Trang chủ » Chuyên đề » Coaching & Mentoring » Chi tiết về Huấn luyện chuyển đổi (Transformative coaching)
Chuyển đổi (Transformation) hiện đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong giới kinh doanh, lãnh đạo và huấn luyện. Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta luôn trải qua những thay đổi về cách nhìn nhận, suy nghĩ, đánh giá và hành động. Huấn luyện chuyển đổi (Transformational coaching/ Transformative coaching) là công cụ hỗ trợ “đắc lực” để điều hướng quá trình trên theo chiều tốt hơn, giúp coachee hình thành một lộ trình học tập – phát triển, quản lý cảm xúc hiệu quả và sống một cuộc sống phong phú hơn.
Nội dung
Huấn luyện chuyển đổi – Transformative coaching là gì?
Trọng tâm của huấn luyện chuyển đổi (Transformational coaching/ Transformative coaching) là thúc đẩy quá trình hiện thực hóa lý tưởng bản thân (self-actualization). Khác với cách tiếp cận truyền thống ‘Lựa chọn-Chiến lược-Hành động’ (Options-Strategy-Action), huấn luyện viên (coach) sẽ tập trung đi sâu vào tâm lý của coachee để nắm bắt cảm xúc, tâm tư và tiềm năng của họ.
Huấn luyện chuyển đổi là một phương pháp tiếp cận toàn diện trong coaching – từ đơn giản tập trung vào cải thiện hiệu suất (performance) sang một công cụ tâm lý và nhân văn, đặt trọng tâm là phát triển con người. Mục đích của phương pháp coaching này là khám phá các mô hình nhận thức, cảm xúc và quan hệ của coachee – giúp huấn luyện viên hiểu rõ hơn về quan điểm sống của họ. Từ nhận thức này, coachee sẽ có thể “khai phóng” tiềm năng thay đổi, vượt qua các khuôn mẫu/ niềm tin tiêu cực đang kìm hãm họ, mở ra con đường để hiện thực hóa lý tưởng/ mơ ước của mình.
So sánh giữa Huấn luyện giao dịch và Huấn luyện chuyển đổi
Huấn luyện giao dịch (Transactional coaching) dựa trên tiền đề rằng: Một cá nhân sẽ khám phá ra những gì họ cần và phát triển dựa trên lối sống hiện tại. Nói cách khác, họ không cần phải khám phá hay thay đổi để đạt được kết quả mong muốn. Trong khi đó, xuất phát điểm của huấn luyện chuyển đổi (Transformative coaching) là yêu cầu mở rộng/ thay đổi cách sống – bao gồm những suy nghĩ, nhận thức và mức năng lượng hiện tại – để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Câu hỏi lớn nhất trong huấn luyện chuyển đổi là “Bạn chọn trở thành người như thế nào?” – với trọng tâm là học hỏi và thực hành những việc cần thiết để bản thân trở thành con người bạn hằng mơ ước.
Vai trò của huấn luyện viên chuyển đổi là hỗ trợ coachee suy niệm về bản thân, đánh giá niềm tin, hình ảnh và ấn tượng của họ về chính mình, cũng như mục đích và vị trí của họ trong thế giới này. Tất cả những điều này chính là nguyên nhân cấu thành cách sống hiện tại của họ, và việc xem xét lại những yếu tố trên sẽ giúp coachee “sáng tỏ” hơn về trải nghiệm cuộc sống từ trước đến nay.
Đọc thêm: Lợi ích của coaching – Vì sao doanh nghiệp không nên bỏ qua công tác này
Mô hình huấn luyện chuyển đổi
Trên thực tế, khái niệm huấn luyện chuyển đổi (Transformational coaching/ Transformative coaching) là kết quả của nhiều mô hình coaching khác nhau – với trọng tâm là nhu cầu và sự phát triển của coachee. Nhìn chung, có 4 yếu tố chính cấu thành nên quy trình này:
- Tâm lý (Psychological) – Huấn luyện chuyển đổi tập trung tìm hiểu toàn diện về coachee, những niềm tin, giá trị, kỳ vọng, giả định và tâm lý ảnh hưởng đến cách thể hiện của họ trong công việc và cuộc sống.
- Nhân văn (Humanistic) – Xuất phát điểm của quá trình này là niềm tin vào tiềm năng của coachee – rằng họ sở hữu các nguồn lực cần thiết để thay đổi chính mình.
- Tích hợp (Integrative) – Được đúc kết từ nhiều trường phái tư duy, huấn luyện chuyển đổi cho phép các huấn luyện viên tìm ra phương pháp làm việc độc đáo, phù hợp với tâm lý khách hàng.
- Toàn diện (Holistic) – Huấn luyện viên học cách chú ý đến tất cả các khía cạnh trong trải nghiệm của khách hàng – bao gồm nhận thức, tình cảm, quan hệ, hành vi, v.v…
(Nguồn: Animas coaching)
Công việc của huấn luyện viên chuyển đổi là gì?
“Coaching là hoạt động mang tính hỗ trợ và khuyến khích – nhưng đồng thời cũng có thể gây khó chịu cho khách hàng. Bạn phải sẵn sàng thách thức các diễn giải, thử nghiệm các giả định và nhìn nhận thay đổi về mặt cảm xúc – làm sao để coachee học được điều gì đó mới, chứ không chỉ là sắp xếp lại những suy nghĩ hiện tại.
Việc sử dụng các kỹ thuật coaching để thách thức và thay đổi suy nghĩ theo thói quen của coachee phải nhằm mục tiêu mở rộng quan điểm – thay vì chỉ tìm kiếm và khắc phục điểm yếu. Huấn luyện viên đóng vai trò khuyến khích sự tư duy của coachee. Khách hàng của bạn sẽ trải qua sự thay đổi về niềm tin và hành vi khi bạn quan tâm đến suy nghĩ của họ – thay vì chỉ đơn thuần xác định giải pháp.”
Trích ấn phẩm ‘Coach the Person, Not the Problem‘ của TS. Marcia Reynolds – nguyên Chủ tịch ICF
Huấn luyện chuyển đổi (Transformative coaching) tập trung giải quyết tận gốc – thay vì chỉ đưa ra giải pháp bề mặt hoặc ngắn hạn – để mang lại những thay đổi lâu dài, vượt ra khả năng tư duy nhận thức của khách hàng. Điều này đòi hỏi một mức độ kỹ năng và sự tự tin nhất định từ huấn luyện viên. Do đó, huấn luyện viên chuyển đổi sẽ cần đến những yếu tố sau:
1. Mục đích (Purposefulness)
Vai trò của huấn luyện viên là giữ cho quá trình coaching đi đúng hướng, phù hợp với yêu cầu của coachee. Trọng tâm của các buổi đối thoại huấn luyện có thể linh hoạt thay đổi – đặc biệt khi coachee bắt đầu hình thành nhận thức sâu sắc hơn về bản thân.
2. Thử thách (Challenge)
Thử thách là yêu cầu rất quan trọng ở một số cấp độ. Bạn sẽ cần “thách thức” khách hàng về những vấn đề họ đang đưa ra, hỗ trợ coachee nghiên cứu sâu hơn, thách thức các giả định hiện tại, phát hiện các “điểm mù” (blind spots), thúc đẩy coachee thể hiện những gì còn đang ẩn giấu trong chính mình.
3. Hợp tác (Collaboration)
Trong huấn luyện chuyển đổi, huấn luyện viên xem bản thân như một đối tác tư duy bình đẳng với khách hàng – và đôi bên cần cộng tác với nhau để vạch ra trọng tâm, tốc độ, nội dung đối thoại. Thay vì cố định một cách làm việc, người huấn luyện luôn sẵn sàng thử nghiệm những hướng đi mới và thay đổi nếu không đạt được kết quả mong đợi.
4. Mong muốn khám phá & Đặt câu hỏi (Curiosity & Enquiry)
Dù bạn có kinh nghiệm dày dạn thế nào đi nữa, bạn vẫn không thể biết chắc được buổi đối thoại coaching sẽ diễn ra như thế nào, nên theo hướng tiếp cận gì, cần đặt những câu hỏi nào… Mong muốn khám phá sẽ giúp bạn nảy ra ý tưởng về các câu hỏi dành cho coachee một cách tự nhiên nhất.
5. Không gian & Thinh lặng (Space & Silence)
Không gian là yêu cầu tối quan trọng trong để giúp coachee khám phá sự “thông tuệ” trong chính mình. Huấn luyện chuyển đổi không dừng lại ở trao đổi lý thuyết hoặc kiến thức. Thay vào đó, bạn sẽ cần tạo không gian thích hợp để coachee phát huy toàn bộ giác quan, suy nghĩ, cảm xúc, trực giác của mình. Sự thinh lặng là công cụ cực kỳ hiệu quả trong coaching – bạn phải tin tưởng rằng coachee có thể vượt qua những giới hạn tiềm ẩn để hình thành cái nhìn sâu sắc hơn, trước khi qua buổi đối thoại tiếp theo.
6. Chú ý đến chi tiết (Noticing)
Ở cương vị huấn luyện viên, bạn cần thực hành kỹ năng chú ý và phản hồi (feedback) lại với coachee những vấn đề mà họ có thể không tự ý thức được – từ cách coachee di chuyển, ngồi, các từ/ cụm từ họ sử dụng, hành vi hoặc lời nói, v.v… Tương tự, bạn cũng cần nhận xét về chính bản thân mình – những hình ảnh xuất hiện trong tâm trí họ, cảm xúc, tác động của coachee lên chính bạn.
7. Trực giác (Intuition)
Mối quan tâm của huấn luyện chuyển đổi là đi sâu vào tìm hiểu gốc rễ của vấn đề. Vì vậy, sẽ có những lúc trực giác của bạn phát huy tác dụng mạnh mẽ. Việc phát triển trực giác và suy nghĩ bằng trái tim – thay vì trí óc – có thể giúp bạn vượt lên trên tư duy logic thông thường.
Đọc thêm: 7 nguyên tắc coaching – Biến không thể thành có thể
Ví dụ về huấn luyện chuyển đổi
Tình huống
S nay đã ngoài 30 tuổi và hiện đang làm việc tại một công ty tư vấn nổi tiếng. Tuy được đánh giá là mẫu gương thành công, anh rất hay tự phê bình bản thân, luôn tự đặt ra cho chính mình những tiêu chuẩn hiệu suất cực kỳ cao – điều mà anh hiếm khi cảm thấy thỏa mãn. Anh luôn cảm thấy bản thân phải “vật lộn” để tìm ra hướng đi tương lai, và thái độ tự phê bình đã tác động tiêu cực đến thái độ của anh với cuộc sống.
Một vấn đề khác của S là thói quen suy nghĩ quá nhiều. “Điều đó khiến tôi thực sự mệt mỏi,” anh chia sẻ. “Mọi người xung quanh đều đầy tự tin và logic khi ra quyết định. Tại sao tôi không giống như họ? Tại sao tôi lại thiếu quyết đoán như vậy?”. Do đó, anh tìm đến coaching với mong muốn ngừng chỉ trích bản thân, trở nên quyết đoán và suy nghĩ tích cực hơn.
Như phần lớn mọi người, S xuất hiện tại buổi gặp mặt huấn luyện viên với một mục tiêu giao dịch: “Tôi muốn khám phá cách để trở nên quyết đoán hơn trong công việc, đặc biệt với sếp của tôi. Ông ta khiến tôi thực sự kiệt sức. Tôi cảm thấy muốn phản kháng lại ông và nói ra sự thật. Tôi muốn biết cách trở nên tự tin và quyết đoán hơn khi đứng trước ông ấy.” Một huấn luyện viên giao dịch sẽ chỉ dừng lại ở việc tìm ra giải pháp cho vấn đề – ngay cả khi nội dung đối thoại bắt đầu đi sâu vào nguyên nhân gốc rễ dẫn tới sự thiếu tự tin của S.
Kết quả
Trong quá trình làm việc, huấn luyện viên đã nhận thấy một điểm đặc biệt nơi S – đó là bản chất nội tâm tự nhiên của anh. Theo ông, điều này phần nào giải thích cho tính thiếu quyết đoán của anh – thói quen xem xét vấn đề từ mọi góc độ khiến anh rất mạnh về phân tích, nhưng lại hiếm khi đưa ra kết luận. Đổi lại, điều này đồng nghĩa với việc S luôn sẵn sàng đi sâu hơn để khám phá những niềm tin cốt lõi đã dẫn tới những trải nghiệm hàng ngày của mình. Dù thái độ hoài nghi, anh thực sự mong muốn thay đổi chính mình.
Trên thực tế, S không tìm đến coaching để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề – mà để học cách chuyển đổi cơ bản toàn bộ nhận thức về bản thân. Mặc dù bắt đầu với một mục tiêu giao dịch, các buổi gặp gỡ sau đó đã nhanh chóng phát triển thành những cuộc đối thoại sâu sắc hơn – tập trung vào những niềm tin hạn chế bản thân của S.
Cùng với thời gian, trọng tâm của quá trình coaching đã chuyển đổi dần từ việc giải quyết các vấn đề cụ thể sang một vấn đề lơn hơn: S muốn trở thành người như thế nào? Những giá trị cốt lõi của anh là gì? Khi bạn nghe coachee tuyên bố những câu như: “Tôi đủ tài giỏi. Tôi yêu thương một cách vô vị lợi. Tôi dám sống đúng với con người thật của mình”, bạn biết mình đã thực sự chạm tới cốt lõi của huấn luyện chuyển đổi.
Huấn luyện chuyển đổi khác với Huấn luyện cuộc sống như thế nào?
“Trong thế giới bận rộn và phức tạp ngày nay, coaching mang lại một không gian chuyển đổi để chúng ta có cơ hội suy ngẫm, khám phá và hiểu rõ bản thân hơn.”
Nick Bolton
Cả huấn luyện cuộc sống (life coaching) truyền thống và huấn luyện chuyển đổi đều có cùng một số đặc điểm như: đặt câu hỏi cởi mở, quan tâm tới khách hàng để tìm ra lời giải cho vấn đề của họ. Thế nhưng, giữa hai khái niệm này vẫn có một số khác biệt chính.
- Life coaching truyền thống tập trung chủ yếu vào mục tiêu của khách hàng. Huấn luyện viên hợp tác làm việc để khám phá những giải pháp khả thi nhằm hiện thực hóa lý tưởng đó, những trở ngại ngăn cản coachee thành công, cuối cùng là xây dựng một kế hoạch thực tế để giúp khách hàng đạt được kết quả mong muốn.
- Đối với transformative coaching, huấn luyện viên có cơ hội khám phá quan điểm của coachee về thế giới, bản thân và các mối quan hệ. Dựa trên cơ sở đó, chuyên gia huấn luyện sẽ tạo ra không gian thích hợp để nâng cao nhận thức về bản thân của coachee. Phương pháp tiếp cận tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ này tạo điều kiện thúc đẩy sự thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của khách hàng – vượt trội hơn hẳn so với các hình thức life coaching truyền thống.
Các kỹ năng huấn luyện chuyển đổi cần thiết
- Lắng nghe tích cực. Ở cương vị huấn luyện viên, bạn phải nhận thức được cả những gì coachee đang nói và những gì vẫn còn ẩn giấu trong tâm tư của họ.
- Tạo không gian thích hợp. Vai trò của huấn luyện viên là chuẩn bị một môi trường đủ an toàn để coachee hoàn toàn cởi mở, đồng thời sử dụng sự thinh lặng như một công cụ giúp khách hàng suy niệm những điều trong nội tâm tốt hơn.
- Quan sát và nhận xét. Bạn cần phải nhận thức một cách sâu sắc niềm tin và hành vi của khách hàng, cả những gì họ thể hiện ra lẫn những dấu hiệu tiềm ẩn khác.
- Suy ngẫm lại. Từ những gì nghe, nhìn thấy và cảm nhận được trong buổi nói chuyện, bạn sẽ cần suy ngẫm, sàng lọc để chia sẻ những thông tin quan trọng với coachee.
- Thử thách. Nếu có thể, hãy đặt ra câu hỏi khó để kích thích chia sẻ của coachee – nhờ đó hỗ trợ họ thay đổi chính mình.
Đọc thêm: Tổng quan các bước thực hiện quy trình coach cho nhân viên
Bí quyết trở thành chuyên gia huấn luyện chuyển đổi
Có nhiều lộ trình đào tạo khác nhau để trở thành chuyên gia coahcing – bạn có thể tự học, học trực tuyến hoặc trực tiếp tại lớp học. Việc xây dựng một nền tảng kỹ năng, nguyên tắc và kỹ thuật cơ bản sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn – cả về khả năng tự tin phục vụ khách hàng cũng như tìm kiếm coachee tiềm năng.
1. Tự nghiên cứu
Với sự phát triển của mạng Internet, mọi người ở khắp mọi nơi đều có thể dễ dàng tiếp cận kho tri thức coaching từ các nguồn sách báo, ebook, blog…. Tuy nhiên, việc không trải qua khóa đào tạo chuyên sâu và trải nghiệm môi trường thực tế sẽ khiến bạn rất khó nắm bắt và thực hành những nội dung thu thập được.
Đọc thêm: Top 10 sách về coaching bạn nhất định không thể bỏ qua
2. Học trực tuyến từ xa
Công nghệ số phát triển và khủng hoảng trên thế giới đã và đang tạo điều kiện cho sự “bùng nổ” của các khóa học online – do các cơ sở đào tạo coaching phụ trách. Một số trong đó được công nhận bởi các cơ quan uy tín như Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (ICF). Ưu điểm của loại hình đào tạo này là tính linh hoạt, phù hợp với người bận rộn.
3. Tham gia đào tạo chứng chỉ huấn luyện chuyển đổi
Lựa chọn thứ ba là tham gia các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ huấn luyện chuyển đổi. Việc được đào tạo trực tiếp bởi một chuyên gia huấn luyện chuyên nghiệp – kết hợp với thảo luận và thực hành nhóm – sẽ thực sự tối ưu hóa trải nghiệm và hiệu quả học tập của bạn. Mặt khác, học tập theo nhóm cũng mang lại những lợi ích đáng kể – không chỉ giúp bạn có cơ hội thực hành, mà còn góp phần hình thành một cộng đồng hỗ trợ nhau nghiên cứu sâu hơn về coaching.
Dưới đây là tổng hợp những ưu điểm nổi bật của một khóa huấn luyện chuyển đổi chính thức:
- Kiểm tra kiến thức và củng cố việc học tập.
- Chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên cùng học.
- Tham gia các cuộc thuyết trình và giải đáp thắc mắc trực tiếp.
- Nhận hỗ trợ từ các huấn luyện viên giàu kinh nghiệm.
- Đảm bảo hơn về chất lượng.
- Đầu tư thời gian cho việc học.
- Cơ hội thực hành các kỹ năng học được.
Đọc thêm: 14 phương pháp coaching hiệu quả dành cho cấp quản lý
ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.com/ itdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.
BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!
[FREE EBOOK] 7 nguyên tắc vàng trong coaching
[FREE EBOOK] 7 nguyên tắc vàng trong coaching
Khóa đào tạo coaching của ITD
Với những ai có nguyện vọng phát triển kỹ năng huấn luyện chuyển đổi, khóa đào tạo của ITD là lựa chọn đáng cân nhắc dành cho bạn. Được thiết kế gồm tổng cộng 4 module chi tiết – kéo dài trong thời gian 3 tháng, chương trình chứng chỉ coaching của ITD cung cấp cho học viên cơ hội tham gia các buổi thực hành trực tuyến, cố vấn trực tiếp, giám sát nhóm và networking với các cấp lãnh đạo – quản lý từng tham gia khóa học.
Chứng nhận chất lượng khóa học coaching của ITD