Lãnh đạo toàn diện (Inclusive Leadership) khi được áp dụng đúng cách sẽ trở thành “chìa khóa” giúp xây dựng môi trường làm việc lành mạnh.
Nội dung
Lãnh đạo toàn diện là gì?
Bình đẳng hiện đã trở thành một chủ đề “nóng” – cả về phương diện xã hội và kinh tế. Về phía doanh nghiệp, các lãnh đạo cấp cao và giám đốc nhân sự (CHRO) đang dần nhận ra yêu cầu đổi mới nhằm đảm bảo sự đa dạng và hòa nhập trong nội bộ tổ chức.
“Sự đổi mới đó phải đi từ cấp cao nhất, bắt đầu từ việc cấp quản lý lựa chọn áp dụng phong cách lãnh đạo toàn diện (Inclusive Leadership)”
Tiến sĩ Abigail Dunne-Moses, giảng viên cấp cao về Thực hành Công bằng, Đa dạng & Hòa nhập của Center for Creative Leadership (CCL)
Lãnh đạo toàn diện là khi các nhà lãnh đạo cam kết đảm bảo tất cả các thành viên trong nhóm:
- Được đối xử công bằng.
- Cảm nhận được sự thân thuộc và có cơ hội thể hiện giá trị bản thân.
- Được trang bị các nguồn lực hỗ trợ nhân viên phát huy tối đa tiềm năng vốn có.
Hậu quả khi không có chiến lược đảm bảo sự đa dạng và hòa nhập hợp lý
Phần đông các nhà lãnh đạo đều có ý định tốt khi đưa ra những chính sách và ý tưởng khuyến khích sự công bằng, đa dạng và hòa nhập. Tuy nhiên, thực tế luôn có sự khác biệt giữa ý định ban đầu và kết quả đạt được.
Khi sự đồng cảm và hòa nhập được áp dụng không đúng cách, doanh nghiệp sẽ gặp phải những hậu quả không mong muốn – chẳng hạn như các cá nhân không phát huy được tiềm năng vốn có, các chiến lược đề ra thiếu tính ổn định. Điều đáng buồn là mọi chuyện thường đã quá trễ khi doanh nghiệp nhận ra những hệ quả này.
Sau đây là 3 hậu quả xảy ra khi không có chiến lược đảm bảo sự đa dạng và hòa nhập hợp lý:
- Nỗ lực giả (Tokenism). Đây là điều sẽ xảy ra khi doanh nghiệp chỉ tuyển dụng một số lượng nhỏ nhân viên thiểu số (ví dụ: phụ nữ, người dân tộc…). Khi đó, doanh nghiệp không thực sự được hưởng lợi từ tính đa dạng về quan điểm và nguồn gốc của đội ngũ nhân viên. Về phía các cá nhân thuộc nhóm thiểu số, họ có thể cảm thấy khó xử hoặc bị lợi dụng – rằng sự tồn tại của họ chỉ để cho có cái mác “đa dạng”.
- Đồng hóa (Assimilation). Nếu một số ít nhân viên cảm thấy ý kiến của họ không đồng nhất với văn hóa tổ chức, họ sẽ có xu hướng “đồng hóa” – nói cách khác, họ sẽ lựa chọn thích ứng theo những đặc điểm và giá trị của doanh nghiệp để bản thân không quá khác biệt với mọi người. Tuy nhiên, điều này sẽ làm suy giảm sự đa dạng trong quan điểm của nhân viên – gây ra tổn thất lớn cho tổ chức. Các nhà lãnh đạo phải ý thức và tính đến những kinh nghiệm khác nhau của mọi người để củng cố tinh thần làm việc nhóm, giúp mọi thành viên phát huy hết tiềm năng.
- Vô nhân hóa (Dehumanization). Đôi khi, một số nhân viên được tuyển dụng vì họ có những sáng kiến mới lạ – chỉ để sau đó bị đối xử giống hệt như các đồng nghiệp khác. Hãy đảm bảo rằng các sáng kiến đa dạng và hòa nhập của doanh nghiệp đảm bảo được sự công bằng – tránh mắc phải những sai lầm phổ biến như trên.
Đọc thêm: Quản lý nhân sự – Chìa khóa thành công của doanh nghiệp
Lãnh đạo toàn diện bắt đầu từ sự đồng cảm
Sự thấu cảm (empathy) là nền tảng giúp chúng ta kết nối với nhau ở phương diện cảm xúc, tạo tiền đề cho sự hòa nhập. Thay vì chỉ thể hiện tình cảm ở mức độ riêng tư, tinh thần đồng cảm phải được minh chứng bằng hành động cụ thể.
Khả năng đồng cảm sẽ thúc đẩy bạn tiến tới những cột mốc ý nghĩa – dù là cho bạn hay cho người khác – và cần được thể hiện rõ ràng bằng hành động.
Cũng như việc cha mẹ có thể dạy con cái trở nên đồng cảm, các nhà lãnh đạo hòa nhập có thể hướng dẫn nhân viên học được tinh thần thấu cảm thông qua thực hành.
7 hành vi của nhà lãnh đạo toàn diện
Ở cấp độ cá nhân cũng như tổ chức, việc thực hiện 7 hành vi hòa nhập sau đây sẽ tạo điều kiện xây dựng các mối quan hệ vững chắc, ngay cả trong thời kỳ khó khăn khủng hoảng.
1. Nâng cao nhận thức bản thân
Bước đầu tiên của lãnh đạo toàn diện là hiểu biết cá nhân sâu sắc. Bạn phải có khả năng tự nhận thức cao và biết chấp nhận chính mình, để có thể đảm bảo sự đa dạng và hòa nhập trong tổ chức. Khi tin tưởng vào bản thân, sự tự tin đó sẽ được thể hiện qua tất cả các hành động khác.
2. Tăng cường nhận thức xã hội
Nhận thức về bản thân là tiền đề để hình thành nhận thức xã hội – đây đồng thời là một phần quan trọng của trí tuệ cảm xúc. Dunne-Moses nhận định: “Nhận thức xã hội là “đơn vị tiền tệ” của đối thoại và mối quan hệ của chúng ta với những người khác”.
Thiếu nhận thức xã hội, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, hoặc có xu hướng nói những điều sai trái vào các thời điểm không thích hợp.
Khi chú ý đến những gì đang diễn ra xung quanh, bạn hãy sử dụng thông tin thu thập được để xây dựng một nền văn hóa hòa nhập. Ví dụ, nếu một nhân viên mới đi làm, hãy dành thời gian để làm quen với họ, giới thiệu một vòng công ty và đề nghị giúp họ làm quen với môi trường mới. Những hành động hòa nhập đơn giản này có thể thay đổi đáng kể văn hóa doanh nghiệp.
Đọc thêm: Nghệ thuật giao tiếp của nhà lãnh đạo
3. Khám phá các “điểm mù”
Những đoạn video về sự tàn bạo của cảnh sát đối với người da màu đã khiến nhiều người trong chúng ta phải “bàng hoàng”. Trước đây – khi công nghệ chưa phát triển, ít ai có thể chứng kiến những bằng chứng không-thể-chối-cãi giống như thế.
Điều tương tự cũng đang diễn ra trong công việc. Trong tương tác hàng ngày với mọi người, khi tiếp nhận một thông tin mới, chúng ta sẽ có cơ hội để “khám phá lại” và suy ngẫm về những điều mình từng biết. Đây chính là nền tảng cho các chính sách đổi mới và sáng tạo.
Các nhà lãnh đạo toàn diện ý thức rằng: môi trường làm việc không phải là sân chơi bình đẳng. Một khi nhận thức và nắm bắt được những “điểm mù” của cá nhân cũng như của tổ chức, bạn sẽ có cơ sở vững chắc hơn để hỗ trợ nhân viên được tiếp cận với mọi cơ hội cần thiết.
Đọc thêm: Lãnh đạo là gì? Sự khác nhau giữa lãnh đạo và quản lý
4. Lắng nghe để thấu hiểu
Lắng nghe khi được thực hiện đúng cách sẽ giúp người nghe khám phá ra 3 điều: sự thật, cảm xúc và giá trị tiềm ẩn. Ở cương vị lãnh đạo, bạn có cơ hội thực hành kỹ năng lắng nghe hiệu quả trong các cuộc trò chuyện hàng ngày – cho dù nhân viên của bạn đang chia sẻ những câu chuyện về gia đình của họ, hay yêu cầu sự giúp đỡ trong công việc để vượt qua một nhiệm vụ khó khăn.
Bằng cách lắng nghe để thấu hiểu, bạn sẽ hình dung được bức tranh toàn cảnh về những thách thức mà đội nhóm đang phải đối mặt – từ đó có cơ sở vững chắc hơn để giải quyết xung đột và cải thiện hiệu suất.
5. Hình thành mạng lưới kết nối
Mục đích của việc tạo kết nối là đảm bảo tính đa dạng trong mạng lưới quan hệ. Trong tổ chức, sự đa dạng trong mối quan hệ xã hội rất quan trọng – qua đó, doanh nghiệp có được thông tin từ các nguồn và quan điểm khác nhau. Đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng, những quan điểm đó giúp bạn đối phó với sự thay đổi hiệu quả hơn.
Đọc thêm: Lãnh đạo dân chủ – Sức mạnh từ tập thể
6. Lãnh đạo với tinh thần “dám nghĩ dám làm”
Các nhà lãnh đạo toàn diện được biết đến với tinh thần “dám nghĩ dám làm”. Họ ý thức rõ các vấn đề hiện tại của bản thân – và họ sẵn sàng đối mặt để vượt qua những vấn đề đó.
Dunne-Moses chia sẻ một trải nghiệm thuở mới vào nghề. “Tôi là một phụ nữ da đen, và trong doanh nghiệp của tôi, có một người đồng nghiệp gốc Latinh cực kỳ tận tâm. Năm này qua năm khác, tôi thấy cô ấy làm việc không mệt mỏi mà không hề được thăng chức. Tôi thông cảm với cô, nhưng trong một thời gian dài tôi đã không làm gì cả.”
Là thành viên thuộc nhóm thiểu số, Dunne-Moses cảm thấy yếu đuối – và bản thân không hề có tiếng nói. “Nhưng sự thật là tôi có thể nói lên ý kiến của mình,” cô nói. “Cuối cùng, tôi đã chấp nhận đối mặt với sự yếu đuối của bản thân, và tôi đã lên tiếng”.
Dunne-Moses đã phải đối thoại 3 lần liên tục với cấp quản lý, nhưng cuối cùng, nỗ lực của cô đã được đền đáp – và người đồng nghiệp tận tâm đã được cất nhắc lên vị trí mới. Nhờ sự kiên trì của mình, Dunne-Moses đã đóng góp cho doanh nghiệp – bằng cách giữ chân và thăng tiến một nhân viên trung thành.
Đọc thêm: 12 nguyên tắc vàng của nhà lãnh đạo hiện đại
7. Đầu tư nguồn lực
Các doanh nghiệp có tư duy tiến bộ hiểu rằng nỗ lực hòa nhập yêu cầu sự đầu tư có tính toán về nguồn lực – đổi lại, kết quả sẽ là sự hài lòng và thời gian gắn bó của nhân viên, tăng cường khả năng đổi mới và ứng phó với những tình huống phức tạp.
Thế nhưng, một nghiên cứu gần đây cho thấy gần 75% nhân viên trong các nhóm thiểu số – phụ nữ, dân tộc thiểu số, người đồng tính (LGBTQ) – không cảm thấy họ được hưởng lợi từ các chương trình đa dạng và hòa nhập của công ty.
Khi trải nghiệm tại nơi làm việc của nhân viên được thúc đẩy bởi năng lực lãnh đạo toàn diện, kết quả sẽ là sự chuyển hóa toàn diện văn hóa doanh nghiệp – trong đó, sự đa dạng và hòa nhập được khuyến khích mạnh mẽ.
Đọc thêm: DEI – Tầm quan trọng của Diversity, Equity & Inclusion
Tham khảo
Inclusive Leadership: Steps Your Organization Should Take to Get it Right. https://www.ccl.org/articles/leading-effectively-articles/when-inclusive-leadership-goes-wrong-and-how-to-get-it-right/. Truy cập ngày 26/03/2021.
ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.com/ itdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.
BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!
Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác…
Đừng quên dành thời gian tìm hiểu các khóa đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!
Với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi hiểu rõ những nhu cầu và băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp – trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nhằm đáp ứng những trăn trở đó, ITD đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo quản lý mới – được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.