồn năng lượng và phấn khích vô hạn. Sự nhiệt thành này lan tỏa đến những người xung quanh, thúc đẩy và tiếp thêm năng lượng cho họ.

  1. Trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc là một dấu hiệu đặc trưng khác của nhà lãnh đạo truyền cảm hứng – thể hiện qua sự thấu hiểu sâu sắc về cảm xúc và nhu cầu con người. Thông qua thái độ đồng cảm với các thành viên trong nhóm, tận tình hỗ trợ mỗi người phát triển cá nhân và chuyên môn, sự hiện diện của họ góp phần mang lại bầu không khí mà mọi người cảm thấy được nhìn nhận, lắng nghe và trân trọng.

  1. Sáng tạo

Phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng là chất xúc tác mạnh mẽ cho tư duy sáng tạo và phản biện. Họ thách thức các cộng sự khám phá những “chân trời” và cơ hội mới, cả trong công việc cũng như phát triển cá nhân. Bằng cách kích thích tư duy đổi mới và khuyến khích một nền văn hóa học hỏi và thử nghiệm, họ truyền cảm hứng cho đội nhóm “bứt phá” qua mọi ranh giới hiện tại.

  1. Chính trực

Sự chính trực thể hiện qua hành động trung thực, chân thực và minh bạch. Các tiêu chuẩn đạo đức cao và cam kết đối với hệ giá trị cá nhân/ tập thể đóng vai trò là “ngọn đuốc” soi đường, thu hút sự tin tưởng và tôn trọng từ các thành viên khác.

Đọc thêm: Xây dựng uy tín của người lãnh đạo (Executive Presence) như thế nào?

  1. Kỹ năng ủy quyền

Hiểu rõ sức mạnh của tập thể thúc đẩy họ nêu ra hướng dẫn rõ ràng và súc tích cho các thành viên trong nhóm, trang bị các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết để thành công. Nhờ đó, mọi cá nhân được tạo điều kiện hình thành tinh thần tự chịu trách nhiệm về công việc mình làm.

  1. Khiêm tốn

Tinh thần khiêm tốn thể hiện qua việc không ngại nhận sai, với ý thức rằng không ai có thể có câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề.

  1. Kiên định và lạc quan

Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng nhìn chung có khả năng kiên định vượt bậc khi đối mặt với nghịch cảnh, sẵn sàng đứng lên sau thất bại và tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình. Chính năng lực này truyền cảm hứng cho các thành viên trong nhóm kiên trì vượt qua những thời điểm khó khăn.

Ngoài ra, họ cũng không ngần ngại tin tưởng vào tiềm năng biến mục tiêu thành hiện thực của đội nhóm.

  1. Giúp đỡ người khác

Khi hỗ trợ người khác một cách vô tư, họ góp phần thiết lập một nền văn hóa hợp tác, nơi thành công của mọi người là kết quả của nỗ lực chung.

lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhân viên

Vì sao bản thân người lãnh đạo phải biết tự tạo cảm hứng và sự đam mê cho chính mình

Đọc thêm: 10 phẩm chất quan trọng nhất của nhà lãnh đạo hiện đại

Bí quyết thực hành phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng

  1. Chân thực

Minh bạch là yêu cầu tối quan trọng đối với lãnh đạo chân thực. Bạn phải truyền đạt tầm nhìn và mục đích một cách rõ ràng và chân thành, cũng như thể hiện cam kết với sứ mệnh đó thông qua lời nói, hành động và cảm xúc. Hãy là hình mẫu để các cộng sự ngưỡng mộ và tôn trọng, làm mọi điều tuân theo các giá trị cốt lõi, và để chúng dẫn dắt các quyết định và tương tác hằng ngày.

  1. Nuôi dưỡng tinh thần tò mò

Tinh thần học hỏi không ngừng là đặc điểm của những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng. Hãy luôn cởi mở với những ý tưởng và quan điểm mới, xin ý kiến góp ý và tích cực tự hoàn thiện chính mình. Song song với việc thử thách bản thân và mở rộng tầm nhìn cá nhân, đừn quên khuyến khích đội nhóm thực hành tư duy sáng tạo.

  1. Đồng cảm

Như đã đề cập, năng lực thấu cảm là nền tảng của kỹ năng lãnh đạo. Trong khả năng có thể, hãy luôn kết nối với mọi người xung quanh một cách cá nhân hóa, cố gắng tìm hiểu nhu cầu, cảm xúc và động lực làm việc của họ.

  1. Thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn

Tôn vinh sự đa dạng và độc đáo của mọi thành viên, trân quý những đóng góp và thành tích của họ là bổn phận của người làm lãnh đạo. Hãy cố gắng xây dựng lòng tin và mối quan hệ bằng cách chịu trách nhiệm và minh bạch trong mọi hành động – cũng như thể hiện lòng biết ơn chân thành đối với mọi nỗ lực và cột mốc đội nhóm đạt được.

  1. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Để giao tiếp thành tạo, cấp lãnh đạo có thể áp dụng phương pháp kể chuyện (storytelling) và các kỹ thuật khác để thu hút người nghe, truyền đạt tầm nhìn và mục tiêu một cách rõ ràng và đầy cảm hứng.

  1. Sẵn sàng được huấn luyện (coach) và góp ý

“Nhân vô thập toàn”. Mỗi khi phạm sai lầm, đừng ngần ngại thừa nhận và tiếp thu góp ý từ người khác. Thái độ khiêm tốn, sẵn sàng thay đổi là những phần không thể thiếu trên con đường của nhà lãnh đạo.

Đọc thêm: 8 phong cách lãnh đạo phổ biến

Danh ngôn về lãnh đạo truyền cảm hứng

Nêu gương cá nhân chính là phương pháp lãnh đạo hiệu quả nhất.

John Wooden

Chìa khóa để lãnh đạo thành công ngày nay là ảnh hưởng, không phải thẩm quyền.

Ken Blanchard

Thách thức của lãnh đạo là phải mạnh mẽ, nhưng không thô lỗ; tử tế, nhưng không yếu đuối; táo bạo, nhưng không bắt nạt; chu đáo, nhưng không lười biếng; khiêm tốn, nhưng không nhút nhát; tự hào, nhưng không kiêu ngạo; hài hước, nhưng không điên rồ.

Jim Rohn

Lãnh đạo là nghệ thuật trao cho mọi người nền tảng cần thiết để lan tỏa ý tưởng.

Seth Godin

Một nhà lãnh đạo thực sự là khi mọi người hầu như không biết đến sự tồn tại của anh ta. Khi công việc của anh hoàn thành, mục tiêu của anh đạt được, họ sẽ nói: chúng ta đã tự mình làm được.

Lão Tử

Video về phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng

Các quy tắc Lãnh đạo và Làm việc nhóm – Phần 1 (bởi TS. Peter CheeJohn C. Maxwell)

Phần 2

Phần 3

Sách về lãnh đạo truyền cảm hứng

Khóa học lãnh đạo truyền cảm hứng thông qua thực hành coaching của ITD World

Trong hành trình trở thành nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, coaching là công cụ hỗ trợ quý giá, giúp nhà lãnh đạo “mài giũa” kỹ năng, trao quyền cho đội nhóm và mở rộng tầm nhìn:

  • Phát triển nhận thức về bản thân

Trọng tâm của coaching là đào sâu vào nhận thức về bản thân, bao gồm tiềm năng cá nhân và cách khai thác để biến mục tiêu thành hiện thực. Thông qua coaching, mỗi người sẽ có thể hiểu rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu và các khía cạnh cần cải thiện – làm cơ sở học cách giao tiếp hiệu quả, giải quyết vấn đề sáng tạo và quản lý thời gian hiệu quả hơn.

  • Cải thiện kỹ năng giao tiếp

Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng được biết đến với khả năng giao tiếp xuất sắc, cả bằng lời nói và văn bản. Coaching sẽ góp phần tinh chỉnh khả năng giao tiếp, giúp bạn truyền đạt tầm nhìn và mục tiêu một cách rõ ràng và hiệu quả – qua đó truyền cảm hứng hành động cho mọi người xung quanh.

  • Thực hành kỹ năng giao việc

Giao việc là kỹ năng không thể thiếu trong quá trình phát triển đội nhóm. Bạn sẽ được học cách phân công hợp lý, cũng như tạo điều kiện cần thiết cho các thành viên trong nhóm chủ động đưa ra quyết định.

Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng luôn nhạy bén với cảm xúc của chính họ cũng như người khác. Coaching sẽ góp phần nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc, giúp bạn hiểu rõ hơn những phức tạp trong cảm xúc con người – làm nền tảng cải thiện mối quan hệ với cộng sự và kiến tạo môi trường làm việc tích cực.

  • Trao quyền cho bản thân và đội nhóm

Các kỹ thuật coaching như đặt câu hỏi mở, lắng nghe tích cực và phản hồi mang tính xây dựng là những công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho mục đích trao quyền cho bản thân và đội nhóm.

  • Hình thành góc nhìn mới

Coaching giới thiệu một góc nhìn ngoại vi, cho phép bạn nhìn nhận tình huống từ nhiều góc độ khác nhau và khám phá những cơ hội mới. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm và hiểu biết của những nhà lãnh đạo thành công khác – cũng như phản hồi và đề xuất của coach, bạn sẽ có cơ hội mở rộng tầm nhìn và làm phong phú thêm bộ công cụ lãnh đạo của mình.

Liên hệ ITD World để được tư vấn miễn phí về các khóa học coaching chuẩn quốc tế của chúng tôi ngay!

Bài viết gốc

Inspirational Leadership: Igniting Passion & Purpose in Your Team. https://itdworld.com/blog/leadership/inspirational-leadership/.

Có thể bạn quan tâm:

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.