Trang chủ » Chuyên đề » Coaching & Mentoring » Coaching vs Mentoring: Phân biệt huấn luyện & cố vấn
Coaching và Mentoring là 2 khái niệm khác biệt – song vẫn gây nhẫm lẫn đối với nhiều người. Tuy về cơ bản, cả hai đều cần đến những kỹ năng tương tự nhau – cũng như đều góp phần hỗ trợ quá trình phát triển cá nhân, nhưng phương pháp tiếp cận và kết quả lại hoàn toàn khác nhau. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa coaching và mentoring, khi nào nên áp dụng phương pháp nào sẽ hiệu quả hơn.
Nội dung
Coaching vs Mentoring – Định nghĩa
Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế ICF định nghĩa coaching (huấn luyện) là quá trình “hợp tác với khách hàng nhằm mục đích kích thích tư duy và năng lực sáng tạo, truyền cảm hứng để họ phát huy tối đa tiềm năng cá nhân và nghề nghiệp của mình”.
Đối với mentoring (cố vấn), BusinessDictionary.com định nghĩa đó là hoạt động “hệ thống đào tạo mà theo đó, một cá nhân cấp cao hoặc có kinh nghiệm hơn được chỉ định làm cố vấn (mentor) để hướng dẫn cho cấp dưới (mentee). Người cố vấn có trách nhiệm cung cấp sự hỗ trợ và đưa ra phản hồi về cá nhân mà họ phụ trách”.
Từ định nghĩa trên đây, có thể thấy một trong những điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa coaching vs mentoring – đó là mentoring mang tính chất chỉ đạo, còn coaching thì không. Trong mối quan hệ mentoring, người cố vấn sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Ngược lại, đối với coaching, người huấn luyện (coach) chỉ đảm nhiệm vai trò đặt câu hỏi – để người được huấn luyện (coachee) tự nhìn nhận vấn đề và tìm ra giải pháp cho bản thân.
Tuy khác biệt về cách thực hành, mục đích cuối cùng của cả coaching và mentoring đều nhằm giúp coachee/mentee đạt được mục tiêu mong muốn – dựa trên kinh nghiệm của coach/mentor.
Nguồn: pushfar.com
Từ hình minh họa trên đây, có thể thấy mentoring tập trung nhiều vào phương diện hướng dẫn và chỉ dạy – trong khi coaching lại hướng đến trọng tâm là học tập thông qua phản ánh và nâng cao nhận thức cá nhân.
Phân biệt coaching và mentoring
1. Thời gian
Coaching thường diễn ra trong thời gian ngắn hạn (kéo dài từ 6 – 12 tháng) – với một số kết quả cụ thể được hình dung trước. Trong vài trường hợp, một số mối quan hệ huấn luyện có thể kéo dài lâu hơn, tùy thuộc vào mục tiêu mong muốn của coachee.
Đối với mentoring, mối quan hệ giữa mentor và mentee có xu hướng kéo dài hơn, từ 1-2 năm hoặc lâu hơn thế.
2. Mối quan tâm
Coaching thường được thực hiện để nhằm mục tiêu cải thiện hiệu suất trong công việc của người được huấn luyện (coachee).
Mentoring hướng đến sự phát triển chung của mentee, không chỉ trong công việc hiện tại mà còn cả ở tương lai.
3. Cấu trúc
Thông thường, coaching được tổ chức dưới hình thức các cuộc đối thoại huấn luyện – được lên lịch thường xuyên hàng tuần, mỗi hai tuần hoặc hàng tháng.
Về phần mentoring, các cuộc họp cố vấn có xu hướng thân mật hơn, mức độ cần thiết tùy theo nhu cầu của mentee.
4. Chuyên môn
Các huấn luyện viên được thuê thường là chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định mà người được huấn luyện mong muốn cải thiện (ví dụ: kỹ năng thuyết trình, lãnh đạo, giao tiếp, bán hàng, v.v…)
Trong các chương trình cố vấn của doanh nghiệp, mentor thường là người có thâm niên và chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể nhiều hơn so với mentee. Người được cố vấn sẽ có cơ hội học hỏi và được truyền cảm hứng thông qua kinh nghiệm của người cố vấn.
5. Nội dung chương trình
Chương trình coaching do coach và coachee cùng phối hợp xây dựng – ngược lại, đối với mentoring, người cố vấn thường sẽ đóng vai trò chính.
6. Đặt câu hỏi
Đặt câu hỏi kích thích tư duy là công cụ tối quan trọng trong coaching, giúp coachee tự đưa ra những quyết định quan trọng, nhận thức rõ thay đổi hành vi cần thiết – để từ đó lên chiến lược hành động.
Trong mối quan hệ mentoring, người được cố vấn thường sẽ có cơ hội đặt câu hỏi nhiều hơn – để khai thác kiến thức chuyên môn của người cố vấn.
Đọc thêm: Cách đặt câu hỏi coaching – Hướng dẫn chi tiết (kèm bộ câu hỏi mẫu)
7. Kết quả
Đối với coaching, kết quả mong đợi từ mối quan hệ huấn luyện thường cụ thể và có thể đo lường được – thông qua các dấu hiệu cải thiện hoặc thay đổi tích cực trong lĩnh vực hoạt động mong muốn của coachee.
Về phần mối quan hệ mentoring, kết quả mong đợi có thể thay đổi theo thời gian. Trọng tâm không phải là những kết quả cụ thể, có thể đo lường được hoặc sự thay đổi hành vi – mà là sự phát triển chung của người được cố vấn (mentee).
Nguồn: kent.edu
Khi nào cần coaching và mentoring?
Cả coaching và mentoring khi được tiến hành đúng cách đều mang lại rất nhiều lợi ích cho cả cá nhân người coach/mentor cũng như coachee/mentee và cả tổ chức của họ. Một số lợi ích nổi bật nhất có thể kể đến như:
- Hỗ trợ quá trình học tập và phát triển bản thân.
- Tăng cường mức độ gắn kết nội bộ và giữ chân nhân viên.
- Dễ dàng triển khai vào bất kỳ cơ cấu tổ chức hoặc doanh nghiệp nào; hầu như mọi doanh nghiệp đều có thể áp dụng cả hai hình thức.
- Nuôi dưỡng sự tự tin và kỹ năng giao tiếp giữa bên cung cấp dịch vụ coaching/mentoring và bên tiếp nhận.
- Cải thiện đáng kể hiệu suất cá nhân.
- v.v…
Khi nào cần coaching
Coaching thường được sử dụng trong các tình huống sau đây:
- Phát triển một kỹ năng mới cho nhân viên/cấp quản lý chưa thông thạo.
- Giúp đỡ những cá nhân chưa đạt được kỳ vọng hoặc mục tiêu công việc.
- Hỗ trợ nhà lãnh đạo ứng phó với sự thay đổi trên quy mô lớn, quản lý các nhóm nhân viên lớn từ những nền văn hóa khác nhau, thích nghi và hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp.
- Chuẩn bị cho hành trình thăng tiến của một nhân viên trong tổ chức.
- Cải thiện hành vi trong một khoảng thời gian ngắn (ví dụ: huấn luyện một giám đốc điều hành phát triển năng lực giải quyết các vấn đề truyền thông nội bộ).
- Thích hợp với các nhà lãnh đạo mong muốn sự riêng tư, không sẵn sàng tham gia các chương trình đào tạo chung.
Đọc thêm: Executive Coaching – Cẩm nang chi tiết cho cấp lãnh đạo điều hành
Khi nào cần mentoring
Mentoring là lựa chọn đáng cân nhắc cho những trường hợp sau:
- Khuyến khích nhân viên tài năng tập trung vào phát triển sự nghiệp/cuộc sống.
- Truyền cảm hứng cho các cá nhân để đạt tới thành công trong sự nghiệp/cuộc sống.
- Nâng cao năng lực lãnh đạo của nhân viên.
- Chuyển giao kiến thức từ nhân viên giàu kinh nghiệm cho nhân viên ít kinh nghiệm hơn.
- Mở rộng mối quan hệ giữa những cá nhân đến từ những nền văn hóa hoặc giữa các nhóm văn hóa khác nhau.
- Sử dụng quá trình cố vấn như một cách để lập kế hoạch kế nhiệm.
Xem thêm: Train the Trainer – 9 lợi ích tuyệt vời cho doanh nghiệp
Nguồn: TRG International
Coaching vs Mentoring – Lựa chọn hình thức phát triển nào?
Quyết định áp dụng coaching hay mentroing sẽ tùy thuộc vào mục tiêu bạn muốn đạt được. Coach/mentor sẽ đóng vai trò hỗ trợ coachee/mentee theo những cách khác nhau để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Trên thực tế, một số nhà quản trị đã tìm đến với nhiều coach/mentor trong suốt sự nghiệp của họ, tùy thuộc vào mục tiêu mong muốn cụ thể. Trong cả mối quan hệ coaching và mentoring, sự tin tưởng, tôn trọng và bảo mật cần được đặt lên hàng đầu.
Dưới đây là một ví dụ minh họa cụ thể về coaching và mentoring:
Jeremy là một cộng tác viên bán hàng năng nổ và được đánh giá có tiềm năng phát triển cao. Dù vậy, anh lại không biết cách thể hiện bản thân khi đứng trước mặt các quản lý cấp cao. Jeremy trở nên lo lắng, lóng ngóng và mất tập trung. Sếp của Jeremy quyết định sắp xếp cho anh làm việc với một chuyên gia coaching về kỹ năng thuyết trình – để giúp Jeremy có thể thực hiện những phần thuyết trình ấn tượng hơn. Một huấn luyện viên về kỹ năng thuyết trình sẽ cung cấp cho Jeremy những công cụ cần thiết để giảm bớt căng thẳng, cho phép anh tập trung và vận dụng năng lượng tự nhiên của mình vào bài thuyết trình.
Jeremy là nhân viên mới của phòng kinh doanh và rất tự nhiên với khách hàng – vì vậy, sếp của Jeremy nhìn thấy tiềm năng phát triển sự nghiệp của anh ngay lập tức. Qua anh, ông nhìn thấy một phần của bản thân từ 20 năm về trước, và muốn hướng Jeremy đến vị trí quản lý trong vài năm tới. Ông có hai lựa chọn: Tự mình mentor cho Jeremy, hoặc tìm đến một chuyên gia bán hàng cấp cao khác. Đôi khi, quản lý trực tiếp sẽ đóng vai trò là coach/mentor; trong những trường hợp khác, sẽ thích hợp hơn nếu chọn một người khác ở bên trong/ ngoài tổ chức để hỗ trợ nhân viên. Khi nhìn vào kết quả ban đầu, bạn sẽ biết quyết định của mình là đúng hay cần phải sửa đổi.
Một số lưu ý khi lựa chọn coaching và mentoring
Khi bạn cảm thấy cần tìm đến coaching và mentoring, hãy cân nhắc những yếu tố sau:
- Xác định bản thân đang cần đến sự hỗ trợ nào. Bạn muốn thăng tiến trong công việc, hay muốn được giao những nhiệm vụ quan trọng hơn? Bạn muốn cải thiện kỹ năng thuyết trình để có thể phát biểu tốt hơn tại các buổi hội nghị chung? Bạn quan tâm đến việc quản lý một dự án cộng đồng cho công ty?… Khi đã xác định được nhu cầu của mình là gì, hãy tìm đến một huấn luyện viên hoặc cố vấn thích hợp.
- Tin tưởng và tôn trọng coach/ mentor. Mọi mối quan hệ có ý nghĩa đều được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng và tôn trọng. Bạn phải tin tưởng huấn luyện viên/người cố vấn phụ trách, phản hồi và hỗ trợ từ chuyên gia, dựa trên kinh nghiệm sống của họ. Tôn trọng ý kiến của huấn luyện viên/người cố vấn – vì họ đã trải qua những thử thách mà bạn có thể chưa từng đối mặt.
- Thiết lập các quy tắc cơ bản. Bạn cần xác định rõ tần suất gặp mặt, quá trình này sẽ kéo dài bao lâu – cũng như phác thảo vai trò, tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin cùng các phương pháp giao tiếp và phản hồi thích hợp.
- Xác định kết quả mong muốn. Hãy trò chuyện với coach/mentor về kết quả bạn mong muốn đạt được sau khi kết thúc quá trình huấn luyện/cố vấn.
- Mở rộng tâm trí và trái tim. Học hỏi từ một người có nhiều kinh nghiệm hơn và có thể chia sẻ những thành công cũng như thất bại một cách cởi mở là một “món quà” vô cùng đáng giá. Chìa khóa để tận dụng tối đa mối quan hệ coaching – mentoring là kết nối bằng một tâm hồn và trái tim cởi mở nhất. Đừng phán xét hoặc quá vội vàng trong các quyết định của bạn. Thay vào đó, hãy luôn sẵn sàng đón nhận những điều mới bạn chưa từng ngờ tới.
Coaching và mentoring trong doanh nghiệp
Sau khi hiểu được những điểm tương đồng và khác nhau giữa coaching và mentoring, bước tiếp theo cần làm là xác định khi nào cần áp dụng trong doanh nghiệp.
Dưới đây là một số trường hợp phổ biến cần áp dụng coaching/mentoring:
- Phát triển và giữ chân nhân viên tiềm năng: Cung cấp cho nhân viên tiềm năng một coach/mentor tận tâm sẽ giúp mang lại nguồn lực thúc đẩy sự phát triển cho họ.
- Củng cố chương trình phát triển nhân tài hiện có: Coaching và mentoring là nền tảng đối thoại quan trọng mà bất kỳ chiến lược quản lý nhân tài nào cũng cần có.
- Đào tạo quản lý mới: Nếu bạn đang có kế hoạch thành lập một đội ngũ quản lý mới, hoặc đơn giản mở rộng quy mô quản lý, các chương trình huấn luyện và cố vấn có thể giúp ích theo nhiều cách khác nhau.
- Lập kế hoạch kế nhiệm: Trong quá trình lập kế hoạch kế nhiệm, sự hỗ trợ từ một người coach/mentor sẽ cho nhân viên tài năng của bạn thấy doanh nghiệp quan tâm đến thành công của họ như thế nào.
- Thực hiện đổi mới: Với sự hỗ trợ từ các huấn luyện viên và cố vấn viên, doanh nghiệp có thể phát triển nhiều đội nhóm để tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập hơn. Trong qua trình này, coach/mentor sẽ đóng vai trò truyền lại những kiến thức – phản hồi mà nhóm nhân viên cấp dưới/ quản lý cấp trung ít cơ cơ hội được tiếp cận.
- Tăng mức độ gắn kết và giữ chân nhân viên: Gia tăng cơ hội phát triển cho nhân viên thông qua coaching và mentoring sẽ tác động trực tiếp đến mức độ gắn bó của nhân viên với công ty.
Đọc thêm: 8 kỹ năng coaching chuyên sâu cho cấp lãnh đạo – quản lý
Lời kết
Coaching và mentoring là hai hoạt động khác biệt – song đều nhằm mục tiêu hỗ trợ sự phát triển và thành công của cá nhân trong công việc cũng như cuộc sống. Ở cương vị coachee/mentee, lời khuyên là bạn hãy luôn giữ tâm hồn cởi mở để đón nhận những “món quà” tuyệt vời mà huấn luyện/cố vấn sẽ mang lại cho bạn.
Tham khảo ngay các khóa học coaching skils của ITD World – thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước giàu kinh nghiệm – để khai phóng tiềm năng bản thân và biến ước mơ thành hiện thực ngay hôm nay!
Có thể bạn quan tâm:
- Hướng dẫn thực hành kỹ năng phản hồi trong coaching
- Coaching khác gì với Training?
- 7 nguyên tắc coaching – Biến không thể thành có thể
Tham khảo
Mentoring vs Coaching: The Key Differences and Benefits. https://www.pushfar.com/article/mentoring-vs-coaching-the-key-differences-and-benefits/. Truy cập ngày 05/03/2022.
Coaching vs. Mentoring: What’s the difference? – Torch. https://torch.io/blog/coaching-vs-mentoring/. Truy cập ngày 05/03/2022.
Know the Difference Between Coaching and Mentoring. https://www.kent.edu/yourtrainingpartner/know-difference-between-coaching-and-mentoring. Truy cập ngày 05/03/2022.
Mentoring vs Coaching: What is the Difference? https://www.td.org/insights/mentoring-versus-coaching-whats-the-difference. Truy cập ngày 05/03/2022.
Coach vs Mentor: The Differences to Help You Choose. https://www.uopeople.edu/blog/coach-vs-mentor-whats-the-difference/. Truy cập ngày 05/03/2022.
What is the Difference Between Coaching and Mentoring? https://maestrolearning.com/blogs/coaching-and-mentoring/. Truy cập ngày 05/03/2022.
The Difference Between Mentoring and Coaching – Guider.ai. https://www.guider-ai.com/blog/the-difference-between-coaching-and-mentoring. Truy cập ngày 05/03/2022.
Coaching vs Mentoring: many similarities, one critical difference. https://www.skillpacks.com/coaching-vs-mentoring/. Truy cập ngày 05/03/2022.
ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.com/ itdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.
BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!
[FREE EBOOK] 7 nguyên tắc vàng trong coaching
[FREE EBOOK] 7 nguyên tắc vàng trong coaching
Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác…
Đừng quên dành thời gian tìm hiểu các khóa đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!
Với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi hiểu rõ những nhu cầu và băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp – trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nhằm đáp ứng những trăn trở đó, ITD đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo quản lý mới – được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.