20 thói quen xấu trong công việc cần từ bỏ để thành công trong sự nghiệp

Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng phân tích những thói quen xấu trong công việc ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ và cơ hội thành công của bạn.

Nội dung

“Chúng ta dành nhiều thời gian để đào tạo đội ngũ lãnh đạo về những việc phải làm. Thế nhưng, có quá ít thời gian được sử dụng để chia sẻ với họ về những hành vi nên từ bỏ. Một nửa số nhà lãnh đạo mà tôi đã gặp không cần được dạy phải làm gì. Họ cần được dạy phải từ bỏ những gì”.

Peter Drucker

Hãy thử liên hệ với doanh nghiệp của bạn. Lần cuối cùng CEO của công ty thực hiện một buổi chia sẻ truyền cảm hứng về những thói quen xấu của của mình – và những gì CEO đã làm để từ bỏ tật xấu của bản thân là khi nào?

Chúng tôi tin chắc câu trả lời trong phần lớn trường hợp là: chưa hề có lần nào.

Có những lý do chính đáng cho điều này – phần lớn liên quan đến cam kết hành động tích cực và động lực phát triển mà các doanh nghiệp luôn cố gắng duy trì.

Hệ thống công nhận và khen thưởng (Recognition & Reward) trong phần lớn doanh nghiệp đều hướng đến trọng tâm là thành tích của nhân viên. Chúng ta được khen thưởng khi làm một điều gì tốt – không phải vì từ bỏ một thói quen xấu trong công việc.

Chúng ta được công ty ghi nhận khi đi làm đúng giờ – nhưng điều tương tự không xảy ra khi ta chấm dứt thói quen đi làm trễ.

Song thực tế, từ bỏ cũng là một khía cạnh không kém phần quan trọng của quá trình phát triển.

Từ bỏ thói quen xấu – Bước đầu tiên của hành trình thay đổi để thành công

Giả sử bạn bị mọi người đánh giá là thiếu lịch sự, và mong muốn thay đổi nhận thức đó. Bạn quyết định, “Tôi cần phải tỏ ra lịch sự hơn”. Vậy bạn sẽ làm gì?

May mắn thay, có một phương pháp đơn giản để đạt được mục tiêu, và đó là… không làm gì cả.

Khi ai đó đưa ra một ý tưởng mà bạn cho là “ngớ ngẩn” trong một cuộc họp, đừng chỉ trích gì cả. Thay vào đó, bạn hãy giữ im lặng.

Khi ai đó thách thức một quyết định của bạn, đừng tranh cãi hoặc bao biện. Hãy yên lặng và suy ngẫm về những gì đối phương nói.

Khi ai đó đưa ra một đề xuất hữu ích, đừng nói rằng “Tôi biết những điều đó rồi”. Thay vào đó, hãy yên lặng và nhẹ nhàng cảm ơn họ.

Để minh họa rõ hơn về điều này, bạn hãy thử liên tưởng đến một chiếc hộp. Việc trở thành một người lịch sự hơn đòi hỏi bạn phải “lấp đầy hộp” bằng những hành động tích cực hàng ngày – để có thể trở thành con người mới. Điều này mất rất nhiều thời gian, và thậm chí còn lâu hơn cho đến khi người khác chú ý và nhận thấy rằng bạn đã thay đổi.

Ngược lại, việc từ bỏ các hành vi thô lỗ hiện tại không yêu cầu bạn phải học cách cư xử mới. Bạn không cần phải “lấp đầy hộp” bằng những thành tích của mình. Thay vào đó, bạn chỉ cần loại bỏ bớt những điều tiêu cực ra khỏi “chiếc hộp” đó.

từ bỏ thói quen xấu trong công việc

20 thói quen xấu trong công việc ngăn cản thành công

Sau đây là tổng hợp những thói quen xấu trong công việc mà mọi người – đặc biệt các cấp lãnh đạo và quản lý – thường gặp phải. Đây là những tật xấu khi diễn ra hàng ngày cuối cùng sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng – khiến nơi làm việc của bạn trở nên “độc hại” hơn rất nhiều.

1. Khao khát chiến thắng bằng mọi giá

Tính hiếu thắng là một thói quen xấu rất phổ biến – đặc biệt thường thấy ở những người thành công. Đây thực sự là một tật xấu cần từ bỏ – vì nó chính là “ngọn nguồn” của phần lớn thói quen xấu khó bỏ khác.

Khi ta tranh luận quá nhiều, đó là vì ta muốn quan điểm của mình “vượt trội” so với người khác.

Khi ta phớt lờ mọi người, một lần nữa điều đó xuất phá từ khao khát “chiến thắng” – bằng cách làm người khác bị “lu mờ” đi.

Khi ta giữ kín không chia sẻ thông tin, mục đích là để tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh hơn người khác.

Nếu khao khát chiến thắng là bản tính của bạn – là nguyên nhân chính yếu đưa bạn đến thành công hôm nay – thì chính nó cũng có thể trở thành “vật cản” ngăn cản bạn thành đạt ngày mai.

2. Can thiệp quá nhiều

Bạn đã từng bao giờ nghe – hoặc thấy chính mình nói ra những điều sau đây không:

“Ý tưởng này hay đấy – nhưng sẽ tốt hơn nếu anh/chị làm điều này. . . ”

Hành vi can thiệp quá nhiều vào công việc này là một biến thể của khao khát chiến thắng. Đây là xu hướng thường thấy nơi các nhà lãnh đạo đã quen với việc nắm quyền điều hành. Họ vẫn giữ những gì còn sót lại của phong cách quản lý từ trên xuống – rằng cấp trên như họ sẽ cho mọi người biết phải làm gì cụ thể.

Hãy thử hình dung bạn đang là CEO của công ty. Một nhân viên đến chia sẻ với bạn một ý tưởng tuyệt vời. Thay vì chỉ nhận xét “Ý tưởng hay đấy!”, khả năng là bạn sẽ nói:

“Ý tưởng hay đấy, nhưng sẽ tốt hơn nếu anh/chị thử theo cách này.”

Vấn đề là, bạn có thể đã cải thiện ý tưởng của họ thêm 5%, nhưng đồng thời đã làm suy giảm cam kết thực hiện ý tưởng của họ xuống mất 50%. Lý do là bởi vì bạn đã “tước bỏ” quyền sở hữu ý tưởng của họ. Ý tưởng của nhân viên bây giờ trở thành ý tưởng của bạn – hệ quả là họ bước ra khỏi văn phòng với động lực suy giảm đi rất nhiều so với khi bước vào.

Càng lên các vị trí cấp cao trong tổ chức, bạn càng cần phải giúp đỡ người khác chiến thắng – thay vì chỉ giành phần thắng cho bản thân.

3. Phán xét người khác

Không có gì sai khi đưa ra ý kiến cá nhân trong các cuộc thảo luận kinh doanh bình thường. Mọi người có thể đồng ý hoặc không đồng ý với bạn – tùy theo quan điểm của họ.

Thế nhưng, sẽ hoàn toàn KHÔNG thích hợp để phán xét – khi bạn yêu cầu người khác chia sẻ ý kiến của họ về chính bạn.

Không ai thích bị chỉ trích cả. Đó là lý do tại sao phán xét là một cách ta đang “ngấm ngầm” đẩy mọi người ra xa – cũng như kìm hãm bản thân trước những cơ hội thành công lớn hơn. Hệ quả chắc chắn duy nhất từ việc phán xét những nỗ lực giúp đỡ của người khác – đó là họ sẽ không bao giờ giúp chúng ta một lần nữa.

Đừng đánh giá bất kỳ nhận xét hữu ích nào của đồng nghiệp/ bạn bè/ người trong gia đình. Bất kể bạn nghĩ gì về đề xuất của họ, hãy giữ suy nghĩ đó cho riêng mình, lắng nghe ý kiến của đối phương, và chỉ trả lời: “Cảm ơn”. Đừng phán xét gì hết.

4. Nói những lời gây tổn thương người khác

Những nhận xét mang tính châm biếm mà chúng ta thốt ra hàng ngày – dù có hay không có chủ đích – không nhằm mục đích nào khác ngoài việc “hạ bệ”, làm tổn thương người khác, qua việc thể hiện mình thông minh hơn mọi người.

Đó có thể là một câu nói “bông đùa” thiếu suy nghĩ trong một cuộc họp (“Ý tưởng đó có vẻ không hiệu quả lắm nhỉ”), một nhận xét vô cớ về ngoại hình người khác (“Cái áo đẹp đấy” – bạn vừa nói vừa nở một nụ cười tự mãn) đến những lời phê bình về sai lầm trong quá khứ của đối phương (“Anh có nhớ cái lần anh phạm phải sai lầm…”)

Chúng ta buột miệng ra những câu nói công kích cá nhân mà không một chút mảy may suy nghĩ – và do đó không hề để ý hành động của mình. Nhưng những người phải nghe những lời chỉ trích của bạn thì nhớ rất rõ.

Một khi đã lỡ miệng nói ra, cũng giống như bạn đã để lại một “vết đinh” vô phương cứu chữa. Dù bạn có xin lỗi nhiệt thành đến đâu – và ngay cả khi lời xin lỗi được chấp nhận – thì câu nói của bạn vẫn đọng lại trong ký ức của mọi người.

Nói những lời gây tổn thương là một thói quen xấu trong công việc mà ai cũng có thể mắc phải – đặc biệt ở những người có xu hướng “thẳng tính” trong quản lý.

Rắc rối nằm ở chỗ, sự thẳng thắn có thể nhanh chóng trở thành “vũ khí” chống lại bạn. Dần dà, bạn sẽ khiến cho mọi người tự cho phép bản thân nói ra những lời gây tổn thương người khác – dưới lớp vỏ bọc ngụy biện rằng họ đang nói sự thật.

Điều quan trọng không phải là tính xác thực của lời bạn nói. Đừng tự hỏi, “Điều đó có đúng không?” mà nên tự hỏi, “Có đáng để nói ra điều này không?”

5. Sử dụng những từ phủ định như “Không”, “Nhưng”, “Tuy nhiên”

Khi bạn tự chống chế bằng những từ như “không”, “nhưng”, “tuy nhiên”… cho dù giọng điệu của bạn thân thiện đến mức nào, hoặc bạn có sử dụng bao nhiêu cụm từ khích lệ để thừa nhận cảm xúc của người khác – thì thông điệp bạn gửi đến đối phương vẫn là: “Anh/chị sai rồi”.

“Điều đó đúng, tuy nhiên… ” (nghĩa là: Bạn không nghĩ nó đúng chút nào.)

hay “Có, nhưng…” (nghĩa là: Hãy chuẩn bị để tôi phản biện nhé)

Không có gì tốt lành có thể xảy ra sau đó cả. Phản ứng chung từ đối phương sẽ là tranh luận và chống trả. Cuộc trò chuyện sẽ nhanh chóng trở thành một cuộc đấu khẩu vô nghĩa. Đôi bên không còn giao tiếp với nhau nữa – mà chỉ đang cố gắng giành trở thành người thắng cuộc.

Nếu đây là một thói quen xấu trong công việc của bạn, hãy từ bỏ xu hướng cố gắng bảo vệ lập trường – và bắt đầu theo dõi những khi bạn buột ra những từ như “không”, “nhưng” hoặc “tuy nhiên”. Đặc biệt, chú ý đến những thời điểm bạn sử dụng những từ này với mục đích rõ ràng là bất đồng ý kiến với những gì đối phương đang nói.

Thói quen xấu ngăn cản thành công

6. Cho mọi người thấy mình thông minh như thế nào

Thích thể hiện bản thân là tật xấu vô cùng phổ biến – trên thực tế, nhiều người trong chúng ta phạm phải thói quen xấu này mà không hề ý thức về nó. Chúng ta làm như vậy mỗi khi thể hiện sự đồng ý khi ai đó đưa ra một số lời khuyên thiết thực, khi ta tỏ ra thiếu kiên nhẫn với việc đối phương nói một điều mà bản thân đã biết rõ “mười mươi” từ lâu.

Chúng ta thể hiện tật xấu này rõ ràng nhất khi trả lời với đối phương, “Tôi biết điều đó rồi.”

Vấn đề ở đây không phải là ta đang khoe khoang về những gì mình biết – mà là ta đang xúc phạm người nghe.

Những gì ta thực sự thể hiện ra là: “Anh thực sự không cần phải lãng phí thời gian của tôi với thông tin đó. Anh nghĩ rằng đó là một cái gì đó hay ho mà tôi chưa từng nghe nói trước đây. Nhưng tôi đồng ý với anh và hoàn toàn hiểu những gì anh đang nói. Anh không biết tôi hiểu biết nhiều như thế nào đâu. ”

Sự thông minh khiến mọi người chú ý đến bạn. Trong khi đó, thể hiện mình thông minh sẽ dẫn tới điều ngược lại.

Việc từ bỏ thói quen xấu này không khó – bạn có thể thực hiện theo 3 bước sau:

  • Dành một khoảng lặng trước khi nói để tự hỏi bản thân, “Điều tôi sắp nói có thực sự nên nói ra không?”
  • Nếu câu trả lời là “không”, qua bước tiếp theo.
  • Nhẹ nhàng trả lời đối phương: “Cảm ơn bạn.”

7. Phát biểu khi đang tức giận

Sự tức giận có thể được sử dụng như một công cụ quản lý. Nó đánh thức nhân viên của bạn – làm gia tăng sự tập trung và nhanh nhạy. Nhưng với cái giá phải trả là gì?

Tình trạng cảm xúc bất ổn không phải là công cụ lãnh đạo đáng tin cậy. Khi tức giận, bạn rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Và thật khó để lãnh đạo khi bạn không còn kiểm soát được chính mình.

Bạn có thể tin vào khả năng kiềm chế tính nóng nảy của mình – rằng bạn có thể sử dụng những cơn thịnh nộ tự phát của bản thân để “thao túng” và thúc đẩy nhân viên. Nhưng rất khó để đoán được người khác sẽ phản ứng như thế nào khi tức giận. Trong phần lớn trường hợp, hành động của họ sẽ hoàn toàn ngược lại dự tính của bạn.

Hệ quả tồi tệ nhất của sự tức giận là ngăn cản mong muốn thay đổi của con người. Một khi bạn thể hiện sự thiếu kiềm chế quá thường xuyên, điều đó sẽ trở thành “thương hiệu cá nhân” của bạn. Rất nhanh sau đó, tất cả những gì mọi người biết về bạn là một người nóng nảy và thiếu kiên nhẫn.

Làm thế nào để từ bỏ thói quen hay tức giận? Câu trả lời rất đơn giản – đó là bạn hãy giữ yên lặng.

Nếu bạn giữ yên lặng, không ai có thể biết bạn thực sự cảm thấy như thế nào.

“Nói thì dễ hơn làm”. Bạn phải học cách kiềm chế thói quen xấu của bản thân và mong muốn nói ra của mình. Nhưng một khi nhận thấy lợi ích khi làm như vậy, bạn đã sẵn sàng để trở nên một người tốt hơn.

8. Tiêu cực trong công việc

Tất cả chúng ta đều đã từng gặp những người suy nghĩ tiêu cực ở nơi làm việc. Họ không có khả năng nói điều gì đó tích cực – hoặc khen ngợi bất kỳ đề xuất nào của bạn. Sự tiêu cực là phản ứng mặc định của họ. Bạn có thể bước vào văn phòng của họ với một đề xuất rất thú vị, và những lời đầu tiên thốt ra từ miệng họ sẽ là: “Để tôi giải thích tại sao cách đó sẽ không hiệu quả đâu”.

“Để tôi giải thích tại sao cách đó sẽ không hiệu quả đâu” là một phản ứng tiêu cực thuần túy – núp dưới lớp vỏ bọc muốn giúp đỡ người khác.

Chúng ta nói ra những lời như vậy (hoặc những câu tương tự như “Vấn đề duy nhất với điều đó là…”) để thể hiện chuyên môn/ quyền hạn của bản thân vượt trội hơn người khác.

Nó không có nghĩa là những gì ta nói là đúng hay hữu ích. Đó chỉ đơn giản là một cách tự đặt mình trở thành “trọng tài”/chuyên gia phê bình cấp cao.

Vấn đề ở đây là không ai thích hoặc tôn trọng những người chỉ trích mình. Người khác sẽ cảm thấy khó chịu với bạn. Và theo thời gian, họ coi bạn như một loại “dịch bệnh” cần né tránh. Họ ngừng làm việc chung và từ chối giúp đỡ bạn khi cần.

Nếu sự tiêu cực là thói quen xấu trong công việc của bạn, tốt nhất bạn nên chú ý đến những lời nói của mình – ngay khi ai đó đưa ra một gợi ý hữu ích cho bạn. Nếu thấy mình thường xuyên phản ứng lại như sau: “Hãy để tôi cho bạn biết lý do tại sao cách đó không hiệu quả đâu”, bạn biết mình cần phải thay đổi như thế nào.

9. Không chia sẻ thông tin

Việc cố ý giấu thông tin là ngược lại với việc mang lại giá trị. Mục đích của hành vi đó chỉ có một: Quyền lực. Quay lại, đó là biểu hiện của mong muốn chiến thằng bằng mọi giá, một cách tinh vi hơn.

Vấn đề của việc “giấu nghề“, không chia sẻ thông tin là nó hiếm khi giúp bạn đạt được kết quả mong muốn. Bạn có thể nghĩ rằng bạn đang duy trì lợi thế và củng cố quyền lực cho bản thân, nhưng thực ra bạn đang nuôi dưỡng sự ngờ vực trong nội bộ tổ chức.

Để thực sự có được quyền lực, bạn cần khơi dậy lòng trung thành – thay vì sự sợ hãi và nghi ngờ. Giấu thông tin không gì khác hơn là một biểu hiện sai lệch của nhu cầu chiến thắng bằng mọi giá.

Thói quen xấu này không chỉ dừng lại ở việc cố ý từ chối chia sẻ thông tin – mà còn là khi ta vô tình không chia sẻ với người khác:

  • Khi bản thân quá bận rộn để thông báo với đồng nghiệp những thông tin có giá trị.
  • Khi ta quên mời một thành viên trong nhóm tham gia các cuộc họp/ thảo luận chung.
  • Khi ta giao một nhiệm vụ cho cấp dưới – nhưng không dành thời gian để trình bày cho họ thấy chính xác mình muốn công việc được thực hiện như thế nào.

Ở đây, không phải là ta muốn giấu giếm gì. Đơn giản là vì ta quá bận rộn. Tuy có ý định tốt, nhưng cuối cùng hình ảnh của ta trong mắt những người xung quanh là một ấn tượng rất “xấu xí”.

Làm thế nào để từ bỏ thói quen xấu này?

Câu trả lời rất đơn giản: Bạn hãy bắt đầu chia sẻ với mọi người.

Nếu bạn là người quản lý / trưởng nhóm, hãy dành một khoảng thời gian trong ngày làm việc để cập nhật thông tin cho các thành viên trong nhóm. Sắp xếp thời gian để chia sẻ với các trợ lý về những gì bạn đang làm. Đừng để khoảng thời gian đó bị hoãn hay gián đoạn bởi bất kỳ cuộc gọi nào.

10. Không ghi nhận đóng góp của người khác đúng mực

Đây là một biến thể của thói quen giấu thông tin. Khi không ghi nhận đóng góp của người khác vào thành công của nhóm, bạn không chỉ gieo rắc sự bất công và phân biệt đối xử – mà còn “tước đi” phần thưởng về phương diện cảm xúc mà mọi người xứng đáng được nhận.

Nhân viên của bạn không còn cảm thấy vui mừng với thành công hoặc những lời chúc mừng của bạn. Thay vào đó, họ cảm thấy bị lãng quên, phớt lờ, bị đẩy sang một bên. Và họ sẽ không quên điều đó.

Khi không công nhận đóng góp của người khác, bạn đang gián tiếp “tầm thường hóa” thành tích của họ. Đội nhóm của bạn có thể thành công – nhưng không ai cảm thấy vui mừng về điều đó.

Có một sự khác biệt cơ bản giữa một người thành công và một nhà lãnh đạo. Những người thành công chỉ thực sự trở thành nhà lãnh đạo – khi họ học được cách chuyển trọng tâm sự chú ý từ bản thân sang người khác.

nhà lãnh đạo thực sự

11. Giành công trạng của người khác

Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy rằng thói quen xấu trong công việc này cũng lại là một biến thể khác của mong muốn chiến thắng trong mọi tình huống.

Khi cần xác định chính xác ai là người đóng góp chính trong một cuộc họp – hoặc ai đã có công chính trong việc duy trì mối quan hệ với khách hàng trong một giai đoạn khó khăn, thật khó để phân định người nào xứng đáng được khen thưởng.

Hệ quả là, đứng trước lựa chọn giữa việc giành công trạng cho chính mình – hay để nó vuột về tay người khác, chúng ta dễ dàng rơi vào cái bẫy ảo tưởng về thành công – và tự nhận thành tích thuộc về mình.

Không thể nói trước được một đội nhóm sẽ đi về đâu – khi không ai quan tâm đến việc người nào sẽ được công nhận thành tích. Tất cả chúng ta đều biết rõ điều này. Vậy tại sao ta không đáp lại khi có người khác xứng đáng với công lao của họ?

Cách tốt nhất để từ bỏ thói quen xấu cướp công là làm điều ngược lại – chia sẻ với mọi người.

Trong một ngày, bạn hãy thử hồi tưởng lại mỗi khi bạn tự chúc mừng bản thân về một thành tích nào đó. Sau đó viết thành tích đó ra.

Trong phần lớn trường hợp, bạn hẳn sẽ thấy bản thân có xu hướng tự nhận công trạng cho chính mình thường xuyên hơn những gì bạn nghĩ – từ việc nảy ra một ý tưởng lớn cho khách hàng, đến việc đi họp đúng giờ, hay đưa ra một đề xuất “thông minh” cho đồng nghiệp.

Không có gì là sai với những suy nghĩ này. Niềm vui mà ta có được từ “màn trình diễn” của chính mình là động lực giúp bản thân vượt qua một ngày dài làm việc đầy khó khăn.

Sau khi đã hoàn thành danh sách thành tích của mình, hãy dừng lại và tự hỏi bản thân xem: Liệu đó có thực sự là thành tích của bạn – hay một người khác mới xứng đáng với nó hơn?

Nếu bạn nảy ra một ý tưởng hay trong cuộc họp, liệu có phải nó xuất phá từ khả năng tư duy của bạn? Hay nó được truyền cảm hứng bởi một nhận xét sâu sắc từ một thành viên khác?

12. Tự bào chữa chính mình

Nếu bạn vẫn thường hay nói những câu như: “Tôi xin lỗi đã đến trễ – nhưng nãy bị kẹt xe quá”, hãy dừng lại ngay ở vế đầu tiên. Đổ lỗi cho hoàn cảnh (kẹt xe) là một cái cớ “khập khiễng” – và không thể phủ nhận thực tế là bạn đã khiến mọi người phải chờ đợi. Đáng lý ra, bạn nên khởi hành từ sớm hơn.

Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Bạn đến trước giờ hẹn và phải đợi vài phút ở sảnh? Bạn có thực sự lo lắng về việc phải nói: “Tôi xin lỗi đã đến sớm – nhưng vì nãy tôi khởi hành quá sớm, và giao thông không tệ như tôi dự đoán.”

Chúng ta thường cho rằng những thói quen xấu trong công việc của mình là bản tính vĩnh viễn của bản thân. Chúng ta tự cho rằng mình có những khiếm khuyết bẩm sinh – không bao giờ thay đổi được.

“Tôi là người thiếu kiên nhẫn.”

“Tôi luôn để công việc đến phút chót mới xử lý.”

“Tôi rất hay nóng nảy. Con người của tôi là như vậy”.

Những định kiến cá nhân trên đây thường bắt nguồn từ một vấn đề lặp đi lặp lại trong nhiều năm – có thể ngay từ thời thơ ấu. Những định kiến đó có thể không có cơ sở trên thực tế, nhưng chúng đã in sâu vào não bộ của ta. Hệ quả là ta tự hình thành cho chính mình những kỳ vọng thấp kém về bản thân.

Lần tới khi bạn thấy chính mình nói, “Tôi không giỏi về khoản…”, hãy tự hỏi bản thân: “Tại sao lại không?”.

Nếu có thể ngừng bào chữa cho bản thân, chúng ta có thể tiến bộ hơn ở bất kỳ mọi lĩnh vực nào.

13. Bám víu vào quá khứ

Có một trường phái tâm lý học giải thích về hành vi sai lầm dựa trên quá khứ của từng cá nhân: “Mọi rối loạn đều có nguyên nhân từ lịch sử xa xưa.”

Nếu bạn là người cầu toàn hoặc luôn muốn được người khác chấp nhận, đó là bởi vì cha mẹ chưa bao giờ công nhận năng lực của bạn.

Nếu bạn luôn coi thường các quy tắc và cảm thấy mình chẳng bao giờ làm gì sai, đó là bởi vì cha mẹ đã quá quan tâm và “thổi phồng” năng lực của bạn.

Nếu bạn cảm thấy sợ hãi khi tiếp xúc với những nhân vật có thẩm quyền, đó là bởi vì bạn có một người mẹ luôn tìm cách kiểm soát hành vi của con cái.

Vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta thường thích sống trong quá khứ – đặc biệt nếu điều đó giúp ta đổ lỗi cho người khác về bất cứ thói quen xấu nào trong công việc và cuộc sống của mình. Và đó là lúc chúng ta đang tự “hủy hoại” cơ hội phát triển và thành công của bản thân.

Khi tự bào chữa, chúng ta đang đổ lỗi cho ai đó/ điều gì đó ngoài tầm kiểm soát của mình – rằng đó mới là lý do khiến ta thất bại, chứ không phải bản thân ta.

Dù rằng suy niệm về những gì đã qua là điều cần thiết với hành trình phát triển của mỗi cá nhân, sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi cứ đắm chìm trong quá khứ – nếu mục tiêu của bạn là thay đổi tương lai.

Không ai có thể thay đổi, viết lại hay bào chữa cho quá khứ. Tất cả những gì ta có thể làm là chấp nhận và bước đi tới.

14. Đối xử thiếu công minh

Chúng ta không thể nhìn thấy nơi chính mình những gì chúng ta thấy quá rõ ràng ở người khác.

Trong một buổi executive coaching, chuyên gia Marshall Goldsmith từng hỏi một nhóm lãnh đạo:

“Ở nhà bạn, ai là người chiếm được cảm tình của bạn nhất? (a) Vợ/chồng; (b) con cái của bạn; hay (c) con chó của bạn?”

Đáp án (c) – con chó – chiếm hơn 80% câu trả lời ông nhận được.

Sau đó, ông hỏi khán giả rằng liệu họ có yêu con chó của mình hơn các thành viên trong gia đình hay không. Và – như bạn có thể dự đoán – tất cả mọi người đều nói là “Không”.

Câu hỏi tiếp theo: “Vậy tại sao bạn lại dành sự chú ý cho con chó của bạn nhiều nhất?”

Tất cả các câu trả lời đều tương tự như nhau:

“Con chó luôn vui vẻ khi gặp tôi.”

“Con chó không bao giờ phản bác lại những gì tôi nói.”

“Con chó dành cho tôi tình yêu vô điều kiện, bất kể tôi làm điều gì.”

đối xử như với chó

Nếu không cẩn thận, chúng ta cũng sẽ hành xử tương tự tại nơi làm việc: Khen thưởng cho ai thể hiện sự ngưỡng mộ vô điều kiện đối với mình – giống như một con chó. Và khi đó, điều gì sẽ xảy ra? Một nền văn hóa xu nịnh sẽ từ đó được “cổ võ” phát triển trong doanh nghiệp.

Bạn đang khuyến khích những hành vi có lợi cho bạn, nhưng không thực sự mang lại lợi ích cho tổ chức.

Ý thức điều này, người lãnh đạo trước tiên cần thừa nhận rằng: Tất cả chúng ta đều có xu hướng ưu ái những ai yêu thích mình, ngay cả khi bản thân không cố ý làm điều đó. Rằng thói quen xấu trong công việc này không chừa một ai cả.

Tiếp theo, hãy thử phân loại các nhân viên dưới quyền của mình theo 3 tiêu chí sau:

  1. Họ thích tôi đến mức nào?
  2. Đóng góp của họ cho công ty và khách hàng là gì?
  3. Tôi thể hiện sự công nhận của tôi dành cho họ như thế nào?

Nếu thực lòng với bản thân, bạn sẽ nhận thấy xu hướng công nhận đóng góp của người khác có mối liên quan mật thiết với sự ngưỡng mộ của họ dành cho ta – hơn là hiệu quả làm việc thực sự của họ. Và ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi đối xử thiên vị đó.

15. Từ chối xin lỗi

Nếu nhìn lại những mối quan hệ rạn nứt trong cuộc đời mình, hẳn bạn sẽ thấy xích mích thường xảy ra khi một trong các bên không đủ khả năng kiểm soát cảm xúc cá nhân để nói: “Tôi xin lỗi.”

Điều trớ trêu ở đây là, những nỗi sợ hãi khiến chúng ta không muốn xin lỗi – sợ trở thành người thua cuộc, sợ phải thừa nhận mình sai, sợ bị mất quyền kiểm soát – sẽ đều được xóa bỏ chỉ bằng một lời xin lỗi.

Khi bạn đủ can đảm nói: “Tôi xin lỗi”, bạn đang biến đối phương thành đồng minh, thậm chí là đối tác của mình.

Với những ai từng tìm hiểu về luật hấp dẫn, hẳn bạn sẽ đồng ý rằng “gieo gì thì gặt nấy”.

Nếu bạn mỉm cười với mọi người, họ sẽ mỉm cười đáp lại.

Nếu bạn phớt lờ họ, họ sẽ tỏ ra bực bội với bạn.

Nếu bạn đặt số phận của mình vào tay họ – chấp nhận để họ là người nắm quyền trong cuộc đối thoải – họ sẽ đền đáp lại cho bạn.

“Nếu muốn biến một người thành bạn, hãy để anh ta làm điều gì giúp đỡ bạn.”

Benjamin Franklin

Xin lỗi là một trong những cử chỉ mạnh mẽ và đáng quý nhất của con người – cũng tương tự như khi bạn nói lời yêu thương với một người. Nếu tình yêu có nghĩa là “Tôi quan tâm đến bạn và tôi hạnh phúc về điều đó”, thì lời xin lỗi có nghĩa là “Tôi đã làm tổn thương bạn – và tôi hối tiếc về điều đó”.

Thật khó để ngay cả người lạnh lùng nhất trong chúng ta cưỡng lại cử chỉ thân thiện này. Và khi áp dụng với đồng nghiệp, lời xin lỗi của bạn sẽ thay đổi sâu sắc cảm nhận của họ về bạn và chính mình.

Đọc thêm: Feedforward – Phương pháp phản hồi thời hiện đại

16. Không biết lắng nghe

Marshall Goldsmith đã từng làm việc với nhóm giám đốc điều hành của một trong những tổ chức nghiên cứu và phát triển hàng đầu thế giới. Vào thời điểm đó, giữ chân nhân tài trẻ là một vấn đề “nan giải” mà đơn vị đang gặp phải.

Sau một thời gian tìm hiểu, nguyên nhân của vấn đề nhanh chóng trở nên sáng tỏ. Trong các buổi thuyết trình, các thành viên trong ban quản lý cấp cao đã hình thành thói quen xấu là luôn nhìn vào đồng hồ, ra hiệu cho cấp dưới nói thật nhanh và lặp đi lặp lại: “Qua trang sau. Qua trang sau đi”.

Qua thời gian, các giám đốc điều hành đã dần nhận thức ra vấn đề – khi những tài năng trẻ cứ lần lượt nộp đơn nghỉ việc. Ngày nay, người lao động có quyền lựa chọn làm việc trong các công ty khởi nghiệp nhỏ – hoặc tự mình khởi nghiệp. Họ không nhất thiết phải gắn bó với một công ty lớn với điều kiện làm việc ngặt nghèo. Họ có thể được tận hưởng môi trường làm việc thoải mái – và trở nên giàu có ngay từ khi còn rất trẻ.

Một thực tế mà các nhà lãnh đạo cần thừa nhận là: Trong quá khứ, người lao động tài năng thường chấp nhận bỏ qua các thói quen xấu trong công việc của cấp lãnh đạo. Nhưng trong tương lai, họ sẽ lựa chọn ra đi để tìm kiếm một môi trường khác!

Khi không biết lắng nghe, bạn cũng đồng thời đang gửi đến đối phương một loạt các thông điệp tiêu cực như:

  • Tôi không quan tâm đến bạn.
  • Tôi không hiểu bạn.
  • Bạn sai rồi.
  • Bạn ngốc quá.
  • Bạn đang lãng phí thời gian của tôi.

Mọi người sẽ chấp nhận bỏ qua nhiều hành vi thô lỗ, nhưng không biết lắng nghe là một trong những cử chỉ khó chấp nhận nhất – đơn giản vì chẳng có gì khó khăn để một người chịu khó lắng nghe người khác.

Khi bạn thấy mình có xu hướng “đánh trống lảng” khi người khác trình bày, hãy dừng việc đó lại ngay. Ngừng thể hiện sự thiếu kiên nhẫn khi lắng nghe người khác nói. Thói quen xấu này không chỉ thể hiện sự thô lỗ và khó chịu, mà còn chắc chắn sẽ “tạo động lực” để nhân viên của bạn đi tìm một người quản lý khác quan tâm tới họ hơn.

Đọc thêm: Lắng nghe tích cực – 6 kỹ năng cần thiết cho nhà lãnh đạo

17. Không bày tỏ lòng biết ơn

Cũng giống như xin lỗi, lời cảm ơn là một cử chỉ vô cùng “kỳ diệu” trong mối quan hệ giữa người với người. Đó là điều bạn nên nói khi không biết phải nói gì – và nó sẽ không bao giờ khiến người nghe khó chịu.

Thế nhưng, chúng ta vẫn luôn gặp khó khăn khi thực hiện một hành động đơn giản như vậy. Chúng ta không biết nói lời cảm ơn – ngay cả trong những tình huống rõ ràng nhất.

Bạn đã từng bao giờ gặp phải trường hợp này chưa? Tại một bữa tiệc, bạn nhìn thấy người hàng xóm bận một chiếc váy tuyệt đẹp – và nói với cô ấy, “Trông bạn thật tuyệt. Chiếc váy đẹp làm sao!”

Thay vì nói lời cảm ơn, người kia tỏ ra bối rối. “Ồ, cái đồ này hả? Nó chỉ là một món rất tầm thường mà tôi lấy đại trong tủ áo ra thôi.”

Bạn vừa dành cho người hàng xóm một lời khen ngợi, và cô ấy đáp trả bằng cách tranh cãi với bạn! Ý cô ấy muốn nói là: “Bạn nhầm rồi khi cho rằng cái váy này đẹp. Nó chẳng là gì hết so với những chiếc váy thực sự đẹp khác trong tủ của tôi. Nếu thông minh hơn, bạn sẽ biết rằng chiếc giẻ cũ thảm hại này chẳng nói lên gì về óc thẩm mỹ của tôi cả. “

Tất nhiên, người hàng xóm của bạn thường không có ý gay gắt như vậy. Nhưng đó là ấn tượng của bạn – khi cô ta không đáp lại lời khen của bạn bằng một tiếng cảm ơn.

Chúng ta thường có xu hướng bối rối, không biết trả lời ra sao – khi nhận được một đề xuất hữu ích, một lời khen ngợi, hay một lời khuyên không mong muốn. Có quá nhiều cách để phản ứng lại. Bạn có thể tranh cãi, đặt câu hỏi, tinh chỉnh, làm rõ, chỉ trích, khuếch đại nó. Bất kỳ điều gì – ngoại trừ hai tiếng “Cảm ơn”.

Khi ai đó đề xuất một ý tưởng mới, bạn chắc chắn sẽ LUÔN LUÔN học hỏi thêm một điều gì. Vì vậy, hãy cảm ơn họ đã cố gắng giúp đỡ bạn.

Việc thể hiện lòng biết ơn nói lên thiện ý của bạn – sẵn sàng bỏ qua một bên khao khát chiến thắng và khẳng định chính mình trong mọi hoàn cảnh.

18. Giận cá chém thớt

Đây là một thói quen xấu mà ta thường phạm phải – dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đó không chỉ đơn thuần là hành động trả đũa vô cớ đối với một người “tố cáo” sai phạm của mình – hoặc sự tức giận mà ta dồn lên nhân viên, khi họ nói một điều gì đó mà ta không thích nghe.

Thói quen xấu này còn thể hiện qua những cử chỉ tưởng như rất nhỏ nhặt – mà ta vẫn làm khi cảm thấy khó chịu hoặc thất vọng.

Đó là tiếng khịt mũi khó chịu nhất thời – khi trợ lý của sếp thông báo rằng sếp quá bận nên không thể gặp bạn. Việc sếp né tránh bạn không phải là lỗi của người trợ lý. Nhưng bạn lại đang tạo ấn tượng với người trợ lý rằng đây là lỗi của họ – khi thể hiện ra như vậy.

Đó là tiếng chửi thề mà bạn vô tình không để ý – khi cấp dưới thông báo rằng về một hợp đồng bị thất bại. Nếu bạn bình tĩnh hỏi, “Chuyện gì đã xảy ra?”, không ai bị tổn thương cả. Cấp dưới sẽ giải thích những gì đã xảy ra – và mọi người trong phòng sẽ có cơ hội học hỏi từ đó. Tuy nhiên, hành động mất bình tĩnh của bạn sẽ gửi đi một tín hiệu hoàn toàn khác.

Mỗi khi người khác cảnh báo chúng ta về điều gì đó – ví dụ: phía trước có đèn đỏ, hay trang phục của ta không khớp với mọi người, xu hướng chung của ta là phản ứng lại/ tranh luận với họ – chỉ vì họ đã cố gắng giúp đỡ mình.

Nếu mục tiêu của bạn là từ bỏ thói quen xấu trong công việc này, tất cả những gì bạn cần nói chỉ là hai tiếng “Cảm ơn”.

Khi ai đó nói một điều gì đó hữu ích và không tốn của bạn điều gì, bạn chỉ có một câu trả lời thích đáng là: “Cảm ơn!”

Lần tới nếu ai đó đưa ra lời khuyên hoặc “giúp đỡ” điều gì, đừng giận cá chém thớt. Đừng nói hay suy nghĩ gì cả – ngoài hai tiếng “Cảm ơn!”

19. Đổ lỗi cho người khác

Đổ lỗi là một phương diện khác của thói quen giành công trạng của người khác. Thay vì tước đoạt vinh quang chính đáng của họ, chúng ta lại khiến họ phải chịu đựng sự xấu hổ vì thất bại của chúng ta.

Khác với phần lớn thói quen xấu phía trên, chúng ta thường ý thức rất rõ hành vi đổ lỗi của mình. Chúng ta biết mình phải gánh chịu trách nhiệm cho thất bại của bản thân, nhưng lại không thể chấp nhận điều đó. Vì vậy, ta đi tìm một người khác để gánh lấy trách nhiệm này.

Thế nhưng, hẳn bạn biết rõ – sự hoàn hảo chỉ là một giấc mộng viển vông. Không ai mong đợi bạn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Nhưng khi bạn phạm sai lầm, ai cũng mong muốn bạn tự nhận lỗi về điều đó.

Theo nghĩa đó, sai lầm cũng đồng thời là một cơ hội – cơ hội để thể hiện bạn là con người như thế nào, có tố chất lãnh đạo ra làm sao.

Người tiêu dùng không đánh giá cao dịch vụ của doanh nghiệp ở những gì bạn làm đúng (lẽ đương nhiên, họ mong đợi điều đó) – mà ở cách doanh nghiệp hành xử khi cần sửa chữa sai phạm.

Điều tương tự cũng diễn ra ở nơi làm việc. Việc bạn sẵn sàng đối mặt với những sai lầm của mình sẽ gây ấn tượng lớn hơn so với cách bạn “chìm đắm” trong thành công của bản thân.

20. Quan trọng hóa việc “sống thực với chính mình”

Mỗi người trong chúng ta đều có một danh sách hành vi – cả tích cực và tiêu cực – mà ta xác định là cấu thành cái “tôi” của chính mình. Chúng ta coi nói như một phần của bản ngã bất biến, không thể thay đổi.

Nếu ta là kiểu người thường xuyên gặp khó khăn khi trả lời điện thoại – dù đó là vì lý do quá bận rộn hay không quen giao tiếp – ta tự cho rằng điều đó không có gì khác thường cả. “Này, tôi là như vậy đó. Hãy chấp nhận đi.”

Nếu ta luôn bày tỏ ý kiến của mình – bất kể điều đó có thể gây tổn thương hay vượt ra khỏi quy tắc ứng xử chung không, đó là do chúng ta đang sống thực với chính mình.

Theo thời gian, ta bắt đầu mất đi ý thức về những thiếu sót của bản thân – đơn giản bởi vì ta nghĩ đó mới là con người thực của mình. Sự tin tưởng sai lầm đối với bản chất thật của chúng ta đó là một trong những trở ngại lớn nhất trên hành trình thay đổi hành vi để trở nên thành công.

Vấn đề ở đây là: Bạn không nhất thiết phải giới hạn bản thân trong những niềm tin như vậy.

Giả sử, bạn là một người quản lý hiếm khi công nhận thành tích của nhân viên – bởi vì bạn không muốn trông giống như một kẻ giả tạo. Khi phải khen ngợi một ai đó, ý nghĩ trong đầu của bạn là: “Đây không phải con người thực của tôi.”

Bây giờ, hãy tự hỏi bản thân một vài câu hỏi sau:

“Tại sao đây không thể là con người thật của tôi? Làm như vậy có trái đạo đức hay pháp luật không?”

“Liệu làm như vậy có khiến mọi người cảm thấy vui vẻ hơn không?”

“Liệu nhân viên của bạn có làm việc tốt hơn khi được công nhận thành tích không?”

Nếu bạn có thể từ bỏ nhu cầu “sống thực với chính mình” này, bạn sẽ không thấy mình là một kẻ giả tạo. Khi đó, bạn có thể ngừng nghĩ về bản thân – và bắt đầu hành xử theo cách có lợi cho mọi người.

Bạn không phải là trung tâm duy nhất của thế giới. Trong mọi hoàn cảnh, hãy luôn nhớ đến cảm nhận của người khác về những gì bạn làm.

Từ bỏ thói quen xấu trong công việc – Bí quyết của nhà lãnh đạo thành đạt

Ở các vị trí cấp cao trong tổ chức, kỹ năng, tư duy và kiến thức chuyên môn không còn là điều doanh nghiệp phải quan tâm nữa. Thay vào đó, hành vi và thái độ trở thành trọng tâm cho các chương trình phát triển lãnh đạo.

Hãy thử hình dung, bạn sẽ muốn ai trong hai người dưới đây đóng vai trò CFO của công ty?

  • Một kế toán giỏi có kỹ năng giao tiếp tối với những người bên ngoài công ty – cũng như biết quản lý những nhân viên tài năng?
  • Hay một kế toán xuất sắc nhưng không thể hòa nhập với người ngoài và xa lánh tất cả những nhân tài dưới quyền anh ta?

Chắc không khó để bạn có câu trả lời. Người có kỹ năng con người tốt sẽ được lựa chọn – một phần là vì anh ta sẽ có thể thuê những người thông minh hơn mình và lãnh đạo họ. Không có gì đảm bảo rằng một kế toán thuần chuyên môn có thể làm được điều tương tự trong tương lai.

Tất cả chúng ta đều sở hữu những đặc tính nhất định – giúp chúng ta đạt được những thành công đầu tiên trong sự nghiệp. Nhưng khi cần vươn lên cao hơn, đôi khi chính những tính cách đó sẽ cần được từ bỏ – để thay bằng những phẩm chất tinh tế hơn.

từ bỏ thói quen xấu trong công việc

Lời kết

Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn đọc có cơ hội “đối chiếu” vào cuộc sống và sự nghiệp của mình – để từ đó nhận ra những thói quen xấu trong công việc đang cản trở chúng ta phát triển chính mình, cải thiện mối quan hệ và thăng tiến trong sự nghiệp. Nếu bạn đọc quan tâm và muốn học hỏi thêm, vui lòng tham khảo các khóa đào tạo kỹ năng quản trị và lãnh đạo của ITD World – thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước với hàng chục năm kinh nghiệm phát triển lãnh đạo trên trường quốc tế.

Có thể bạn quan tâm:

Tham khảo

20 Behaviors Even the Most Successful People Need to Stop. https://marshallgoldsmith.com/articles/teaching-leaders-what-to-stop/. Truy cập ngày 28/05/2022.

ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.comitdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.

BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!

Facebook
LinkedIn

[FREE EBOOK] 7 nguyên tắc vàng trong coaching

Tổng hợp 7 nguyên tắc coaching cơ bản - nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp đạt đến thành công đột phá.

[FREE EBOOK] 7 nguyên tắc vàng trong coaching

Tổng hợp 7 nguyên tắc coaching cơ bản - nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp đạt đến thành công đột phá.

Trước khi bạn chuyển sang đọc bài khác…

Đừng quên dành thời gian tìm hiểu các khóa đào tạo lãnh đạo của ITD bạn nhé!

Với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi hiểu rõ những nhu cầu và băn khoăn của lãnh đạo doanh nghiệp – trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Nhằm đáp ứng những trăn trở đó, ITD đã và đang không ngừng thiết kế các chương trình đào tạo quản lý mới – được xây dựng và phụ trách bởi các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin

Cập nhật các tin tức mới nhất về chủ đề Coaching, Lãnh đạo & Quản trị nhân sự - biên soạn bởi đội ngũ ITD Vietnam và các chuyên gia của ITD World - cũng như các chương trình đào tạo và hội thảo kỹ năng lãnh đạo sắp tới của ITD Vietnam.