Lãnh đạo sáng tạo thể hiện khi nhà quản lý hướng đến năng lực đổi mới, phá vỡ các khuôn mẫu thông thường để tạo ra các giải pháp đột phá.
Theo phương thức truyền thống, lãnh đạo sẽ tập trung vào sự ổn định và kiểm soát để duy trì nguyên trạng. Phương thức này được định hình thông qua quá trình ra quyết định theo thứ bậc và các cấu trúc cứng nhắc. Mặc dù hiệu quả trong thời kỳ thị trường có thể dự đoán được và tăng trưởng ổn định, nhưng những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, toàn cầu hóa và sự phức tạp ngày càng tăng của doanh nghiệp đã thúc đẩy nhu cầu thay đổi trong việc lãnh đạo người khác. Trong bối cảnh đó, phương thức lãnh đạo sáng tạo xuất hiện như một hướng đi mới dành cho các nhà lãnh đạo vẫn đang loay hoay tìm cách tiếp cận những thách thức của thế kỷ.
Nội dung
Lãnh đạo sáng tạo là gì?
Lãnh đạo sáng tạo là khi các nhà lãnh đạo tận dụng sự sáng tạo, đổi mới và phá vỡ các khuôn mẫu thông thường để tạo ra bước đột phá. Điều này rất quan trọng khi mà động lực kinh doanh và tổ chức luôn biến thiên. Các nhà lãnh đạo thành công trong đón đầu những thay đổi này là nhân tố trọng yếu để liên tục nhận được “quả ngọt”.
Một phương pháp tiếp cận năng động và nhanh nhẹn, phong cách quản lý này hoàn toàn trái ngược với các mô hình thông thường. Lãnh đạo truyền thống dựa vào các phương pháp đã được thử nghiệm và kiểm chứng, thường chống lại sự thay đổi. Ngược lại, lãnh đạo sáng tạo đòi hỏi sự đổi mới, thử nghiệm và khả năng thích ứng để phát triển mạnh mẽ trong các thách thức và tính linh hoạt. Theo đó, các nhà lãnh đạo trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi, truyền cảm hứng cho những người khác thách thức các chuẩn mực và tiên phong trong các phương pháp/giải pháp mới.
Lịch sử của lý thuyết lãnh đạo sáng tạo
Khái niệm về lãnh đạo sáng tạo đã được nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia khác nhau nghiên cứu và phát triển trong nhiều năm. Kỷ nguyên Phẩm cách (những năm 1840–1940) đã đặt nền móng. Với thuyết Nhân loại vĩ đại, Thomas Carlyle cho rằng lịch sử được định hình bởi những cá nhân có khả năng lãnh đạo bẩm sinh. Theo thời gian, các thuyết về phẩm chất tìm cách xác định các đặc điểm cụ thể như trí thông minh, trí tưởng tượng và sức hút định hình nên khả năng lãnh đạo.
Kỷ nguyên Hành vi (những năm 1950–1960) đánh dấu sự thay đổi mô hình bằng cách chuyển hướng sự chú ý từ các đặc điểm bẩm sinh sang các hành vi và hành động có thể quan sát được. Năm 1957, Paul Torrance đã giới thiệu thuật ngữ “lãnh đạo sáng tạo”. Ông định nghĩa đó là khả năng kích thích và dẫn dắt các nỗ lực sáng tạo của một nhóm hoặc tổ chức. Mô hình của Torrance xác định bốn yếu tố – thiết lập không gian, tìm ra vấn đề, tạo ra ý tưởng và triển khai giải pháp – từ đó làm sáng tỏ thêm các hành vi liên quan đến khả năng lãnh đạo hiệu quả.
Chuyển sang Kỷ nguyên Tình huống (những năm 1970–1980), các nhà nghiên cứu bắt đầu thừa nhận rằng khái niệm này tùy thuộc vào bối cảnh, thay đổi tùy theo tình huống, vấn đề, nhiệm vụ và môi trường. Thuyết tình huống, thuyết đường dẫn đến mục tiêu và thuyết lãnh đạo tình huống có ảnh hưởng trong giai đoạn này, nhấn mạnh nhu cầu điều chỉnh phương cách quản lý theo đặc điểm của người đồng sự và các yếu tố bối cảnh.
Kỷ nguyên Lãnh đạo Mới (những năm 1990–nay) hình thành để ứng phó với sự phức tạp của thế giới hiện đại, đòi hỏi sự lãnh đạo sáng tạo và có tầm nhìn xa. Lãnh đạo chuyển đổi, lãnh đạo thu hút, lãnh đạo có tầm nhìn xa và lãnh đạo đích thực đã trở thành những thuyết nổi bật trong kỷ nguyên này. Tất cả đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo sáng tạo trong việc truyền cảm hứng, thúc đẩy và trao quyền cho những người khác làm việc hướng tới một tầm nhìn chung và thúc đẩy sự thay đổi tích cực.
Sự khác nhau giữa lãnh đạo sáng tạo với các phong cách lãnh đạo khác
Khía cạnh | Lãnh đạo sáng tạo | Phong cách khác |
Tập trung | Đưa ra các ý tưởng và giải pháp mới, thúc đẩy đổi mới | Duy trì hiệu quả, tính ổn định và tuân thủ các cấu trúc hiện có |
Ra quyết định | Hợp tác, cởi mở với nhiều quan điểm khác nhau, sẵn sàng thử nghiệm | Từ trên xuống, theo thứ bậc, dựa vào các phương pháp và chuyên môn đã được thiết lập |
Khả năng chấp nhận rủi ro | Cao, chấp nhận rủi ro được dự tính để có những đột phá tiềm năng | Thấp, ưu tiên tránh sai lầm và giảm thiểu sự không chắc chắn |
Động lực | Nội tại, tập trung vào sự phát triển, ý nghĩa và sự hoàn thiện của cá nhân | Ngoại sinh, dựa vào phần thưởng, hình phạt và sự công từ xung quanh |
Môi trường làm việc | Cởi mở, linh hoạt, khuyến khích, vui tươi | Có cấu trúc, kỷ luật, có thể dự đoán, được kiểm soát |
Vai trò của lãnh đạo | Người dẫn dắt, coach, cố vấn, người truyền cảm hứng | Người chỉ huy, người kiểm soát, người chỉ đạo, người ra quyết định |
Tầm quan trọng của sự sáng tạo trong lãnh đạo
Trong thế giới biến chuyển nhanh chóng hiện nay, sự sáng tạo không còn xa lạ đối với các nhà lãnh đạo nữa; đó là một “nhu cầu sống còn” – một phẩm chất bắt buộc phải có của các nhà lãnh đạo hiệu quả, để thúc đẩy một môi trường làm việc thành công và lành mạnh.
- Điều hướng sự không chắc chắn và gián đoạn. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và khó đoán trước, các phương thức truyền thống dường như là không đủ. Trong những tình huống như vậy, các nhà lãnh đạo sở hữu tư duy sáng tạo luôn sẵn sàng vượt qua các giới hạn thông thường. Khả năng suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ cho phép họ thích nghi nhanh chóng với các hoàn cảnh đang thay đổi và đưa ra các giải pháp sáng tạo cho những thách thức mới. Do đó, sự sáng tạo nổi lên như một công cụ quan trọng để các nhà lãnh đạo điều hướng sự phức tạp của một tương lai không chắc chắn.
- Mở ra cơ hội cho sự đổi mới và phát triển. Các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa sở hữu khả năng hình dung ra một tương lai tốt đẹp hơn, mang đến các giải pháp thay thế và truyền cảm hứng cho những người khác. Bằng cách nắm bắt sự sáng tạo, các nhà lãnh đạo có thể thích nghi với các hoàn cảnh thay đổi, vượt qua thách thức và đón nhận những khả năng mới.
- Tăng cường động lực và sự gắn kết. Các nhà lãnh đạo sáng tạo có khả năng kích thích và dẫn dắt những nỗ lực sáng tạo của đội nhóm. Bằng cách thúc đẩy văn hóa khuyến khích mọi người đóng góp ý tưởng và cảm thấy được coi trọng, họ đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy sự hài lòng, năng suất và hiệu suất của nhân viên. Khả năng tạo ra một môi trường nơi sự độc đáo của cá nhân được công nhận và tôn vinh góp phần tạo nên lực lượng lao động có động lực và gắn kết.
- Cải thiện khả năng giải quyết vấn đề và ra quyết định. Các nhà lãnh đạo sáng tạo tận dụng trí tưởng tượng, trực giác và logic của mình để phân tích các tình huống phức tạp. Họ tài tình trong việc xác định nguyên nhân gốc rễ của các trở ngại và tìm ra giải pháp tối ưu. Hơn nữa, khả năng tạo ảnh hưởng, thuyết phục và giao tiếp của họ cho phép họ thực hiện các ý tưởng của mình một cách hiệu quả, thúc đẩy hành động và thúc đẩy sự thay đổi có ý nghĩa.
Các động lực chính cho lãnh đạo sáng tạo tại nơi làm việc
- Toàn cầu hóa: Các nhà lãnh đạo cần đối mặt với nhu cầu hiểu rõ hơn cũng như quản lý văn hóa và hoạt động đa dạng tốt hơn khi các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng trên toàn thế giới. Họ được kêu gọi điều chỉnh các cách tiếp cận của mình để thúc đẩy tính hòa hợp.
- Sự phức tạp ngày càng tăng: Ngày nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với sự biến thiên không ngừng. Khả năng suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ và thách thức các giả định giúp các nhà lãnh đạo có vị thế tốt để điều hướng các kịch bản phức tạp nhằm khai phá các cơ hội phát triển và tạo ra kết quả mong muốn.
- Tiến bộ công nghệ: Tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng đòi hỏi những người nhanh nhẹn và thích nghi để dẫn đầu. Những người coi trọng sự sáng tạo coi những thay đổi như vậy là cơ hội để cải thiện hiệu quả và năng suất, cũng như là con đường để khám phá và đổi mới.
- Nhấn mạnh vào sự đổi mới: Duy trì khả năng cạnh tranh có nghĩa là đổi mới liên tục. Khả năng đổi mới và tạo ra các giải pháp mới giữ vai trò quan trọng để chạm đến thành công. Các nhà lãnh đạo sáng tạo thường xuyên khuyến khích các thành viên tiếp cận các thách thức từ nhiều góc độ khác nhau – và thách thức những gì có thể làm tốt hơn.
- Thay đổi kỳ vọng: Ngày nay, người lao động coi trọng sự linh hoạt, sáng tạo và mục đích hơn bao giờ hết. Để thu hút thế hệ người lao động mới này, các nhà lãnh đạo cần thúc đẩy môi trường làm việc phù hợp với các giá trị đó. Những giá trị này có thể được biểu hiện qua việc giao tiếp cởi mở, hợp tác và học tập liên tục.
- Quyền hạn để trao quyền: Các nhà lãnh đạo truyền thống ưu tiên dùng quyền hành để hoàn thành công việc. Ngược lại, lãnh đạo sáng tạo thiên về trao quyền cho các thành viên trong đội nhóm. Việc này bao gồm tạo động lực và truyền cảm hứng cho đội ngũ để khai phóng tiềm năng của họ để đạt hiệu suất cao.
Lợi ích của việc trở thành nhà lãnh đạo sáng tạo
- Động cơ đổi mới: Các nhà lãnh đạo sáng tạo là nam châm thu hút những quan điểm mới mẻ và các giải pháp phi truyền thống. Họ thách thức các giả định, khuyến khích thử nghiệm và thúc đẩy một môi trường nơi sự đổi mới phát triển mạnh mẽ. Qua đó phát triển tiềm năng của các sản phẩm, dịch vụ và quy trình mang tính đột phá giúp tổ chức có lợi thế cạnh tranh.
- Sức mạnh giải quyết vấn đề: Thế giới luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ. Các nhà lãnh đạo sáng tạo, với tư duy nhanh nhẹn và khả năng nhìn nhận mọi thứ từ nhiều góc độ khác nhau, rất giỏi trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp theo những cách sáng tạo. Trong khi những người khác thấy bế tắc, họ có thể tìm ra các giải pháp tối ưu, thúc đẩy nhóm và tổ chức tiến lên phía trước.
- Chuyên gia truyền động lực: Các nhà lãnh đạo sáng tạo là những người kể chuyện đầy nhiệt huyết, có thể vẽ nên một viễn cảnh hấp dẫn về tương lai và khơi dậy trí tưởng tượng của những người xung quanh. Sự nhiệt tình dễ lây lan này giúp lực lượng lao động gắn kết và có động lực hơn, thúc đẩy năng suất cao hơn và sự hài lòng tổng thể.
- Nam châm thu hút tài năng: Những cá nhân sáng tạo bị thu hút bởi những nhà lãnh đạo coi trọng quan điểm độc đáo của họ và trao quyền cho họ để suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ. Bằng cách nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, bạn trở thành nam châm thu hút những nhân tài hàng đầu, mang lại cho tổ chức lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường việc làm.
- Sáng tạo trong xây dựng thương hiệu: Trong một thế giới đầy sự trùng lặp, sự khác biệt là điều khiến bạn nổi bật. Các nhà lãnh đạo sáng tạo có thể truyền cá tính cho thương hiệu của họ, phát triển các chiến lược tiếp thị độc đáo và kể những câu chuyện hấp dẫn đầy tính thuyết phục. Điều này xây dựng lòng trung thành với thương hiệu, thu hút khách hàng mới và thúc đẩy thị phần của doanh nghiệp.
- Phát triển cá nhân và sự nghiệp: Lãnh đạo sáng tạo là hành trình học hỏi liên tục và tự khám phá. Bằng cách bước ra khỏi vùng an toàn, thử nghiệm những ý tưởng mới và thử thách bản thân, bạn sẽ phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp có lợi cho bạn cả về mặt cá nhân và sự nghiệp.
Mô hình lãnh đạo sáng tạo
Để xây dựng một chiến lược lãnh đạo sáng tạo thành công, không chỉ là nảy ra một số suy nghĩ “sáng tạo” đơn thuần mà cần phải xây dựng một khung và mô hình cụ thể để dẫn dắt việc thực hành đồng thời mở khóa tiềm năng đổi mới của đội nhóm. Sau đây là một số cách tiếp cận phổ biến:
4C của Lãnh đạo sáng tạo:
- Curiosity (Tò mò): Nuôi dưỡng khát khao ý tưởng mới, khuyến khích đặt câu hỏi và đón nhận sự khám phá.
- Courage (Can đảm): Chấp nhận rủi ro, thử nghiệm và đừng ngại thách thức hiện trạng.
- Collaboration (Hợp tác): Nuôi dưỡng tinh thần làm việc nhóm, coi trọng sự đa dạng quan điểm và tạo ra không gian an toàn cho giao tiếp cởi mở.
- Connection (Kết nối): Xây dựng lòng tin, sự đồng cảm và mối quan hệ bền chặt với đội nhóm để truyền cảm hứng và tạo động lực cho họ.
Ba giai đoạn của Lãnh đạo sáng tạo:
- Cá nhân sáng tạo: Phát triển các kỹ năng sáng tạo và tư duy của riêng bạn thông qua việc phản tư, học hỏi và đón nhận những thách thức mới.
- Đội nhóm sáng tạo: Nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo trong nhóm của bạn bằng cách đặt ra các mục tiêu rõ ràng, cung cấp nguồn lực và xóa bỏ rào cản đối với sự đổi mới.
- Doanh nghiệp sáng tạo: Lồng ghép sự sáng tạo vào cấu trúc tổ chức của bạn thông qua các chiến lược lãnh đạo, hệ thống khen thưởng và môi trường tương trợ.
Mô hình Bước nhảy sáng tạo:
- Tầm nhìn: Nêu rõ tầm nhìn hấp dẫn về tương lai, truyền cảm hứng và thúc đẩy nhóm của bạn.
- Chuẩn bị: Đặt ra các mục tiêu rõ ràng, tập hợp nguồn lực và đảm bảo nhóm của bạn sẵn sàng để giải quyết thách thức.
- Cảm hứng: Tạo ra một môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, bao gồm giao tiếp cởi mở, hợp tác và chấp nhận rủi ro.
- Đổi mới: Đưa ra và khám phá những ý tưởng mới, thách thức các giả định và thử nghiệm các phương pháp tiếp cận đa dạng.
- Triển khai: Đưa những ý tưởng tốt nhất vào thực thi, vượt qua các trở ngại và thích ứng khi cần thiết.
- Tuyên dương: Ghi nhận và tuyên dương những thành công, học hỏi từ những thất bại và tạo động lực cho những nỗ lực trong tương lai.
Mô hình SPARK:
- Stimulate (Kích thích): Khuyến khích đặt câu hỏi, khám phá và thử nghiệm.
- Provoke (Khơi gợi): Thách thức các giả định, phá vỡ các rào cản và đón nhận các quan điểm đa dạng.
- Accelerate (Tăng tốc): Cung cấp các nguồn lực, xóa bỏ các rào cản và trao quyền cho nhóm của bạn hành động.
- Refine (Tinh chỉnh): Thu thập phản hồi, lặp lại các ý tưởng và học hỏi từ những thành công và thất bại.
- Keep going (Tiến tới): Duy trì động lực, ăn mừng tiến trình và thúc đẩy chu kỳ sáng tạo liên tục.
5 đặc điểm chính của lãnh đạo sáng tạo
Tầm nhìn
Các nhà lãnh đạo sáng tạo là những người sở hữu tư duy “nhìn xa trông rộng”. Họ truyền cảm hứng cho người khác bằng tầm nhìn lớn lao về tương lai. Điều này bao gồm việc nhìn xa hơn tầm nhìn ngắn hạn – và hình dung ra một tương lai thúc đẩy người khác biến viễn cảnh thành hiện thực.
Peter Drucker, chuyên gia quản lý, đã từng nói rằng cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó. Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo có tầm nhìn khiến người khác cùng tin vào một tầm nhìn. Do đó, họ tạo ra tương lai mà họ muốn ngay ở hiện tại. Những nhà lãnh đạo như thế này không dừng lại ở việc thích nghi với tương lai, họ đang tích cực định hình cách thức mọi thứ sẽ diễn ra.
Tư duy chiến lược
Những người thực hành tư duy chiến lược có thể xác định các mô hình, hiểu được các hệ thống và có tầm nhìn xa để thấy được những hậu quả tiềm ẩn. Họ cũng thành thạo trong việc lập kế hoạch và sắp xếp các nguồn lực, con người và ý tưởng để tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng và kết quả.
Một cách để thực hành tư duy đó là chia nhỏ các mục tiêu lớn thành các phần dễ quản lý hơn hoặc các cột mốc. Những mục tiêu nhỏ góp phần hoàn thành mục tiêu lớn.
Khả năng kích hoạt sự sáng tạo
Một nhà lãnh đạo sáng tạo không chỉ là người có sự sáng tạo không thôi. Có nhiều phương pháp và cách tiếp cận mà các nhà lãnh đạo có thể tận dụng để kích hoạt tư duy đổi mới. Tuy nhiên, mục đích vẫn giống nhau, đó là thách thức thực trạng, đặt ra những câu hỏi khó và làm lung lay những giả định phổ biến. Qua đó giúp mọi người cân nhắc các quy trình mới, nghĩ ra các giải pháp khác nhau và phá vỡ cách thức truyền thống vẫn làm.
Một cách để tận dụng sự gián đoạn tích cực là sử dụng coaching đột phá. Các nhà lãnh đạo có thể khơi dậy sự đổi mới nhanh chóng và nâng cao khả năng đưa ra các giải pháp mang tính tư duy tiến bộ. Coaching ở quy mô chiến lược sẽ thu hút mọi người và phát triển một tổ chức có hiệu suất cao để tăng trưởng nhanh chóng. Chỉ các nhà lãnh đạo áp dụng các phương pháp tiếp cận một cách hiệu quả nhằm khơi dậy tư duy đổi thì mới có thể giải phóng tiềm năng của nhóm mình để mở khóa các giải pháp đột phá.
Thích nghi
Khả năng thích nghi hoặc sự linh hoạt là một phẩm chất cốt lõi khác của các nhà lãnh đạo sáng tạo. Trong môi trường kinh doanh biến động liên tục, họ phải chứng minh khả năng thích nghi để thay đổi và điều hướng sự hỗn loạn. Bằng cách đón nhận thông tin, thách thức và cơ hội mới, họ vẫn duy trì khả năng làm việc hiệu quả ngay cả khi chịu áp lực khắt khe nhất.
Khi mọi người tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt, họ có nhiều khả năng học các quy trình mới và phát triển để thích nghi với những thay đổi liên tục. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo thể hiện khả năng thích nghi sẽ truyền cảm hứng cho nhóm của họ trở nên kiên định và linh hoạt, thúc đẩy văn hóa kiên định để phát triển trong thời kỳ khó khăn.
Thấu cảm trong quan hệ
Các nhà lãnh đạo cần có khả năng thấu cảm để hiểu thấu và đánh giá đúng các quan điểm và ý tưởng khác nhau từ những người xung quanh. Các nhà lãnh đạo lay động đồng sự của mình bằng sự quan tâm và chân thành, bày tỏ sự thấu cảm qua việc tri nhận cảm xúc và khó khăn cá nhân của từng người. Từ đó tạo ra một môi trường mà mọi người đều cảm thấy được coi trọng và lắng nghe.
Bằng cách thực hành thấu cảm, các nhà lãnh đạo nuôi dưỡng một cộng đồng nơi mỗi thành viên cảm thấy mình là một phần không thể thiếu trong thành công chung. Khi làm như vậy, mọi người cảm thấy an toàn và cởi mở để đưa ra các giải pháp sáng tạo và toàn diện. Các thành viên trong nhóm an toàn có nhiều khả năng tham gia vào các cuộc đối thoại cởi mở, các buổi brainstorm và giải quyết vấn đề theo nhóm – những yếu tố rất quan trọng cho quá trình sáng tạo.
Kỹ năng lãnh đạo sáng tạo
Tò mò
Tò mò là nền tảng của lãnh đạo sáng tạo, là động lực thúc đẩy cách tiếp cận cởi mở và ham học hỏi. Không chỉ đơn thuần là ham học hỏi, nó còn bao gồm việc chủ động tìm kiếm những khả năng mới, đón nhận điều chưa biết và đặt nghi vấn về các giả định.
Một nhà lãnh đạo ham học hỏi liên tục tìm cách nâng cao kiến thức, thúc đẩy môi trường khuyến khích khám phá và tôn vinh những ý tưởng mới lạ.
Trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng không chỉ là sự mơ mộng; đó là kỹ năng cho phép một người tạo ra những tầm nhìn hấp dẫn về tương lai và truyền đạt chúng một cách hiệu quả. Các nhà lãnh đạo sáng tạo có khả năng tận dụng trí tưởng tượng để vượt ra khuôn khổ, hình dung ra những viễn cảnh mà người khác có thể bỏ qua. Bằng cách khéo léo diễn đạt những tầm nhìn này, họ truyền cảm hứng và thúc đẩy đội nhóm của mình, tạo ra ý thức chung về mục đích thúc đẩy mọi người hướng tới sự đổi mới và xuất sắc.
Giải quyết vấn đề
Các nhà lãnh đạo sáng tạo xuất sắc trong việc giải quyết vấn đề bằng các phương pháp tiếp cận đa chiều. Họ phân tích các thách thức từ nhiều góc độ khác nhau, sử dụng tư duy phản biện để đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của các giải pháp tiềm năng. Kỹ năng này đảm bảo rằng họ có thể kiểm soát sự phức tạp và đưa ra quyết định sáng suốt cân bằng giữa rủi ro và lợi ích.
Hợp tác
Hợp tác trong lãnh đạo sáng tạo không chỉ giới hạn ở làm việc nhóm; nó bao gồm việc đón nhận các quan điểm đa dạng và xây dựng một nền văn hóa coi trọng từng đóng góp. Hợp tác hiệu quả tạo điều kiện cho sự giao thoa các ý tưởng, tạo ra một môi trường năng động, nơi sự đổi mới phát triển mạnh mẽ.
Các nhà lãnh đạo sáng tạo tích cực xây dựng lòng tin và mối quan hệ, đảm bảo rằng đội nhóm của họ cảm thấy được trao quyền để chia sẻ ý tưởng, cung cấp phản hồi và cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung.
Thử nghiệm
Thử nghiệm không chỉ là thử và sai; đó là một cách tiếp cận có hệ thống để thử nghiệm và học hỏi từ những ý tưởng mới. Các nhà lãnh đạo coi trọng thử nghiệm như một phương tiện để xác thực các giả định, tối ưu hóa hiệu suất và thúc đẩy một nền văn hóa coi trọng việc học hỏi thông qua cả thành công và thất bại.
Chấp nhận rủi ro
Đối với những lãnh đạo sáng tạo, việc chấp nhận rủi ro là cần thiết – và thất bại được coi là một cơ hội quý giá để phát triển. Sự can đảm này cho phép họ thích nghi nhanh chóng với những hoàn cảnh thay đổi, dẫn dắt đội nhóm của họ vượt qua những điều không chắc chắn.
Bằng cách thúc đẩy một nền văn hóa khuyến khích chấp nhận rủi ro và thích nghi, các nhà lãnh đạo xây dựng một môi trường cải tiến liên tục và đổi mới phát triển mạnh mẽ.
Tạo ảnh hưởng
Tạo ảnh hưởng là môn nghệ thuật của thuyết phục, thúc đẩy và trao quyền cho người khác để cùng chung tầm nhìn. Các nhà lãnh đạo sáng tạo thành thạo kỹ năng ảnh hưởng để vượt qua sự phản kháng, giành được sự ủng hộ và thúc đẩy sự thay đổi mang tính chuyển đổi. Thông qua giao tiếp hiệu quả, lắng nghe tích cực và hiểu được nhu cầu của đối phương, họ tạo ra một câu chuyện đủ thuyết phục để tạo động lực hành động và gắn kết nhóm với một mục đích chung.
Giao tiếp & Kể chuyện
Các nhà lãnh đạo kỹ năng này truyền đạt tầm nhìn và ý tưởng của họ một cách rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Khả năng kể chuyện của họ cho phép họ thu hút mọi người ở cấp độ cảm xúc, khiến thông điệp của họ trở nên đáng nhớ và truyền cảm hứng hơn.
Thách thức trong lãnh đạo sáng tạo
Thực thi cân bằng
Estele là giám đốc điều hành của một công ty công nghệ cỡ trung. Trong lĩnh vực của mình, cô được biết đến vì cách tiếp cận với tư duy tiến bộ. Trong tổ chức của mình, cô đã giới thiệu thành công một số sản phẩm sáng tạo. Tuy nhiên, khi cô đề xuất một công nghệ mới khác biệt đáng kể so với sản phẩm cốt lõi, hội đồng quản trị và đội của cô đã phản đối.
Lý do khiến họ do dự nằm ở những rủi ro tài chính có thể xảy ra và việc chuyển hướng nguồn lực khỏi những gì có hiệu quả đối với triển vọng rủi ro hơn. Họ lo ngại rằng các sản phẩm hiện có tạo ra nhiều doanh thu nhất sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự thay đổi trọng tâm.
Tiếp nhận mối quan tâm của họ, Ella đã ứng phó với thách thức mới. Trong các cuộc họp, cô tiếp tục nhấn mạnh đến nhu cầu đa dạng hóa các nguồn doanh thu. Cô đã trình bày phân tích thị trường chi tiết và đánh giá rủi ro để xoa dịu mối quan tâm của họ. Cô cũng đáp ứng được mong muốn của hội đồng quản trị qua việc chỉ ra cách sản phẩm mới có thể mở ra các cơ hội thị trường mới và thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Là một nhà lãnh đạo sáng tạo, Ella đã không để sự do dự làm ảnh hưởng đến mình. Thay vào đó, cô đã thử các cách tiếp cận khác nhau để nhận được sự đồng thuận từ đội của mình và hội đồng quản trị. Cuối cùng, cô đã thành công trong việc xác lập tầm nhìn chung với họ. Câu chuyện của cô là một trong nhiều tình huống mà các nhà lãnh đạo phải cân bằng tinh tế giữa việc mở rộng giới hạn và tăng trưởng.
Chống đối sự thay đổi
Dan là giám đốc sáng tạo tại một công ty quảng cáo. Nhận thấy các nhóm ngày càng trở nên tách biệt, anh đã hành động và giới thiệu một quy trình mới để tạo nên sự hợp tác giữa các phòng ban. Tuy nhiên, nhiều thành viên lâu năm trong nhóm tỏ ra hoài nghi và chống đối. Họ đã quen với cách tiếp cận theo thứ bậc và tập trung vào từng phòng ban hơn.
Đón nhận các luồng ý kiến một cách thoải mái, Dan đã thu hẹp quy mô và thay vào đó chuyển sang triển khai thay đổi theo cách tiếp cận dự án thí điểm nhỏ hơn. Điều này cho phép từng nhóm tự mình thấy được lợi ích. Anh cũng cung cấp chương trình đào tạo và hỗ trợ để giảm thiểu sự gián đoạn từ quá trình chuyển đổi.
Khi từng nhóm bắt đầu trải nghiệm những lợi thế của cách tiếp cận mới, bao gồm thời gian xử lý nhanh hơn và khả năng sáng tạo nâng cao, sự chống đối dần giảm đi. Bài học kinh nghiệm của anh nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn, giao tiếp rõ ràng và hỗ trợ để vượt qua sự chống đối thay đổi.
Đọc thêm: Team coaching – Vì sao cần huấn luyện đội nhóm?
Làm thế nào để các nhà lãnh đạo sáng tạo hơn?
Học hỏi từ người khác
Nghiên cứu thói quen và chiến lược của các nhà lãnh đạo sáng tạo thành công cho phép bạn hiểu sâu hơn về quá trình tư duy, phong cách ra quyết định và cách vượt qua thách thức của họ.
- Sách và tiểu sử: Tìm hiểu thêm về họ bằng cách xem tiểu sử của họ. Đọc về cuộc đời của những người như Steve Jobs, Elon Musk và Sheryl Sandberg sẽ cung cấp những bài học giá trị. Những cuốn sách này thường tiết lộ cách những cá nhân đặc biệt này tiếp cận vấn đề, xử lý thất bại và thúc đẩy sự đổi mới trong tổ chức của họ.
- Phỏng vấn và podcast: Nghe các cuộc phỏng vấn và podcast có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo sáng tạo sẽ giúp bạn có cái nhìn trực diện và cá nhân hơn về cách tư duy của họ. Họ có thể trực tiếp chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về cách họ suy nghĩ, trả lời các câu hỏi và xem bối cảnh kinh doanh hiện tại.
- Cơ hội cố vấn: Tìm kiếm sự cố vấn từ một nhà lãnh đạo mà bạn ngưỡng mộ có thể mang lại lợi ích vô cùng lớn. Mentor sẽ cung cấp lời khuyên, hướng dẫn được cá nhân hóa và cơ hội học hỏi từ kinh nghiệm trực tiếp của một ai đó. Điều này có thể thông qua các chương trình cố vấn chính thức hoặc mạng lưới không chính thức.
Thực hành giải quyết vấn đề
Phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo thông qua việc thực hành thường xuyên. Điều này liên quan đến việc suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ để tiếp cận các thách thức từ nhiều góc độ khác nhau.
- Các buổi brainstorm: Việc thường xuyên có các buổi brainstorm với các thành viên trong nhóm có thể tạo ra một môi trường làm việc tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ. Khuyến khích mọi ý tưởng, bất kể chúng có phi thực tế đến đâu, vì điều này rất quan trọng để đưa ra các giải pháp mà chưa ai từng nghĩ đến.
- Lập bản đồ tư duy: Điều này liên quan đến việc lập bản đồ trực quan về một vấn đề và các giải pháp tiềm năng của nó. Nó khuyến khích một cách tiếp cận đa diện có thể kích hoạt các kết nối và ý tưởng có thể không nảy sinh thông qua các phương pháp giải quyết vấn đề thường thấy.
- Tư duy thiết kế: Áp dụng tư duy thiết kế, một phương pháp tập trung vào việc thấu cảm với người dùng, đưa ra ý tưởng, tạo mẫu và thử nghiệm. Cách tiếp cận này hiệu quả để phát triển các sản phẩm, dịch vụ và quy trình sáng tạo.
Cân bằng giữa sáng tạo và tính thực tế
Sáng tạo là điều cần thiết cho sự đổi mới, nhưng nó phải cân bằng với tính thực tế. Điều này rất quan trọng để đảm bảo rằng tất cả các sáng kiến đều khả thi và phù hợp với các mục tiêu của tổ chức.
- Phân tích mức độ khả thi: Khi một ý tưởng mới được đề xuất, hãy tiến hành phân tích mức độ khả thi kỹ lưỡng. Điều này bao gồm việc đánh giá các nguồn lực cần thiết, lợi tức đầu tư tiềm năng và các rủi ro liên quan.
- Sự phù hợp với các mục tiêu kinh doanh: Đảm bảo các ý tưởng sáng tạo phù hợp với các mục tiêu của tổ chức – và ngay cả những dự án sáng tạo nhất cũng đóng góp vào kết quả và thành công chung của công ty. Cũng đừng quên đánh giá các rủi ro liên quan. Mặc dù có một số mức độ rủi ro trong đổi mới, nhưng việc hiểu và lập kế hoạch cho các rào cản tiềm ẩn sẽ giúp đưa ra quyết định sáng suốt.
- Cân bằng các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn: Một số ý tưởng có thể mang lại lợi ích dài hạn, nhưng điều quan trọng là phải cân bằng chúng với các nhu cầu ngắn hạn của doanh nghiệp. Điều này có thể liên quan đến việc ưu tiên các dự án hoặc tìm cách thu được lợi nhuận ngắn hạn từ các sáng kiến dài hạn.
Nguyên tắc của Lãnh đạo sáng tạo
Lãnh đạo sáng tạo giống như lèo lái một con thuyền trên vùng biển chưa được khám phá – đòi hỏi tầm nhìn, lòng dũng cảm và một bộ nguyên tắc chỉ đạo để ứng phó những điều chưa biết và chạm đến những chân trời mới. Đối với những người mong muốn áp dụng phong cách quản lý như vậy, đây là một số điều quan trọng cần ghi nhớ:
- Tôn trọng sự tò mò và cởi mở: Học hỏi suốt đời, luôn tìm kiếm kiến thức và góc nhìn mới. Khuyến khích đặt câu hỏi, thử nghiệm và khám phá những ý tưởng đa dạng.
- Nuôi dưỡng tư duy có tầm nhìn xa: Vẽ ra một bức tranh rõ ràng về tương lai mong muốn của bạn, truyền cảm hứng cho những người khác cùng bạn trên hành trình của mình. Thách thức hiện trạng và hình dung ra những khả năng vượt ra ngoài những hạn chế hiện tại.
- Đề cao sự hợp tác và làm việc nhóm: Sáng tạo phát triển mạnh mẽ trong những môi trường đa dạng. Vì vậy, hãy ưu tiên xây dựng các nhóm mạnh mẽ, nơi mọi người cảm thấy được coi trọng và có quyền đóng góp tài năng độc đáo của mình. Cố gắng hết sức để thúc đẩy giao tiếp cởi mở và phá vỡ các rào cản.
- Tin tưởng và trao quyền: Quản lý vi mô kìm hãm sự sáng tạo. Trao quyền làm chủ và quyền tự chủ cho nhóm của bạn, cung cấp các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết để bứt phá. Cùng nhau ăn mừng thành công và học hỏi từ những thất bại.
- Thúc đẩy sự an toàn về mặt tâm lý: Đảm bảo rằng mọi người cảm thấy thoải mái khi chấp nhận rủi ro, tự do thể hiện bản thân và mắc lỗi mà không sợ bị phán xét.
- Chấp nhận rủi ro và thử nghiệm: Sự đổi mới hiếm khi diễn ra trong vùng an toàn. Khuyến khích rủi ro được tính toán, thử nghiệm và học hỏi từ những thất bại.
- Tôn vinh sự độc đáo và đa dạng: Các quan điểm khác nhau thúc đẩy sự sáng tạo. Do đó, hãy nhắc nhở bản thân luôn coi trọng sự hòa hợp cũng như nền tảng, kinh nghiệm và cách suy nghĩ đa dạng.
- Lãnh đạo thấu cảm và chân thực: Kết nối với nhóm của bạn để hiểu nhu cầu và nguyện vọng của họ. Hãy chân thành và minh bạch trong giao tiếp để xây dựng lòng tin và sự tôn trọng.
- Liên tục học hỏi và thích nghi: Thế giới không ngừng thay đổi và khả năng lãnh đạo của bạn cũng vậy. Hãy cởi mở với phản hồi, nắm bắt các cơ hội học tập mới và điều chỉnh cách tiếp cận của bạn khi cần.
Đọc thêm: 12 nguyên tắc lãnh đạo vàng cho cấp quản lý thời nay
Các câu hỏi coaching để nâng cao khả năng lãnh đạo sáng tạo
- Bạn có thể áp dụng những cách tiếp cận nào để thúc đẩy tư duy sáng tạo?
- Bạn có thể làm gì để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả và sáng tạo hơn?
- Những mô thức chính nào góp phần vào kết quả của tổ chức?
- Làm thế nào để bạn có thể khuyến khích người khác áp dụng tư duy và cách tiếp cận sáng tạo?
- Làm thế nào để bạn có thể tận dụng các quan điểm đa dạng để nâng cao khả năng sáng tạo và đổi mới?
Ví dụ về thực hành lãnh đạo sáng tạo
Công ty: Acme Bicycle, một nhà sản xuất đang gặp khó khăn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nước ngoài.
Lãnh đạo truyền thống: John, một giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm, nhấn mạnh vào hiệu quả và cắt giảm chi phí, bám vào các phương pháp sản xuất cũ và phản đối tự động hóa. Doanh số giảm và tinh thần của nhân viên sa sút.
Lãnh đạo sáng tạo: Maria, một ngôi sao đang lên nổi tiếng với những ý tưởng sáng tạo, gia nhập nhóm. Cô đề xuất đầu tư vào công nghệ in 3D để tùy biến khung xe đạp, tạo ra các sản phẩm thích hợp cho các thị trường chưa được phục vụ đầy đủ.
Phương pháp quản lý của Maria:
- Tận dụng sự sáng tạo: Maria tổ chức các buổi brainstorm với nhiều nhóm khác nhau, bao gồm các kỹ sư, nhà thiết kế và thậm chí là bộ phận tiếp thị. Họ bỏ qua các thiết kế xe đạp thông thường và tạo ra các mẫu xe nguyên mẫu độc đáo cho xe đạp leo núi, xe chở hàng và xe đi lại trong thành phố.
- Đổi mới và đột phá: Maria ủng hộ công nghệ in 3D, thách thức sự hoài nghi ban đầu của John. Phương pháp tiếp cận mới cho phép tạo mẫu nhanh, giảm thiểu chất thải và sản xuất theo yêu cầu, phá vỡ quy trình sản xuất truyền thống.
- Mở ra hướng đi mới: Acme giới thiệu dòng xe đạp tùy biến, nhắm vào các nhóm người dùng cụ thể, với các tính năng như kích thước khung xe thay đổi, các thành phần có thể tháo rời và vật liệu thân thiện với môi trường. Điều này mở ra các phân khúc thị trường mới và làm mới thương hiệu.
- Lãnh đạo bằng việc làm gương: Maria thúc đẩy văn hóa thử nghiệm và chấp nhận rủi ro, khuyến khích nhân viên thách thức hiện trạng và chia sẻ ý tưởng của họ. Cô trở thành người cố vấn và truyền cảm hứng cho những người khác đón nhận sự đổi mới.
Kết quả:
- Doanh số và thị phần của Acme tăng vọt khi xe đạp tùy biến được ưa chuộng. Tinh thần của nhân viên được cải thiện nhờ môi trường làm việc năng động và gắn kết.
- John nhận ra thành công trong cách tiếp cận của Maria và áp dụng các yếu tố lãnh đạo sáng tạo cho các phòng ban khác.
Ví dụ về các nhà lãnh đạo sáng tạo trong thực tế
- Elon Musk: Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Tesla, SpaceX và Neuralink, Elon Musk là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa đã cách mạng hóa các lĩnh vực xe điện, hàng không vũ trụ và giao diện não – máy tính. Ông được biết đến với những mục tiêu táo bạo và đầy tham vọng, chẳng hạn như định cư trên sao Hỏa, tạo ra mạng lưới internet toàn cầu và hợp nhất con người với máy móc. Ông cũng khuyến khích đội ngũ nhân viên của mình thử nghiệm, học hỏi và lặp lại các ý tưởng của họ và thách thức hiện trạng bằng các cách tiếp cận phi truyền thống và mang tính đột phá của mình.
- Jack Ma: Đồng sáng lập và cựu chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba, Jack Ma là một nhà lãnh đạo lôi cuốn đã biến đổi các ngành công nghiệp thương mại điện tử, internet và công nghệ. Ông được biết đến với tinh thần khởi nghiệp, khả năng kiên định trước những thất bại và sự từ chối, cũng như niềm đam mê dành cho giáo dục và trách nhiệm xã hội.
- Bill Gates: Đồng sáng lập Microsoft và đồng chủ tịch của Quỹ Bill & Melinda Gates, Bill Gates là một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng đã định hình các lĩnh vực phần mềm, máy tính cá nhân và hoạt động từ thiện. Ông được biết đến với trí thông minh, sự tò mò và động lực đầu tư vào các ý tưởng/giải pháp sáng tạo có thể giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách nhất.
- Steve Jobs: Đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành của Apple và Pixar, Steve Jobs là một nhà lãnh đạo huyền thoại đã để lại di sản trong các lĩnh vực điện tử gia dụng, đồ họa và thiết kế. Ông được biết đến với sự sáng tạo, trực giác và nỗi ám ảnh về chất lượng và sự xuất sắc – những điều đã giúp ông tạo ra một nền văn hóa đổi mới trong các tổ chức của mình.
- Walt Disney: ông là nhà lãnh đạo tiên phong có ảnh hưởng đến các lĩnh vực giải trí, hoạt hình và công viên giải trí. Ông được biết đến với trí tưởng tượng, khả năng kể chuyện và tinh thần lạc quan. Trong cuộc sống, ông liên tục khuyến khích các cộng sự của mình theo đuổi ước mơ, thử nghiệm các công nghệ và kỹ thuật mới và tạo ra những trải nghiệm kỳ diệu cho khán giả của họ.
Danh ngôn về lãnh đạo sáng tạo
Bạn không thể cạn kiệt sự sáng tạo. Bạn càng sáng tạo, bạn càng có nhiều hơn.
Maya Angelou
Sáng tạo là trí thông minh chứa đựng niềm vui.
Albert Einstein
Vai trò của một nhà lãnh đạo sáng tạo không phải là có tất cả các ý tưởng; mà là tạo ra một nền văn hóa nơi mọi người đều có thể có ý tưởng và cảm thấy rằng chúng được coi trọng.
Ken Robinson
Đổi mới chỉ ra đâu là người lãnh đạo và người cộng sự.
Steve Jobs
Sáng tạo là nghĩ ra những điều mới. Đổi mới là làm những điều mới.
Theodore Levitt
Vũ khí mạnh nhất trên trái đất là tâm hồn con người đang cháy bùng nhiệt huyết.
Ferdinand Foch
Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là phát minh ra nó.
Alan Kay
Cách duy nhất để khám phá ra giới hạn của điều có thể làm là vượt qua chúng để tiến tới điều không thể làm.
Arthur C. Clarke
Câu nói nguy hiểm nhất trong ngôn ngữ là, ‘Chúng tôi luôn làm theo cách này.’
Grace Hopper
Bí quyết của sự thay đổi là tập trung toàn bộ năng lượng của bạn, không phải vào việc chống lại cái cũ, mà là vào việc xây dựng cái mới.
Socrates
Sách về lãnh đạo sáng tạo
- Creativity, Inc.: Overcoming the Unseen Forces That Stand in the Way of True Inspiration của Ed Catmull và Amy Wallace. Cuốn sách này là một câu chuyện hấp dẫn về cách Pixar Animation Studios trở thành một trong những công ty thành công và sáng tạo nhất trên thế giới. Trong cuốn sách, độc giả có thể khám phá ra các nguyên tắc và thực hành giúp nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo và hợp tác – và cách các nhà lãnh đạo có thể vượt qua những trở ngại/thách thức chung cản trở sự đổi mới.
- The Coaching Effect: What Great Leaders Do to Increase Sales, Enhance Performance, and Sustain Growth của Bill Eckstrom và Sarah Wirth. Dựa trên nhiều năm nghiên cứu về hàng nghìn tương tác tại nơi làm việc, tác phẩm của Eckstrom dẫn ra danh sách các đặc điểm/hành vi chung của những người hướng dẫn tuyệt vời. Cuốn sách cũng đưa ra lời khuyên về cách làm theo những ví dụ này – và trình bày quy trình bốn bước để dẫn dắt hành trình phát triển của bạn.
- Creativity: Skills That Drive Change của Gerard J. Puccio, Marie Mance và Mary C. Murdock. Một tài liệu toàn diện và sâu sắc trả lời những câu hỏi phổ biến nhất về lãnh đạo sáng tạo – bao gồm cách tạo ra nó, lợi ích và kết quả là gì, cách liên kết nó với hiệu suất kinh doanh của bạn, cách đo lường ROI và cách làm cho nó bền vững. Ngoài ra, cuốn sách cũng đi vào các nghiên cứu tình huống, ví dụ và khuôn khổ để giúp triển khai trong tổ chức của bạn.
Khám phá các giải pháp đào tạo lãnh đạo sáng tạo của ITD World
Tại ITD World, chúng tôi cung cấp nhiều giải pháp lãnh đạo sáng tạo vượt ra ngoài các phương pháp truyền thống. Các chương trình phát triển tư duy lãnh đạo của chúng tôi kết hợp nhiều phương pháp khác nhau khuyến khích người tham gia tiếp cận các thách thức với góc nhìn sáng tạo và lấy con người làm trung tâm. Các phương pháp này bao gồm các hoạt động như brainstorm, tạo mẫu, thúc đẩy văn hóa coaching & mentoring, thử nghiệm và giải quyết vấn đề sáng tạo.
Bằng cách lựa chọn các giải pháp tùy biến của chúng tôi, các doanh nghiệp có cơ hội trang bị cho các nhà lãnh đạo của mình những kỹ năng và tư duy cần thiết để đón nhận sự thay đổi, thách thức hiện trạng và thúc đẩy tư duy đột phá trong đội ngũ.
Liên hệ ITD World để được tư vấn miễn phí ngay!
Bài viết gốc
Creative Leadership: Trigger Innovative Approaches for Results. https://itdworld.com/blog/leadership/creative-leadership/.
Có thể bạn quan tâm:
- Lãnh đạo tạo ảnh hưởng: Bệ phóng cho thành công của doanh nghiệp
- Lãnh đạo tồi & yếu kém: Vấn nạn của doanh nghiệp
- Phong cách lãnh đạo huấn luyện: Bí quyết quản trị bền vững
ITD Vietnam Center for Management Development (VNCMD) là chi nhánh tại Việt Nam của ITD World – với hơn 35 năm kinh nghiệm đào tạo Coaching, Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia tại hơn 80 nước trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 028 3825 8487, email itdvietnam@vncmd.com/ itdhcmc@itdworld.com, hoặc kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội.
BẠN THẤY BÀI VIẾT HỮU ÍCH? CHIA SẺ NGAY!