
Thông qua tác động của bản thân, nhà lãnh đạo tạo ảnh hưởng đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho làm việc nhóm & sự tăng trưởng lâu dài của doanh nghiệp.
Trong thế giới biến động và không ngừng phát triển như hiện nay, thành công của nhà lãnh đạo không chỉ dừng lại ở chức danh hay thẩm quyền mà họ có được. Thay vào đó, khả năng truyền cảm hứng, hướng dẫn và trao quyền cho đội nhóm hướng tới mục tiêu chung mới thực sự quan trọng – chính thực tế này đã dẫn tới sự ra đời và phổ biến của triết lý lãnh đạo tạo ảnh hưởng (influential leadership).
Tóm tắt nội dung chính
- Lãnh đạo tạo sức ảnh hưởng là phong cách quản lý lấy trọng tâm là xây dựng các mối quan hệ bền chặt, trao quyền cho người khác, khuyến khích giao tiếp cởi mở hướng tới các mục tiêu chung. Triết lý này rất tốt cho mục tiêu nuôi dưỡng lòng tin, năng lực đồng cảm, giao tiếp hiệu quả, tinh thần hợp tác và khả năng thích ứng, nhờ đó cải thiện năng suất và năng lực sáng tạo của đội nhóm.
- Để áp dụng phong cách trên, cấp quản lý sẽ cần đến các kỹ năng như giao tiếp, đàm phán, phân công, giải quyết xung đột, ra quyết định, khả năng thích ứng, động lực và sự thấu cảm.
- Nhà lãnh đạo tạo ảnh hưởng đến người khác bằng cách ghi nhận thành tích của họ, xây dựng một môi trường làm việc tích cực, đặt ra các mục tiêu rõ ràng, chia sẻ phản hồi, nêu gương, khuyến khích sự đa dạng và hòa nhập. Họ cần phải phát triển năng lực nhận thức về bản thân, nhẫn nại, tinh thần đội nhóm, nâng cao kỹ năng chuyên môn, chấp nhận thử thách để liên tục học hỏi và phát triển.
- Cần tránh các sai lầm như quyết đoán quá mức, quản lý vi mô, thiếu quan tâm đến nhân viên và đối xử thiên vị.
Nội dung
Lãnh đạo tạo ảnh hưởng là gì?
Lãnh đạo tạo ảnh hưởng (influential leadership) là triết lý lãnh đạo lấy khả năng thuyết phục và tạo ảnh hưởng làm cơ sở cho thành công lâu dài. Thay vì áp đặt thẩm quyền để hoàn thành công việc, nhà quản lý hướng tới mục tiêu tác động tích cực đến người khác – qua đó phát huy tiềm năng cá nhân và khuyến khích tinh thần hợp tác.
Các yếu tố chính cấu thành mô hình này:
- Mối quan hệ với cấp dưới: Thay vì kiểm soát hoặc “độc đoán” trong các quyết định, cấp quản lý coi trọng việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với cấp dưới. Trên cơ sở thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng và mối quan tâm của các thành viên trong nhóm, họ sẽ tận dụng sức ảnh hưởng của mình để hỗ trợ người khác thành công.
- Động lực và cảm hứng: Các nhà lãnh đạo tạo ảnh hưởng được đặc trưng ở khả năng truyền cảm hứng, khiến người nghe nhận thức và kết nối với tiềm năng bên trong. Họ biết đặt ra tầm nhìn chung và trao quyền cho cấp dưới tự chịu trách nhiệm về công việc của mình.
- Trao quyền và phân công: Thay vì cố gắng tự mình làm mọi việc; họ tập trung tạo cơ hội cho các thành viên tự đưa ra quyết định và hành động.
- Giao tiếp và đồng cảm: Khả năng truyền đạt tầm nhìn một cách rõ ràng, lắng nghe tích cực và thể hiện sự đồng cảm với quan điểm của đối phương.
- Thích nghi và linh hoạt: Cởi mở với ý tưởng mới, sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận khi cần thiết.
Thay vì ép buộc tuân thủ theo quy định, các nhà lãnh đạo tạo ảnh hưởng hướng tới việc làm cho cuộc sống của những người xung quanh họ trở nên tốt đẹp hơn.
Ví dụ:
Một công ty đang “chật vật” với mục tiêu doanh số. Người quản lý hiện tại – nổi tiếng với phong cách chỉ huy và kiểm soát – quyết định áp dụng chính sách mới, yêu cầu nhân viên bán hàng phải gọi ít nhất X cuộc gọi chào hàng mỗi ngày. Người lao động trở nên bất mãn với quy định mới, tinh thần làm việc của họ sa sút. Kết quả là, doanh số tiếp tục “tuột dốc không phanh”.
Một người quản lý mới được đặt vào vị trí này và quyết định lựa chọn cách tiếp cận khác. Ông dành thời gian lắng nghe mối quan tâm của nhân viên bán hàng và biết được rằng họ đang cảm thấy quá tải và thiếu sự hỗ trợ. Từ phát hiện đó, ông cho triển khai chương trình đào tạo về cách thực hiện cuộc gọi hiệu quả – cũng như cho nhân viên nhiều quyền tự chủ hơn trong cách họ đạt được mục tiêu doanh số của mình.
Kết quả là, mọi thành viên cảm thấy tự chủ, gắn kết và hiệu quả hơn trong công việc – doanh số bắt đầu nhờ đó mà dần cải thiện lại.
Tầm quan trọng của lãnh đạo tạo ảnh hưởng
Chìa khóa thành công của lãnh đạo ngày nay là ảnh hưởng – không phải quyền lực.
Ken Blanchard
- Xây dựng lòng tin
Tạo dựng lòng tin là nền tảng của phong cách lãnh đạo tạo ảnh hưởng, là cơ sở cấu thành các mối quan hệ gắn kết tại nơi làm việc.
- Sự đồng cảm
Khả năng thấu hiểu cảm xúc, quan điểm và nhu cầu của đối phương cho phép cấp quản lý kết nối với nhân viên một cách sâu sắc và chân thành; nhờ đó, họ có thể xử lý những mối lo của cấp dưới toàn diện hơn.
- Giao tiếp hiệu quả
Trong giao tiếp, nhà lãnh đạo có ảnh hưởng luôn hướng tới việc truyền đạt tầm nhìn và kỳ vọng cách rõ ràng – đồng thời vẫn cởi mở với phản hồi và đề xuất từ người khác.
- Nêu gương
Khi thực hành những gì chính mình nói, họ trở thành hình mẫu để người khác noi theo và biểu hiện các giá trị/ chuẩn mực hành vi chung.
- Hợp tác
Tinh thần hợp tác và tôn trọng các quan điểm đa dạng góp phần xây dựng một môi trường nơi mọi cá nhân cảm thấy được coi trọng và làm chủ. Chính điều này sẽ trở thành “chất keo” gắn kết đội nhóm – làm nền tảng cho sự ra đời của các giải pháp sáng tạo.
Kỹ năng lãnh đạo tạo ảnh hưởng
Để truyền cảm hứng cho mọi người hướng tới mục tiêu chung và tạo ra sự thay đổi tích cực, nhà lãnh đạo cần thể hiện các kỹ năng và phẩm chất như sau:
Giao tiếp
Giao tiếp hiệu quả không chỉ dừng lại ở lời nói; nhưng còn bao gồm khả năng lắng nghe tích cực, nhận biết các tín hiệu phi ngôn ngữ, thành thạo kỹ năng thuyết trình và nói trước công chúng. Khi truyền đạt ý tưởng cách rõ ràng và thuyết phục, cấp quản lý mới xây dựng được lòng tin, mối quan hệ cũng như nhận thức về tầm nhìn, mục tiêu và kỳ vọng đề ra.
Mặt khác, giao tiếp khéo léo cũng là cơ sở để đưa ra phản hồi mang tính xây dựng, hòa giải xung đột và đàm phán giải pháp, kiến tạo một môi trường mà trong đó, mọi ý tưởng và mối lo đều có thể được chia sẻ và thảo luận cởi mở.
Đàm phán
Nhà lãnh đạo tài năng cần nắm vững nghệ thuật tìm ra giải pháp chung, đáp ứng mong đợi của các bên liên quan, cân bằng mục tiêu cá nhân với nhu cầu và mong muốn của người khác. Khi mỗi quyết định được đưa ra đều thỏa mãn lợi ích của các bên, một bầu không khí hợp tác và tôn trọng sẽ từ đó hình thành và lan tỏa trong doanh nghiệp/ tổ chức.
Giao việc & ủy quyền
Ủy quyền (delegation) là khi cấp quản lý sẵn sàng giao phó nhiệm vụ và trách nhiệm cho các thành viên trong nhóm, trao cho họ quyền tự chủ để hoàn thành tốt vai trò của mình. Điều này sẽ góp phần củng cố lòng tin, cũng như cho phép nhà lãnh đạo tập trung vào các ưu tiên chiến lược hơn, đảm bảo rằng toàn bộ đội nhóm đều hành động thống nhất với mục tiêu chung.
Khả năng ủy quyền là minh chứng cho sự tin tưởng của người lãnh đạo vào năng lực nhóm, truyền cảm hứng cho các thành viên thể hiện tài năng và hết lòng cống hiến.
Giải quyết xung đột
Xung đột là một khía cạnh không thể tránh khỏi trong môi trường làm việc. Nhà lãnh đạo tạo ảnh hưởng cần quản lý và giải quyết tranh chấp theo hướng xây dựng. Để làm điều này, họ sẽ cần biết cách xác định nguyên nhân gốc rễ của bất đồng, lắng nghe các bên liên quan, bày tỏ cảm xúc và nhu cầu một cách minh bạch, để cuối cùng tìm ra tiếng nói chung.
Ra quyết định
Ngay cả trong tình huống áp lực cao, nhà lãnh đạo vẫn cần thể hiện khả năng ra quyết định, thu thập thông tin liên quan, đánh giá các giải pháp và đưa ra quyết định giúp tối ưu lợi ích đội nhóm và tổ chức, đáp ứng mục tiêu phát triển dài hạn.
Thích nghi
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi không ngừng, khả năng thích ứng đã trở thành kỹ năng lãnh đạo không thể thiếu. Cấp quản lý cần biết cách nhanh chóng điều chỉnh hành vi phù hợp với các điều kiện luôn thay đổi, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của sự bất định.
Khả năng thích nghi là tổng hòa của năng lực phục hồi (resilience), tính linh hoạt, sáng tạo và nhanh nhẹn trong học tập (learning agility).
Tạo động lực
Biết động viên, truyền cảm hứng và khích lệ các thành viên thể hiện tốt nhất những gì mình có, kiến tạo một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả… là cốt lõi của lãnh đạo tạo ảnh hưởng. Bằng cách đặt ra các mục tiêu rõ ràng và thực tế, sẵn sàng công nhận và khen thưởng, phản hồi mang tính xây dựng, v.v… cấp quản lý góp phần nuôi dưỡng nhận thức về mục đích, định hướng và cam kết, đảm bảo rằng mọi cá nhân đều được trang bị động lực cần thiết để đạt tới mục tiêu cá nhân cũng như tập thể.
Thấu cảm
Khi biết đặt mình vào vị trí của đối phương và nhìn nhận vấn đề theo góc nhìn của họ, nhà lãnh đạo sẽ có thể xây dựng các mối quan hệ bền chặt và lâu dài hơn. Khả năng kết nối với các thành viên trong nhóm ở cấp độ cá nhân là rất quan trọng để phát huy tài năng cá nhân, cũng như khuyến khích một môi trường làm việc hài hòa và hợp tác.
Thách thức lớn nhất của lãnh đạo là phải mạnh mẽ mà vẫn không thô lỗ; tử tế nhưng không yếu đuối; táo bạo nhưng không áp đặt; cẩn trọng nhưng không lười biếng; khiêm tốn mà không nhút nhát; tự tin nhưng không kiêu ngạo; hài hước mà vẫn không ngớ ngẩn.
Jim Rohn
Làm thế nào để phát triển năng lực lãnh đạo tạo ảnh hưởng?
Sau đây là một số câu hỏi tự vấn mà bạn có thể tự đặt ra cho chính mình:
- Tự phản ánh: Tôi có thể làm gì để trở nên chân thực, minh bạch và nhất quán trong hành động của mình hơn nữa?
- Thực hành sự đồng cảm: Cần thực hiện những bước nào để nâng cao kỹ năng đồng cảm của mình?
- Giao tiếp: Làm sao tôi có thể giao tiếp hiệu quả hơn với người khác?
- Làm gương: Tôi có thể làm gì để trở thành hình mẫu về các giá trị và hành vi cho người khác noi theo?
- Hợp tác: Tôi có thể làm gì để tăng cường sự hợp tác và gắn kết trong đội nhóm?
- Khả năng thích ứng: Làm thế nào để tôi có thể ứng phó hiệu quả hơn với sự thay đổi và bất ổn?
Lãnh đạo tạo ảnh hưởng là một triết lý quản lý sâu sắc, hướng tới truyền cảm hứng thay vì chỉ đạo và áp đặt. Qua đó, cấp quản lý sẽ có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của những người dưới quyền họ, cũng như có được vị thế tốt hơn để đạt thành công lâu dài trên hành trình sự nghiệp.
Người lãnh đạo là người nhìn thấy con đường, bước đi trên con đường đó, cũng như có thể chỉ cho người khác nhìn thấy nó.
Các chiến lược ảnh hưởng của nhà lãnh đạo
- Phát triển năng lực tự nhận thức
Để thực sự truyền cảm hứng cho người khác, trước tiên mỗi người sẽ cần phải thấu hiểu chính mình – bao gồm các điểm mạnh, điểm yếu, hệ giá trị cũng như động lực của bạn.
Tự phản ánh , góp ý từ đồng nghiệp, các bài kiểm tra tính cách, v.v… là những công cụ hỗ trợ rất hữu ích cho mục tiêu nâng cao nhận thức về bản thân. Một khi hiểu rõ tác động của những điều mình làm đến người khác, nhà quản lý sẽ có thể điều chỉnh cách tiếp cận để cho ra những phản ứng mong muốn, nhờ đó xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với đội nhóm.
- Kiên nhẫn
Lãnh đạo tạo ảnh hưởng là một quá trình đòi hỏi thời gian. Xây dựng mối quan hệ, uy tín và danh tiếng với đội nhóm cùng các bên liên quan không phải là chuyện một sớm một chiều – thách thức, trở ngại và kháng cự là những điều không thể tránh khỏi. Chính khi thể hiện sự kiên trì, năng lực bền bỉ (resilience) và lạc quan, cấp quản lý sẽ truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh thực hành những phẩm chất tương tự.
- Quan tâm đến ích chung
Một nhà lãnh đạo thực thụ cần ý thức được giá trị của sự hợp tác – qua việc tích cực tham gia cùng các thành viên khác, đánh giá cao những đóng góp và tôn trọng ý kiến của họ. Thái độ sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kỹ năng và nguồn lực sẽ góp phần nuôi dưỡng tinh thần học tập và phát triển trong môi trường làm việc.
- Giao tiếp rõ ràng và có mục đích
Khả năng giao tiếp rõ ràng và súc tích sẽ giúp truyền tải thông điệp hiệu quả. Nhà lãnh đạo cần biết điều chỉnh phong cách giao tiếp cho phù hợp với đối tượng nhắm tới. Các kỹ thuật như kể chuyện (storytelling), hình ảnh hóa (visualization) và ví dụ thực tế sẽ giúp tạo ra sức hấp dẫn và tác động đến người nghe.
- Thể hiện chuyên môn
Để nuôi dưỡng niềm tin vào khả năng lãnh đạo của mình, nhà quản lý sẽ phải chứng minh được kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan. Hãy sẵn sàng chia sẻ hiểu biết, đề xuất giải pháp và hướng dẫn dựa trên chuyên môn của mình; đồng thời luôn cập nhật xu hướng, diễn biến và thực hành mới nhất trong của ngành.
- Chấp nhận thử thách
Thách thức không phải là rào cản, nhưng chính là cơ hội để phát triển và trưởng thành. Bằng cách đối mặt trực diện với thử thách và khuyến khích đội nhóm hành động tương tự, đó là bạn đang góp phần xây dựng một nền văn hóa tự chủ và cải tiến liên tục.
- Không ngừng học hỏi và phát triển
Tinh thần học tập suốt đời là đặc trưng của nhà lãnh đạo tạo ảnh hưởng. Để luôn đi đầu, bạn sẽ cần phải thường xuyên tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới, tham dự hội thảo, đọc sách, thực hành coaching & mentoring, v.v… để làm “xúc tác” cho sự phát triển cá nhân, cũng như truyền cảm hứng cho mọi thành viên tự hoàn thiện chính mình.
Lưu ý khi thực hành phong cách lãnh đạo tạo ảnh hưởng
- Quá độc đoán: Một quan niệm sai lầm phổ biến – đặc biệt trong số những ai mới lần đầu làm quản lý – đó là họ cần thiết phải khẳng định thẩm quyền của mình. Tuy có thể mang lại tác dụng nhất thời, thái độ quá độc đoán thường chỉ gây ra tác động phản tác dụng. Sự ép buộc quá mức là điều khiến các thành viên trong nhóm xa lánh, gây ra thái độ phản kháng và làm xói mòn lòng tin. Do đó, điều quan trọng là phải đạt được sự cân bằng giữa tính quyết đoán và khả năng tiếp thu.
- Quản lý vi mô: Quản lý vi mô (micromanagement), xuất phát từ nguyên nhân thiếu lòng tin hoặc mong muốn kiểm soát quá mức, là tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất nhóm. Nó kìm hãm sự sáng tạo, làm mất đi quyền tự chủ và sự tự tin cá nhân. Thay vì áp dụng cách quản lý này, nhà lãnh đạo nên đưa ra những hướng dẫn rõ ràng, thiết lập kỳ vọng và sau đó trao quyền cho mọi thành viên tự chịu trách nhiệm về công việc của mình.
- Thiếu quan tâm: Có nhiều biểu hiện khác nhau cho tình trạng này, từ giao tiếp không đầy đủ/thiếu rõ ràng, không nhất quán, vô cảm, ngại giải quyết xung đột, không đầu tư thời gian vào công tác đào tạo & phát triển. Để trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả, bạn sẽ cần phải tích cực tương tác với người khác – đảm bảo rằng mọi thông điệp truyền tải luôn rõ ràng, nhất quán và đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân. Giải quyết xung đột và tổ chức huấn luyện nhóm (team coaching) thường xuyên là rất quan trọng để nuôi dưỡng sự phát triển và xây dựng môi trường làm việc tích cực.
- Thiên vị: Việc một số thành viên được đối xử ưu tiên sẽ dẫn đến tình trạng chia rẽ và oán giận trong nội bộ. Cấp lãnh đạo cần duy trì sự công bằng và khách quan trong quá trình ra quyết định, qua việc công nhận và khen thưởng dựa trên công trạng và đóng góp thực tế.
Danh ngôn về lãnh đạo tạo ảnh hưởng
Chỉ có một cách duy nhất trên đời này để khiến ai đó làm bất cứ điều gì – đó là khiến họ muốn làm điều đó.
Dale Carnegie
Các chuyên gia về kể chuật là những người quyền lực nhất thế giới. Chính họ sẽ đặt ra tầm nhìn, giá trị và chương trình nghị sự cho toàn bộ thế hệ tương lai.
Steve Jobs
Lý do phổ biến nhất khiến chúng ta từ bỏ sức mạnh của mình là tin rằng bản thân mình không có sức mạnh nào cả.
Alice Walker
Giá trị thực sự của một con người không phải là những gì anh ta làm khi thoải mái và tiện lợi, nhưng chính là trong những lúc thử thách và mâu thuẫn.
Martin Luther King Jr.
Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong thế giới này.
Mahatma Gandhi
Tôi đã ngộ ra chân lý rằng, mọi người sẽ quên đi những gì bạn nói và làm, nhưng họ sẽ không bao giờ quên việc bạn đã khiến cho họ cảm thấy như thế nào.
Maya Angelou
Cốt lõi của lãnh đạo không phải là danh hiệu hay chức danh – mà là khả năng gây tác động, ảnh hưởng và truyền cảm hứng.
Robin S. Sharma
Sách về lãnh đạo tạo ảnh hưởng
- Lãnh đạo trong thời kỳ hỗn loạn (Leadership in Turbulent Times) – Doris Kearns Goodwin.
- Các ông lớn sụp đổ như thế nào (How the Mighty Fall: And Why Some Companies Never Give In) – Jim Collins.
- Dám lãnh đạo (Dare to Lead) – Brené Brown.
- 5 cấp độ lãnh đạo (The Five Levels of Leadership) – John C. Maxwell.
- 7 thói quen hiệu quả (The 7 Habits of Highly Effective People) – Stephen R. Covey.
Bài viết gốc
Influential Leadership: Influence to Inspire, Lead, and Succeed. https://itdworld.com/blog/leadership/influential-leadership/.
Có thể bạn quan tâm:
- 12 nguyên tắc lãnh đạo vàng cho cấp quản lý thời nay
- Xây dựng uy tín của người lãnh đạo (Executive Presence)
- Lãnh đạo theo tình huống: Nghệ thuật quản lý linh hoạt

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.com/ itdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.
BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!