Receiving Feedback

Học cách lắng nghe góp ý là yêu cầu cần thiết đối với hành trình phát triển cá nhân và sự nghiệp của mỗi người. Dù là ở nơi làm việc hay trong cuộc sống cá nhân, phản hồi (feedback) có ý nghĩa rất quan trọng với việc học hỏi và phát triển bản thân. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu tổng quan về kỹ năng tiếp nhận phản hồi – cùng các phương pháp, chiến lược và ví dụ thực tế để giúp bạn tự tin hơn khi tiếp thu ý kiến từ những người xung quanh.

Nội dung

Tầm quan trọng của kỹ năng tiếp nhận phản hồi

Phản hồi (feedback) đóng vai trò là “chất xúc tác” vô giá cho hành trình phát triển cá nhân và nghề nghiệp, góp phần “định hình” con đường đi đến thành công của mỗi chúng ta.

  • Cơ hội học hỏi:

Thông qua tương tác và thu nhận ý kiến từ mọi người xung quanh, mỗi người nhận thức sâu sắc hơn về việc bản thân đã làm tốt những gì – và còn những khía cạnh nào có thể cải thiện để tiến xa hơn. Khi chủ động yêu cầu và lắng nghe góp ý, chúng ta cũng đồng thời đang điều hướng quá trình phát triển chuyên môn, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề và phát triển kỹ năng cá nhân.

  • Bí quyết hạnh phúc:

Phản hồi tích cực là một hình thức khen ngợi, giúp bạn cảm thấy bản thân được đánh giá cao và trân trọng về công việc đã làm. Điều này không chỉ tác động tích cực đến kết quả đầu ra, mà còn mang lại nguồn động lực và niềm vui trong công việc.

  • Phát huy năng lực sáng tạo:

Góp ý từ mọi người xung quanh đóng vai trò là nguồn cảm hứng “bất tận” cho sự sáng tạo và đổi mới. Qua việc tiếp nhận phản hồi từ người khác, bạn đồng thời có cơ hội nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau – chính điều này sẽ trang bị nền tảng để bạn vượt qua “giới hạn” của bản thân, sẵn sàng tìm ra những giải pháp mới và hiệu quả hơn hiện tại.

  • Nuôi dưỡng niềm tin:

Khi tham gia chia sẻ ý kiến góp ý, chúng ta đồng thời thể hiện sự quan tâm thực sự đối với người xung quanh và công việc của họ. Hành động lắng nghe tích cực này sẽ góp phần nuôi dưỡng lòng tin, tạo nền tảng cho quá trình giao tiếp, cải thiện các mối quan hệ và hợp tác bền chặt hơn.

  • Ý thức sâu sắc hơn về mục đích:

Phản hồi giúp các cá nhân hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm và đóng góp của họ trong tổ chức. Qua đó, mỗi người ý thức sâu sắc hơn tác động của những gì mình làm với mục tiêu chung của doanh nghiệp – chính nhận thức này sẽ cho họ cảm nhận chân thực nhất về ý nghĩa và giá trị của công việc. Một khi nhận thức rõ ràng về mục đích cá nhân và tập thể, bạn sẽ có thêm động lực để hoàn thành công việc cách tốt nhất.

  • Động lực tăng trưởng:

Phản hồi là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển cá nhân và tổ chức – qua việc giúp mỗi cá nhân nhận ra những cơ hội và thách thức trong công việc, từ đó có thể đặt ra những mục tiêu và kế hoạch phù hợp. Ngoài ra, góp ý của người khác cũng hỗ trợ bạn đánh giá được tiến độ và kết quả của công việc, từ đó có thể điều chỉnh và thực hiện những cải tiến cần thiết.

  • Cải thiện hiệu suất:

Kỹ năng tiếp nhận phản hồi giống như chiếc “la bàn” định hướng, giúp ta ý thức rõ hơn về những gì cần làm/ cần tránh để đạt được kết quả mong muốn – cũng như cần sử dụng và tối ưu nguồn lực hiện có như thế nào. Nhờ đó, mỗi người có cơ hội nâng cao chất lượng và hiệu quả của công việc, giảm thiểu lãng phí và đáp ứng kỳ vọng/ tiêu chuẩn do cá nhân/ tổ chức đặt ra.

  • Xây dựng văn hóa học tập:

Hoạt động trao đổi phản hồi khuyến khích sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và ý kiến giữa các thành viên trong tổ chức – từ đấy góp phần xây dựng một môi trường làm việc đề cao tinh thần hỗ trợ và phát triển lẫn nhau. Qua thời gian, doanh nghiệp sẽ có cơ hội xây dựng một nền văn hóa học tập nhấn mạnh thái độ cởi mở, tôn trọng và đổi mới liên tục – nơi mọi người có thể tự do bày tỏ quan điểm và góp ý mà không sợ bị chỉ trích hay phán xét.

  • Tăng cường tương tác:

Việc thường xuyên đóng góp và tiếp nhận phản hồi sẽ thúc đẩy văn hóa giao tiếp cởi mở và gắn kết. Khi mọi thành viên cảm thấy được lắng nghe và nỗ lực của họ được đánh giá cao, họ sẽ có nhiều động lực để gắn bó, nỗ lực hơn trong công việc và đóng góp nhiều nhất cho công ty.

  • Củng cố các mối quan hệ:

Thông qua phản hồi, mỗi người có cơ hội thiết lập các kết nối mạnh mẽ và sâu sắc hơn với đồng nghiệp, quản lý và các thành viên trong đội nhóm. Nói cách khác, phản hồi khuyến khích tinh thần đối thoại cởi mở, trân trọng và tin tưởng lẫn nhau – tăng cường gắn kết và giảm bớt xung đột nội bộ.

Lợi ích của việc thực hành kỹ năng tiếp nhận phản hồi

Phát triển cá nhân

Phản hồi (feedback) là công cụ vô cùng hữu hiệu trong hành trình phát triển bản thân – cho phép chúng ta học hỏi từ sai lầm cũ, hoàn thiện bộ kỹ năng và hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Nó giúp “khai sáng” những tiềm năng và cơ hội còn ẩn giấu, giúp chúng ta điều hướng kế hoạch hành động và khai thác các cơ hội mới.

Phát triển đội nhóm

Việc trao đổi phản hồi thường xuyên cung cấp nền tảng cho các thành viên đội nhóm tiếp xúc với các quan điểm khác biệt, tạo điều kiện giao tiếp cởi mở và góp phần giải quyết xung đột nội bộ. Thông qua đó, mỗi chúng ta ý thức sâu sắc hơn về nhu cầu và nguyện vọng của đồng đội – tăng cường khả năng làm việc gắn kết và hướng tới mục tiêu chung.

Phát triển tổ chức

Phản hồi đóng vai trò quan trọng trong việc định hình công việc của chúng ta trong tầm nhìn và giá trị mà tổ chức hướng tới. Nó đảm bảo rằng các nỗ lực mà chúng ta hướng tới sẽ đáp ứng các kỳ vọng và yêu cầu của khách hàng cũng như các bên liên quan. Bằng cách tích cực tìm kiếm và đón nhận phản hồi, chúng ta sẽ trở thành chất xúc tác cho sự đổi mới, thúc đẩy sự thành công và phát triển của tổ chức.

Như đã đề cập phía trên, thông qua giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa nguồn lực, phản hồi là cơ sở để doanh nghiệp/ tổ chức cải thiện chất lượng và hiệu quả của công việc. Ngoài ra, qua việc khuyến khích sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và ý kiến giữa các thành viên, nó cũng là cơ hội để phát huy tinh thần sáng tạo và đổi mới – hỗ trợ xây dựng một văn hóa học tập, nơi mọi người có thể học hỏi và phát triển từ lẫn nhau.

Niềm vui khi tiếp nhận phản hồi – Joe Hirsch, TED Talk

Làm thế nào để phát triển kỹ năng tiếp nhận phản hồi

Nhìn chung, lắng nghe ý kiến góp ý không phải là điều dễ dàng – đặc biệt khi chúng ta phải thường xuyên đối mặt với những nhận xét tiêu cực/ khó nghe từ người xung quanh. Sau đây là một số phương pháp giúp bạn vượt qua những khó khăn này để phát triển kỹ năng tiếp nhận phản hồi:

Chủ động xin ý kiến

Mỗi cá nhân cần tích cực yêu cầu phản hồi một cách thường xuyên, thể hiện sự háo hức muốn học hỏi và phát triển bản thân. Bằng việc chủ động xin ý kiến, chúng ta cũng đồng thời giảm bớt yếu tố bất ngờ và lo lắng khi phải lắng nghe những góp ý không mong muốn.

Khi tiếp cận đồng nghiệp/người giám sát/cố vấn của bạn để hỏi ý kiến, bạn có thể mở đầu cuộc đối thoại như sau:

“Tôi đánh giá cao chuyên môn của Anh/Chị/Sếp – cũng như bất kỳ ý kiến nào Anh/Chị/Sếp có thể góp ý về dự án gần đây của tôi. Tôi luôn mong muốn bản thân có cơ hội cải thiện và phát triển tốt hơn nữa.”

Tiếp thu

Khi tiếp nhận phản hồi, hãy luôn duy trì một tư duy cởi mở – cũng như cố gắng hết sức để đánh giá quan điểm/ý định của đối phương. Tập trung hoàn toàn vào người đối diện – tuyệt đối không ngắt lời hay tranh cãi. Việc giữ thái độ cầu thị như vậy sẽ góp phần khuyến khích đối thoại cởi mở và trung thực, thúc đẩy sự tin tưởng và hợp tác giữa đôi bên.

Là con người, việc ta có những phản ứng theo cảm xúc là điều hoàn toàn tự nhiên – đặc biệt khi đối mặt với những ý kiến phê phán hoặc bất ngờ. Tuy nhiên, mỗi người cần học cách quản trị bản thân – kiềm chế để không tỏ ra phòng thủ hoặc tranh cãi. Hít một hơi thật sâu, giữ bình tĩnh, đồng thời tự nhắc nhở hãy học cách lắng nghe và thấu hiểu trước khi phản ứng lại.

Suy ngẫm và hành động

Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về góp ý của người khác trước khi trả lời. Tránh các phản ứng “bốc đồng” hoặc cảm xúc thái quá, vì chúng có thể làm lu mờ khả năng phán đoán của bạn. Bình tĩnh suy nghĩ về những gì đối phương vừa truyền đạt – một cách khách quan nhất có thể. Xem xét mức độ phù hợp và hữu ích của ý kiến đó đối với sự phát triển cá nhân/ chuyên nghiệp của bạn.

Giả sử bạn nhận được nhận xét từ người giám sát trong quá trình đánh giá hiệu suất – rằng bạn cần cải thiện kỹ năng giao tiếp với các thành viên trong nhóm. Thay vì ngay lập tức phản ứng phòng thủ hoặc cảm thấy nản lòng, hãy tạm dừng một chút và dành thời gian để suy nghĩ về những gì cấp trên vừa nói.

Bây giờ, hãy tự hỏi mình những câu hỏi như sau:

  • Những trường hợp hoặc tình huống cụ thể nào có thể đã dẫn đến nhận xét này?
  • Có quy luật/ vấn đề nào trong phong cách giao tiếp của tôi không?
  • Tôi tự đánh giá thế nào về kỹ năng giao tiếp của mình?
  • Tôi có thể thực hiện những thay đổi/ cải tiến cụ thể nào để nâng cao khả năng giao tiếp của mình với người khác?
  • v.v…

Trong quá trình tự chiêm nghiệm này, hãy cố gắng tiếp cận phản hồi một cách khách quan – tập trung vào nội dung thông điệp hơn là cảm xúc cá nhân. Đừng quên rằng, đối phương có ý định giúp bạn phát triển, và ý kiến đóng góp của họ là cơ hội quý giá để bạn cải thiện bản thân.

Nắm bắt cơ hội

Từ những gì người khác góp ý, bạn hãy dành thời gian xác định các lĩnh vực cần cải thiện – cũng như các bước hành động khả thi mà bạn có thể thực hiện. Chủ động tìm kiếm sự hướng dẫn cần thiết – cũng như thường xuyên theo dõi tiến độ thay đổi bản thân mỗi ngày.

Quay lại ví dụ phía trên – khi người giám sát góp ý về kỹ năng giao tiếp của bạn. Hãy thử suy ngẫm xem, có điểm nào trong nhận xét của cấp trên “ăn khớp” với những quan sát hoặc ý kiến đóng góp mà bạn đã từng nhận được trong quá khứ không? Thông tin phản hồi của họ có phù hợp với mục tiêu cá nhân/ nghề nghiệp của bạn? Có những khía cạnh nào mà bạn có thể nhận thấy tiềm năng phát triển và cải thiện không?

Khi đã dành đủ thời gian suy ngẫm, bạn có thể sắp xếp một cuộc đối thoại với người giám sát để thảo luận về những suy nghĩ của bạn – cũng như chia sẻ kế hoạch hành động từ ý kiến đóng góp của họ. Hành động này thể hiện cam kết của bạn đối với sự phát triển và cải tiến – cũng như cải thiện chất lượng mối quan hệ và giao tiếp nội bộ.

Thực hành trách nhiệm giải trình và kiên định

Đừng ngần ngại thừa nhận sai lầm của bản thân. Cũng đừng đào sâu vào lỗi lầm trong quá khứ – hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác về thiếu sót của bạn. Thay vào đó, sẵn sàng thừa nhận sai lầm của bạn, xin lỗi nếu cần thiết – sau đó tập trung ngày vào việc tìm kiếm giải pháp. Hãy xem phản hồi như một cơ hội học hỏi, đúc kết những hiểu biết và kinh nghiệm có giá trị.

Đọc thêm: 20 thói quen xấu trong công việc ngăn cản sự nghiệp

Cách quản lý cảm xúc khi tiếp nhận phản hồi

Trí tuệ cảm xúc là một thành phần tối quan trọng đối với kỹ năng tiếp nhận phản hồi. Dưới đây là gợi ý một số phương pháp giúp bạn quản lý cảm xúc hiệu quả hơn khi lắng nghe góp ý từ người khác:

Bày tỏ lòng biết ơn

Bắt đầu bằng cách cảm ơn đối phương: “Cảm ơn bạn đã chia sẻ phản hồi. Tôi đánh giá cao ý kiến đóng góp của bạn và muốn hiểu rõ hơn về ý kiến đó”. Bằng cách bày tỏ lòng biết ơn, bạn không chỉ “phá băng” cuộc đối thoại – mà còn nhắc nhở bản thân rằng đối phương đang muốn giúp đỡ bạn – và cho dù bạn có khó chịu đến đâu với những gì họ nói, thì vẫn còn đó những điều giá trị có thể học hỏi từ họ.

Đọc thêm: Không biết nói lời cảm ơn – Vì sao chúng ta ít thể hiện lòng biết ơn?

Tu luyện tâm trí cởi mở

Tiếp thu phản hồi với thái độ cầu tiến, tập trung vào việc góp ý của người khác có thể hỗ trợ cho công việc và hiệu suất cá nhân của bạn thế nào. Thay vì để bản thân bị lấn át bởi “cái tôi” hoặc cảm xúc tiêu cực, hãy xem đó là cơ hội quý giá để cải thiện và học hỏi. Đừng quên rằng, ý kiến của mọi người không phải là sự phản ánh giá trị hay nhân cách của bạn – nhưng chính là công cụ hỗ trợ “đắc lực” cho hành trình phát triển cá nhân.

Tạm dừng trước khi trả lời

Hãy dành một chút thời gian để trấn tĩnh bản thân và suy ngẫm về phản hồi trước khi phản ứng lại. Làm như vậy, bạn sẽ cho mình cơ hội kiểm soát các phản ứng bốc đồng và phòng thủ – cũng như suy nghĩ thấu đáo hơn về quan điểm của đối phương.

Làm gì sau khi tiếp nhận phản hồi?

Phân tích nội dung góp ý

Xem xét cẩn thận nội dung phản hồi để nắm bắt các điểm chính, lý do và kỳ vọng của đối phương. Xác định các lĩnh vực thế mạnh và khía cạnh cần cải thiện. Tìm kiếm các đề xuất cụ thể, khả thi và thực tế có thể hướng dẫn tiến trình thay đổi của bạn.

Đặt câu hỏi nếu cần thiết

Nếu một số khía cạnh của phản hồi không rõ ràng hoặc cần giải thích thêm, đừng ngần ngại hỏi thêm thông tin, ví dụ hoặc đề xuất từ đối phương – để đảm bảo bạn hiểu rõ điều họ muốn nói, tránh nguy cơ hiểu nhầm.

Giả sử một người đồng nghiệp nhận xét rằng bài thuyết trình gần đây của bạn không được rõ ràng. Trước tiên, hãy cân nhắc yêu cầu họ nêu ví dụ/ trường hợp cụ thể như:

“Anh/Chị có thể vui lòng cung cấp các ví dụ hoặc thời điểm cụ thể trong bài thuyết trình mà Anh/Chị thấy tôi trình bày thiếu rõ ràng không? Tôi sẽ rất biết ơn nếu được Anh/Chị cung cấp thông tin chi tiết cụ thể hơn.”

Sau đó, yêu cầu họ đưa ra đề xuất về cách bạn có thể cải thiện cho các bài thuyết trình trong tương lai của mình – ví dụ:

“Anh/Chị có bất kỳ đề xuất hoặc gợi ý nào về cách tôi có thể trình bày rõ ràng hơn không? Tôi sẵn sàng học hỏi và áp dụng lời khuyên của Anh/Chị vào các bài thuyết trình trong tương lai.”

Trong quá trình đối thoại, đừng ngần ngại nhắc lại/ diễn giải lại những gì bạn đã nghe – để đảm bảo rằng cả hai bên đều thống nhất quan điểm. Ví dụ, bạn có thể nói,

“Theo như tôi nghe, Anh/Chị cảm thấy rằng những điểm chính trong bài thuyết trình của tôi không được trình bày rõ ràng lắm. Tôi hiểu như vậy có đúng không?”

Cho phép bản thân có thời gian suy ngẫm

Bạn có thể yêu cầu một chút thời gian để phân tích nội dung góp ý và suy nghĩ về các bước tiếp theo. Khoảng lặng này là cơ hội để bạn điều chỉnh cảm xúc cá nhân.

Xây dựng kế hoạch hành động

Dựa trên phản hồi nhận được, hãy lập ra một kế hoạch hành động chi tiết. Xây dựng các mục tiêu SMART –  đồng thời phác thảo các bước cần thiết để hoàn thành mục đích đề ra.

Thực hiện kế hoạch

Bước cuối cùng là bắt tay thực hiện các bước đã vạch ra trong kế hoạch hành động của bạn. Theo dõi tiến trình và đo lường kết quả thường xuyên. Nếu gặp phải khó khăn hoặc cần hướng dẫn thêm, đừng ngần ngại tìm kiếm thêm phản hồi hoặc hỗ trợ.

Hướng dẫn kỹ năng tiếp nhận phản hồi trong môi trường công sở

Ở cương vị lãnh đạo

vai trò người lãnh đạo, yêu cầu phản hồi là một phương thức tuyệt vời để phát triển chính mình, xây dựng lòng tin với đội nhóm, nuôi dưỡng nền văn hóa tổ chức cởi mở và khuyến khích học hỏi.

  • Đặt câu hỏi thường xuyên:

Nhìn chung, nhân viên của bạn sẽ luôn có xu hướng miễn cưỡng chia sẻ ý kiến trung thực của họ. Vì vậy, việc thường xuyên đặt một câu hỏi cụ thể sẽ góp phần “phá vỡ lớp băng” và báo hiệu rằng bạn sẵn sàng lắng nghe góp ý của họ.

Ví dụ:

“Một điều mà tôi có thể làm tốt hơn với tư cách nhà lãnh đạo là gì?”

“Điều gì tôi đã làm tốt, và điều gì tôi có thể cải thiện trong dự án trước?”

“Làm thế nào tôi có thể hỗ trợ Anh/Chị tốt hơn trong công việc?”

  • Chấp nhận sự khó chịu của người khác:

Khi yêu cầu phản hồi, về cơ bản, bạn đang yêu cầu mọi người chấp nhận rủi ro và chia sẻ suy nghĩ của họ với bạn. Điều đó có thể gây khó chịu cho họ.

Vì lý do này, đừng vội vàng gây áp lực buộc họ phải đưa ra câu trả lời ngay lập tức. Hãy cho họ thời gian và không gian để suy nghĩ và chuẩn bị. Bạn có thể nói:

“Tôi biết đây không phải là một câu hỏi dễ dàng – và tôi đánh giá cao sự trung thực của Anh/Chị. Hãy dành thời gian và cho tôi biết suy nghĩ của Anh/Chị về vấn đề này.”

“Tôi rất hiểu nếu Anh/Chị cần thời gian để suy nghĩ về điều này. Anh/Chị có thể gửi email cho tôi hoặc sắp xếp một cuộc gặp với tôi nếu muốn.”

  • Lắng nghe để hiểu, không phải để trả lời:

Như đã đề cập, khi tiếp nhận phản hồi, theo bản năng – bạn sẽ muốn ngừng lắng nghe và phản ứng lại bằng cách bào chữa, giải thích, chống chế hoặc biện minh cho bản thân. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến đối phương cảm thấy bạn không thực sự coi trọng ý kiến của họ. Thay vào đó, hãy cố gắng tiếp thu với sự tò mò và đồng cảm, đồng thời cố gắng hiểu quan điểm của họ. Bạn có thể nói:

“Cảm ơn Anh/Chị đã chia sẻ điều đó với tôi. Anh/Chị có thể cho tôi biết thêm về lý do tại sao Anh/Chị cảm thấy như vậy không?”

“Tôi đánh giá cao phản hồi của Anh/Chị. Anh/Chị có thể cho tôi thêm ví dụ cụ thể về những gì tôi đã làm không?”

“Thật thú vị. Anh/Chị nghĩ tôi có thể cải thiện như thế nào về phương diện đó?”

  • Thể hiện thái độ nghiêm túc tiếp thu:

Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp, điều quan trọng là bạn phải thể hiện rằng bản thân đang xem xét và hành động một cách nghiêm túc. Nếu không, đối phương có thể cảm thấy như thông điệp của họ bị phớt lờ hoặc không đáng để nói ra. Bạn có thể nói:

“Tôi rất vui vì Anh/Chị đã đề cập đến vấn đề đó. Đây là những gì tôi sẽ làm để giải quyết nó.”

“Đó là một gợi ý tuyệt vời. Tôi sẽ thử nghiệm vào lần tới và cho Anh/Chị biết kết quả thế nào.”

“Tôi thực sự đánh giá cao phản hồi của Anh/Chị. Đây là cách tôi sẽ áp dụng nó vào mục tiêu và kế hoạch hành động của mình.”

Tiếp nhận phản hồi từ đồng nghiệp

  • Về một dự án/ công việc cụ thể:

Bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách nói:

“Xin chào [Tên], gần đây tôi đã hoàn thành [dự án hoặc nhiệm vụ] và đánh giá cao quan điểm của Anh/Chị. Anh/Chị có thể cung cấp phản hồi về công việc của tôi không? Tôi muốn biết tôi đã xử lý tốt những khía cạnh nào – và chỗ nào tôi cần cải thiện. Công việc của tôi có phù hợp với mong đợi của Anh/Chị và mục tiêu của dự án không?”

  • Về hiệu suất công việc:

“Xin chào [Tên], tôi luôn mong muốn không ngừng phát triển và nâng cao các kỹ năng của mình. Anh/Chị có vui lòng chia sẻ phản hồi của mình về hiệu suất của tôi trong [khoảng thời gian] vừa qua không? Tôi rất mong muốn hiểu được điểm mạnh của mình và lĩnh vực cần cải thiện. Ngoài ra, tôi đánh giá cao những hiểu biết sâu sắc của Anh/Chị về cách tôi có thể đóng góp hiệu quả hơn cho đội nhóm và tổ chức.”

  • Sau một bài thuyết trình hoặc cuộc họp:

“Xin chào [Tên], cảm ơn Anh/Chị đã tham dự buổi thuyết trình/cuộc họp của tôi. Ý kiến đóng góp của Anh/Chị rất quan trọng đối với sự phát triển của tôi với tư cách là người thuyết trình/người hướng dẫn. Anh/Chị nghĩ gì về nội dung, cách truyền đạt và mức độ tương tác của bài trình bày? Có khía cạnh nào mà Anh/Chị thích – hoặc nghĩ rằng tôi có thể cải thiện cho các bài thuyết trình/cuộc họp trong tương lai không? Làm cách nào để tôi có thể tăng cường hiệu quả và tác động của các bài thuyết trình/cuộc họp trong tương lai của mình?”

Đọc thêm: Phản hồi hiệu quả – Hướng dẫn thực hành trong giao tiếp

kỹ năng tiếp nhận phản hồi

FAQs

Tại sao phải tiếp nhận phản hồi từ nhiều nguồn?

  • Quan điểm đa dạng: Sự đa dạng về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và thành kiến giúp chúng ta nhận thức toàn diện hơn về hiệu suất, hành vi của bản thân. Bằng cách tiếp nhận phản hồi từ nhiều nguồn, mỗi người có cơ hội tốt hơn để xác định điểm mạnh và điểm yếu, khám phá những ý tưởng/ giải pháp mới, khắc phục điểm mù của chính mình.
  • Tránh thiên vị: Yếu tố thiên kiến cá nhân là không thể tránh khỏi khi chúng ta đưa ra góp ý cho người khác. Qua việc tìm kiếm thông tin đầu vào từ nhiều nguồn, ta sẽ có điều kiện so sánh và đối chiếu thông tin nhận được, đánh giá mức độ đáng tin của phản hồi, loại bỏ các thành kiến và tập trung vào những đóng góp thích hợp nhất.

Những sai lầm phổ biến khi tiếp nhận phản hồi là gì?

  • Phòng thủ: Phản ứng phòng thủ hay giận cá chém thớt gây hại rất đáng kể đến mối quan hệ với người đưa ra phản hồi. Điều quan trọng là luôn tỏ ra cởi mở, lắng nghe mà không thể hiện thái độ thù địch – đồng thời thể hiện sự biết ơn đối với ý kiến đóng góp của họ.
  • Tiêu cực: Cảm xúc tiêu cực là rào cản ngăn chặn đáng kể năng lực học hỏi. Đừng để bản thân cảm thấy bị tổn thương, tức giận hoặc bất an; thay vào đó, hãy tập trung vào cơ hội phát triển và cải thiện từ góp ý của mọi người.
  • Bỏ qua/ loại bỏ phản hồi: Loại bỏ phản hồi có nghĩa là bỏ lỡ cơ hội quý giá để phát triển chính mình. Hãy luôn thể hiến sự tôn trọng với đối phương – qua việc xem xét ý kiến của họ một cách nghiêm túc và áp dụng vào thực tế.
  • Chấp nhận mà không ý kiến: Tiếp nhận phản hồi một cách mù quáng có thể khiến bạn bị chệch khỏi mục tiêu, điểm mạnh và sở thích của chính mình.
  • Không hành động: Yêu cầu phản hồi mà không hành động sẽ chỉ gây lãng phí thời gian và công sức. Điều quan trọng là bạn phải luôn thể hiện cam kết đối với sự phát triển của chính mình – bằng cách lên kế hoạch thực hiện các bước dựa trên ý kiến nhận được.

Về kỹ năng tiếp nhận phản hồi – Tài liệu tham khảo thêm

Mô hình

  • Mô hình SBI: Tập trung vào Tình huống, Hành vi và Tác động của phản hồi, nhấn mạnh các tình huống cụ thể hơn là các đặc điểm/ đánh giá cá nhân.
  • Mô hình Pendleton: Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia tích cực trong việc phát triển kỹ năng tiếp nhận phản hồi thông qua 4 bước: Xác định điểm mạnh, Xác định các lĩnh vực cần cải thiện, Nhận phản hồi từ người khác & Lập kế hoạch hành động.
  • Mô hình STAR: Bao gồm các danh mục Tình huống, Nhiệm vụ, Hành động và Kết quả, cung cấp một khuôn khổ có cấu trúc để hiểu rõ hơn về nội dung phản hồi và tác động của nó.
  • Mô hình DESC: Liên quan đến việc mô tả các sự kiện và cảm xúc, đánh giá ưu và nhược điểm, đề xuất các giải pháp thay thế, tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng.
  • Đánh giá 360 độ: Thu thập phản hồi từ nhiều nguồn khác nhau – bao gồm cấp quản lý, đồng nghiệp, khách hàng và người cố vấn – nhằm cung cấp cái nhìn bao quát và toàn diện về hiệu suất, hành vi hoặc tình huống cụ thể.

Sách

Danh ngôn

Chúng ta đều cần đến những người cho chúng ta phản hồi. Đó là cách chúng ta cải thiện chính mình.

Bill Gates

Phản hồi là “bữa sáng” của nhà vô địch.

Ken Blanchard

Phản hồi là một món quà. Ý tưởng mới là “đơn vị tiền tệ” của thành công. Hãy để mọi người thấy bạn đánh giá cao tầm quan trọng của phản hồi và ý tưởng mới.

Jim Trinka and Les Wallace

Không có thất bại. Chỉ có phản hồi.

Robert Allen

Dù bạn nghĩ mình là nhà lãnh đạo tài giỏi đến mức nào, những người xung quanh sẽ luôn có ý tưởng giúp bạn trở nên tốt hơn. Đối với tôi, điều cơ bản nhất về năng lực lãnh đạo là sự khiêm tốn để tiếp nhận phản hồi và cố gắng cải thiện chính mình.

Jim Yong Kim

Tôi nghĩ rằng phải có một vòng lặp phản hồi – để mỗi người có thể liên tục suy nghĩ về những gì họ đã làm, và cách thức họ có thể làm tốt hơn.

Elon Musk

Lời kết

Việc lắng nghe ý kiến góp ý từ mọi người không phải là dấu hiệu của sự yếu kém – mà là minh chứng rõ ràng nhất cho cam kết đối với việc cải thiện bản thân. Phát triển kỹ năng tiếp nhận phản hồi là một hành trình lâu dài – đòi hỏi mỗi người phải không ngừng luyện tập, kiên nhẫn và thực hành tư duy cầu tiến. Bằng cách không ngừng tiếp thu ý kiến đóng góp của mọi người với tinh thần cởi mở, tích cực lắng nghe, bạn sẽ có cơ hội biến những lời chỉ trích thành cơ hội để học hỏi và phát triển chính mình.

Có thể bạn quan tâm:

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

[FREE EBOOK] 7 nguyên tắc vàng trong coaching

Tổng hợp 7 nguyên tắc coaching cơ bản - nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp đạt đến thành công đột phá.

[FREE EBOOK] 7 nguyên tắc vàng trong coaching

Tổng hợp 7 nguyên tắc coaching cơ bản - nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp đạt đến thành công đột phá.

Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác…

Đừng quên dành thời gian tìm hiểu các khóa đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!

Với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi hiểu rõ những nhu cầu và băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp – trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nhằm đáp ứng những trăn trở đó, ITD đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo quản lý mới – được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.