lãnh đạo tồi & yếu kém

Lãnh đạo tồi là một trong những vấn nạn lớn của doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách nhận biết và khắc phục những điểm yếu của người lãnh đạo, góp phần vào thành công lâu dài của tổ chức.

Năng lực lãnh đạo là yếu tố quan trọng góp phần mang lại thành công cho tổ chức. Một đội ngũ lãnh đạo giỏi sẽ đóng vai trò truyền cảm hứng cho đội nhóm phát triển – qua việc khuyến khích tinh thần hợp tác, đổi mới và phát triển cá nhân. Ngược lại, việc sở hữu những người lãnh đạo tồi sẽ gây ra tác động cực kỳ bất lợi đến thành công lâu dài của doanh nghiệp.

Tóm tắt nội dung chính

  • Nhà lãnh đạo yếu kém là những cá nhân không thể hiện được những phẩm chất lãnh đạo thiết yếu; ngược lại, họ cho thấy những đặc điểm tính cách tiêu cực gây hại cho đội nhóm, tổ chức và hiệu suất cá nhân.
  • Biểu hiện của lãnh đạo tồi bao gồm thiếu tầm nhìn rõ ràng, giao tiếp kém, thiếu quyết đoán, không biết nêu gương…
  • Thay vì ủng hộ tinh thần hợp tác, trao quyền và phản hồi mang tính xây dựng, nhà lãnh đạo yếu kém có xu hướng tránh đối mặt với vấn đề, hay quản lý vi mô và đưa ra những góp ý thiếu cân nhắc.
  • Thái độ yếu, nhận thức nông cạn về bản thân, kỹ năng giao tiếp kém, quá phụ thuộc vào kiến thức, không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ tổ chức, v.v… là những yếu tố chính gây ra sự yếu kém trong đội ngũ lãnh đạo – dẫn đến tinh thần sa sút, năng suất giảm, kìm hãm năng lực đổi mới, danh tiếng tổ chức bị tổn hại, v.v…
  • Để giải quyết vấn nạn này, doanh nghiệp cần đầu tư vào phát triển lãnh đạo, khuyến khích giao tiếp cởi mở, đặt ra kỳ vọng rõ ràng, khuyến khích tinh thần lãnh đạo nêu gương (lead by example) và tự chịu trách nhiệm.

Nội dung

Thế nào là nhà lãnh đạo tồi?

Lãnh đạo tồi hay yếu kém chỉ những nhà lãnh đạo:

  • Không cho thấy những phẩm chất lãnh đạo điển hình – vd: tầm nhìn, tính chính trực, tính quyết đoán, khả năng giao tiếp, phản hồi, tạo động lực hoặc trách nhiệm.
  • Thể hiện những đặc điểm/hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến đội nhóm, tổ chức hoặc hiệu suất cá nhân.

Ví dụ:

Phòng marketing của công ty nọ được dẫn dắt bởi một quản lý thiếu quyết đoán và giao tiếp kém. Người quản lý này gặp khó khăn trong việc nêu rõ các mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng cho đội nhóm, dẫn đến sự nhầm lẫn và bất minh trong nhận thức giữa các thành viên. Ngoài ra, người này có xu hướng tránh đưa ra những quyết định khó khăn, thường nhượng bộ người khác hoặc tìm kiếm sự đồng thuận ngay cả khi cần phải đưa ra các quyết định kịp thời.

Những người như vậy không hẳn là hoàn toàn không có khả năng lãnh đạo. Đúng hơn, vấn đề nằm ở chỗ họ thiếu kỹ năng đưa ra hướng dẫn và hỗ trợ nhóm. Đây là vấn nạn lớn cần khắc phục, để có thể xây dựng môi trường làm việc tích cực và hiệu quả, góp phần vào thành công chung của đội nhóm và tổ chức.

Đặc điểm của nhà lãnh đạo tồi & yếu kém

  • Khoảng cách và thứ bậc

Các nhà lãnh đạo tồi thường có xu hướng tách mình ra khỏi đội nhóm của họ; chính điều đó tạo ra cảm giác xa cách và “thứ bậc” trong nhóm – làm mất đi mối dây kết nối giữa họ và các thành viên khác, ảnh hưởng tới tinh thần đoàn kết nội bộ.

  • Hay chỉ trích

Các nhà lãnh đạo kém thường chú ý đến các lỗi sai, thay vì thừa nhận điểm mạnh và thành tích của người khác. Thói quen hay bắt lỗi là nguyên nhân dẫn tới một môi trường làm việc tiêu cực, cản trở sự phát triển của văn hóa nhóm.

  • Quản lý vi mô

Họ hay can thiệp vào quyền tự chủ và sự sáng tạo của nhân viên – thay vì trao quyền cho mọi người tự đưa ra quyết định, chịu trách nhiệm về công việc cũng như sự phát triển chuyên môn của mình. Cái gọi là “phong cách lãnh đạo” của họ tạo ra một bầu không khí sợ hãi và thiếu gắn kết, kìm hãm năng lực đổi mới và sáng tạo.

  • Thiếu niềm tin

Những nhà lãnh đạo tồi thường yêu cầu nhân viên phải liên tục giữ liên lạc – xuất phát từ việc họ không tin tưởng vào năng lực của người khác. Hậu quả là những ai làm việc dưới quyền họ rất dễ dàng cảm thấy bản thân không được coi trọng.

  • Thiếu chính trực và đạo đức

Hành động thiếu chính trực, thất hứa, hay nói dối, hành xử thiếu đạo đức là  những dấu hiệu điển hình của lãnh đạo tồi. Những hành vi như vậy làm xói mòn lòng tin trong nhóm, tác động nghiêm trọng đến danh tiếng và vị thế của doanh nghiệp.

  • Không đặt ra kỳ vọng rõ ràng

Sự thiếu rõ ràng về kỳ vọng và mục tiêu chung gây ra tình trạng mất phương hướng và động lực kém, xuất phát từ việc nhân viên không hiểu được vai trò của mình trong quá trình đóng góp vào mục tiêu của tổ chức.

  • Giao tiếp kém

Xu hướng của nhà lãnh đạo tồi là hay che giấu thông tin, đưa ra quyết định mà không tham khảo ý kiến của đội nhóm. Thói quen không giao tiếp rõ ràng và nhất quán dẫn đến tình trạng nhầm lẫn, thất vọng và thiếu tin tưởng giữa các thành viên trong nhóm.

  • Phản hồi không hiệu quả

Họ thường đưa ra quá ít, quá nhiều hoặc thậm chí không góp ý gì cả. Nếu có, ý kiến đóng góp của họ nhìn chung rất mơ hồ, không nhất quán hoặc gay gắt quá mức. Trong trường hợp tốt nhất, họ có thể chỉ đơn thuần nói hai từ “Cảm ơn” – mà không nêu thêm bất kỳ thông tin nào khác.

  • Thiếu trách nhiệm

Những nhà lãnh đạo yếu kém thường tránh nhận trách nhiệm về hành động của bản thân – thay vào đó, nhiều người có tật xấu đổ lỗi cho người khác về những thất bại, hoặc đưa ra lời bào chữa cho sai lầm của họ. Thái độ thiếu trách nhiệm của họ là nguyên nhân dẫn tới một nền văn hóa đổ lỗi, cản trở khả năng học hỏi và phát triển của đội nhóm.

  • Không biết giải quyết xung đột

Dù quản lý xung đột là một kỹ năng lãnh đạo không thể thiếu, nhưng họ thường tránh đối mặt với vấn đề, không biết lắng nghe các quan điểm khác nhau, hoặc hay đưa ra quyết định thiên vị, tác động tiêu cực đến động lực nhóm.

  • Thiếu khả năng ra quyết định

Họ hay đưa ra quyết định mà không tìm hiểu đầy đủ thông tin, phân tích cũng như cân nhắc các lựa chọn thay thế. Do đó, họ hay bỏ lỡ các cơ hội tăng trưởng, làm gia tăng căng thẳng nội bộ, khiến nhân viên dưới quyền không còn tin tưởng vào định hướng của họ.

Xu hướng của nhà lãnh đạo tồi là chống lại sự thay đổi và bám vào các phương pháp thực hành lỗi thời. Nỗi sợ hãi những điều chưa biết, không nhận ra nhu cầu thích nghi và/hoặc thiếu kỹ năng quản lý thay đổi hiệu quả là những yếu tố cản trở sự phát triển và năng lực cạnh tranh của tổ chức.

Thiếu khả năng đồng cảm, phản ứng bốc đồng khi xảy ra vấn đề, không tạo ra được một môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ… là những biểu hiện thường thấy ở nhà lãnh đạo yếu kém.

  • Không đầu tư vào phát triển nhân viên

Các nhà lãnh đạo tồi xem các thành viên trong nhóm là “nguồn lực” để khai thác – không phải những con người cần được phát triển. Việc không đầu tư vào đào tạo, cố vấn và phát triển cá nhân làm mất đi cơ hội phát huy tiềm năng đội nhóm, góp phần làm tăng tỷ lệ nghỉ việc và giảm hiệu suất của tổ chức.

lãnh đạo tồi & yếu kém

Đi làm gặp sếp hãm

Nguyên nhân của sự xuất hiện các nhà lãnh đạo tồi

  • Thái độ kém

Các nhà lãnh đạo tồi thường hay suy nghĩ tiêu cực, xuất phát từ những bất mãn và thất vọng cá nhân. Thái độ của họ không chỉ ảnh hưởng đến động lực và hiệu suất của chính bản thân – mà còn cả tinh thần và năng suất chung.

  • Thiếu nhận thức & phát triển bản thân

Xu hướng của họ là thường không thích tự vấn, phản hồi và tránh né các cơ hội phát triển cá nhân. Việc thiếu nhận thức về bản thân dẫn đến phong cách quản lý đặc trưng có nhiều “điểm mù”, khả năng ra quyết định kém, ngại thích ứng với hoàn cảnh thay đổi.

  • Kỹ năng giao tiếp yếu

Không chỉ gặp khó khăn trong việc truyền tải thông điệp, họ thường không ý thức được tầm quan trọng của giao tiếp hai chiều. Hệ quả là họ hay “giấu nghề”, ít chú ý đến phản hồi – và vô hình chung dẫn tới một bầu không khí ngờ vực và bối rối trong nhóm.

  • Quá chú ý đến kiến thức

Các nhà lãnh đạo yếu kém thường chú trọng quá mức các kỹ năng và kiến thức chuyên môn – trong khi bỏ qua các khía cạnh giao tiếp xã hội và trí tuệ cảm xúc. Cách tiếp cận lấy kiến thức làm trọng tâm này là nguyên nhân chính khiến họ thiếu cộng tác, coi thường quan điểm của người khác và không đánh giá cao các khía cạnh quan trọng hơn của lãnh đạo hiệu quả.

  • Quá bận rộn

Tình trạng thường xuyên quá tải bởi khối lượng công việc khiến họ gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian, phân công và tự chăm sóc bản thân. Sự bận rộn quá mức này gây nguy hiểm cho sức khỏe của chính bản thân – khiến họ hay căng thẳng, kiệt sức và ra quyết định không thỏa đáng trong đội nhóm.

  • Ít nhạy cảm với các vấn đề và tinh thần đội nhóm

Các nhà lãnh đạo tồi thường không nắm rõ các vấn đề trong nhóm hoặc tổ chức. Sự thiếu nhận thức này dẫn đến các xung đột không được giải quyết, bỏ lỡ cơ hội, làm giảm tinh thần và sự gắn kết đội nhóm.

  • Đùn đẩy trách nhiệm

Thái độ trốn tránh trách nhiệm xuất phát từ nỗi sợ thất bại/ mong muốn được đánh giá là có năng lực. Khi làm như vậy, chính họ đang làm suy yếu uy tín của mình, cũng như nuôi dưỡng một nền văn hóa phân tán trách nhiệm, cản trở khả năng học hỏi từ sai lầm.

  • Đánh giá thấp tầm quan trọng của phát triển con người

Như đã đề cập, các nhà lãnh đạo yếu kém thường xem các thành viên trong nhóm chỉ là nguồn lực – chứ không phải là những cá nhân có tiềm lực phát triển. Chính quan điểm này khiến họ ít quan tâm đầu tư vào các cơ hội đào tạo, coaching, mentoring và phát triển cá nhân, gây trì trệ động lực đội nhóm và làm giảm hiệu suất chung.

  • Thiếu sự hỗ trợ và phát triển

Tình trạng doanh nghiệp không cung cấp đủ sự hỗ trợ, chương trình cố vấn, đào tạo lãnh đạo hoặc cơ chế phản hồi mang tính xây dựng vô hình chung đã dẫn tới sự phổ biến của tình trạng văn hóa lãnh đạo kém hiệu quả.

Lãnh đạo tồi & yếu kém gây ra hậu quả thế nào?

Tinh thần sa sút

Nhân viên thường trở nên thất vọng và “vỡ mộng” khi họ nhận thấy người lãnh đạo thiếu quyết đoán hoặc không gắn kết với họ. Điều này dẫn đến tinh thần giảm sút – biểu hiện qua việc thiếu nhiệt tình trong công việc, hay nghỉ làm, không sẵn sàng làm việc với năng suất tối ưu.

Khi người quản lý hiếm khi tham dự các cuộc họp nhóm, xin ý kiến đóng góp, hoặc tỏ ra không quan tâm đến phúc lợi của nhóm, các thành viên từng nhiệt tình sẽ bắt đầu biểu hiện các dấu hiệu của tinh thần sa sút (vd: hay đi muộn, nghỉ làm, không có động lực để nỗ lực hết mình).

Năng suất kém

Đây là hậu quả sẽ xảy ra khi các thành viên trong nhóm không nắm rõ về vai trò hoặc mục tiêu của mình. Việc không có kỳ vọng rõ ràng là nguyên nhân khiến các dự án thiếu sự phối hợp và không đảm bảo tiến độ. Nếu không có cơ chế trách nhiệm giải trình, vấn đề sẽ càng trở nên tệ hơn. Thay vì phối hợp, mọi người sẽ bắt đầu chỉ trích lẫn nhau, gây căng thẳng khi giao tiếp.

Tác động tiêu cực đến sự đổi mới

Nhà lãnh đạo thực thụ là người khuyến khích tinh thần sáng tạo và đổi mới – qua việc thúc đẩy một môi trường nơi các ý tưởng luôn được chào đón và tôn trọng. Ngược lại, những nhà lãnh đạo tồi có xu hướng kìm hãm sự đổi mới, không thích chấp nhận rủi ro, cũng như không cung cấp các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết cho các sáng kiến mới.

Hệ quả tất yếu là các thành viên sẽ ngần ngại chia sẻ ý tưởng sáng tạo – để không bị chỉ trích hoặc từ chối. Điều này, vô hình chung, kìm hãm cơ hội phát huy năng lực sáng tạo và đổi mới trong tổ chức.

Gây tổn hại đến danh tiếng

Lãnh đạo yếu kém là nguyên nhân khiến nhân viên cũng như đối tác mất lòng tin vào khả năng thực hiện những gì họ đã hứa – từ đó gây tổn hại không nhỏ đến danh tiếng của tổ chức. Dần dà, khách hàng sẽ nhận ra sự suy giảm về tinh thần và hiệu suất của nhân viên (thông qua các sản phẩm/ dịch vụ chất lượng kém) – và họ sẽ bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Tác động về tài chính

Lãnh đạo tồi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ròng của công ty. Các quyết định kém, thiếu trách nhiệm giải trình của họ sẽ dẫn đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả và tỷ lệ luân chuyển cao. Những điều này làm tổn hại đến danh tiếng của doanh nghiệp; hệ quả là lợi nhuận giảm sút, cản trở khả năng phát triển, ổn định và tăng trưởng tài chính dài hạn.

Thách thức của lãnh đạo là phải mạnh mẽ nhưng không thô lỗ; tử tế nhưng không yếm thế; táo bạo nhưng không bắt nạt; chu đáo nhưng không lười biếng; khiêm tốn nhưng không nhút nhát; tự hào nhưng không kiêu ngạo; hài hước nhưng không điên rồ.

Jim Rohn

lãnh đạo tồi & yếu kém

Nghỉ việc vì sếp tồi

Đối phó với lãnh đạo tồi

Nhận ra và giải quyết tình trạng lãnh đạo tồi là yêu cầu tối quan trọng đối với sự thành công của mọi doanh nghiệp:

Phát triển khả năng lãnh đạo

Đầu tiên, doanh nghiệp cần dầu tư vào các chương trình phát triển các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ lãnh đạo hiện tại và tương lai. Một kỹ năng cần thiết trong số đó là coaching và mentoring. Biết cách coach/ mentor người khác sẽ giúp nhà lãnh đạo phát huy tiềm năng nhân viên, hỗ trợ công tác chuyển giao tri thức.

Phản hồi và giao tiếp

Bước tiếp theo, doanh nghiệp cần khuyến khích giao tiếp cởi mở và trung thực giữa các nhà lãnh đạo và đội nhóm. Phản hồi mang tính xây dựng sẽ giúp ban quản lý hiểu được điểm yếu cùng các lĩnh vực cần cải thiện khác.

Bí quyết là hãy thường xuyên tổ chức các buổi phản hồi, nơi nhân viên có thể chia sẻ về những bận tâm và ý tưởng của mình. Chính nó sẽ tạo cơ hội cho các cuộc đối thoại mang tính xây dựng, giúp nhà lãnh đạo xác định được những thiếu sót của bản thân.

Đặt kỳ vọng rõ ràng

Các nhà lãnh đạo nên cố gắng thiết lập kỳ vọng rõ ràng cho đội nhóm, cũng như thường xuyên cung cấp phản hồi về hiệu suất. Sự minh bạch về vai trò và mục tiêu sẽ góp phần cải thiện tinh thần và năng suất. Khi nhân viên biết chính xác những gì được mong đợi ở mình, họ sẽ có tinh thần làm việc cao hơn và cảm thấy ý thức mục đích trong công việc, nhờ đó cải thiện năng suất tổng thể.

Nêu gương

Một giám đốc điều hành luôn thể hiện các giá trị và hành vi mà bản thân người đó mong đợi từ các thành viên trong nhóm sẽ giành được lòng tin và sự tôn trọng của nhân viên. Sự tận tụy và chính trực của người lãnh đạo sẽ định hình cách vận hành của toàn bộ tổ chức.

Trách nhiệm giải trình

Doanh nghiệp cần yêu cầu ban lãnh đạo chịu trách nhiệm về hành động và quyết định của họ. Triển khai đánh giá và thẩm định hiệu suất sẽ giúp đảm bảo rằng ban quản lý luôn đáp ứng được kỳ vọng của tổ chức.

Một cách để nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm là kết hợp họ với một đối tác chịu trách nhiệm giải trình (accountability partner) – với vai trò giúp họ luôn ý thức cũng như chịu trách nhiệm về các hành động và kế hoạch đã đặt ra.

Bộ câu hỏi coaching cho nhà lãnh đạo

  • Tự nhận thức & Phát triển khả năng lãnh đạo: Tôi cần cải thiện những kỹ năng hoặc phẩm chất lãnh đạo cụ thể nào?
  • Phản hồi & Giao tiếp: Tôi có thể thực hiện những bước nào để khuyến khích giao tiếp cởi mở và trung thực?
  • Đặt ra kỳ vọng rõ ràng: Làm thế nào để tôi có thể đảm bảo sự rõ ràng về vai trò, trách nhiệm và kỳ vọng về hiệu suất?
  • Lãnh đạo làm gương: Làm thế nào để tôi có thể liên đới hành động và hành vi với các giá trị và kỳ vọng của nhóm?
  • Trách nhiệm: Tôi cần làm gì để đảm bảo luôn chịu trách nhiệm về hành động và quyết định của mình?

Mạnh mẽ nhưng không thô lỗ; tử tế nhưng không yếm thế; táo bạo nhưng không bắt nạt; khiêm tốn nhưng không nhút nhát; tự hào nhưng không kiêu ngạo.

Zig Ziglar

Những lãnh đạo yếu kém – Ví dụ thực tế

  • Marissa Mayer – Yahoo

Nhiệm kỳ của Marissa Mayer ở cương vị CEO của Yahoo thường được coi là một ví dụ điển hình về lãnh đạo tồi. Mayer đã bị chỉ trích vì xa cách với đội nhóm, không đặt ra mục tiêu rõ ràng, quản lý vi mô, hành động thiếu chính trực và bỏ qua những phản hồi có giá trị. Các quyết định của bà đã góp phần vào sự suy thoái của Yahoo, cuối cùng dẫn đến việc công ty này bị bán cho Verizon vào năm 2017.

  • Travis Kalanick – Uber

Travis Kalanick, đồng sáng lập và cựu CEO của Uber, đã phải đối mặt với một loạt vụ bê bối làm hoen ố danh tiếng của công ty. Thời kỳ lãnh đạo của ông được đánh dấu bằng sự thiếu minh bạch, trách nhiệm giải trình kém, vấn nạn không tôn trọng, thiếu tính đa dạng và đạo đức. Thất bại của Kalanick đã góp phần tạo nên một nền văn hóa không lành mạnh tại Uber, ảnh hưởng đến cả động lực nội bộ và hình ảnh của công ty.

  • Jeff Skilling – Enron

Trường hợp của Jeff Skilling, cựu CEO của Enron, là một ví dụ điển hình về ảnh hưởng của lãnh đạo yếu kém. Sự vô cảm, tham nhũng, hẹp hòi và thờ ơ đã đóng vai trò chủ chốt gây ra các hoạt động gian lận kế toán – cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Enron vào năm 2001.

  • Sự sụp đổ của Nokia

Nokia, từng là một thế lực thống trị trong ngành điện thoại di động, đã phải đối mặt với sự sụp đổ do năng lực lãnh đạo kém. Việc CEO Stephen Elop tập trung cắt giảm chi phí và miễn cưỡng đầu tư vào công nghệ mới đã góp phần khiến doanh nghiệp không thể thích ứng với cuộc cách mạng điện thoại thông minh. Tình trạng thiếu đổi mới, phản ứng chậm với thay đổi của thị trường và chất lượng điện thoại của Nokia giảm sút đã làm suy giảm thị phần của công ty. Hội đồng quản trị cũng có một phần trách nhiệm khi không nhận ra mối đe dọa của điện thoại thông minh và đưa ra các quyết định chiến lược kém.

Những câu nói về lãnh đạo tồi

Không gì giết chết một nhân viên giỏi nhanh hơn việc nhìn thấy bạn dung thứ cho sự yếu kém.

Perry Belcher

Người lao động không rời bỏ công việc; họ rời bỏ ông chủ của họ.

Jeff Burkhart

Thất bại của tổ chức thường bắt nguồn từ nguyên do quản lý vi mô thái quá và lãnh đạo yếu kém.

Stephen Covey

Một nhà lãnh đạo thực thụ thì chấp nhận lỗi lầm và ghi nhận công lao. Một nhà lãnh đạo tồi thì chỉ biết đổ lỗi và nhận vơ công trạng cho mình.

John Wooden

Trong những giai đoạn quan trọng, một nhà lãnh đạo không được phép cảm thấy thương hại cho bản thân, chán nản, tức giận hoặc yếu đuối. Họ phải vượt qua những cảm xúc này.

Mike Krzyzewski

Những nhà lãnh đạo thực thụ không đưa ra quyết định dựa trên ý kiến của số đông – nhưng trên cơ sở sự thật, và sự thật có thể đến từ số đông cũng như thiểu số!

Israelmore Ayivor

lãnh đạo tồi & yếu kém

Lãnh đạo kém cỏi

Sách về lãnh đạo tồi

Nâng tầm năng lực lãnh đạo với các giải pháp đào tạo của ITD World

Trong bối cảnh thế giới kinh doanh biến động và cạnh tranh ngày nay, năng lực lãnh đạo hiệu quả chính là chìa khóa dẫn đến thành công. Tại ITD World, chúng tôi cung cấp đa dạng các chương trình training để trao quyền cho cá nhân cũng như tổ chức “khai phóng” trọn vẹn tiềm năng của họ.

Vì sao nên chọn ITD World?

  • Phát triển toàn diện: Chương trình đào tạo của ITD áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện đối với phát triển lãnh đạo, bao gồm nhiều khía cạnh như phát triển bản thân, giao tiếp hiệu quả, tư duy chiến lược và ra quyết định sáng suốt. Nhờ đó, nhà lãnh đạo sẽ được trang bị nền tảng cần thiết để linh hoạt và nhanh nhạy khi đối mặt với những khó khăn trong vai trò của mình.
  • Học tập định hướng hành động: Học viên không chỉ được học kiến thức lý thuyết mà còn được tiếp cận các công cụ và chiến lược thực tế. Phương pháp tiếp cận này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kiến thức thành kết quả hữu hình.
  • Giải pháp tinh chỉnh: Chương trình đào tạo của chúng tôi được thiết kế riêng để đảm bảo rằng nội dung, phương pháp và kết quả phù hợp với nhu cầu và mục tiêu cụ thể của từng nhà lãnh đạo/ tổ chức, mang lại kết quả tối ưu nhất.
  • Chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm: Thành công của ITD World đến từ đội ngũ giảng viên chuyên môn cao của chúng tôi. Các buổi đào tạo sẽ được bổ sung những hiểu biết và ví dụ thực tế, đem đến trải nghiệm học tập năng động và hấp dẫn.

Các giải pháp chính của ITD World:

  • Certified Master of Leadership (CML): Khóa học lãnh đạo Master CML là chương trình chủ lực, được thiết kế nhằm trang bị cho nhà lãnh đạo từ cấp trung đến cấp cao các kỹ năng và kiến thức thiết yếu. Học viên sẽ được trang bị đầy đủ nền tảng để hoàn thành tốt vai trò của mình, thúc đẩy thành công của tổ chức.
  • Coach 1-1: Dịch vụ executive coach chuyên biệt của ITD World mang đến sự hỗ trợ cá nhân cho nhà lãnh đạo nâng cao nhận thức về bản thân, tinh chỉnh kỹ năng giao tiếp và phát triển các chiến lược quản trị phù hợp.
  • Workshop kỹ năng lãnh đạo: Các chương trình hội thảo của chúng tôi xoay quanh các chủ đề như quản lý nhóm, giải quyết xung đột và quản lý thay đổi – cung cấp những hiểu biết và chiến lược thực tế, giải quyết những thách thức chính mà nhà lãnh đạo phải đối mặt trong môi trường biến động ngày nay.
  • Đánh giá lãnh đạo: Hệ thống đánh giá 360 độ của chúng tôi được thiết kế nhằm xác định điểm mạnh cũng như các khía cạnh lãnh đạo cá nhân cần phát triển. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ đi đến các kế hoạch đào tạo riêng biệt, đáp ứng nhu cầu phát triển của họ.

Liên hệ ITD World để được tư vấn miễn phí ngay!

Bài viết gốc

Weak Leadership: How Bad Leaders Undermine Success. https://itdworld.com/blog/leadership/weak-leadership/.

Có thể bạn quan tâm:

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.